Nhìn
lại phong trào dân chủ Việt Nam, thách thức và triển vọng sau nửa thế kỷ
Nguyễn Tiến Trung
25/05/2025
Lời giới thiệu: Nhân dịp
kỷ niệm 50 năm ngày 30/4/1975 — 30/4/2025, cuối tuần trước tại thành phố
Stuttgart, Đức quốc, Diễn đàn Việt Nam 21 có tổ chức buổi hội luận với chủ đề:
“50 năm Việt Nam dưới chế độ Cộng sản: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương
lai”. Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung là một trong các diễn giả, đã có có bài
phát biểu với chủ đề: “Nhìn lại phong trào dân chủ Việt Nam, thách thức và triển
vọng sau nửa thế kỷ”.
Nội
dung phát biểu gồm các phần chính: Điểm lại lịch sử phát triển của xã hội dân sự
và phong trào dân chủ ở Việt Nam; lý do thoái trào của xã hội dân sự và phong
trào dân chủ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, tác giả còn nêu lên
những điểm mạnh, điểm yếu của đảng Cộng sản Việt Nam và của phong trào dân chủ,
cũng như một số giải pháp cho những người Việt trong và ngoài nước có thể thực
hiện, để người dân trong nước sớm có được tự do, dân chủ.
I.
Lịch sử phát triển của xã hội dân sự và phong trào dân chủ 1975—2025
Các
tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam là các tổ chức phi chính phủ. Họ thường tập
trung vào các quyền kinh tế – xã hội và phát triển con người. Để hoạt động
chính danh thì các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam phải đăng ký với một tổ chức
chính trị – xã hội của nhà nước là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt
Nam (Vietnam Union of Science and Technology Associations – VUSTA). Các tổ chức
xã hội dân sự này tự tổ chức hoạt động và tự lo kinh phí mà không có sự can thiệp
của nhà nước.
Dĩ
nhiên, dưới chế độ toàn trị thì công an vẫn luôn để mắt tới các tổ chức xã hội
dân sự để bảo đảm các tổ chức này không lấn sân sang vấn đề chính trị hay dân
chủ.
Phong
trào dân chủ bao gồm cá nhân, các hội và các đảng phái chính trị, thường tập
trung vào các quyền dân sự – chính trị và cải cách dân chủ. Họ hoạt động không
đăng ký và cũng tự hoạt động theo đường lối của riêng họ và tự tìm kiếm nguồn
tài chính. Dĩ nhiên, họ không phụ thuộc vào nhà nước và không chấp nhận ảnh hưởng
của nhà nước cộng sản.
Có
thể chia sự phát triển của phong trào dân chủ ra làm ba làn sóng.
1.
Làn sóng thứ nhất: Từ sau năm 1975 tới cuối thập niên 1990
Năm
1975, sau khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, nhiều chính trị gia, quân nhân, trí
thức và tôn giáo bị đưa vào các trại cải tạo. Song song đó, do chính quyền cộng
sản mở chiến dịch đánh tư sản, cải tạo công thương, rồi chiến tranh với Khmer Đỏ
và Trung Cộng đã khiến cả nước thiếu thốn và đói kém, từ đó dẫn đến làn sóng tị
nạn khổng lồ.
Đảng
Cộng sản Việt Nam muốn khống chế các tổ chức tôn giáo độc lập của miền Nam. Các
chức sắc tôn giáo của các giáo hội như Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành v.v… bị đàn áp nặng nề. Có thể kể tên của
một số nhân vật như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Giám mục Nguyễn
Kim Điền, Linh mục Chân Tín, Lê Quang Liêm …
Các
sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng tích cực thành lập các tổ chức chống Cộng
để thiết lập chế độ dân chủ. Đặc điểm của công cuộc đấu tranh do các sĩ quan khởi
xướng ở thời kỳ đầu này là có khuynh hướng bạo động. Ví dụ như Mặt trận Quốc
gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam được thành lập năm 1981 ở Thái Lan, thường
được gọi là “Mặt trận Hoàng Cơ Minh”. Đó cũng là tiền thân của đảng Việt Tân
(Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng) nhưng đảng Việt Tân hiện nay đi theo đường lối
bất bạo động.
Sau
khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, một số trí thức Việt Nam Cộng Hòa tới Campuchia để
thành lập đảng đối lập và đưa người về trong nước. Tiêu biểu có bác sĩ Nguyễn
Xuân Ngãi và kỹ sư Nguyễn Sĩ Bình đã thành lập đảng Nhân Dân Hành Động. Cho đến
nay, bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi vẫn âm thầm hoạt động để tiếp tục sự nghiệp dân chủ
hóa đất nước.
Cuối
thập niên 1980, một số sinh viên đại học Bách Khoa TP.HCM đã tổ chức truyền bá
các tài liệu đòi tự do tư tưởng, dân chủ hóa giáo dục. Phong trào này đã bị
công an đàn áp. Năm 1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt và bị kết án 20 năm tù
vì kêu gọi đa nguyên, đa đảng.
Đặc
biệt, trong thời kỳ này có nhiều lời kêu gọi đa nguyên và dân chủ hóa từ các đảng
viên Cộng sản cao cấp, lão thành, như các ông Trần Xuân Bách, Bùi Tín, Hoàng
Minh Chính, Trần Độ, … Sau này, năm 2006, tôi đã làm việc với Giáo sư Hoàng
Minh Chính để phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam.
2.
Làn sóng thứ hai: Internet và Blog đầu những năm 2000
Năm
1997, internet vào Việt Nam. Đến đầu những năm 2000 thì internet đã phổ biến tại
Việt Nam. Sau đó, mạng xã hội Yahoo! 3600 bùng nổ ở Việt Nam,
cho phép người dùng viết blog, đăng ảnh, kết bạn, bình luận, v.v…
Nhiều
nhân sĩ trí thức đã tận dụng internet để thành lập các diễn đàn, website, … để
truyền bá kiến thức dân chủ và kêu gọi dân chủ hóa. Tiêu biểu có nhà văn Phạm
Thị Hoài ở Đức với Diễn đàn Talawas, Câu Lạc Bộ Dân Chủ với Điện Thư, các trí
thức trong và ngoài nước với trang Bauxite Việt Nam.
Những
người đấu tranh dân chủ đã tận dụng nền tảng Yahoo! 3600 để
truyền bá tư tưởng dân chủ, phê phán chế độ cộng sản độc tài. Câu lạc bộ Nhà
báo Tự do, đứng đầu là anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), đã cùng với tôi hoạt động
mạnh trong thời gian này, khoảng năm 2006-2008. Nhà báo nổi tiếng Trương Huy
San (Osin Huy Đức) cũng xuất hiện vào khoảng thời gian này. Những người hoạt động
tập trung vào các chủ đề như tham nhũng, dân oan bị chính quyền cướp đất, và cải
cách dân chủ.
Ngày
8/5/2006, tôi đã thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ tại Pháp. Cũng trong năm
2006, Giáo sư Hoàng Minh Chính, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê, bác sĩ Nguyễn
Xuân Ngãi, kỹ sư Nguyễn Sĩ Bình, và tôi, đã phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam.
Cũng
trong thời điểm 2006, Khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam được thành lập. Có thể
nói năm 2006 là một năm cao trào với nhiều tổ chức, đoàn thể dân chủ ra đời.
Tất
nhiên, công an đã nhanh chóng đàn áp. Năm 2007, luật sư Lê Thị Công Nhân và
Nguyễn Văn Đài bị bắt. Năm 2008, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do bị đàn áp. Anh Nguyễn
Văn Hải (Điếu Cày), chị Tạ Phong Tần, anh Phan Thanh Hải bị bắt. Sau đó, đến
năm 2009 thì luật sư Lê Công Định, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, doanh nhân
Lê Thăng Long, và tôi (Nguyễn Tiến Trung) cũng bị bắt. Các sự kiện này đánh dấu
sự kết thúc của làn sóng dân chủ hóa thứ hai.
3.
Làn sóng thứ ba: Từ truyền thông xã hội đến xuống đường, giai đoạn 2011—2018
Từ
năm 2005 đến năm 2018 liên tục có căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên
biển Đông. Ngư dân Việt Nam bị hải cảnh Trung Quốc đánh đập, tàu thuyền liên tục
bị đâm chìm. Đỉnh điểm là sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào năm
2014. Nhiều người dân Việt Nam đã liên tục biểu tình, nhất là khoảng tháng
5/2014. Lúc này, phong trào dân chủ Việt Nam đã nêu cao khẩu hiệu chống Trung Cộng,
chẳng hạn như nhóm NoU, và tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam bán nước cho Tàu.
Chính
phủ cộng sản Việt Nam, trước sự sôi sục của người dân, đã liên tục đấu tranh với
đội tàu của Trung Quốc và buộc Trung Cộng phải rút giàn khoan HD 981 ra khỏi
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 7/2014. Họ cũng đã tiếp Đại tướng
Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân của Hoa Kỳ ngay sau
đó, vào tháng 10 năm 2014, như một tín hiệu gửi tới Trung Cộng và trấn an người
dân Việt Nam.
Tháng
5 năm 2016, thảm họa môi trường Formosa một lần nữa khiến đông đảo người dân xuống
đường biểu tình để đòi hỏi trách nhiệm giải trình của chính quyền và yêu cầu bồi
thường từ Formosa. Phong trào dân chủ Việt Nam đã nắm lấy ngọn cờ bảo vệ môi
trường, bảo vệ dân sinh, khiến nhà cầm quyền phải đàn áp. Một số nhà hoạt động
bị bắt như bạn tôi, Hoàng Đức Bình, bị tuyên án 14 năm tù.
Một
điều đáng ghi nhận là nhiều người dân bức xúc tham gia biểu tình phản đối giàn
khoan HD-981 và Formosa đã trở thành những người hoạt động dân chủ sau đó.
Vào
tháng 6 năm 2018, người dân Việt Nam tiếp tục xuống đường biểu tình để phản đối
Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Người dân lo lắng điều khoản cho nước ngoài
thuê đất lên tới 99 năm và các đặc khu sẽ bị mất chủ quyền vào tay Trung Quốc.
Còn luật An ninh mạng thì tiếp tục siết chặt quyền biểu đạt ý kiến, tự do ngôn
luận của người dân trên không gian mạng. Đây có thể nói là các cuộc biểu tình lớn
nhất, phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam trong thời hiện đại.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-91-1024x578.jpg
Giáo
dân ở Hà Tĩnh biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hôm
17-6-2018. Ảnh trên mạng
Ở
Bình Thuận, đặc biệt là ở Phan Thiết và Phan Rí, người dân đã đụng độ bạo lực với
chính quyền, ném đá, đánh bom xăng, đốt xe công vụ, thậm chí chiếm trụ sở chính
quyền trong một khoảng thời gian. Đáp lại, chính quyền đã đàn áp mạnh tay trên
diện rộng. Hàng trăm người đã bị bắt giữ trên cả nước. Người biểu tình cũng bị
đánh đập, trấn áp bằng hơi cay, vòi rồng.
Trước
sự phản kháng dữ dội của người dân, chính quyền cộng sản Việt Nam đã phải rút lại
dự luật Đặc khu. Tuy nhiên, họ vẫn thông qua luật An ninh mạng.
Sự
kiện biểu tình chống luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến chính quyền cộng
sản Việt Nam lo lắng về việc mất kiểm soát tình hình. Từ đó, họ đã tăng cường
đàn áp. Phong trào dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam bắt đầu thoái trào.
4.
Sự thoái trào của phong trào dân chủ và xã hội dân sự từ năm 2018 đến nay
Theo
Project 88, trong năm 2018, có 148 người hoạt động bị bắt giữ, gần bằng con số
tổng cộng 166 người bị bắt giữ trong 15 năm trước đó, từ năm 2003 tới năm 2017.
Từ năm 2018 đến nay, khoảng 7 năm, số vụ bắt giữ gần gấp đôi tổng số vụ bắt giữ
trong 15 năm trước đó.
Có
thể kể ra những vụ án lớn đàn áp dân chủ như phiên tòa xử sáu thành viên của Hội
Anh Em Dân Chủ do luật sư Nguyễn Văn Đài đứng đầu vào năm 2018, ba thành viên
lãnh đạo của Hội Nhà Báo Độc Lập là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu
Minh Tuấn, vào năm 2021.
Giới
hoạt động xã hội dân sự có đăng ký cũng bị nhắm tới. Một loạt các nhà hoạt động
bảo vệ môi trường nổi tiếng như Đặng Đình Bách (bị bắt tháng 6/2021), Ngụy Thị
Khanh (tháng 2/2022) Hoàng Thị Minh Hồng (tháng 5/2023), Ngô Thị Tố Nhiên
(tháng 9/2023), … Những vụ bắt giữ này gây kinh ngạc vì những nhà hoạt động bảo
vệ môi trường không hề có phát ngôn hay quan điểm về chính trị hay dân chủ.
Một
điểm gây ngạc nhiên khác là chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ cả những người
đấu tranh dân chủ nhưng đã ngừng hoạt động được vài năm, tiêu biểu là những người
như anh Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, … đều
vào năm 2022.
Việc
“truy cùng diệt tận“ này đã khiến phong trào dân chủ hầu như bị tan rã hoàn
toàn. Hiện tại, những người hoạt động mạnh mẽ nhất hoặc là ở tù, hoặc là đã phải
đi tị nạn. Số người còn lên tiếng yêu cầu cải cách dân chủ ở trong nước rất ít,
hầu như chỉ là những người lớn tuổi và có liên hệ mật thiết với chế độ, tiêu biểu
là tiến sĩ Nguyễn Quang A, một con chim đầu đàn của phong trào dân chủ Việt Nam
hiện tại. Dĩ nhiên, không ai có thể nói trước tiến sĩ Nguyễn Quang A còn tiếp tục
được an toàn trong tương lai hay không.
Song
song đó, với việc các lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự hàng đầu bị bắt vì lý
do “trốn thuế“, các tổ chức còn lại hầu như không còn hoạt động, hoặc giải thể.
Một số lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự phải tạm lánh ra nước ngoài. Có thể
nói là phong trào xã hội dân sự cũng đã bị dập tắt.
(Còn
tiếp)
***
II.
Lý do thoái trào của phong trào dân chủ và xã hội dân sự
1.
Yếu tố trong nước
Các
cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại đồng minh chính trị quan trọng nhất của cộng
sản Việt Nam là Trung Cộng vào năm 2014 (giàn khoan HD 981) và năm 2018 (Luật Đặc
khu), chống lại chính sách của Đảng Cộng sản (phát triển công nghiệp bất chấp hủy
hoại môi trường như sự kiện Formosa và Luật An ninh mạng) đã khiến giới lãnh đạo
cộng sản Việt Nam rất lo lắng. Do đó, họ đã mạnh tay đàn áp, bắt lãnh đạo những
tổ chức xã hội dân sự như Hội Nhà Báo Độc Lập và Hội Anh Em Dân Chủ, cũng như bắt
luôn cả những người đã ngừng hoạt động.
Cố
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là một người bảo thủ và bảo vệ chế độ
tới cùng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hiện nay là ông Tô Lâm, người cả đời gắn bó
với lực lượng công an, vốn là lực lượng chuyên đàn áp dân để bảo vệ chế độ, cho
nên không khó hiểu khi Đảng Cộng sản đàn áp rất mạnh tay.
Cũng
xin nhấn mạnh rằng đến thời điểm hiện tại, những người bạn đấu tranh cho dân chủ
của tôi ở trong nước, hiện vẫn liên tục bị sách nhiễu, đàn áp, và phải tìm cách
trốn qua Thái Lan để xin tị nạn chính trị.
Một
lý do nữa là sau đại dịch Covid, nền kinh tế Việt Nam xấu đi, có nhiều hãng xưởng
đóng cửa. Nhiều người bị mất việc. Cũng như ở Trung Quốc, tăng trưởng GDP thực
tế không như những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam công bố. Với áp lực kinh tế suy
giảm và thất nghiệp cao, chắc chắn Đảng Cộng sản cũng lo lắng về việc người dân
phản kháng. Họ không muốn có những lãnh đạo phong trào dân chủ ở trong nước để
có thể dẫn dắt người dân đấu tranh, phản kháng chế độ. Điều đó cũng có thể giải
thích cho việc bắt bớ cả những người đã ngừng hoạt động.
2. Yếu
tố nước ngoài
Bộ
Ngoại giao Mỹ hiện đã chuyển hướng, không còn quan tâm nhiều về vấn đề nhân quyền.
Trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/1/2025 hoàn
toàn không có một chữ nào nhắc đến nhân quyền. Bản thân tôi khi viết email báo
cáo về các vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho Đại sứ quán Mỹ tại
Việt Nam đã không còn thấy các nhân viên ngoại giao phụ trách nhân quyền hồi âm
nữa.
Cả
chính quyền Biden và Trump đều muốn quan hệ gần gũi hơn với cộng sản Việt Nam để
chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng ở biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Việt Nam
cũng được đánh giá là có trữ lượng đất hiếm lớn, chỉ sau Trung Quốc và Nga. Do
đó, chính phủ Mỹ cần nguồn khoáng sản này để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việc
chính quyền Trump đóng của đài VOA và RFA đã giáng thêm một đòn chí tử vào
phong trào dân chủ vì không còn hệ thống truyền thông để đấu tranh chống lại mạng
lưới tuyên truyền dày đặc của cộng sản. Ngoại trừ đài BBC còn đưa tin một chút
về nhân quyền Việt Nam, hiện không còn đài lớn nào ở hải ngoại đưa tin về chủ đề
này nữa. Người dân Việt Nam càng dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả và các thông tin
do Trung Cộng và Nga cung cấp. Trên các trang mạng xã hội, không khó để thấy rất
nhiều luồng ý kiến ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.
Trước
đây, người đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam luôn biết rằng, nếu
họ bị bắt giữ thì Mỹ sẽ lên tiếng bảo vệ cho họ, vận động để họ sớm được tự do,
hoặc có thể đón nhận họ tới tị nạn. Giờ đây, khi chính quyền Mỹ không cho đài
VOA và RFA hoạt động để đưa tin nhân quyền, không lên tiếng cho những tù nhân
lương tâm, không tiếp nhận tị nạn, thì chắc chắn những người muốn đấu tranh dân
chủ sẽ đắn đo hơn rất nhiều khi quyết định tham gia đấu tranh.
Biết
được điều này nên chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục chính sách “ngoại giao
cây tre” để “đu dây” giữa Trung Cộng và Mỹ. Họ tận dụng quan hệ tốt với Mỹ để
tiếp tục đàn áp phong trào dân chủ. Họ không ngại chính phủ Mỹ đặt vấn đề nhân
quyền như là điều kiện để có quan hệ tốt với Mỹ nữa.
Dù
vậy, các Đại sứ quán các nước châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan, và Úc vẫn kiên trì
lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Các dân biểu Mỹ như Derek Trần ở Mỹ
vẫn lên tiếng bảo vệ người Việt tị nạn và nhận đỡ đầu cho các tù nhân lương tâm
như Lê Hữu Minh Tuấn tại Hạ Viện Mỹ. Đó là các điểm sáng trong sự hỗ trợ quốc tế
cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-92.jpg
Ba
nhà hoạt động hiện đang ở trong tù (Từ trái sang): Các ông Lê Hữu Minh Tuấn,
Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Dũng. Nguồn: Nguyễn Thúy Hạnh
***
III.
Đảng Cộng sản chiếm ưu thế so với phong trào dân chủ và xã hội dân sự
1.
Sự khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Sau
các cuộc biểu tình lớn vào những năm 2014 (giàn khoan HD 981), 2016 (chống
Formosa), và 2018 (chống Luật Đặc khu), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận ra tâm
thức cảnh giác và chống Trung Quốc rất mạnh của người dân Việt Nam. Ngay năm
2014 họ đã cương quyết chống lại việc hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Cộng.
Họ cũng đã nhanh chóng cải tạo Bãi Thuyền Chài có đường băng dài 3 km để có thể
tiếp nhận máy bay cỡ lớn, tăng sức mạnh phòng thủ cho Việt Nam trên biển Đông
và quần đảo Trường Sa. Họ cũng đã hỏi mua máy bay vận tải quân sự C-130 và máy
bay chiến đấu F-16 của Mỹ, trong khi không mua các vũ khí của Trung Quốc.
Dù
ngoài miệng vẫn tuyên bố hữu hảo với Trung Quốc, đón tiếp Tập Cận Bình vào ngày
14/4/2025 với những nghi thức ngoại giao trang trọng nhất như bắn 21 phát đại
bác, trên thực tế, cộng sản Việt Nam rất cứng rắn về mặt hành động với Trung Cộng
như đã phân tích ở trên. Do đó, họ đã giành lấy ngọn cờ “chống Tàu” từ phong
trào dân chủ và làm an lòng dân trong việc chống lại sự ảnh hưởng của Trung Cộng.
Ngay
sau khi lên làm Tổng Bí thư hồi tháng 8/2024, ngay lập tức ông Tô Lâm đã tiến
hành tinh giản bộ máy hành chính, giảm số tỉnh thành từ 63 xuống còn 34, nêu
cao khẩu hiệu “kỷ nguyên vươn mình”. Việc này làm tăng niềm tin của người dân
vào việc cải cách, chống tham nhũng. Thực tế là Đảng Cộng sản cũng đã giành lấy
ngọn cờ “chống tham nhũng”, “cải cách” từ phong trào dân chủ.
2.
Phong trào dân chủ Việt Nam lạc lối
Từ
năm 2016, phong trào dân chủ Việt Nam lạc lối, với đa số những người đấu tranh
dân chủ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Họ hy vọng rằng ông Trump sẽ tiêu diệt
được Trung Cộng, và như thế thì phong trào dân chủ mới có cơ hội thắng được Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Đến
năm 2020, phong trào dân chủ Việt Nam lại một lần nữa lạc lối khi chuyển hướng
sang việc chỉ trích nền dân chủ Mỹ vì có “gian lận bầu cử”, phê phán các chính
sách của Tổng thống Biden.
Hiện
nay, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các tổ chức, hội nhóm đấu tranh dân
chủ cho Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại đều bị phân hóa, chia rẽ giữa hai
nhóm “chống Trump” và “ủng hộ Trump”. Phong trào dân chủ Việt Nam đã yếu lại
càng thêm yếu. Đến giờ này khó có thể nói là có một phong trào dân chủ công
khai ở trong nước.
Tóm
lại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khôn khéo giành được ngọn cờ “chống Tàu” và “cải
cách”, còn phong trào dân chủ Việt Nam lại chia rẽ và lạc lối trong hướng đi,
khiến công cuộc dân chủ hóa Việt Nam ở thời điểm hiện tại vô cùng khó khăn và
phong trào dân chủ Việt Nam không còn sức hấp dẫn với quần chúng.
***
IV.
Các giải pháp cho phong trào dân chủ Việt Nam
Tổng
Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm chỉ nêu ra được vấn đề “cải cách”, “vươn mình”,
nhưng vẫn không thể chấp nhận “báo chí tự do”, “tòa án độc lập”, hay “giáo dục
khai phóng”. Nói cách khác, Tô Lâm và Đảng Cộng sản vẫn không thể chấp nhận “ngọn
cờ dân chủ”. Không thể phát triển khoa học công nghệ khi người dân không có tự
do tư tưởng, tự do học thuật. Cũng không thể khiến người dân yên tâm bỏ tiền ra
đầu tư làm ăn, đem lại lợi ích cho nền kinh tế khi tòa án không độc lập và tài
sản của dân có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.
Chúng
ta đã thấy hiện tượng này xảy ra ở Trung Quốc. Ở Việt Nam cũng thế. Giới quan
chức và doanh nhân có quan hệ với chính quyền khi có tiền thì đều thủ sẵn quốc
tịch nước ngoài (thường là Mỹ, châu Âu, Canada, Úc), hoặc họ đi định cư ở nước
ngoài sau khi đã vơ vét được nhiều tài sản.
Chắc
chắn rằng với “kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô Lâm thì người dân Việt Nam vẫn sẽ
tiếp tục bị cướp đất, vẫn sẽ phải chịu đựng những án oan và bất công xã hội, và
đó là ngọn cờ dân chủ mà phong trào dân chủ Việt Nam phải giành lấy.
Trong
hoàn cảnh quốc tế và trong nước bất lợi như hiện tại, các tổ chức đấu tranh dân
chủ ở Việt Nam cần phát triển lực lượng dân chủ một cách âm thầm, các thành
viên trong nước cần nắm vững các nguyên tắc và kỹ năng bảo mật, cũng như được
đào tạo tốt. Như thế để khi thời cơ đến thì sẽ có lực lượng lãnh đạo đứng ra để
dẫn dắt người dân.
Các
tổ chức dân chủ dù có đường lối, chủ thuyết khác nhau nhưng cần thống nhất ở mục
tiêu quan trọng nhất là bản Hiến pháp dân chủ, rồi sau đó là bảo vệ bản Hiến
pháp đó.
Các
tổ chức xã hội dân sự dù có đăng ký hay không vẫn cần cố gắng duy trì hoạt động.
Thực tế là ở Việt Nam vẫn có nhiều tổ chức xã hội dân sự không đăng ký như các
hội đồng hương, hội các tài xế, hội cựu học sinh, … Chắc chắn rằng an ninh cộng
sản Việt Nam không thể nào theo dõi và có cớ bắt bớ được hết.
Giờ
đây, khi đài VOA và RFA bị chính quyền Trump tìm cách đóng cửa thì mặt trận
truyền thông, thông tin càng quan trọng. Các tổ chức dân chủ cần thích nghi với
tình hình mới, cho ra những sản phẩm truyền thông tốt để đưa thông tin trung thực
và hấp dẫn đến được đông đảo người dân, đặc biệt là qua YouTube và podcast. Cộng
đồng người Việt ở hải ngoại, nhất là ở châu Âu, cần vận động để các đài, báo quốc
gia có thêm ban tiếng Việt.
Các
biến động chính trị quốc tế luôn ảnh hưởng đến tiến trình chính trị Việt Nam
như đã thấy qua thế chiến II hoặc sự sụp đổ của Liên Xô. Do đó, phong trào dân
chủ Việt Nam cũng cần liên kết và hòa chung vào phong trào dân chủ toàn thế giới
để tận dụng nguồn lực toàn cầu. Có rất nhiều khóa học về hoạt động dân chủ,
nhân quyền và xã hội dân sự ở Mỹ. Có những tổ chức đấu tranh dân chủ toàn cầu
như Đại hội Tự do Thế giới (World Liberty Congress – WLC). WLC là nơi mà các
lãnh đạo dân chủ có thể tham gia và được huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, cũng
như tham gia vào các sự kiện lớn về dân chủ trên thế giới để có thể mở rộng mạng
lưới quan hệ. Có thể nói đó là cách nhanh nhất để các nhà hoạt động dân chủ Việt
Nam có thể học hỏi và phát triển.
V.
Kết luận
Dù
hiện tại tình hình rất bi quan nhưng thật ra vẫn có những điểm sáng. Thứ nhất,
vẫn còn ít nhất một nửa nước Mỹ không chấp nhận các chính sách của chính quyền
Trump gây hại đến phong trào dân chủ toàn cầu như đóng cửa USAID, VOA, RFA. Thứ
hai, người dân Canada và Úc đã phản ứng rất mạnh mẽ với những lãnh đạo chính trị
học theo chủ trương dân túy cực hữu của Trump bằng cách tiếp tục bầu cho các đảng
chủ trương chống lại đường lối của Trump như đảng Tự Do (Liberal Party) ở
Canada và đảng Lao động (Labor Party) ở Úc. Các đảng theo đường lối tự do thắng
cử là điều rất đáng khích lệ khi làn sóng dân túy cực hữu đã thắng thế ở các nước
dân chủ tiên tiến lâu đời, như đã xảy ra ở Hà Lan, Ý, Áo, và cả ở Đức, Pháp.
Còn
trong nước, với việc kinh tế khó khăn từ sau đại dịch Covid-19, rồi đến việc
chính quyền Trump áp thuế nhập khẩu, Trung Cộng lại tiếp tục thách thức chủ quyền
Việt Nam ở Trường Sa bằng cách giăng cờ trên đá Hoài Ân, chắc chắn rằng Đảng Cộng
sản gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm an sinh xã hội và trấn an người
dân về mối đe dọa của Trung Cộng. Thêm vào đó, việc tinh giản biên chế lại đụng
chạm rất nhiều đến quyền lợi các đảng viên cộng sản bị gạt ra. Mâu thuẫn ngay
trong chính nội bộ Đảng Cộng sản cũng có thể tạo ra những diễn biến bất ngờ.
Do
đó, phong trào dân chủ và xã hội dân sự trong nước cần tiếp tục kiên trì phát
triển lực lượng dân chủ, sẵn sàng đón nhận những thời cơ sắp đến. Nói cách
khác, phong trào dân chủ và xã hội dân sự cần có tầm nhìn vượt qua các nhiệm kỳ
4 năm của Tổng thống Mỹ hoặc của bất kỳ một lãnh đạo chính trị quốc tế nào. Có
như vậy thì phong trào dân chủ và xã hội dân sự mới đủ sức dẫn dắt dân tộc Việt
Nam xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ.
Sau
nửa thế kỷ, 30/4/1975 — 30/4/2025, những người trưởng thành dưới chế độ Việt
Nam Cộng Hòa đã lần lượt ra đi gần hết. Có rất ít những người thuộc thế hệ thứ
hai ở hải ngoại quan tâm đến tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Trách
nhiệm lãnh đạo và hỗ trợ cho phong trào dân chủ trong nước sẽ phụ thuộc rất nhiều
vào các lãnh đạo dân chủ và xã hội dân sự trẻ tuổi mới đi tị nạn ở nước ngoài
như Nguyễn Anh Tuấn (Canada), Nguyễn Hồ Nhật Thành (Canada), luật sư Nguyễn Văn
Đài (Đức) … cũng như các lãnh đạo đang sống ở nước ngoài như Trịnh Hữu Long ở
Đài Loan.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-93-1024x538.jpg
Hai
nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn (trái) và Nguyễn Hồ Nhật Thành đang tị nạn ở
Canada. Nguồn: FB nhân vật
Việc
họ ở ngoài Việt Nam cũng sẽ giúp cho phong trào dân chủ khó bị dập tắt hơn. Thế
hệ những người hoạt động dân chủ trẻ này am hiểu tình hình Việt Nam, thông thạo
ngoại ngữ, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dân chủ hóa Việt Nam
trong tương lai.
No comments:
Post a Comment