Chỉ
định nhân sự chủ chốt 34 tỉnh, thành phố, sau sáp nhập sẽ chống được căn bệnh cục
bộ địa phương?
Trần Nhung
29/05/2025
LGT: Việt Nam đang đứng
trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ sau khi ông Tô Lâm, là người từng là Bộ trưởng
Công an khét tiếng cứng rắn với phong trào dân chủ, đang đặt cược sinh mệnh
chính trị của mình vào một ván bài cuối. Sau khi đã “ổn định” trong việc sắp xếp nhân sự thân cận thuộc phe cánh của mình, ông Tô Lâm
bắt đầu thực hiện những thay đổi mang tính “cách mạng” so với những
bậc tiền nhiệm. Những quyết định của ông gần đây được một số nhà quan sát cho rằng,
ông là người nhạy cảm chính trị, có tham vọng, có tinh thần và quyết tâm cải cách mạnh mẽ.
Nếu
đúng như vậy, ông Tô Lâm và ê-kíp của ông còn nhiều việc quan trọng cần phải
làm, như việc sửa đổi (hoặc thay đổi) Hiến pháp theo tinh thần dân chủ, văn
minh hơn. Tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương,
có thể theo mô hình liên bang, tức là trao nhiều quyền tự trị cho chính quyền địa
phương. Song song đó là việc thay đổi cách lựa chọn nhân sự đứng đầu địa
phương, để bảo đảm được tiêu chí tài – đức.
Tại
sao lại phải thay đổi cách lựa chọn người đứng đầu địa phương? Lấy ví dụ tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Cần Thơ trong nhiệm
kỳ vừa qua, cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh đều dính kỷ luật vì vi phạm pháp
luật và điều lệ đảng. Sau khi sáp nhập ba tỉnh, thành, gồm Cần Thơ, Hậu
Giang và Sóc Trăng, theo chúng tôi được biết, thành phần lãnh đạo thành phố Cần
Thơ đến nay vẫn chỉ là việc đưa nhân sự từ tỉnh này về nắm tỉnh kia, trong khi
vẫn là những con người ấy, vẫn cách làm và tư duy ấy, thì gần như chắc chắn sẽ
không có sự đột phá nào cả. Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã thẳng thắn chỉ trích
thành phố Cần Thơ – nơi ông cũng là Đại biểu Quốc hội – rằng tốc độ
tăng trưởng của thành phố này “không ổn”, “phải rút kinh nghiệm”…
Cần làm
gì để chống căn bệnh cục bộ địa phương? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây
của nhà báo Trần Nhung: “Chỉ định nhân sự chủ chốt 34 tỉnh, thành phố sau sáp
nhập sẽ chống được căn bệnh cục bộ địa phương?”
***
Cuộc
cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính đang diễn ra rất khẩn trương để bảo đảm
chính quyền cấp xã sau sáp nhập hoạt động trước ngày 15 tháng 8 và chính quyền
cấp tỉnh sau sát nhập hoạt động trước ngày 15 tháng 9 năm 2025.
Để
bảo đảm bộ máy Đảng và chính quyền hoạt động đồng bộ, có hiệu quả và hiệu lực
nhất sau sát nhập đi vào hoạt động, cần làm hai việc quan trọng nhất.
Một
là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Hai là công tác nhân sự. Trong đó
công tác nhân sự là quan trọng có tính chất quyết định.
Về
hoàn thiện văn bản pháp luật phải sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi, bổ
sung hoặc bãi bỏ 19.220 văn bản, trong đó có 1.180 văn bản của trung ương và
18.040 văn bản của địa phương.
Về
Hiến pháp phải sửa đổi bổ sung các điều 9 và 10 của Hiến pháp liên quan đến tổ
chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội,
các hội xã hội nghề nghiệp, phải sửa đổi chương 9 về tổ chức chính quyền địa
phương để bảo đảm hình thành hệ thống chính quyền địa phương hai cấp là cấp tỉnh
thành phố và cấp xã.
Việc
hoàn thành Hiến pháp phải xong trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để làm cơ sở pháp
lý thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính
trong toàn quốc. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra sẽ phải thông qua
12 dự án luật và 31 nghị quyết.
Về
công tác nhân sự, Bộ Chính trị đã quyết định việc Trung ương chỉ định 34 Bí thư
Tỉnh ủy và Thành ủy. Thủ tướng Chính phủ chỉ định 34 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
và thành phố. Đây là việc quyết định nhân sự chưa từng có từ trước đến nay, bỏ
qua khâu bầu cử.
Đây
là việc làm cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay để có nhân sự đáp ứng
được yêu cầu rất cao về lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh và thành phố, bởi vì sau
sáp nhập, quy mô của các tỉnh và thành phố sẽ rất lớn, đòi hỏi người lãnh đạo
phải có bản lĩnh năng lực và công tâm, khách quan, mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm
vụ.
Từ
kinh nghiệm thực tiễn của các lần sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước
đây, cho thấy một vấn đề cực kỳ quan trọng là đoàn kết nội bộ, bởi không ít tỉnh
sau khi sáp nhập thì nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự
phát triển về mọi mặt của địa phương. Vì thế trong cuộc sáp nhập các đơn vị
hành chính cấp tỉnh và thành phố lần này thì phải khắc phục được triệt để căn bệnh
cục bộ địa phương. Việc chỉ định Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh và thành phố sẽ có nhiều ưu điểm nổi bật.
Một
là, các nhân sự chủ chốt không phải là người địa phương, do đó không có các mối
quan hệ họ hàng thân quen [để không] dễ bị thao túng quyền lực để [tránh] hình
thành bè phái trong cơ quan lãnh đạo của tỉnh và thành phố.
Hai
là, Bộ chính trị chỉ định Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy sẽ hình thành một đội ngũ
cán bộ chủ chốt của Đảng cùng chí hướng, cùng quyết tâm tạo nên một hệ thống
nhân sự đoàn kết thống nhất từ các cơ quan trung ương đến Tỉnh ủy và Thành ủy.
Ba
là, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhân sự Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và
thành phố tạo cho Thủ tướng Chính phủ có quyền hành quyết định để lãnh đạo điều
hành bộ máy chính quyền cấp tỉnh.
Bốn
là, bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp
tỉnh thì vai trò người đứng đầu rất quan trọng và có tính quyết định, bảo đảm sự
lãnh đạo chỉ đạo điều hành tập trung thống nhất không thể có việc trống đánh
xuôi kèm thổi ngược đã từng diễn ra.
Cuộc
chỉ định nhân sự chủ chốt Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Thành ủy lần này thực sự là
một cuộc sát hạch chính trị cực kỳ nghiêm khắc đối với tất cả các vị Bí thư Tỉnh
ủy và Bí thư Thành ủy đương nhiệm. Thái độ của các vị này trong cuộc sắp xếp tổ
chức lần này sẽ thể hiện bản lĩnh chính trị, tài năng, đạo đức và nhân cách của
mình. Người được tín nhiệm giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy hay Bí thư Thành ủy sẽ
nhận rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để đem hết nhiệt
tình, tâm huyết, trách nhiệm và tài năng để hoàn thành nhiệm vụ. Những vị không
được bố trí công tác cần bình tĩnh yên tâm để đảm nhận một vị trí công tác khác
hoặc về nghỉ, thể hiện trách nhiệm và nhân cách của mình.
Dư
luận cán bộ và Đảng viên đặc biệt quan tâm đến vị trí Bí thư Thành ủy Thành phố
Hà Nội và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh bởi đây là hai vị trí có tầm
quan trọng đặc biệt.
Có
tin ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung
ương, một cộng sự đắc lực và tin cậy của Tổng Bí thư Tô Lâm, sẽ về làm Bí thư
Thành ủy Thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ tạo ra những bước đột phá mới bởi đây là
con người trưởng thành công tác từ cơ sở lên trên ngay tại thủ đô và đã thể hiện
bản lĩnh, tài năng trong các cương vị đã qua. Còn Bí thư thành phố Hồ Chí Minh
có nhiều khả năng sẽ là ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện đang làm Phó Bí thư thường
trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Không
phải ngẫu nhiên mấy tuần qua mặc dù bận rất nhiều công việc trọng đại của Đảng
và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều cuộc làm việc với Ban Tổ chức trung
ương, Ủy ban kiểm tra trung ương và các ban ngành của Trung ương mà nội dung
quan trọng nhất chính là việc tạo ra sự đồng thuận và nhất trí cao nhất để vận
hành bộ máy của Đảng trong cuộc cách mạng về tinh gọn biên chế tổ chức và sáp
nhập đơn vị hành chính trong toàn quốc.
Mọi
việc đã diễn ra và đang diễn ra cho thấy chiều hướng tích cực của cuộc cách mạng
này có thể sẽ bảo đảm thành công tốt đẹp.
No comments:
Post a Comment