Thêm những tiếng nói của Lương Tri (*)
Thái Hạo
21/12/2024
https://boxitvn.online/?p=92373#more-92373
Chiều
ngày 5 tháng 12, khi vừa đọc thấy tin Hội Nhà văn bổ nhiệm Lương Ngọc An vào chức
Phó tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, sau phút kinh ngạc,
lúc tôi đang ngồi vào gõ mấy dòng thì anh Hoàng
Tuấn Công gọi điện, cũng vì kinh ngạc trước tin ấy.
Sau
khi tôi post bài được vài giờ (https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/966109325396087),
tôi và anh Công nhắn tin với nhau. Anh Công hỏi: “Quan điểm của Thảo Phương thế
nào chú?”, tôi nói: “Em chưa nói chuyện với chị ấy về vụ này, nhưng chắc chắn
chỉ sẽ lên tiếng”.
Và
đúng thế, suốt từ ngày hôm sau đến nay, DTP đã liên tục lên tiếng, vừa tố cáo,
vừa cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan, vừa chia sẻ phát biểu của những
người đang chọn đứng về phía sự thật và lẽ công bình, với một ý chí không thoái
lui, dùng chính nỗi đau cá nhân của mình để mong đẩy lùi cái ác trong xã hội.
Tôi
và DTP dù là bạn trên facebook nhưng rất ít nói chuyện, ngay cả khi thấy thông
tin về vụ bổ nhiệm, tôi cũng không báo cho chị, viết bài và đăng lên rồi tôi
cũng không hề gửi link. Tôi không cần biết DTP có biết và có lên tiếng hay
không, nhưng cá nhân tôi thấy bản thân mình không thể im lặng, bởi tôi không
coi đó là chuyện riêng của DTP nữa, mà đã là chuyện của pháp luật, của nền văn
học, của văn hóa, đạo đức và luân thường đạo lý.
Tôi
tin DTP sẽ lên tiếng, vì tôi tin vào câu chuyện của chị, và nhất là tôi tin rằng
chị không có động cơ nào khác ngoài việc ghê tởm cái ác, nhất là cái ác được
công khai dung dưỡng, và chị muốn tranh đấu cho rất nhiều nạn nhân đang ôm mặt
trong bóng tối. Tôi hiểu rằng DTP đã vượt lên trên câu chuyện của cá nhân mình,
hy sinh
sự bình yên riêng tư, quẳng mình vào chợ trời của một xã hội “im lặng chết
chóc” nhưng luôn sẵn sàng tấn công nạn nhân, để tố cáo cái ác
và đòi công lý, công lý không phải cho riêng chị. Có những kẻ đã mang xăng đốt
người, còn DTP – chị đang tự đốt cháy chính mình để mong có thể nhen lên một ngọn
lửa, ngọn lửa của sự cổ vũ các nạn nhân, ngọn lửa của phẩm giá và tinh yêu cuộc
sống – một cuộc sống cần phải có cho con người.
Một
nửa tháng đã trôi qua kể từ khi thông tin về vụ bổ nhiệm Lương Ngọc An được Hội
Nhà văn đăng tải. Ngay trong ngày, từ thái độ khảng khái và đầy trách nhiệm của
nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công trong việc từ chối gửi bài đã được đặt trước cho
báo Văn Nghệ để tỏ thái độ phản đối và dứt khoát “đứng về phe
nước mắt”, tôi ngồi quan sát và… đếm.
Hai
tuần im ắng trôi đi… Văn đàn nghe thấy tiếng nói từ nhà văn – họa sĩ Minh
Phong Le, anh tuyên bố “từ nay về sau tôi sẽ không cộng tác cho Viết
& Đọc nữa”. Hôm qua, nhà thơ Hoàng Hưng (Hoang
Thụy Hưng) đăng tải Thư ngỏ, “xin rút lời đã hứa với Khoa” là gửi bản dịch
thơ S. J. Perse cho Nhà văn & Cuộc sống. Cùng ngày, nhà thơ – dịch
giả Ngô Tự Lập lên tiếng “tôi tin chị và ủng hộ chị”. Cũng cùng ngày, admin của
nhà sách Cảo Thơm “Tạm thời ngừng bán tất cả các ấn phẩm của Hội cho đến khi có
thông báo sáng rõ về vụ việc”, đồng thời hủy đơn đặt hàng Viết & Đọc số
mùa Đông và số Tết. Cũng cùng ngày hôm qua, nhà thơ Phapxa Chan lên tiếng với
hành động không thể quyết liệt hơn “sẽ không có bất cứ sự hợp tác hay liên quan
nào với Hội Nhà Văn Việt Nam”, “quyết định thu hồi toàn bộ số sách” đã in từ
NXB Hội Nhà văn… Và anh gọi đó là “việc tối thiểu” mà anh có thể làm.
Vậy
là, trừ ít văn nghệ sĩ đã lên tiếng trong lần DTP tố cáo hồi tháng 4 năm 2022,
nửa tháng nay, cũng trừ những người lên tiếng có tính chất thông tin, báo chí,
hoặc bình luận nói chung, tôi đã đếm được 6 người cầm bút đã tỏ rõ thái độ và
hành động trước một vụ bổ nhiệm bất chấp dư luận, bất chấp đạo lý và đầy tính sỉ
vả đối với văn chương nói chung.
6
người! Con số này cũng gây sốc như chính vụ bổ nhiệm vậy. Nhưng có điều an ủi,
là càng về sau thì tần suất càng dày hơn, mau hơn. Một lần nữa, DTP quyết định
“dứt tung từng mũi chỉ” đang khâu vá vết thương chưa lành của mình với khao
khát cháy bỏng “Nếu những sự thật mà tôi tự dứt mình ra để kể này có thể lay động
đến sự quan tâm của bạn, thì xin đừng chuyển năng lượng ấy thành nước mắt rớt
xuống thương xót cho cá nhân tôi, mà hãy để nó vút lên thành hành động thiết thực,
có tính lan toả. Chỉ những hành động ấy – chứ không phải sự im lặng khinh bỉ kẻ
thủ ác và những nước mắt thương xót cho cá nhân nạn nhân – mới làm những nạn
nhân còn phải ôm nỗi đau uất trong im lặng và những kẻ gây ra tội ác hiểu rằng,
cộng đồng này không phải một chốn đồng không mông quạnh đã tắt lặng hết tiếng
nói của Lương Tri”.
Hy vọng,
một ngày không xa nữa, chị sẽ không còn thấy mình đơn độc trong cuộc chiến chống
cái ác đang nhởn nhơ khiêu khích con người và phẩm giá con người…
Xung
quanh vụ Dạ Thảo Phương, tôi thấy người đáng nể trọng nhất (nhưng dường như lại
không mấy ai để ý đến), đó là chồng chị.
Như
lời DTP đã thuật lại trên facebook, ngay hôm chị nói với chồng rằng mình sẽ quyết
định đưa sự việc đau đớn đã chôn giấu hơn 20 năm ra ánh sáng, “Anh ôm lấy vai
tôi và nói: […] Chúng mình không muốn những việc đã xảy ra với em có thể xảy ra
với những đứa con của chúng mình hay của những ông bố, bà mẹ khác. Nào, hãy làm
một điều gì đó để góp phần ngăn chặn sự vô sỉ này tiếp tục loang ố”.
Như
vậy, chồng chị đã ủng hộ, cổ vũ và đồng hành cùng chị trong việc lên tiếng tố
cáo kẻ ác, vì một xã hội cần phải tốt đẹp hơn, cho tất cả mọi người.
Tôi
lại nghĩ, nếu đó là một ông chồng Việt Nam thì thế nào nhỉ? Cứ nhìn sự im lặng
của “nhà văn nam” ở ta có lẽ cũng phần nào đoán được. Một ông chồng Việt Nam
thì chắc đầu tiên sẽ nghĩ đến “danh dự” bản thân, đến “gia đình”, thậm chí họ
còn thấy nhục và không chừng còn quay ra kết tội và căm ghét người vợ của mình
khi cô ta nói ra việc mình đã từng bị cưỡng hiếp như thế nào. Đừng hòng nhận được
ở anh ta một sự chia sẻ, chứ đừng nói ủng hộ hay đồng hành?
P/S: Trong vụ DTP, có
không ít phụ nữ không những không cảm thông mà còn quay ra tấn công người tố
cáo. Họ có đầy đủ lý do, tất nhiên, nhưng mỗi khi đọc những lý do mà họ đưa ra,
tôi cứ nhầm rằng mình đang sống đâu đó trong thế kỷ 19!
T.H.
(*)
Tựa đề do BVN đặt
No comments:
Post a Comment