Saturday, January 19, 2019

ẨN SỐ CỦA NHIỀU HẬU HỌA -- REPERCUSSIONS (Phan Thị Phương, Canada)




Phan Thị Phương
Đàn Chim Việt   |    20/01/2019

Chỉ còn mười ngày
Bà Mạnh Vãn Chu bị tư pháp Canada bắt ngày 1/12/2018 tại phi trường Vancouver, theo lệnh truy nã của tư pháp Hoa Kỳ. Thể theo luật dẫn độ của Canada, Hoa Kỳ có 60 ngày để nộp hồ sơ kèm bằng chứng của nghi phạm cho tư pháp Canada. Như vậy, chỉ còn 10 nữa, nhưng Bộ Tư pháp Canada vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì từ Mỹ.

Thứ Sáu, 18/1/2019, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Canada: Chưa nhận được bất cứ một thứ giấy tờ gì. Hạn cuối cùng để nộp hồ sơ dẫn độ là trước nửa đêm ngày 30/1/2019.

Nếu Hoa Kỳ nộp hồ sơ dẫn độ sau 30/1/2019, bà Mạnh sẽ được tuyên tự do sau đó. Các chuyên gia luật pháp, trạng sư của bà Mạnh đang rất phấn khởi trông đợi tư pháp Mỹ nộp hồ sơ chậm.

Theo luật dẫn độ của Canada thì: Kể từ ngày nghi phạm bị bắt, Mỹ có 60 ngày để nộp hồ sơ gồm cả bằng chứng. Canada có 30 ngày để xét hồ sơ, xem bằng chứng mà Mỹ đưa ra để buộc tội bà Mạnh có thuyết phục không.

Bộ Tư pháp Mỹ đang trong tình trạng “đóng cửa” (shutdown of the federal government). Hàng ngàn nhân viên không làm việc hoặc làm việc không lương. Không hiểu Bộ Tư pháp Mỹ có đủ nhân viên để hoàn tất hồ sơ dẫn độ nộp cho Canada trước 30/1/2019.

Gary Botting, trạng sư chuyên về luật dẫn độ tại Vancouver nói rằng Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti nên thả bà Mạnh nếu Mỹ không nộp hồ sơ đúng hạn. Nếu không, truyền thông thế giới sẽ đòi hỏi thực thi đúng luật định. Luật pháp Canada quy định rằng, nếu nguyên đơn không nộp hồ sơ đúng hạn, thì bị đơn sẽ vô tội. Ông yêu cầu đích thân Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti phải thực hiện nghĩa vụ này.

Gary Botting một trong những thành viên trong đội ngũ bào chữa cho bà Mạnh cãi: Đây là vụ án nặng mùi “chính trị” do Mỹ dàn dựng, có khá nhiều khuất tất trong quá trình pháp lý.

Bà Mạnh đang bị quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver. Ngày bà phải hầu tòa đã được ấn định 6/2/2019 tứ là Mồng Hai Tết, Kỷ Hợi.

Luật sư Donald Bayne một chuyên gia lão luyện về dẫn độ, đã chiến thắng nhiều vụ dẫn độ nổi tiếng, đánh giá rằng tư pháp Mỹ thường nộp hồ sơ rất trễ trong giai đoạn 60 ngày, thậm chí vào phút chót. Mỹ thường giấu mặt không bộc lộ ý định, để một mình Canada hứng chịu.

Canada giơ đầu chịu báng  
Sau khi bà Mạnh bị bắt tại Vancouver thì Trung Quốc bắt Michael Kovrig, một nhà ngoại giao Canada đang kỳ nghỉ không lương và Michael Spavor, một doanh nhân với tội danh mơ hồ “gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc.”

Tiếp theo, Trung Quốc phủ thủy từ bản án từ 15 năm tù trở thành tử hình với một công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg.

Tất cả những nhà phân tích phương Tây, những học giả về Trung Quốc, những chuyên gia về luật Trung Quốc đều đánh giá rằng Trung Quốc đang bắt người làm con tin, gây áp lực lớn lên Canada phải thả bà Mạnh.

Donald Clarke giáo sư luật tại Đại học George Washington gọi án tử hình mà Trung Quốc tuyên cho công dân Canada Robert Schellenberg là “Death-threat diplomacy” một kiểu “ngoại giao tử hình.”

Phát ngôn hớ hênh của Trump
Luật sư Canada Donald Bayne cho rằng trường hợp bà Mạnh không kết thúc đơn giản ngay cả khi Hoa Kỳ nộp hồ sơ trễ.

Ông nhắc lại lời của Tổng thống Trump khi trả lời phỏng vấn với Reuters rằng Trump sẽ can thiệp nếu trường hợp bà Mạnh giúp Mỹ thương lượng với Trung Quốc (interfering in Meng’s case if it would help him strike a trade deal with China.)

Đoàn thày cãi của bà Mạnh rất phấn khởi khi có được câu này từ miệng Tổng thống Hoa Kỳ. Họ lên án Mỹ đã biến “con người” vô tội trở thành “con tin” để giành lấy quyền lợi trong các cuộc thương lượng kinh tế, thương mại, và tiền tệ.

Đoàn luật sư của bà Mạnh khai thác tối đa phát ngôn của Tổng thống Trump. Họ cho rằng đó là dấu hiệu rõ ràng Mỹ đã vi phạm nhân quyền mà điều này đối với Canada là cấm kị, là vi hiến, vi phạm pháp luật. Khả năng bà Mạnh được tuyên vô tội là rất cao.

Cả đoàn thày cãi rất hùng hậu của bà Mạnh đang khai thác những lỗi ăn nói hớ hênh của Trump. Họ buộc tội Mỹ âm mưu bắt bà Mạnh để làm “con tin” trong cuộc thương lượng với Trung Quốc mà bằng chứng là lời của Tổng thống Trump. Họ cho rằng đây là dấu hiệu vi phạm nhân quyền rất trắng trợn. Đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Mạnh đang khai thác lợi thế từ lời nói của Trump trên thế mạnh.

Ẩn số của nhiều Hậu họa – Repercussions”
Canada đang trong quá trình, nghiên cứu cân nhắc các giải pháp an ninh để phát triển hạ tầng cho mạng di động Thế hệ 5 (5G). Khác với các quốc gia sử dụng Anh ngữ, Canada vẫn chưa công bố lệnh cấm sản phẩm 5G của Hoa Vi.

Phái đoàn thương thuyết của Trung Quốc vừa đặt chân đến Canada ngày 17/1/2019 ra một thông cáo báo chí rằng: Nếu Canada cấm sản phẩm 5G của Hoa Vi, Canada sẽ lãnh lấy nhiều “Hậu họa – Repercussions.”

Đại sứ Trung Quốc tại Canada, Lư Sa Dã cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Canada nên có một lựa chọn khôn ngoan (a wise decision). Canada đừng có kêu gọi các đồng minh giúp đỡ. Canada không được sử dụng Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos để rêu rao xấu về Trung Quốc, nếu không muốn lãnh lấy “Hậu họa”. Ông nhấn mạnh nhiều lần từ “Hậu họa” qua lời người phiên dịch “there will be repercussions.”

Nếu bà Mạnh bị giao cho tư pháp Mỹ, nếu Canada loại bỏ 5G của Hoa Vi, nếu Canada tiếp tục tìm kiếm giúp đỡ từ các đồng minh, nếu Canada vẫn sử dụng Diễn dàn Kinh tế Thế giới Davos lên án Trung Quốc, thì điều gì sẽ xảy ra.

Đây làm một ẩn số lớn của một phương trình Hậu Họa – repercussions mà các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng nhiều lần trong những ngày gần đây với Canada.

Lưu ý Repercussions được viết dưới dạng số nhiều. Nhiều Hậu họa đang chờ đón Canada từ Trung Quốc.

Thứ Bảy 19/1/2019
Viết từ Vancouver, Canada
Phan Thị Phương




No comments: