Hồi
ức về Sài Gòn năm 1975: Câu chuyện cá nhân về sự sụp đổ hỗn loạn của Nam Việt
Nam
David Brown - Asia
Sentinel
Song Phan chuyển
ngữ
01/05/2025
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/05/1-4.jpg
Lính Bắc Việt tại dinh Độc Lâp: Nguồn ảnh:
Associated Press
Lời giới thiệu: Ngày 30 tháng 4 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Nam
Việt Nam thất thủ. Sự nghiệp 36 năm của David Brown tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt
đầu từ thời chiến tranh Việt Nam, nơi ông làm trợ lý chính trị cho John Vann
huyền thoại, và nơi ông kết hôn với vợ mình là Tuyết. Khi nghỉ hưu, Brown đã
ghi chép lại quá trình phát triển của Việt Nam với tư cách là một diễn viên
trong đời sống chính trị và kinh tế của Đông Nam Á. Vào thời điểm đó, ông đang
làm nhân viên bộ ngoại giao tại Nhật Bản. Đây là câu chuyện về việc ông vất vả
tìm cách cứu gia đình bên vợ.
***
Mỗi buổi tối đầu năm 1975, vợ tôi và tôi – những
học viên tại trường tiếng Nhật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Yokohama – đều dò
kênh truyền hình công cộng của Nhật Bản. Chúng tôi không chỉ làm bài tập về
nhà; bản tin của NHK từ Sài Gòn là nguồn tin tức tốt nhất của chúng tôi về quê
hương của vợ tôi và nhiệm sở trước đây của tôi.
Tin tức hàng đêm từ Việt Nam đã trở nên đáng
ngại, rồi chuyển sang đen tối tuyệt đối vào đầu tháng 3 khi Bắc Việt tiến hành
một cuộc tấn công phối hợp tốt. Trong vòng vài tuần, các sư đoàn của họ đã ở
cách Sài Gòn trong vòng sáu mươi dặm.
Chúng tôi có nhiều bạn bè còn ở lại Việt Nam
và dĩ nhiên có gia đình bên vợ tôi. Cuộc hôn nhân công khai của chúng tôi trước
đó 5 năm đã khiến cha mẹ, anh chị em của cô ấy bị coi là tay sai của Mỹ. Trong
trường hợp Sài Gòn bị rơi vào tay lực lượng Hà Nội, sinh kế, nếu không nói là mạng
sống của họ sẽ trong tình trạng nguy hiểm ngay trước mắt.
Tôi đã gửi một lá thư đầy âu lo cho một người
bạn ở bộ phận lãnh sự của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Anh ấy đã hồi âm rằng “chúng tôi sẽ
đặt gia đình của vợ anh vào danh sách của chúng tôi và bảo đảm rằng nếu như
chúng tôi có di tản thì họ sẽ ra đi theo”. Điều đó làm chúng tôi yên tâm một
lúc, nhưng tình hình quân sự tiếp tục xấu đi.
Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin có vẻ rất tự tin,
một mực cho rằng với đủ trợ giúp theo mục tiêu, mà với điều đó ông muốn nói là
sự trở lại của không lực Mỹ và gói viện trợ khẩn cấp mà Quốc hội đã không đồng
ý trợ cấp, phần phía Nam của Nam Việt Nam có thể sẽ giữ được.
Tôi không tin tưởng điều đó, vợ tôi cũng vậy.
So sánh các tường thuật trên NHK với thư từ mà chúng tôi nhận được từ gia đình
Tuyết ở Việt Nam, rõ ràng rằng chúng tôi có hiểu biết chính xác về tình hình
chiến lược hơn cha mẹ vợ tôi. Họ đã từng gửi nhắn lại rằng “Ồ, trước đây chúng
tôi đã từng gặp rắc rối rồi. Chúng tôi sẽ qua được thôi” và cứ thế.
Tại Tòa Đại sứ Sài Gòn, Đại sứ Martin đã
cương quyết chống lại việc tiến hành bất kỳ loại di tản nào có thể làm xói mòn
sự tin tưởng của chế độ Nam Việt Nam và làm nó sụp đổ nhanh hơn.
Tuy nhiên, qua giữa tháng 4, bạn bè ở Sài Gòn
đã viết thư cho tôi rằng một chiến dịch di tản bán chính thức đã đi vào tốc độ
cao. Chiến dịch này đã được nhân viên Hoa Kỳ vẫn còn ở Việt Nam, được rút ra từ
văn phòng tư vấn quân đội và từ USAID, CIA và các viên chức tòa Đại sứ Hoa Kỳ,
điều hành. Họ tình nguyện ở lại cho đến tận cùng và cố di dời càng nhiều bạn bè
của Mỹ đến Hoa Kỳ càng tốt.
Thật ra, một vài tuần trước đó, tôi đã tình
nguyện đi từ Nhật Bản đến phụ giúp cho cuộc di tản. Câu trả lời tôi nhận được
‘thông qua các kênh’ là một chữ ‘không’ tô đậm. Một viên chức giấu tên ở
Washington đã báo cho tôi biết rằng mục tiêu là đưa người Mỹ ra khỏi Việt Nam,
không phải ai khác. Lằn ranh cuối cùng: Không có cửa nào để tôi trở
lại Sài Gòn.
Điều đó đặt chúng tôi vào thế bất khả. Sau
nhiều cuộc trò chuyện khổ não, Tuyết và tôi quyết định rằng tôi phải trở lại Việt
Nam, kết nối với bạn bè và thuyết phục cha mẹ cô rời đi. Nếu họ nhất quyết muốn
ở lại Sài Gòn, hai chúng tôi đồng ý rằng tôi nên thúc giục họ cho phép 8 chị em
vợ tôi di tản.
Ngày hôm sau, 23 tháng 4, khi tôi bay về Nam
Việt Nam, một người bạn đã chuyển lá thư xin lỗi của tôi đến Đại sứ Jim
Hodgson. Tôi đã “vắng mặt không phép”.
Đêm đang buông xuống ở Sài Gòn khi tôi cố gọi
điện thoại cho những người bạn làm việc tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở đó. Hầu hết đã
được cho về nước, nhưng đến lần thứ năm, tôi đã liên lạc được với một người bạn
có giường trống. Sáng sớm hôm sau, ngày 24 tháng 4, anh bạn dẫn tôi đến một
‘ngôi nhà an toàn’ chỗ nhân viên tòa Đại sứ đang cấp giấy phép đi Mỹ.
Tôi giải thích nhiệm vụ của mình, và một cuộc
kiểm tra hồ sơ đã xác minh rằng gia đình Tuyết đủ điều kiện tị nạn. Sau đó đến
phần khó nhất: Tôi phải liên lạc với cha mẹ Tuyết mà không gây sự chú ý của
hàng xóm. Tôi gọi điện cho một người bạn Việt Nam; anh ấy đã hào phóng đồng ý
mang thư của vợ tôi đến cho cha mẹ cô ấy!
Khoảng giữa trưa, Liên, chị gái Tuyết đã đến
ngôi nhà an toàn. Liên nói với tôi rằng thư của Tuyết đã thuyết phục cha mẹ cô
rằng tình hình quả thật rất tuyệt vọng. Liên nói, cả gia đình sẽ rời đi ngoại
trừ cô và hai đứa con nhỏ phải ở lại. Cô chưa nghe thấy tin tức gì của
chồng, đại úy Thao, từ khi căn cứ của anh bị càn qua vài tuần trước đó. Trong
khi đó, cha mẹ và anh chị em khác của anh đã đến Sài Gòn an toàn. Nghĩa vụ gia
đình đòi hỏi Liên phải ở lại với gia đình chồng. Cô ấy nói rằng cô ấy không thể
rời khỏi Việt Nam trừ khi gia đình chồng cũng có thể di tản.
Một lần nữa tôi hỏi ý nhóm của tòa Đại sứ Hoa
Kỳ đang cấp giấy phép nhập cảnh. Vâng, tôi được cho biết, họ cũng có thể cấp giấy
tờ cho gia đình chồng của chị Liên! Liên đã cung cấp một danh sách tên và ngày
sinh. Chúng tôi được cho biết rằng những chiếc xe tải không dấu hiệu sẽ đón cả
hai gia đình vào cuối ngày hôm đó.
Trong khi chờ đợi, tôi đi bộ trên những con
đường gần đó. Đối với phần lớn người Sài Gòn, cuộc sống dường như không thay đổi
nhiều. Họ vẫn tiếp tục phóng xe gắn máy và xe hơi, tập trung vào những thứ cấp
bách lặt vặt.
Khoảng ba giờ chiều, hai xe tải nhỏ màu đen
đã đến ‘ngôi nhà an toàn’. Trong một chiếc, đằng sau những ô cửa sổ sậm màu, là
gia đình Tuyết; mỗi người có một chiếc túi nhỏ đựng một bộ quần áo để thay và một
vài món đồ quý giá, đặc biệt là ảnh gia đình. Liên và gia đình chồng cô ở trong
một chiếc xe kia. Họ gồm 18 người tất cả, được xác định trên các tài liệu của
tòa Đại sứ Hoa Kỳ.
Tôi nhập với nhóm trên chiếc xe đầu tiên và
hướng đến sân bay. Nửa giờ sau, chúng tôi dừng lại trước cổng khu phức hợp cố vấn
Hoa Kỳ rộng lớn, giờ đây hầu như trống rỗng. Chúng tôi nín thở trong khi lính
canh Việt Nam kiểm tra giấy tờ của xe. Họ không nhìn vào bên trong xe, chắc chắn
là một phần của thỏa thuận giữa các quan chức Hoa Kỳ và người nào đó, phía
VNCH, chịu trách nhiệm về việc ra vào Trại Alpha, khu phức hợp MACV.
Chúng tôi được đưa đến một sân đánh bowl 12
làn theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, ở đó chúng tôi ngồi xổm gần điểm giữa của làn số
4 trong suốt 24 giờ sau đó.
Cha Tuyết và tôi kết bạn với những người đứng
đầu các nhóm phía sau và phía trước chúng tôi. Chúng tôi được cho ăn. Chúng tôi
ngủ tại chỗ. Có người khá tử tế chỉnh đèn mờ lại.
Sáng hôm sau, ngày 25 tháng 4, tất cả các nhà
vệ sinh đều bị tắc. Tôi đã tập hợp một nhóm thanh niên giúp tôi thông tắc. Tôi
thuyết phục một trong những nhân viên người Mỹ chuẩn bị một vài chiếc quạt.
Có lẽ chúng tôi lại được cho ăn. Tôi không nhớ
là gì hoặc như thế nào. Chúng tôi không di chuyển; chúng tôi chỉ gồm hơn một
ngàn người sắp tị nạn ở sân chơi bowl đang chờ điều gì đó xảy ra. Có người nói
với tôi rằng nhà độc tài Philippines, Marcos, đã cấm nhập người thêm tại các
căn cứ của Hoa Kỳ ở đó. Cuộc không vận đã bị dừng lại cho đến khi sắp xếp được
các điểm đến mới.
Vào buổi tối, hàng nối đuôi lại bắt đầu di
chuyển. Một giờ sau, nhóm của chúng tôi được kiểm tra theo danh sách và được hộ
tống ra ngoài. Không đèn cũng không có trăng sao. Chúng tôi được hướng dẫn tới
xe buýt và được đưa ra đường bay, ở đó một số máy bay vận tải của Hoa Kỳ đang
cho hành khách leo lên gần như hoàn toàn trong bóng tối.
Cách đó 200 mét về bên trái, một chiếc máy
bay 747 của hãng Air France sáng đèn đang đón hành khách và về sau tôi nghe nói
là số vàng dự trữ còn lại của ngân hàng trung ương VNCH.
Được các nhân viên phi hành Hoa Kỳ giúp đỡ,
chúng tôi trèo lên những cánh cửa khoang hàng hóa đang rộng mở và vào trong bụng
một chiếc C-141. Ghế đã được tháo ra hết. Dây thừng được buộc chặt vào mỗi bên
của khoang hàng hóa và kéo dài theo chiều rộng của máy bay. Họ lấp đầy với những
người tị nạn, khoảng 12 người một hàng, mỗi người với một chiếc vali nhỏ. Chúng
tôi ngồi xếp bằng, quay mặt về phía sau; có tất cả 22 hàng. Đoàn của chúng tôi
nằm trong số những người lên máy bay cuối cùng, vì vậy chúng tôi chỉ cách cánh
cửa mở khoang hàng hóa khoảng 20 feet.
Không ai nói gì, không đứa trẻ nào khóc khi
chiếc máy bay khổng lồ lăn bánh ra đường băng, tăng tốc bốn động cơ phản lực và
cất cánh với độ dốc nhất có thể. Em trai và em gái út của Tuyết bám chặt vào
cánh tay tôi.
Có lẽ 15 phút sau, máy bay đã thăng bằng khi
chúng tôi băng qua bờ biển Việt Nam. Chân tôi đau nhức. Thương hại tôi, một
nhân viên phi hành trực ở cửa khoang hàng hóa đã vẫy tay gọi tôi đi cùng anh
ta. Tôi giải thích tại sao tôi lại có mặt trên chuyến bay này. Anh ta nói với
tôi rằng chúng tôi đang hướng đến Guam và sẽ hạ cánh ở đó trong 6 giờ tới. Tôi
đã xin một tờ giấy để viết thư cho Tuyết.
Mặt trời vừa mới mọc khi cuối cùng chúng tôi
xuống máy bay tại Căn cứ Không quân Anderson. Lúc đó là ngày 26 tháng 4.
Anderson là căn cứ mà từ đó máy bay ném bom
B-52 đã thả vô số bom xuống Đông Dương. Bây giờ không còn dấu hiệu nào của
chúng nữa. Chúng tôi được đưa đến một nhà chứa máy bay lớn, được cho ăn và bảo
đợi. Tôi tìm đường đến một văn phòng nơi tôi được phép sử dụng hệ thống điện
thoại của Lực lượng Hoa Kỳ.
Tuyết trả lời điện thoại tại nhà chúng tôi ở
vùng ngoại ô Yokohoma. Cô ấy nói rằng khi nghe giọng nói của tôi, với cô con
gái bé bỏng trên hông, cô ấy bắt đầu khóc và run lên. Tuyết nói với tôi rằng
tôi không bị rắc rối; cô ấy nói rằng tòa Đại sứ chỉ muốn biết họ có thể giúp gì
cho chúng tôi!
Mọi chuyện đã được giải quyết trong vài ngày
tiếp theo. Vào ngày 1 tháng 5, có một nỗi buồn lớn khi tin tức về việc chế độ
Sài Gòn đầu hàng lan truyền khắp trại tị nạn. Hai ngày sau, cha mẹ, các em của
Tuyết và tôi lên máy bay đến Nhật Bản. Liên và các con của cô, em gái Hạnh, 21
tuổi, và gia đình chồng cô đi thẳng đến Hoa Kỳ.
Mùa hè năm đó, ngay trước khi Tuyết và tôi trở
lại Tokyo trong hai năm nữa, chúng tôi đã có thể đưa gia đình Tuyết đến sống tại
một ngôi nhà ở San Francisco mà chúng tôi chỉ vừa đủ khả năng chi trả.
Sau đó, vào mùa hè năm 1977, chồng của Liên
là Thao và những người bạn tín cẩn đã thoát khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền
đánh cá. Khi nhìn thấy một hòn đảo của Philippines, nó lại hết xăng, nhưng một
lần nữa may mắn đã mỉm cười với gia đình chúng tôi: Những người đánh cá
Philippines đã kéo họ đến nơi an toàn.
Trong những năm tiếp theo, “gia đình tị nạn”
của chúng tôi sẽ xây dựng một cuộc sống mới ở Mỹ. Phần còn lại của câu chuyện sẽ
do họ viết.
No comments:
Post a Comment