Thursday, May 1, 2025

CÙNG VƯỢT QUA   (Lê Nguyễn Duy Hậu | Facebook)




CÙNG VƯỢT QUA  

Lê Nguyễn Duy Hậu

30-4-2025  05:59  · 

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/pfbid0G9vxntHTp6rKLgHP4DEo6UNQuxab3VGBurNYfyNvadFTN2dkeis2GXdNNw9CvSiMl  

 

Đại tự sự ngày nay của Việt Nam về ngày 30 tháng 4 đó là ngày thống nhất đất nước (mặc dù về pháp lý, đất nước chỉ thống nhất sau đó hơn một năm), ngày kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình. Hiểu như vậy thì đó nên là một ngày vui. Nhưng lịch sử không chỉ có các đại tự sự, mà còn là những ký ức riêng lẻ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

 

Một người thân của mình nói rằng, chiến tranh với gia đình cô không chấm dứt vào ngày 30 tháng 4, mà phải đến ngày 5 tháng 5, khi gia đình biết tin cha cô, một chiến sĩ Cộng sản, vẫn còn sống và thoát được về từ Côn Đảo, trên một chiếc tàu mà người cầm lái là một thủy quân VNCH tình nguyện tham gia đón tù chính trị về. Sau này, trong chiến tranh chống Pol Pot, ông sát cánh cùng các cựu binh VNCH khác trong cùng màu áo của quân đội Việt Nam thống nhất. Một người khác thì kể rằng, hàng năm, gia đình anh vẫn đón ngày 30 tháng 4 với cảm xúc trái ngược, vì ông anh là một trong những chiến sĩ quân Giải phóng cuối cùng bị tử thương trong trận đánh ở Lăng Cha Cả. Ông sau đó được đưa về chữa trị tại một bệnh viện, nơi cũng nhận chữa trị thương binh của phía VNCH. Ông anh qua đời sau đó hai ngày vì vết thương sâu. Nằm bên cạnh ông là một thương binh khác của Sư đoàn Dù VNCH cũng qua đời sau đó ít hôm. Cả hai cùng được một cựu chiến sĩ của Liên đoàn Biệt động quân cải táng. Chiến tranh như vậy chỉ kết thúc với gia đình vào ngày 2 tháng 5 năm 1975. Mỗi lần nhắc lại, anh bạn mình vẫn khiêm tốn nói rằng 30 tháng 4 là ngày vui lớn của đất nước, nhưng là một khoảng buồn nhỏ cho gia đình. Những câu chuyện như vậy không phải là hiếm trong cái năm 1975 lịch sử đó.

 

Một trường hợp khác nói rằng gia đình cô chỉ “thống nhất” sau 10 năm khi người cha cô là sĩ quan không quân VNCH kết thúc các đợt cải tạo ở miền Bắc. Cha cô lẽ ra đã có thể bỏ đi vào ngày 30 tháng 4, nhưng ông nặng lòng với đất nước nên đã ở lại. Cuối cùng, ông cũng phải ra đi sau 10 năm.

 

Với những người bạn mình vừa kể, năm nay vì vậy cũng là kỷ niệm 50 năm những câu chuyện của gia đình họ. Lịch sử không dừng lại thời điểm 11h30 ngày 30 tháng 4, mà vẫn tiếp diễn. Đó là những ký ức đi ngược với cảm xúc của đại tự sự, nhưng là những ký ức có thật. Họ có được quyền buồn không? Hay phải vui? Mình không chắc. Bản thân mình có thể không đồng tình với cách mà người ta nhìn nhận hiện tại bằng cặp mắt của ký ức, nhưng mình là ai để có thể chối cãi và nhạo báng những ký ức đó?

 

Trong cuộc chiến kéo dài 30 năm, không ít những tự sự nhỏ bé của các cá nhân hai phía đã hòa vào nhau, giao thoa với nhau bằng một cách kỳ lạ, xóa nhòa mọi ranh giới mà chính trị tạo ra. Đơn giản là vì quân phục và lá cờ khiến cá nhân mang hai thân phận thù ghét nhau, nhưng giường bệnh, sự sống chết, đạo lý, hay đơn giản hơn là ngôn ngữ, văn hóa lại chính là thứ gắn kết họ lại khi chiến trường đã không còn tiếng súng. Như cách mà một gia đình khác mình quen ở Bảy Hiền đã chọn cách mở cửa cho các thương binh quân Giải phóng trú ẩn trong trận đánh cuối cùng sáng ngày 30 tháng 4 vì thấy thương cho họ. Gia đình đó sau đó đích thân đem quần áo dân sự đến cho anh em chiến sĩ VNCH còn chống cự để khuyên họ tan hàng vì hòa bình đã đến. Người bố của gia đình đó là một công chức chế độ cũ và tự nhận là rất ghét Cộng sản. Nhưng ở giây phút như vậy, ông giải thích hành động của mình bằng hai từ “lương tâm”. Ai đã từng đi qua cuộc chiến có lẽ hiểu hơn hết đạo lý này.

 

Tiếc rằng, chính sự phủ nhận những ký ức cá nhân, những đan xen của tự sự, lại vẫn tiếp diễn đến ngày nay, và là vết thương cuối cùng của cuộc chiến. Vết thương đó không chỉ gây ra hiềm khích, đè nén tự do, mà tệ hơn là còn chia rẽ sâu sắc dân tộc, lề hóa nhiều cá nhân. Sự chia rẽ đó không chỉ làm suy yếu đất nước, mà còn khiến bản thân những người sinh ra sau chiến tranh như mình phải tiếp tục sống với cái không khí mà nhiều bậc cha chú của mình đã hy sinh thân mình để thay đổi.

 

Mình nhớ cách đây vài năm, khi được phỏng vấn, mình đã nói rằng thử thách mà thế hệ trẻ như mình phải vượt qua không phải là chiến tranh, mà là cái hiềm khích, hận thù có từ thời chiến đã và đang được rất nhiều thế lực giấu mặt nuôi dưỡng, hun đúc. Với những người trẻ như mình, vấn đề mà bọn mình giải quyết là những thứ chưa từng tồn tại 50 năm trước, như làm thế nào để Việt Nam chuyển mình, phát triển, hay những bất công, đau thương như ở Trà Ôn không còn tiếp diễn. Tất cả những vấn đề đó không thể lấy thế giới quan của 50 năm trước mà phân tích, mà đòi hỏi sự cởi mở đóng góp và không phải bận tâm về việc bị dán nhãn phe này hay phe kia. Vượt qua được thử thách đó không phải là từ bỏ lịch sử, mà đúng ra lại là sự trung thành với những lịch sử, tôn trọng những ký ức của cá nhân, và là sự báo đáp khát vọng của thế hệ cha chú. Với mình, đó mới là yêu nước đúng nghĩa, một xã hội tự do đúng nghĩa.

 

Mình tin rằng những thế lực vẫn còn đang nuôi dưỡng và hun đúc cho cái không khí chia rẽ, thù hằn có một số không nhỏ xuất phát từ hiểu biết hạn hẹp về lịch sử và bị thao túng. Nhóm người này, mình hay gọi là nhóm yêu sử capcut, với đầy đủ sự mỉa mai. Nhà văn Nhã Ca, tác giả của một bút ký chạy loạn nổi tiếng từng khiến cuộc đời bà đau khổ sau 1975, từng nói rằng “bi kịch lớn nhất của đời người là sự ngộ nhận”. Kỳ thực, đây cũng là điều mình từng nghe một cựu chiến binh chia sẻ, rằng họ chiến đấu không phải là để đám trẻ tiếp tục chia rẽ nhân danh họ. Những người vì “ngộ nhận” mà gây ra chia rẽ nhân danh thế hệ trước, nhân danh lịch sử, nhân danh dân tộc, hay thậm chí là mạo nhận lời của lãnh đạo quốc gia… để đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Trong quá trình đó, họ sẵn sàng dán nhãn người khác vì ý kiến trái chiều, hay thậm chí là cảm xúc trái chiều về một sự kiện bằng những từ ngữ lẽ ra đã phải biến mất 50 năm trước. Và hiện tượng này không phải là độc quyền của “phe” bên nào cả. Bản thân mình không trách sự vô minh đó, nhưng cảm thấy cần phải nói ra.

 

Chính từ sự nói ra đó mà mình không ít lần bị những người ở “phía bên này” (như tự nhận) gọi là “kẻ thua cuộc”, hay những người ở “phía bên kia” gọi là “dư luận viên trá hình”. Kì thực, những danh xưng đó thực sự vô nghĩa với mình, vì đơn giản là như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình mình cũng có những người phục vụ cho cả hai phía, với những mất mát riêng. Những người dán nhãn họ đâu thể biết rằng một gia đình hoàn toàn có thể có người thân là sĩ quan cấp cao của quân lực VNCH, có người tử trận, nhưng cũng có người thân khác thậm chí không ngoa để nói rằng là một trong những nhân sự quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu tính như vậy, thì gia đình đó thậm chí phải được xem là “bên thắng cuộc”. Tuy nhiên, danh xưng đó là vô nghĩa. Mình chưa bao giờ nghe gia đình mình hay ai khác tương tự có sự lên mặt, dè bỉu người khác… trong khi với tiêu chuẩn hiện nay của nhiều người, họ sẽ sẵn sàng làm như vậy. Tiếng nói của mình, do đó, không đại diện cho bên thắng hay bên thua, mà mình tin là xuất phát từ trung bình lương tri của một con người – có thể đúng, có thể sai, nhưng không dối trá, không mạo danh, không mạo nhận – như cách mà vị công chức chống Cộng kia đã mở cửa đón thương binh quân Giải phóng vào nhà. Tất nhiên, thử thách mà mình vượt qua nhẹ nhàng hơn thế hệ đi trước rất nhiều.

 

Đêm nay, Sài Gòn sẽ bắn pháo bông chào mừng lễ kỷ niệm 30 tháng 4. Đó cũng sẽ là hoạt động cuối cùng của đợt kỷ niệm lớn này. Ngày mai, xã hội sẽ quay lại như cũ, không còn diễu binh, không còn diễu hành. Mỗi cá nhân tiếp tục với cuộc sống và nhiệm vụ của họ, như cách mà người ta đã quay lại nhiệm sở để đi làm vào ngày thứ Năm mùng 1 tháng 5 năm 1975, hay bác sĩ Phượng của bệnh viện Từ Dũ đã trực suốt những ngày cuối tháng 4 để giúp các bệnh nhân. Đó mới chính là những nét bút ý nghĩa nhất của lịch sử. Nhìn sự phấn khởi của người dân Sài Gòn, và sự hưởng ứng nồng nhiệt của người Việt Nam trước thông điệp hòa giải của các nhà lãnh đạo Việt Nam đương đại, mình tin rằng trong tiềm thức, dân tộc Việt Nam mong mỏi sự thống nhất hơn là chia rẽ, vào sự tử tế với nhau hơn là nhạo báng lẫn nhau. Mình hy vọng đất nước vượt qua những “bóng ma chia rẽ”, những cái nhãn lỗi thời, những nhạo báng vô minh, sự độc quyền cảm xúc… để cùng lắng nghe nhau, làm việc cùng nhau, sống cùng nhau, và tôn trọng ký ức và khát vọng của nhau. Theo mình, đây mới là ý nghĩa thực sự của hai từ “thống nhất”.

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=10163011786679532&set=a.143396314531

cựu binh QĐNDVN Nguyễn Huy Tạo và cựu binh sư đoàn thủy quân lục chiến VNCH Bùi Trọng Nghĩa. Cả hai cùng tham gia chiến đấu ở hai phía trong trận thành cổ Quảng Trị năm 1972. Họ là hai nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng về hòa giải dân tộc, chụp sau khi hiệp định Paris được ký kết.

 

P/S: trên chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn vào đầu tháng 4, mình có dịp đi cùng một đoàn cựu chiến binh của các tỉnh phía Bắc vào Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày 30 tháng 4. Những cựu chiến binh này đáng tuổi cha chú mình, và có nhiều người sức khỏe đã kém đi, nhưng họ vẫn ngay ngắn quân phục với huân chương lấp lánh đeo trên ngực. Khi loa mời mọi người boarding, họ ngay ngắn xếp hàng trật tự, không ai chen hàng (và mình chợt để ý là Vietnam Airlines hình như đã không còn mời “những người có công với cách mạng” boarding trước). Rất nhiều người trong số họ lần đầu tiên đi máy bay và không biết cách mở cửa nhà vệ sinh ra sao. Mình ngồi ở hàng ghế thoát hiểm và suốt chuyến bay tự cho mình nhiệm vụ hướng dẫn các bác, như một sự tri ân nho nhỏ cho những người đã đi qua cuộc chiến.

 

7 BÌNH LUẬN   






No comments: