Thursday, May 29, 2025

GIÁO DỤC PHẢI TRÁNH GIÁO ĐIỀU và GIẢ DỐI . . . (Thái Hạo | Báo Tiếng Dân)

 



 

Giáo dục phải tránh giáo điều và giả dối…

Thái Hạo

29/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/29/giao-duc-phai-tranh-giao-dieu-va-gia-doi/

 

Thưa các bạn!

 

Sáng qua tôi đăng bài viết “Nhà trường tổ chức lễ tri ân học sinh?”, phê phán về việc sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện và sai nghiêm trọng trên tấm phông “Lễ tổng kết năm học/ Tri ân và trưởng thành học sinh lớp 12” của trường THPT Đô Lương 4 – Nghệ An (Xin xem bài viết ở đây).

 

Đến chiều, thầy giáo phó hiệu trưởng của trường Đô Lương 4 đã gọi điện thoại cho tôi để trao đổi một số ý.

 

Thầy ấy nói rằng, tiết mục văn nghệ “nhảy hiện đại” đang bị cộng đồng chỉ trích là diễn ra sau chương trình chính thức, quan khách đã ra sau sân khấu. Lúc lễ xong rồi thì có hai nữ sinh lên biểu diễn ngẫu hứng cho các bạn xem…

 

Thầy phó hiệu trưởng cũng thừa nhận và thay mặt nhà trường nhận khuyết điểm trong việc thiết kế và trình bày tiếng Việt trên sân lễ, đồng thời nói sẽ rút kinh nghiệm để không lặp lại nữa. Thầy mong muốn tôi gỡ bài, vì nhà trường đang chịu nhiều áp lực…

 

Tôi trao đổi với thầy phó hiệu trưởng rằng, bài đăng của tôi hoàn toàn không nhắm vào tiết mục văn nghệ của hai em nữ sinh kia, tôi chỉ tập trung vào nội dung duy nhất là việc sử dụng tiếng Việt trong môi trường giáo dục hiện nay. Việc tôi lấy hình ảnh là trường THPT Đô Lương 4 cũng chỉ là tình cờ và ngẫu nhiên, tôi hoàn toàn không biết gì về trường này cũng như không có bất kỳ vấn đề gì với nó.

 

Đô Lương 4 chỉ là một ví dụ cho sự dễ dãi, tùy tiện, là minh chứng cho sự xuống cấp trong sử dụng tiếng mẹ đẻ ở ngay trong môi trường giáo dục – nơi phải là mẫu mực và tiên phong trong “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bởi đây là trách nhiệm và sứ mệnh của nó.

 

Tôi cũng trao đổi với thầy hiệu phó rằng, tôi đăng bài không phải chỉ để mong Đô Lương khắc phục và từ nay chú trọng hơn đến tiếng mẹ đẻ, mà như mọi khi, tôi thường chọn lên tiếng trước các vấn đề mang tính xã hội với mong muốn sẽ có một sự thay đổi trên diện rộng về mặt bản chất và có tính hệ thống. Bởi thế, tôi sẽ không gỡ bài cho đến khi vấn đề có sự chuyển biến cơ bản.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/2-39.jpg

Hình ảnh lễ tổng kết của một trường trung học ở Hải Dương. Ảnh trên mạng

 

Nói thêm, mỗi khi “có việc”, thay vì trực tiếp đối diện, công khai và thẳng thắn nhận lỗi và đưa ra cách khắc phục, thì như thường thấy, người ta hay tìm cách “xin gỡ bài”. Tôi nghĩ, các cá nhân, các cơ quan nhà nước hay đơn vị hành chính sự nghiệp, cần thay đổi cái “văn hóa” này.

 

Tôi thấy trường THPT Đô Lương 4 có một trang Page có vẻ được chăm sóc khá tốt, nhà trường nên công khai nhận trách nhiệm ở đó. Tôi tin rằng, với cách làm việc như thế, nhà trường sẽ được học sinh, phụ huynh và cộng đồng tôn trọng bởi sự chân thành, cầu thị và tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của mình – chỉ được chứ không mất mát gì cả.

 

Nhân đây, tiếng Việt – một tài sản quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc, nhưng đang bị coi thường và không được dạy dỗ một cách hiệu quả trong chính các nhà trường, dẫn tới có những biểu hiện rất đáng lo lắng về sự mai một và xuống cấp trong sử dụng, ở cả thầy lẫn trò. Trước khi hô hào và đổ hàng núi tiền vào các đề án ngoại ngữ đầy tham vọng và luôn thất bại như đã thấy, thì nhà nước cần có chiến lược và chính sách mạnh mẽ, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt cho người Việt, không thể để từ nhà trường đến báo chí, sách vở cứ mãi viết và nói sai ngày càng nghiêm trọng như thế được. Đây là vấn đề rất lớn và hệ trọng, phải được quan tâm đặc biệt từ những cấp cao nhất của nhà nước.

 

TB: Riêng về tiết mục văn nghệ của hai nữ sinh, tôi không có ý kiến gì, vì tôi vốn không có định kiến với những gì mới mẻ, cởi mở, hiện đại…, dù tôi hầu như không thích và không xem những nhảy nhót ấy (có lẽ do tôi đã già!). Tuy có thể có những biểu hiện chưa thật phù hợp trong lời bài hát, trong cách ăn mặc, trong sự “bốc lửa”…, nhưng cũng phải thấy rằng, đây là những học sinh mạnh mẽ, tự tin, và đầy năng lượng sống, các em cần được hướng dẫn chứ không nên bị chỉ trích quá đà, khiến các em sợ hãi, trở nên nhút nhát và không dám thể hiện mình nữa.

 

Học sinh lớp 12, tức 18 tuổi, là tuổi đã bước vào giai đoạn trưởng thành, người lớn không nên coi các bạn ấy là những đứa trẻ để phải hát mãi những bài “khi tóc thầy bạc” – dù có thể thầy của các bạn ấy vừa mới ra trường được vài năm! Các em cần được sống thật dưới sự định hướng về phía văn minh – mà ở đây nhà trường chính là nơi phải thực hiện trách nhiệm ấy, chứ không phải một thứ “cảnh sát đạo đức” cấm đoán tất cả những gì không phải “truyền thống”.

 

Quan điểm của tôi là giáo dục phải luôn luôn cập nhật đời sống hiện tại, tránh lạc điệu, lạc hậu, lạc hướng, càng phải tránh sự giáo điều và giả dối. Một sai lầm nhỏ của tuổi trẻ đầy năng lượng còn tốt hơn là sự trung thành vô thức với những giả dối hoặc thứ đã già nua, vô dụng… Một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục đứng vững trên các giá trị cơ bản của văn minh trong khi luôn cùng nhịp đập với hơi thở cuộc sống, nhưng không để mất gốc và trở thành lai căng, kệch cỡm.

Thái Hạo

 

.

259 BÌNH LUẬN  

 

==================================

 

Nhà trường tổ chức lễ tri ân học sinh?  

Thái Hạo

27 tháng 5, 2025  lúc 23:01  

https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/pfbid02EcW9LcZhx4UEtUz6JPANEFCAxECtWUtnjBbwmd3xYH39M3VUKUMdar7yqf1SYY9ml

 

Nhà trường tổ chức lễ tri ân học sinh?

 

Mỗi khi tôi phê phán những tệ lậu và sự xuống cấp trong nền giáo dục, không phải không có những nhà trường hoặc giáo viên cảm thấy tự ái. Nhưng khốn nỗi, biết làm sao được khi ta luôn thấy chúng nhan nhản khắp nơi, từ bản chất cho đến triệu chứng đủ loại. Hình này là tôi vừa chụp lại từ một clip quay phim lễ tổng kết năm học của trường THPT Đô Lương 4 (Nghệ An).

 

“Tri ân, trưởng thành học sinh lớp 12” là cái gì? Nhà trường, nơi dạy chữ cho học trò, mà viết mấy chữ tiếng Việt không nên hồn, trong khi luôn có cả một ban giám hiệu, các tổ chức đoàn đội, lực lượng thầy cô cả trăm người, và ở đó có cả các thầy cô giáo dạy ngữ văn.

 

Nhìn vào tấm phông lớn phía sau 2 nữ sinh, tiêu ngữ là “SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN/ TRƯỜNG THPT ĐÔ LƯƠNG 4”, nghĩa là đây là cái lễ do trường Đô Lương 4 (thuộc Sở GD-ĐT Nghệ An) tổ chức. Và vì thế, buộc phải hiểu rằng trường Đô Lương 4 đang tổ chức cái lễ để tri ân học sinh lớp 12! Còn “trưởng thành học sinh lớp 12” là cái gì, thì tôi chịu!

 

Cứ gõ Google và bấm vào tìm kiếm hình ảnh mà xem, không phải chỉ trường Đô Lương 4 đâu, khắp nơi. Còn nhớ, năm ngoái tôi có đưa hình một trường “Tri ân học sinh lớp 5”! Thực, không hiểu họ nghĩ gì. Đọc tin nhắn của nhiều giáo viên trong các nhóm Zalo mới sợ, không dám nghĩ đến cái tiếng Việt mà họ đã và đang dùng để dạy học trò.

 

Đó là chưa nói tới những bày biện nhiêu khê, hình thức của phong trào “tri ân” từ mẫu giáo đến cấp 3 nở rộ những năm vừa qua. Tôi đã ngồi nhiều ở những cái lễ như thế, lần nào cũng ngượng chín mặt vì sự sáo rỗng lê thê của nó. Đó là chưa kể đến những lùm xùm mà năm nào ta cũng có thể đọc thấy trên báo chí và mạng xã hội về các khoản đóng góp và quà cáp rất ồn ào, thô tháo phía sau cánh gà. Và đó cũng là chưa kể tới những bữa tiệc mặn hàng trăm mâm được tổ chức tại các nhà hàng lớn sau những cái lễ thế này, và thường để lại không ít thị phi, ái ngại.

 

P/S: có thể đoán rằng, trường Đô Lương 4 tổ chức một buổi lễ với 3 nội dụng: lễ tổng kết năm học; lễ tri ân của/cho học sinh; lễ trưởng thành của/cho học sinh. Nhưng, nhà trường với sứ mệnh là nơi luyện người rèn chữ, không thể viết một thứ tiếng Việt lởm khởm như trẻ em tập nói thế được. Còn nếu nhà trường muốn tri ân học sinh thật, thì xin lượng thứ, tôi không dám bàn nữa.

 

Chỉ cần viết “Lễ tổng kết năm học” là đủ, vì trường THPT thì mặc nhiên là có học sinh lớp 12. Trong lễ ấy, các em có thể phát biểu vài lời cảm ơn chân thành, và thầy cô thì có thể thực tâm mà căn dặn các em những điều thiết thực. Xin hãy bớt bày biện hình thức và sự sáo rỗng, chỉ gây tốn kém và làm phát sinh nhiều sự nhiêu khê, trái với không khí lành mạnh, thực chất và trong sáng cần có, phải có của môi trường giáo dục.

Thái Hạo

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1087661063240912&set=a.225469346126759

 

.

437 BÌNH LUẬN

 

 





No comments: