Em bé Napalm: Ông
Nguyễn Thành Nghệ nói gì sau hơn 50 năm im lặng?
BBC News Tiếng Việt
21
tháng 5 năm 2025
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cwyjnxyx6g9o
Ông
Nguyễn Thành Nghệ, hiện 87 tuổi, là người được khoanh tròn trong bức ảnh và
theo kết luận của phim The Stringer, ông là người đã chụp bức ảnh nổi tiếng Em
bé Napalm
Ông
Nguyễn Thành Nghệ, nhân vật chính trong phim tài liệu The Stringer, tiết lộ về
quá trình mà ông được cho là đã chụp bức ảnh Em bé Napalm.
Trong
diễn biến mới nhất, vào ngày 16/5, tổ chức World Press Photo (Giải Ảnh Báo chí
Thế giới, WWP) đã thông báo tạm ngừng ghi tên tác giả của bức ảnh The Terror
of War (Nỗi kinh hoàng chiến tranh) hay còn được biết đến với tên gọi
Em bé Napalm.
Theo
World Press Photo, quyết định mới của họ được đưa ra sau một cuộc phân tích độc
lập, sau khi phim tài liệu The Stringer khẳng định ông Nguyễn Thành Nghệ
là tác giả bức ảnh trên, chứ không phải ông Nick Út như được biết đến lâu nay.
Phim
tài liệu The Stringer do tổ chức The VII Foundation của nhiếp ảnh gia
Gary Knight sản xuất và do Bảo Nguyễn làm đạo diễn, ra mắt vào tháng 1/2025.
Để
thực hiện phim và đi đến kết luận chấn động nói trên, đạo diễn Bảo Nguyễn và
nhiếp ảnh gia Gary Knight đã phỏng vấn 55 nhân chứng, kết hợp với kết quả giám
định độc lập từ tổ chức INDEX có trụ sở tại Paris, Pháp.
Chia sẻ với BBC sau quyết định của WWP, ông
Nghệ bày tỏ:
"Tôi
rất xúc động và muốn khóc. Tôi vô cùng biết ơn vì World Press Photo tin tưởng
và đứng về phía sự thật."
Cần
lưu ý, trong thông báo ngày 16/5, WPP quyết định ngưng ghi tên tác giả Nick Út
đối với bức ảnh này, nhưng không khẳng định chắc chắn ông Nghệ là tác giả. Kết
luận mà tổ chức này đưa ra là: "Nếu chỉ xét giữa Út và Nghệ thì các bằng
chứng hình ảnh và kỹ thuật hiện có nghiêng về phía Nghệ".
Từ
trái qua: Đạo diễn Bảo Nguyễn, ông Nguyễn Thành Nghệ, ông Carl Robinson, ông
Gary Knight; ảnh chụp tại buổi công chiếu phim The Stringer hôm 25/1/2025 tại
Park City, Utah, Mỹ
Ông
Nghệ mô tả việc chụp bức ảnh như thế nào?
Ông
Nghệ mô tả việc chụp bức ảnh như thế nào?
Bức
ảnh Em bé Napalm chụp khoảnh khắc bé gái Kim Phúc khi đó chín tuổi trong tình
trạng không áo quần, vừa chạy vừa khóc sau một bụ đánh bom napalm tại Trảng
Bàng, Tây Ninh vào ngày 8/6/1972.
Bức
ảnh đã giúp Nick Út - phóng viên ảnh của AP - giành giải Pulitzer và World
Press Photo vào năm 1973. Từ đó, tên tuổi ông vang danh thế giới.
Từ
khi bức ảnh ra đời, hãng tin AP đã luôn ghi nhận tác quyền thuộc về ông Nick
Út.
Tuy
nhiên, đã có những tranh cãi xoay quanh tác giả thực sự của bức ảnh, ngay cả
trước khi phim The Stringer công chiếu vào ngày 25/1/2025.
Cụ
thể, từ năm 2022 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm bức ảnh ra đời - ông Carl Robinson,
biên tập viên ảnh của AP tại Sài Gòn vào đúng ngày bức ảnh được chụp, đã công
khai tuyên bố rằng Nick Út không phải là tác giả của bức ảnh.
Từ
câu chuyện của ông Robinson, nhiếp ảnh gia Gary Knight và đạo diễn phim Bảo
Nguyễn đã tiến hành các cuộc điều tra để cho ra đời phim The Stringer.
Sau
khi phỏng vấn nhân chứng và sử dụng kết quả giám định của INDEX, phim đưa ra kết
luận rằng Nick Út không ở đủ gần hiện trường để bắt khoảnh khắc lịch sử này.
Thay
vào đó, ông Nguyễn Thành Nghệ, hiện đã 87 tuổi, mới là tác giả bức ảnh.
Có
nhiều thông tin nói ông Nghệ là một tài xế cho hãng NBC News nên việc ông chụp
được bức ảnh là điều khó tin.
Ông
Nghệ giải thích với BBC ngày 17/5 rằng ông không phải là lái xe của NBC mà là một
phóng viên tự do, đi cùng anh rể là Trần Văn Thân - người làm việc cho NBC.
Vào
ngày 8/6/1972, ông nghe nói có chuyện gì đó đang xảy ra ở Trảng Bàng mà NBC
News khi ấy đang không có tài xế trong khi ông có bằng lái nên đã tình nguyện
chở nhóm phóng viên đến hiện trường. Ông nói với BBC rằng hôm đó ông mang theo
duy nhất một chiếc máy ảnh Pentax.
Trong
báo cáo thứ hai của AP vào tháng 5 đưa ra kết luận rằng nhiều khả năng - dù
chưa thể chắc chắn tuyệt đối - bức ảnh này đã được chụp bằng một chiếc máy ảnh
Pentax và khó có khả năng chụp bằng Leica.
"Khi
đến nơi, chúng tôi đậu xe rồi đi bộ trên con đường dẫn đến tòa thánh Cao Đài.
Chỉ vài phút sau, tôi thấy một chiếc máy bay nhỏ lượn vòng vòng khảo sát khu vực,
rồi rời đi.
"Và
chừng vài phút sau đó, tôi thấy hai chiếc máy bay màu đen, tôi không nhớ rõ
tên, nhưng là loại thường dùng để thả bom, bay rất nhanh. Tôi nói với mọi người
rằng sắp có việc để làm rồi, hãy chuẩn bị tinh thần. Tôi thấy nó thả hai quả
bom.
"Lúc
đó, tôi đang đứng rất gần chỗ mà tôi chụp bức ảnh. Tôi thấy khói bốc lên và liền
chạy tới. Rồi tôi thấy một bé gái không mặc gì, những binh lính chạy ra, thế là
tôi giơ máy ảnh lên và chụp một loạt ảnh.
"Có
cả trẻ em, lính, dân thường chạy ra, mọi thứ diễn ra chỉ trong vài giây. Tôi ở
lại đó thêm khoảng năm phút nữa, cho đến khi chụp hết cuộn phim," ông Nghệ
kể lại với BBC.
No comments:
Post a Comment