Đặc
sứ nghiệp dư và ba lò lửa chiến tranh: Chiến lược ngoại giao « phiêu lưu » của
Trump
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 01/05/2025 - 16:21
Các nhật báo giấy của nước Pháp hôm nay 01/05/2025 ngừng
hoạt động theo truyền thống ngày quốc tế Lao Động. Trên mạng, chính sách của tổng
thống Mỹ Donald Trump nhân 100 ngày cầm quyền đầu tiên tiếp tục là chủ đề nổi bật.
Le Monde có bài về tổng thống Mỹ, quen đưa ra các phát biểu đao to búa lớn gây
nhiều hy vọng cũng như lo sợ, hiện đang vấp phải những giới hạn của thực tế.
HÌNH :
Đặc sứ Steve Witkoff (T) và tổng thống Donald
Trump tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ảnh chụp năm 2018. AP - Evan Vucci
Bài « 100 ngày của Trump : vị tổng
thống ngập ngừng đang đối mặt với hiện thực » của Le Monde tập trung vào một
nhân vật nổi bật trong các cộng sự của tổng thống Mỹ, đặc phái viên Steve
Witkoff. Vị doanh nhân thành đạt, được coi là không hề có kinh nghiệm ngoại
giao cho đến đầu năm 2025, được tổng thống Trump bổ nhiệm làm đặc sứ trong ba hồ
sơ nóng nhất: chiến tranh Ukraina, xung đột Trung Cận Đông và hạt nhân Iran.
Các tuyên bố hùng hồn của Trump, như giải quyết
chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ, hay sáp nhập Canada làm bang thứ 51 của
Mỹ…, tương phản với kết quả thu được. Trong cả ba hồ sơ này, tổng thống Trump đều
chưa đạt được kết quả đáng kể nào trong 100 ngày đầu cầm quyền. Theo Le Monde,
hành động ngoại giao của tổng thống Trump trong 100 ngày đầu thể hiện rõ tính
chất « nghiệp dư », làm đến đâu hay đến đấy và không có một chiến
lược thực sự. Tuyên bố về khả năng sáp nhập Canada làm bang thứ 51 không phải
là một dự án nghiêm túc, mà chỉ là « một hoài niệm » và không có
cơ may trở thành hiện thực.
Hoàng đế ở Nhà Trắng
Trong 100 ngày đầu cầm quyền, tổng thống Mỹ tự
coi mình như một hoàng đế, ký hàng chục sắc lệnh cùng một lúc, ban bố những lời
khen, đe dọa và sỉ nhục, tung ra các phát biểu đe dọa tăng thuế, rồi đột ngột hạ
xuống, khinh bỉ các đồng minh truyền thống. Lần đầu tiên ông Trump ra nước
ngoài kể từ khi nhậm chức là chuyến đi viếng giáo hoàng Phanxicô. Trước đó, tổng
thống Mỹ thích « ngự tại Nhà Trắng » để thiên hạ cầu cạnh.
Hậu quả trước hết của lối hành xử này là gây
thiệt hại nặng nề cho « hình ảnh của nước Mỹ » với phát ngôn cổ vũ
cho « chủ nghĩa đế quốc », « chà đạp lên luật pháp quốc tế »
của người đứng đầu Nhà Trắng.
Uy tín của nước Mỹ xuống thấp chưa từng có kể
từ khi tổng thống Bush con tấn công Irak năm 2003. Theo chuyên gia về quan hệ
quốc tế Charles Kupchan, trung tâm tư vấn Council on Foreign Relations, chiến
lược của Trump giống với chủ trương truyền thống của « nước Mỹ cô lập »,
kéo dài hai thế kỷ, từ cuối thế kỷ 18 đến trận chiến Trân Châu Cảng, trong Thế
Chiến Hai, nhưng vấn đề là nhân loại giờ đây đã bước vào một kỷ nguyên hoàn
toàn khác.
Thiếu chuyên gia : « Không có một
chiến lược nào kéo dài quá 5 phút »
Chuyên gia Charles Kupchan tìm cách giải mã
chiến lược ngoại giao của Trump, nêu hình ảnh ví von : « Chính quyền Trump
dường như không có một kế hoạch rõ ràng nào kéo dài quá 5 phút ». Theo vị
chuyên gia này, việc sử dụng đặc phái viên nghiệp dư này xuất phát từ chỗ ông
Trump hoàn toàn không tin tưởng vào « giới chuyên gia ». Giới
ngoại giao chuyên nghiệp của nước Mỹ bị gạt ra lề.
Thành công lớn của đặc sứ Steven Witkoff
trong hồ sơ Ukraina là được gặp tổng thống Nga Vladimir Putin bốn lần, mỗi lần
kéo dài nhiều tiếng. Kết quả thu được là gì ? Theo Le Monde, phía Nga chỉ
đồng ý ngừng bắn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trong một thời gian ngắn, và
giao thông được bảo đảm tại Biển Đen. Chấm hết. Đổi lại, Mỹ phải chấp nhận bán
đảo Crimée là của Nga cũng như thừa nhận việc Nga kiểm soát bốn vùng lãnh thổ
khác của Ukraina, chiếm được sau năm 2022.
Hành xử thùng rỗng kêu to của Trump có lặp lại ?
Hành xử thùng rỗng kêu to và đầy tính phiêu
lưu của tổng thống Mỹ, theo Le Monde, thể hiện rõ qua cuộc đàm phán đổ vỡ với
lãnh đạo Bắc Triều Tiên về hồ sơ hạt nhân. Cuộc gặp tại Singapore năm 2018 được
quảng bá rầm rộ, cuộc gặp tại Hà Nội năm sau kết thúc không kèn không trống.
Hành xử phiêu lưu của tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai có lặp lại ?
Các đàm phán với Iran về chương trình hạt
nhân quân sự, bắt đầu cách nay ít tuần, được phía Mỹ quảng bá như một thành
công. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu hai bên không đạt thỏa hiệp. Ngày 25/04, trả
lời phỏng vấn tuần báo Time, ông Trump tuyên bố « nếu không đạt được thỏa
thuận, tôi sẽ dẫn đầu lực lượng » tấn công Iran.
« Chuyên gia gieo rắc hỗn loạn »
Vẫn về tổng thống Mỹ, Le Monde trong bài xã
luận « Donald Trump, chuyên gia gieo rắc hỗn loạn », của số báo giấy
ra sáng nay, nhấn mạnh đến việc Trump đã phá hoại hình ảnh nước Mỹ trong một thời
gian ngắn kỷ lục như thế nào. Kế thừa từ người tiền nhiệm một nền kinh tế
« có sức khỏe tốt », Trump đưa thế giới vào một cuộc chiến tthương mại
với chính sách thuế quan, nguy cơ suy thoái và lạm phát tăng vọt lơ lửng. Trợ
giúp quốc tế có ý nghĩa sống còn cho các nước nghèo nhất hành tinh, với đóng
góp chủ yếu của nước Mỹ, đột ngột bị cắt. Washington im lặng hoàn toàn trước thảm
kịch tại Gaza, để mặc cho Israel tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào
thường dân.
Ít có khả năng Trump rút ra bài học
Tình hình giờ đây khác hẳn với các tuyên bố
mang đầy hy vọng khi Trump mới lên cầm quyền, hứa hẹn sẽ đưa nước Mỹ bước vào
« một kỉ nguyên thịnh vượng mới và một lần nữa được toàn thế giới nễ trọng ».
Những thất bại trong giai đoạn 100 ngày khiến Trump mất uy tín hơn trong công
luận Mỹ, và đây là một « báo động đối với chính quyền Trump » và đối
với phe Cộng Hòa hiện đang kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội, đang tỏ rõ thái độ
theo đuôi tổng thống.
Tuy nhiên, theo Le Monde, rất ít có khả năng
là tổng thống Mỹ rút ra được các bài học từ những sai lầm trong giai đoạn 100
ngày này. Nhật báo Pháp dự báo các khó khăn mà ông Trump gặp phải thậm chí
« có thể khiến ông ta » trở nên cực đoan hơn, bởi Trump hiện tại vẫn
có được một sự hậu thuẫn vững chắc của bộ phận cử tri trung thành, « vốn
chưa bao giờ suy suyển, ngay cả vào những giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp
chính trị » của Trump.
Tỉ lệ ủng hộ « suy giảm » nhưng
không « suy sụp »
Cùng hướng ghi nhận với đồng nghiệp Le Monde,
báo Le Figaro có bài về « Sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên, sự ủng hộ đối với
Trump suy giảm nhưng không hề có dấu hiệu suy sụp ». Trong những ngày gần
đây, nhiều viện thăm dò dư luận Mỹ công bố nhiều kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ
ủng hộ sụt giảm xuống mức được cho là « đáng lo ngại », với tỉ lệ thấp
nhất từ năm 1945.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, mức sụt giảm tỉ lệ
ủng hộ của tổng thống Trump trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên cần được đánh giá
đúng mức, bởi không khác nhiều so với các tổng thống tiền nhiệm trong lịch sử Mỹ
gần đây. Tổng thống Joe Biden mất 3 điểm sau 100 ngày, Obama mất đến 6 điểm vào
dịp 100 ngày nhiệm kỳ thứ hai. Bush con mất 4 điểm và Clinton cũng mất 3 điểm.
Theo chuyên gia Mathieu Gallard, tỉ lệ ủng hộ
sụt giảm này được coi đã trở thành « một xu thế truyền thống ».
Chuyên gia về chính trị Mỹ Jean-Eric Branaa, Đại học Panthéon-Assas, nhấn mạnh :
100 ngày đánh dấu giai đoạn mà niềm hứng khởi đặt vào tân tổng thống đã biến mất,
thay vào đó là thái độ nóng lòng chờ đợi kết quả ».
Thất bại rõ rệt nhất của Trump, theo chuyên
gia Jean-Eric Branaa, nằm ở chỗ các nhóm cử tri truyền thống của đảng Dân chủ bầu
cho Trump do thất vọng với đảng này, nay đã không còn tin tưởng ở tổng thống
Trump.
Mỹ - Ukraina ký thỏa thuận khoáng sản :
Có thực sự tốt cho Ukraina ?
Tin về Mỹ và Ukraina ký kết được thỏa thuận
khoáng sản hôm qua được nhiều báo chú ý. Báo La Croix nhấn mạnh đến thái độ hài
lòng của phía Ukraina sau khi đạt được thỏa thuận. « Một thỏa thuận quốc tế
tốt đẹp và công bằng giữa hai chính phủ », theo phát biểu của thủ tướng
Ukraina Denys Chmygal, trước lễ ký kết văn bản. Thỏa thuận không gắn liền với
khoản nợ nào với Mỹ của Ukraina là điều được thủ tướng Ukraina lưu ý.
Thỏa thuận này cho phép lập ra một « Quỹ
đầu tư cho tái thiết » Ukraina, do Ukraina và Mỹ cùng tài trợ và quản lý.
Tuy nhiên, dường như thỏa thuận không bao gồm các đảm bảo an ninh của Mỹ cho
Ukraina, điều mà Kiev đã liên tục yêu cầu, và là điều mà tổng thống Volodymyr
Zelensky đã cố sức vận động Mỹ.
Trữ lượng khoáng sản tại Ukraina hiện vẫn là
vấn đề để ngỏ, trong bối cảnh hầu hết các nguồn tài nguyên này chưa được khai
thác, khó khai thác hoặc trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Theo bộ
trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, « thỏa thuận này gửi đi thông điệp rõ
ràng tới Nga rằng chính quyền Trump cam kết hậu thuẫn tiến trình hòa bình với
trung tâm là nước Ukraina tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài ».
Dự thỏa thuận về khoáng sản từng là tâm điểm
gây căng thẳng trong nhiều tuần giữa Kiev và Washington, vốn là một nguồn hỗ trợ
« rất quan trọng » đối với Ukraina về an ninh. Cuối tháng 2, việc ký
kết bị đổ vỡ sau cuộc đấu khẩu chưa từng có trước ống kính truyền hình tại Nhà
Trắng giữa tổng thống Ukraina với Donald Trump. Cuối tháng 3, một phiên bản mới
của thỏa thuận do phía Mỹ đưa ra đã bị phía Ukraina phản bác mạnh mẽ.
Thỏa thuận hiện nay thực sự có lợi cho
Ukraina hay không ? Hôm qua, một nghị sĩ Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ, ông
Gregory Meeks, đã lên án « hành vi tống tiền » của Donald Trump.
Tìm mộ 50 năm sau chiến tranh Việt Nam:
Đối kháng Bắc – Nam vẫn tiếp tục ở thế giới bên kia
Việt Nam hôm qua kỉ niệm 50 năm kết thúc chiến
tranh. Le Monde có bài phóng sự của Brice Pedroletti, đặc phái viên tại TP Hồ
Chí Minh và Hà Nội, cho thấy những dấu vết của chiến tranh nửa thế kỷ sau vẫn
còn sâu đậm như thế nào trong tâm hồn con người.
Tâm điểm của phóng sự là một trung tâm tìm mộ
(UIA), có trụ sở tại Hà Nội. Trung tâm này sử dụng các nhà ngoại cảm hay những
người có tiềm năng đặc biệt để tìm kiếm phần còn lại của thi hài những binh sĩ
đã chết trong chiến tranh. Theo chính quyền, còn hàng trăm nghìn binh sĩ hiện
chưa tìm được thi thể, trong số 1,1 triệu người được gọi là « liệt
sĩ », tức những chiến binh của phía quân đội cộng sản.
Theo người phụ trách trung tâm tìm mộ, trong
30 năm vừa qua, 10% trong số 1.000 nhà ngoại cảm, hay các ông bà đồng, đã được
trung tâm chứng nhận có khả năng tìm mộ.
Le Monde đặc biệt chú ý đến việc trong khi
các « liệt sĩ » của quân đội cộng sản được trung tâm UIA ưu tiên chăm
sóc, các tử sĩ của quân đội miền Nam thì ngược lại. Dấu ấn của chia rẽ, đối
kháng hai miền vẫn tiếp tục trong thế giới người chết, thế giới bên kia.
----------------------------
Các nội dung liên quan
ĐIỂM BÁO
Thế
giới đảo lộn sau 100 ngày Donald Trump trở lại Nhà Trắng
PHÂN TÍCH
Thỏa
thuận khoáng sản Ukraina - Washington : Một thắng lợi ngoại giao của Kiev
Tạp chí Đặc biệt
100
ngày đầu của Trump nhiệm kỳ hai: Dư luận Việt Nam trước cú sốc thuế quan
No comments:
Post a Comment