Sunday, May 11, 2025

"SỰ VÔ ƠN BẮT ĐẦU KHI LÒNG TỐT BỊ XEM LÀ NGHĨA VỤ" (Thái Hạo / Facebook)

 



“Sự vô ơn bắt đầu khi lòng tốt bị xem là nghĩa vụ”  

Thái Hạo

11-5-2025  00:22    

https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/pfbid0yL2xfv2eDztYo3nDzLS145ANp4H5dojf8oJdqPn8cYFvF3vMSzMbhoZnYvWG3SiTl

 

Mấy hôm nay thấy nhiều người chia sẻ câu này. Cũng đúng, nhưng xin bàn thêm.

Lòng biết ơn chỉ nên được nhắc tới bởi người chịu ơn; còn khi làm việc tốt mà đi kể ơn và đòi báo ơn, thì nó không còn là lòng tốt nữa, hay ít nhất đã mất đi quá nửa. Trong tình huống ấy, có lẽ anh ta nên chọn cách sòng phẳng thì hay hơn: coi đó là một giao dịch hoặc hợp đồng “tiền trao cháo múc”.

 

Một xã hội mà ai cũng mang tâm thế ban ơn thì xã hội ấy khó mà phát triển được. Tại sao cha mẹ lại nghĩ rằng việc nuôi con là "lòng tốt" và con cái phải mang ơn mình, mà không nhận thức rằng nghĩa vụ hiển nhiên của mình là nuôi và dạy con cho nên người khi đã quyết định đẻ chúng ra? Nếu định kể ơn thì có lẽ ngay từ đầu đừng nên sinh đẻ làm gì. Cũng thế, công việc của thầy giáo là [nhận lương và] dạy dỗ học trò cho tròn trách nhiệm của một nhà giáo dục, sao lại kể ơn? Chữa bệnh là nhiệm vụ của bác sĩ, sao lại tự coi rằng mình đang làm ơn? Một cán bộ công chức nghiễm nhiên phải làm công việc theo đúng vị trí và vai trò của mình, sao lại nghĩ rằng ban ơn?

 

Đi đường gặp một vụ tai nạn và cứu giúp, đừng nghĩ là mình đang ban ơn, vì đó là một ý nghĩ hạ thấp giá trị con người, nó biến một hành động tự nhiên vốn dùng để định nghĩa chữ “người” thành một cái gì đó hoàn toàn bất thường. Thấy một người bị bắt nạt và chịu oan khuất mà tảng lờ đi qua, đó không phải là sự khôn ngoan, ngày mai bất công sẽ đến với anh. Thêm nữa, trong Phật giáo có khái niệm “bố thí ba-la-mật”, nôm na là làm việc tốt mà không hề động tâm, làm tùy duyên và tự nhiên như hơi thở vậy thôi. Nên làm việc tốt với tâm thế này.

 

Công chức, trong giờ hành chính thì tiếp dân và giải quyết công việc, thầy giáo lên lớp thì tận tâm mà dạy dỗ, bác sĩ đến bệnh viện thì tận tình cứu chữa, người dân thấy sai thì nhiệt tình mà lên tiếng; khi xã hội hòa bình thì cùng nhau xây dựng, có chiến tranh thì tự nguyện ra chiến trường để bảo vệ đất nước…, tức là bảo vệ cuộc sống cho mình và con cháu mình về sau. Đừng kể ơn.

 

Tâm lý ban ơn, một mặt dễ đẩy con người vào sự thất vọng nếu sự đền đáp không được như mong đợi; mặt khác, tệ hơn, là khiến họ không thấy được nghĩa vụ tất yếu của mình đối với cái xã hội mà họ đang sống.

 

Một xã hội mà mỗi người đều chỉ chăm chắm lo cho thân mình, ngoài ra, mọi sự mọi việc khác đều chẳng liên quan, thì sớm muộn gì chính họ cũng sẽ phải sống trong ô nhiễm, đè nén, bất công.

 

Theo tôi, cả đối với cá nhân lẫn xã hội, nhận thức về trách nhiệm/ nghĩa vụ là điều quan trọng hơn tâm lý về sự biết ơn. Chắc chắn rằng ở đâu mà mỗi người đều sống có trách nhiệm thì ở đó xã hội sẽ tốt đẹp, phát triển, và văn minh.

 

Việc đòi hỏi ở chính mình và người khác luôn phải thực hiện trách nhiệm sẽ tạo ra một xã hội bình đẳng, lành mạnh, hiện đại và tiến bộ. Cha mẹ có trách nhiệm sẽ làm hết sức, bác sĩ có trách nhiệm sẽ làm hết lòng, công chức có trách nhiệm sẽ làm hết việc, người dân có trách nhiệm sẽ làm hết ý…, mà không chờ đợi ai phải biêt ơn, mang ơn cả. Chờ đợi như thế, người ta dễ hiểu lầm và không làm gì nữa cả, nếu như chưa thấy đối phương thể hiện “lòng biết ơn”. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân đã sinh ra nạn biếu xén, quà cáp, vòi vĩnh?

 

Cái thiếu thốn nhất về mặt đạo đức của xã hội Việt Nam, theo quan điểm của Phan Châu Trinh, là ý thức công lợi. Tức ý thức về cái lợi chung, ý thức về trách nhiệm đối với người khác, với nơi mình sống, với xã hội mình thuộc về… Chính sự thiếu thốn này đã sinh ra và thổi bùng lên một thứ tâm lý vị kỷ, ích kỷ, “ai chết mặc ai, phải ai tai nấy”. Và xã hội bị bỏ mặc, cái xấu cái ác lên ngôi. Mỗi người, thay vì chung tay góp tiếng để làm sạch và xây dựng một môi trường sống lành mạnh, tử tế, công bằng, thì họ quay vào tự vun vén cho mình, coi việc có được một căn nhà sạch sẽ giữa bãi rác là khôn ngoan, là thức thời, vì “ta chả dại!”.

 

Tóm lại, tâm lý đòi trả ơn làm cho con người nhỏ bé lại, thậm chí còn sinh ra thói khôn lỏi, vô cảm, và khiến họ bất hạnh. Quan trọng hơn, thay bằng xây dựng xã hội trên nền tảng của sự biết ơn thì nên kiến thiết nó dựa trên tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của công chức, trách nhiệm của thầy giáo, trách nhiệm của người dân. Ai ở đúng vị trí của người ấy và hoàn thành vai trò của mình.

 

“Tôi luôn biết ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè, tiền nhân…, nhưng đó là tình cảm của tôi, tự nhiên và không ai đòi hỏi [được]. Mặt khác, tôi cũng không vì thế mà nô lệ vào tất cả những điều ấy. Làm một người tự do và sống có trách nhiệm, đó là cách gián tiếp để tôi trả ơn cho tất cả mà không bị trói cột vào những tín điều hủ lậu”.

 

Thái Hạo

 

.

160 BÌNH LUẬN   

 

 

 




No comments: