Thursday, December 26, 2024

NƯỚC MỸ PHÂN CỰC, KINH THÁNH TÌM ĐƯỜNG TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC (Võ Ngọc Ánh | Tacoma, Washington)

 



Nước Mỹ phân cực, Kinh thánh tìm đường trở lại trường học

Võ Ngọc Ánh

Gửi cho BBC từ Tacoma, Washington, Hoa Kỳ

25 tháng 12 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0mvk71171ro

 

Trong năm 2024, một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã tìm cách đưa Kinh thánh trở lại các trường công.

 

Chập tối ngày lễ Tạ ơn vừa rồi, hai bên đường tại thành phố Bellevue giàu có ở tiểu bang Washington người chật như nêm. Trong đám đông, tôi nhìn thấy những tấm bảng được đưa lên khỏi đầu với thông điệp về Chúa Giêsu.

 

Trong các sự kiện công cộng như thế này, nhiều nhà thờ Tin lành ở Mỹ không bỏ lỡ cơ hội để giới thiệu về đức tin.

 

Trên đường, nơi nhiều người qua lại, bạn dễ gặp những người ăn bận rất lịch sự tiếp cận đưa thông tin, mời đến nhà thờ, tham gia các sự kiện tôn giáo.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1cdc/live/212236e0-c274-11ef-aff0-072ce821b6ab.png.webp

Những trường công lập áp dụng việc dạy Kinh thánh sẽ có thêm tài trợ

 

Nơi đông người lui tới, rất dễ bắt gặp cảnh một người diễn thuyết hùng hồn, một nhóm người hỗ trợ xung quanh, tạo ra một không khí sôi động, thu hút. Nhóm người này thường là của một nhánh Tin lành nào đó nói về niềm tin của họ. Cách quảng bá cũng giống như việc phát tờ rơi hay quảng cáo hàng tiêu dùng tại các siêu thị ở Việt Nam.

 

Người Mỹ xem những kiểu giới thiệu, rao giảng tôn giáo như trên là bình thường trong văn hóa của mình. Khi gặp phải mà không thích, bạn có thể từ chối và lướt qua.

 

Hằng năm cứ đến cuối tháng 11, khi các nhà thờ còn chưa trang trí cho Giáng sinh, thì không khí đã rộn ràng ngoài đường, trước những ngôi nhà, trong các trung tâm thương mại, doanh nghiệp, trên phương tiện truyền thông.

 

Giáng sinh vốn xuất phát từ Kitô giáo đã được xã hội chấp nhận, vượt ra khỏi vai trò của một ngày lễ tôn giáo để trở thành lễ hội văn hóa truyền thống và được mọi người chờ đón. Tuy nhiên, việc buộc các trường học công lập phải để Kinh thánh, treo Mười Điều răn và dạy Kinh thánh cho học sinh thì không phải người Mỹ nào cũng đồng ý.

 

Nhà nước và nhà thờ

 

Việc dạy Kinh thánh trong các trường công tại Mỹ đã chấm dứt theo sau một phán quyết của Tối cao Pháp viện vào năm 1963, trong vụ kiện có tên Abington School District v. Schempp.

 

Trong vụ kiện này, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng các bài đọc về Kinh thánh và các hoạt động tôn giáo bị cấm ở các trường công. Lý do đơn giản là theo Hiến pháp Hoa Kỳ, nhà nước không được ủng hộ một tôn giáo này hơn một tôn giáo kia.

 

Dù trước đó, khi phần lớn những người Mỹ là Tin lành, Công giáo và Do Thái giáo, thì việc trưng bày Mười Điều răn ở những nơi công cộng được coi là một nét văn hóa hơn là tôn giáo.

 

Hơn 60 năm đã trôi qua và điều này đang bị phá vỡ, khi nước Mỹ ngày càng trở nên phân cực, xu hướng bảo thủ đang hồi sinh, nhiều tiểu bang tìm cách đưa Kinh thánh trở lại trường học.

 

Cuối tháng 11/2024, Hội đồng Giáo dục bang Texas đã thông qua việc cho phép giảng dạy Kinh thánh ở cấp tiểu học công lập vào năm học tới.

 

Đây là nỗ lực của tiểu bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát để đưa tôn giáo trở lại trường học.

 

Dù việc dạy Kinh thánh là không bắt buộc các trường phải thực hiện, nhưng những trường áp dụng việc dạy Kinh thánh sẽ có thêm tài trợ.

 

Câu hỏi được đặt ra là điều này có mang lại công bằng cho học sinh và giữa các trường hay không? Hay chính quyền tiểu bang dùng quyền lực, tiền bạc để tìm cách gây ảnh hưởng tôn giáo lên học sinh?

 

Trước đó, đã có hai tiểu bang khác do Đảng Cộng hòa chi phối quyết định đưa Kinh thánh trở lại trường học. Hồi tháng Sáu, ông Jeff Landry, Thống đốc tiểu bang Louisiana, đã ký thành luật đưa Mười Điều răn của Đức Chúa Trời vào tất cả các lớp học công từ đầu năm 2025.

 

Tại Oklahoma, ông Ryan Walters, người đứng đầu về giáo dục của tiểu bang, đang tìm cách đưa Kinh thánh vào dạy cho học sinh từ lớp năm đến hết bậc trung học.

 

Trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay, không ai chắc chắn việc tìm cách đưa Kinh thánh vào giảng dạy trong trường học thời gian tới chỉ dừng lại ở ba bang kể trên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/cc39/live/a3dd7810-c274-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Sau vụ ám sát hụt ông Donald Trump, hàng triệu người Mỹ cảm thấy rằng đức tin đã dẫn lối họ ủng hộ ông

 

Sau vụ việc ám sát hụt Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2024, có dư luận cho rằng nếu hung thủ Thomas Matthews Crooks, 20 tuổi, được học Kinh thánh thì đã không có vụ ám sát.

 

Có người còn đi xa hơn. Năm ngoái, trong một lần nói chuyện về chính trị và tôn giáo, Eduardo, một người Mỹ có vợ và bốn đứa con, cũng là một chủ thầu xây dựng và là một tín đồ nhiệt thành đã nói với tôi: "Chỉ cần làm theo Kinh thánh là đủ, không cần thiết phải có nhà nước, chính quyền."

 

Trên thực tế, trong quá khứ đã có các vụ án dã man được thực hiện bởi những hung thủ từng ngồi trong các lớp học trong thời kỳ mà Kinh thánh là môn học bắt buộc, và buổi học được bắt đầu bằng việc đọc Kinh thánh hoặc cầu nguyện.

 

Một xã hội ít tội phạm là nhờ có luật pháp chặt chẽ, tinh thần thượng tôn pháp luật được coi trọng, luân lý được đề cao. Tôn giáo chỉ có thể hỗ trợ chứ không phải là phép màu giải quyết tệ nạn xã hội.

 

 

Các tôn giáo khác thì sao?

 

Lịch sử loài người khó có thể tách rời với lịch sử tôn giáo. Nhân loại cũng đã sống trong thời kỳ dài mà thần quyền và thế quyền lẫn lộn ở nhiều quốc gia, châu lục.

 

Tuy nhiên, điều này đã bị loại bỏ bởi các nhà nước phát triển hơn.

 

Cụ thể như Giáo hội Công giáo, từ sau Công đồng Vatican II, đã tách biệt giữa tôn giáo và chính quyền. Giáo hội Công giáo cấm giáo sĩ, tu sĩ tham gia vào các tổ chức chính trị, các vị trí trong chính quyền vì nó có thể đưa đến xung đột lợi ích và mẫu thuẫn giữa nhà nước và nhà thờ.

 

Dạy về tôn giáo trong trường học thế nào cho phải để đảm bảo về quyền tự do tôn giáo, tính trung lập, truyền tải được sự nhân văn là không dễ.

 

Trong Kinh thánh, không thiếu những đoạn văn có tính lịch sử và văn chương. Nhưng nếu chỉ tập trung vào góc độ này mà không nhắc đến lịch sử tôn giáo thì sẽ là sự thiếu sót như vẽ voi mà không vẽ vòi.

 

Trong Kinh thánh có nhiều hình ảnh chủ tớ, sự phục tùng, điều mà những người ủng hộ chế độ phong kiến, thực dân, hay sở hữu nô lệ thường trưng ra để biện minh rằng họ không làm trái đức tin.

 

Nhưng trong Kinh thánh cũng cho thấy vô số hình ảnh mọi người đều như nhau trước mặt Thiên Chúa, công bằng là cần thiết để thực hành yêu thương, do đó, các nhà nước, thể chế bất công, hạn chế quyền con người cần bị dẹp bỏ.

 

Dù chung Kinh thánh, nhưng mỗi tôn giáo lại có cách dịch và giải thích khác nhau. Do Thái giáo giải thích Kinh thánh qua góc nhìn của các giáo sĩ. Giáo hội Công giáo lại đưa ra các nguyên tắc để giải thích Kinh thánh, việc hiểu Kinh thánh của giáo sĩ, tu sĩ, tín đồ không vượt ra ngoài nguyên tắc này. Trong khi đó, những người Tin lành giải thích Kinh thánh theo cách họ nhận thức, hoặc hướng dẫn từ cách hiểu của các mục sư, hệ phái họ theo.

 

Lịch sử nước Mỹ đã từng chứng kiến "chiến tranh Kinh thánh" giữa Công giáo và Tin lành về việc bản văn Kinh thánh được hệ phái nào dịch và được giải thích theo cách nào được dạy trong trường công lập.

 

Ngày nay tại Mỹ, phong trào đại kết và đối thoại được đề cao, các học giả Do Thái, Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo học hỏi lẫn nhau để giải thích Kinh thánh, nên các quan điểm không còn quá khác biệt. Nhưng việc chỉ dạy Kinh thánh ở trường công lập mà thôi lại gây bất công cho các tôn giáo khác.

 

Tôi hỏi hai người quen đang học chương trình đại học năm thứ nhất về việc học Kinh thánh ở bậc học phổ thông. Cả hai đồng ý rằng, không chỉ Kinh thánh, mà các tôn giáo có thể được dạy ở trường công, nhưng đó phải là môn học tự chọn chứ không thể là môn bắt buộc.

 

Việc chỉ dạy về Kinh thánh mà thôi không giúp cho học sinh hiểu hơn về tôn giáo, bởi tôn giáo không chỉ có Kitô giáo mà còn có Hồi giáo, Phật giáo, Hindu giáo…

 

Nhà nước chỉ cần đảm bảo đầy đủ quyền tự do để các tôn giáo có thể hoạt động, không nên can thiệp, bắt buộc học sinh phải học về sản phẩm của tôn giáo này, mà không học về tôn giáo kia.

 

Tôn giáo can thiệp vào chính quyền chỉ đem lại sự bất công nhiều hơn là lợi ích. Tách bạch giữa nhà nước và nhà thờ là điều cần làm để công bằng cho mọi công dân, tôn giáo.

 

Tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington.

 

---------------------------------

Tin liên quan

·         

'Trump được Chúa Trời phái xuống trần gian'

23 tháng 10 năm 2024

·         

Những người Kitô giáo coi Trump là đấng cứu thế: Đây là lý do

18 tháng 11 năm 2024

·         

Chuyên gia: Nhóm ông Trump muốn Mỹ rút khỏi WHO ngay lập tức

24 tháng 12 năm 2024

·         

Việt Nam: ứng viên sáng giá tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Nga bàn về Ukraine?

20 tháng 12 năm 2024

·         

Vụ nổ khiến 12 quân nhân Quân khu 7 thiệt mạng: do sét hay bất cẩn?

23 tháng 12 năm 2024

·         

Người tố giác lỗi trong xe điện VinFast bị trả đũa

19 tháng 12 năm 2024

 

 






No comments: