Để Mỹ trở lại
kỷ nguyên đại công xưởng: Đời không như mơ
Trúc Phương/Người Việt
May 1, 2025 : 8:02 PM
Việc người
lao động Mỹ mất việc trong ngành sản xuất là thực tế không thể phủ nhận nhưng
không vì vậy mà nước Mỹ trở nên nghèo khó. Trong thực tế, sự thịnh vượng của Mỹ
không phải đến từ những nhà máy sản xuất quần áo hoặc đinh vít.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/A1-Dai-cong-xuong-My-1536x1024.jpg
Chính sách thuế quan không chỉ không mang lại
việc làm mà còn bóp chết chính người Mỹ, bởi vì hàng xuất cảng nước ngoài đắt
hơn sẽ không làm cho hàng hóa sản xuất ở Mỹ rẻ hơn. (Hình minh họa: Chandan
Khanna/AFP via Getty Images)
Những thỏa thuận thương mại tự do mà các tổng
thống Dân Chủ lẫn Cộng Hòa thực hiện vào những năm 1990 và 2000 đã góp phần làm
xẹp ngành sản xuất Mỹ.
Tại sao ngành sản xuất gia công biến mất?
Hàng trăm ngàn công nhân công nghiệp đã mất
việc sau khi Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ và quy chế tối huệ quốc dành cho
Trung Quốc được thông qua. Hàng chục ngàn nhà máy phải đóng cửa. Thập niên
1950, việc làm trong lĩnh vực sản xuất chiếm 35%. Con số này hiện chỉ còn 9.4%
– tức khoảng 12.8 triệu việc làm.
Hậu quả từ trào lưu thương mại tự do đã ít
nhiều gây ra sự phẫn nộ trong xã hội lẫn chính trường. Khai thác tối đa điều
này như một phần trong chiến lược tranh cử, ông Donald Trump, tổng thống, hứa rằng
thuế quan sẽ phục hồi ngành sản xuất nội địa. Đa số cử tri thuộc tầng lớp lao động
ở các tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania… nhiệt tình ủng hộ chính
sách này. Ông Trump nhấn mạnh, chỉ cần áp thuế các đối tác thương mại thì người
Mỹ sẽ có việc làm trở lại, mọi nơi, từ Janesville, Wisconsin, đến Youngstown; từ
Ohio, Tonawanda, New York đến các thị trấn sản xuất thép ở Tây Pennsylvania…
Xét về lịch sử, sự trỗi dậy của Mỹ khi trở
thành cường quốc sản xuất được thúc đẩy bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Đầu những
năm 1900, Mỹ là quốc gia tiên phong trong kỹ thuật dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ nhanh chóng trở thành quốc gia hàng đầu thế
giới về sản xuất, chiếm lĩnh mọi lĩnh vực, từ xe hơi đến máy rửa chén. Ngoài
ra, nhờ chính sách giáo dục tốt, Mỹ có lực lượng lao động có trình độ học vấn
cao nhất thế giới.
Sau những năm 1950, vai trò công nghiệp sản
xuất bắt đầu suy yếu. Một phần nguyên nhân là do người Mỹ ngày càng giàu hơn và
chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như ngân hàng, du lịch, nhà hàng, chăm sóc y
tế, tư vấn pháp lý… Từ giữa thập niên 1960 đến đầu những năm 1980, ngành dịch vụ
phát triển mạnh và dân Mỹ bắt đầu không muốn trực tiếp sản xuất những mặt hàng
có lợi nhuận thấp. Thay vì mở nhà máy, họ mở ngân hàng. Thay vì đóng giày, họ
góp vốn mở bệnh viện.
Cũng trong thời gian này, các khu vực kém
phát triển hơn trên thế giới, như Mỹ La Tinh và Á Châu, nơi có chi phí lao động
thấp, bắt đầu sản xuất những mặt hàng mà dân Mỹ không còn muốn rớ vào. Nói cách
khác, chính người Mỹ đã phần nào tự đóng cửa nhà máy của họ. Thay vì sản xuất
quần lót hoặc lò nướng bánh mì, người Mỹ mua hàng nhập với giá rẻ hơn. Năm
2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), hàng loạt ông
chủ Mỹ sang nước này mở hãng xưởng. Cùng với hàng Mỹ sản xuất ở Trung Quốc, hàng
hóa Trung Quốc bắt đầu ào ạt đổ vào Mỹ.
Mỹ không thể trở thành siêu cường nếu chỉ sản
xuất… nón MAGA
Năm 1999, giá trị xuất cảng hàng hóa của
Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/10 Mỹ. Năm 2008, Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành
nước xuất cảng hàng đầu thế giới. Giới sản xuất những mặt hàng công nghệ thấp
như đồ nội thất và hàng gia dụng Mỹ bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, không vì vậy
mà nước Mỹ trở nên nghèo hơn. Ngược lại, Mỹ ngày càng giàu sụ, nhờ sự bùng nổ
hàng loạt sản phẩm dịch vụ.
Mỹ “lụt tay nghề” trong việc sản xuất quần áo
hay máy xay sinh tố nhưng họ đứng đầu thế giới về nhu liệu và sản phẩm trí tuệ.
Năm 2023, Mỹ xuất cảng $24 tỷ dịch vụ quảng cáo. Tổng quát, Mỹ xuất cảng hơn
$1,000 tỷ giá trị dịch vụ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác (Wall Street Journal, 15 Tháng Tư).
Theo kinh tế gia Gordon Hanson (đại học
Harvard University), năm 1980, lĩnh vực sản xuất chiếm 39% việc làm tại Mỹ. Đến
năm 2021, tỷ lệ này giảm còn 20%. Tuy nhiên, trong cùng kỳ, tỷ lệ việc làm được
trả lương cao trong các ngành tài chính, chuyên môn và pháp lý đã tăng từ 8%
lên 26%.
Nói cách khác, toàn cầu hóa đã giết chết
ngành sản xuất Mỹ nhưng thế giới thông thương cũng mang lại sự thịnh vượng chưa
từng có cho nước Mỹ nhờ xuất cảng dịch vụ. Trong thực tế, sản xuất chỉ chiếm
10% GDP Mỹ. Để so sánh, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chiếm 17.5% GDP, bất động sản
chiếm khoảng 14% và các loại dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh chiếm khoảng
13% GDP.
Toàn cảnh, các ngành dịch vụ, trong đó có tài
chính, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kế toán, bất động sản, du lịch,
công nghệ thông tin, phát triển nhu liệu và truyền thông và giải trí… chiếm đến
70% nền kinh tế Mỹ (MSNBC, 10 Tháng Tư).
Năm 2022, dịch vụ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất
cảng Mỹ. Yếu tố quan trọng này hầu như không được đề cập trong chính sách thuế
quan của ông Trump. Chính quyền Trump nhắc đi nhắc lại về thâm hụt thương mại
nhưng chỉ nói về mặt sản xuất. Trong khi đó, Mỹ có thặng dư thương mại gần $280
tỷ trong lĩnh vực dịch vụ!
Chính sách thuế quan không chỉ không mang lại
việc làm mà còn bóp chết chính người Mỹ. Điều này đang xảy ra. Việc đưa ngành sản
xuất Mỹ trở lại bằng cách tăng thuế khiến hàng xuất cảng nước ngoài đắt hơn sẽ
không làm cho hàng hóa sản xuất ở Mỹ rẻ hơn, bởi vì yếu tố chi phí lao động,
hàng hóa được sản xuất tại Mỹ sẽ đắt hơn rất nhiều. Điều này sẽ nuốt chửng mọi
lợi ích từ việc tăng sản lượng trong nước và doanh thu từ thuế của chính phủ.
Và ngay cả khi tăng 30% việc làm trong lĩnh vực sản xuất thì tỷ lệ việc làm
trong lĩnh vực sản xuất tư nhân cũng chỉ tăng lên khoảng 12%, thấp hơn nhiều so
với trước đây.
Một ví dụ cụ thể là may mặc. Thị trường Mỹ
toàn hàng may mặc sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh… Chỉ 2% quần áo
mà người Mỹ mua là được cắt và may trong nước. Khoảng một nửa trong số đó được
sản xuất cho quân đội, theo luật định phải sử dụng các nhà sản xuất Mỹ.
Theo Cơ Quan Thống Kê Lao Động, ngành may mặc
Mỹ hiện sử dụng 84,000 người, so với 938,000 người vào năm 1990; trong đó có
6,619 cơ sở, so với 15,622 cơ sở vào năm 2001 (The New York Times, 10 Tháng
Tư). Do vậy, mức thuế quan mới của ông Trump – tăng thêm vào mức hiện hành đối
với quần áo nhập cảng, trung bình là 12.6% – sẽ ảnh hưởng nặng đến túi tiền sắm
quần áo của chính người Mỹ.
Mang lại việc làm cho nước Mỹ nhưng ai làm?
Một nghịch lý là khi ông Trump nâng hàng rào
thuế quan, việc xây dựng nhà máy tại Mỹ trở nên khó khăn bội phần. Đơn giản,
nguyên vật liệu dùng xây nhà máy phải nhập từ nước ngoài bây giờ bị đội giá.
Wall Street Journal (6 Tháng Tư) cho biết,
chi phí xây dựng tăng do thuế quan đã làm chết yểu dự án nhà máy tái chế nhựa
International Recycling Group trị giá $300 triệu ở Erie (Pennsylvania), vốn được
xây dựng trong bốn năm và gần hoàn thành. Nói cách khác, việc ông Trump đảo ngược
chính sách thương mại tự do đang tạo ra sự hỗn loạn cho chính lĩnh vực mà ông
Trump muốn tái xây dựng, tức ngành sản xuất Mỹ, từ các nhà máy thiết bị y tế ở
Florida, đồ chơi ở Ohio hay xe đạp ở California.
The Washington Post (14 Tháng Tư) cho biết,
hàng ngàn nhà sản xuất Mỹ đang lao đao vì không thể nhập linh kiện và nguyên vật
liệu từ nước ngoài. Bà Suzanne Shriner, chủ tịch Lions Gate Farms, công ty
chuyên cung cấp cà phê Kona trồng ở Hawaii bán khắp Á Châu và Âu Châu, nói:
“Chúng tôi đã xuất cảng ra thị trường quốc tế suốt 20 năm, giờ đây đột nhiên thị
trường của chúng tôi đang đóng cửa.” Công ty sản xuất xe điện tại Hudson (Ohio)
– lâu nay xuất cảng trung bình 200,000 chiếc đến Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu La
Tinh – cũng gặp rắc rối bởi khách hàng nước ngoài ngưng mua vì mức thuế quan
cao mà nước họ đang áp dụng nhằm vào hàng nhập từ Mỹ, nhằm đáp trả động thái áp
thuế của ông Trump.
Liên quan việc biến nước Mỹ thành đại công xưởng,
một trong những vấn đề nhức đầu là nguồn nhân lực. Tháng Ba, 40% chủ doanh nghiệp
nhỏ cho biết họ không thể tìm được nguồn nhân lực đang cần. Toàn cảnh, nếu
không thể thời kỳ đại dịch, tình trạng thiếu hụt lao động ở Mỹ là tồi tệ nhất
trong 50 năm (Wall Street Journal, 6 Tháng Tư).
Chính sách lương bổng của Mỹ cũng khiến việc
mở nhà máy trở nên khó khăn. Một công nhân sản xuất ở Mỹ kiếm được hơn $70,000
một năm, trong khi công nhân ở Trung Quốc chỉ kiếm được chừng $13,000 và công
nhân ở Ấn Độ chỉ kiếm được khoảng $2,300. Điều đó có nghĩa, đối với nhiều sản
phẩm, việc sản xuất ở nước ngoài và trả thuế quan khi nhập vào Mỹ vẫn rẻ hơn so
với việc chuyển nhà máy vào Mỹ và trả lương cao hơn.
Còn có một thực tế “đau lòng:” Dân Mỹ ngày
nay không chịu làm việc trong các nhà máy sản xuất những thứ linh tinh mà dân
nghèo ở Trung Quốc, Mexico hay Việt Nam làm. Có đến 80% ý kiến người Mỹ trả lời
cuộc khảo sát của Viện CATO đã hoan hỉ nói rằng nước Mỹ cần phục hồi ngành sản
xuất nhưng trong cùng cuộc khảo sát, chỉ có 25% nói rằng tương lai họ tốt hơn nếu
họ làm gia công trong các hãng xưởng (TIME, 15 Tháng Tư).
Theo khảo sát chuỗi cung ứng do CNBC thực hiện
(CNBC, 16 Tháng Tư), hơn một nửa số người được khảo sát (57%) cho biết chi phí
là rào cản lớn nhất trong việc dời chuỗi cung ứng đến Mỹ; 21% cho biết thách thức
lớn nhất là tìm nguồn lao động có tay nghề.
Chính ở những nước như Trung Quốc hay Việt
Nam, chẳng phải ai cũng muốn làm việc trong nhà máy. Công nhân thường là thành
phần không có trình độ học vấn cao. Họ phải miễn cưỡng làm việc trong các nhà
máy lắp ráp gia công chỉ để lây lất mưu sinh. Ngay ở Trung Quốc, khi giới trung
lưu ngày càng nhiều hơn, cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiều người không muốn
làm thợ lắp ráp, khiến giới chủ Trung Quốc phải mở hãng xưởng ở Phi Châu, nơi
chi phí nhân công thậm chí thấp hơn Trung Quốc.
Tất cả những gì đề cập ở trên cho thấy, chính
sách thuế quan không chỉ khó có thể mang lại việc làm trở lại mà còn gây thiệt
hại cho chính nước Mỹ. Vấn đề cần thiết hơn đối với Mỹ là đầu tư vào những lĩnh
vực công nghệ hoặc dịch vụ mà Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối và mang lại sự giàu có
như lâu nay. Ngay cả một nước Á Châu nhỏ như Singapore từ lâu cũng ý thức rằng
họ sống sung túc bằng dịch vụ chứ không phải sản xuất. [qd]
No comments:
Post a Comment