Friday, December 13, 2024

NGUYỄN XUÂN PHÚC BỊ KỶ LUẬT; NEW ZEALAND CÁO BUỘC QUAN CHỨC VIỆT NAM TẤN CÔNG TÌNH DỤC (Trọng Phụng / Luật Khoa tạp chí)

 



Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật; New Zealand cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục

Trọng Phụng  -  Luật Khoa tạp chí

December 13 2024  7:50 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/tuan-tin-nguyen-xuan-phuc-bi-ky-luat-new-zealand-cao-buoc-quan-chuc-viet-nam-tan-cong-tinh-duc/

 

Các sự kiện nổi bật:

 

·        Bộ Chính trị Đảng Cộng sản kỷ luật cảnh cáo Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình; khiển trách Trương Thị Mai.

·        New Zealand cáo buộc hai quan chức Việt Nam tấn công tình dục tại nước này.

·        Chính phủ lên “dàn bài” chi tiết về tinh gọn bộ máy hành pháp.

·        Dự án 88: Năm quan chức Việt Nam cung cấp nguồn tin cho blogger Đường Văn Thái vạch trần tham nhũng.

 

                                                         *

 

Kỷ luật Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Trương Thị Mai

 

Ngày 13/12, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thi hành kỷ luật dưới hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Phúc - cựu thủ tướng, ông Trương Hòa Bình - cựu phó thủ tướng thường trực; và khiển trách Trương Thị Mai - cựu trưởng Ban Dân vận Trung ương vì đã vi phạm quy định của đảng - nhà nước.

 

·        Trước đó, vào tháng 1/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức chủ tịch nước. Tại thời điểm này, có tin đồn đoán rằng nguyên nhân ông bị miễn nhiệm liên quan đến đại án tham nhũng của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Gần đây, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố vì liên quan đến vụ án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Ông Dũng đã khai ra cấp trên chỉ thị việc tiếp tay cho sai phạm. Cấp trên này được dư luận cho là ông Nguyễn Xuân Phúc.

 

·        Trước đó, vào ngày 20/11/2024, Bộ Chính trị cũng đã kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, nguyên chủ tịch Quốc hội. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng tạm hoãn thi hành quyết định kỷ luật đối với ông Võ Văn Thưởng do ông “đang điều trị bệnh”.

 

·        Như vậy, ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư) đã mất thì ba người còn lại trong Tứ trụ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều đã bị kỷ luật.

 

Hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục ở New Zealand

 

Sau vụ việc ông Lai Dac Tuan - cán bộ an ninh tháp tùng đoàn của Chủ tịch nước Lương Cường sang thăm Chile - bị quốc gia sở tại cáo buộc lạm dụng tình dục và trục xuất khỏi nước này thì nay truyền thông quốc tế tiếp tục loan tin về việc có hai quan chức Việt Nam tấn công tình dục hai người phụ nữ ở New Zealand.

 

·        Ngày 12/12, truyền thông New Zealand và quốc tế như tờ NZ Herald hay hãng thông tấn AP đã đưa tin về việc hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục hai nữ bồi bàn tại nhà hàng SAIGON Restaurant & Bar on Wills ở thủ đô Wellington.

 

·        Alison Cook (19 tuổi), một trong hai nạn nhân, nói với hãng AP rằng sự việc xảy ra vào tháng 3/2024. Trong quá trình phục vụ, cô và đồng nghiệp đã bị hai quan chức này ép uống rượu, nghi ngờ bị chuốc thuốc mê và bị sàm sỡ trong phòng karaoke riêng.

 

·        Sau đó, Alison Cook phát hiện mình bị thương và ngay ngày hôm sau, cả hai nữ nhân viên đã báo cáo vụ việc cho chính quyền.

 

·        Tuy nhiên, khi cảnh sát New Zealand xác định được danh tính của hai nghi phạm thì họ đã rời khỏi New Zealand và trở về Việt Nam. Cảnh sát cũng có đủ bằng chứng cho thấy hai nữ bồi bàn đã bị hai quan chức Việt Nam tấn công tình dục. Nếu hai người này còn ở New Zealand thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

·        New Zealand và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ nên không thể buộc hai quan chức này quay lại để đối mặt với cáo buộc. Cảnh sát New Zealand bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với Đại sứ Việt Nam tại New Zealand về hành vi của hai quan chức này.

 

·        Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon nói hai người này “có liên quan đến cảnh sát” và đã đến New Zealand để thực hiện công vụ trước chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 10 - 11/3.

 

·        Đây là vụ thứ hai trong năm nay mà quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục ở nước ngoài. Mới một tháng trước, trong chuyến công du Chile của Chủ tịch nước Lương Cường, một cận vệ tên Lai Dac Tuan đã bị tòa án nước này đưa ra xét xử cũng do bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ nhân viên khách sạn. Ông Lai Dac Tuan sau đó bị trục xuất và bị cấm quay trở lại Chile trong hai năm. 

 

·        Hiện tại, chưa có thông tin về phản ứng chính thức từ phía Việt Nam về hai vụ việc này.

 

 

Chính phủ lên “dàn bài” tinh gọn bộ máy

 

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành văn bản 141/KH-BCĐTKNQ18 về kế hoạch và định hướng tinh gọn bộ máy Chính phủ.

 

·        Theo đó, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn còn 13 Bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 đơn vị); đồng thời chủ trương giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ. 

 

·        Theo tiến độ, các bộ, ngành phải xây dựng báo cáo tổng kết gửi Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2024, trước khi chuyển tới Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024. 

 

·        Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, các cơ quan, đơn vị có thể tăng số lượng cấp phó; nhưng số lượng biên chế các cơ quan mới không được vượt quá tổng số biên chế hiện nay. Cả hai quy định này sẽ thay đổi trong vòng 5 năm theo chiều hướng giảm xuống. 

 

·        Bộ này nêu nguyên tắc là sử dụng cán bộ có năng lực, có trách nhiệm; khuyến khích bộ ngành, địa phương có chính sách với cán bộ, công chức dôi dư sau khi tiến hành sắp xếp.

 

·        Ngày 12/12, trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: Chống “chạy chọt” khi thực hiện tinh gọn bộ máy.

 

·        Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2/2025. Sau đó, cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp bất thường xoay quanh vấn đề tinh gọn bộ máy.

·        Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/12, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua nghị quyết sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc (Ủy ban Nhân dân thành phố) thành Ban Dân tộc - Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh. 

·        Trong khi đó, ngày 13/12, Hà Nội cũng đã thông báo phương án tinh gọn bộ máy bằng cách giảm 5 sở, giải thể nhiều đơn vị. 

 

Hé lộ thông tin về năm quan chức cung cấp tin cho blogger Đường Văn Thái

 

Ngày 11/12, tổ chức phi lợi nhuận Dự án 88 công bố chi tiết bản án 12 năm tù, 3 năm quản chế đối với ông Thái Văn Đường vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng đồng phạm sau phiên xử kín ngày 30/10. 

 

·        Dự án 88 cho biết bản án còn có bảy người khác và năm trong số đó là quan chức của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam với mức án từ 30 tháng đến 5,5 năm tù giam.

 

·        Những người bị cáo buộc đồng phạm, cung cấp tin cho ông Thái gồm: Nguyễn Văn Văn, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Nguyễn; Trương Công Đại, trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang; Vũ Tuấn Anh, trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra của Tỉnh đoàn Bắc Giang; Trần Quốc Khánh, cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Quốc tế G7; hai cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (không nêu rõ chức vụ cụ thể) là Nguyễn Thanh Tùng và Bùi Thị Khánh Phương. Người còn lại là Nguyễn Thiết Hùng, kỹ sư lao động tự do.

 

·        Trước đó, tháng 4/2023, ông Thái Văn Đường - người đang tị nạn chính trị tại Thái Lan - được cho là đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cóc gần thủ đô Bangkok và đưa về Việt Nam. Ông bị xử kín tại Hà Nội vào ngày 30/10/2024.

 

·        Ở một diễn biến khác, trong văn bản trả lời Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Việt Nam cam kết đối xử nhân đạo với ông Y Quynh Bdap khi dẫn độ về Việt Nam. Trước đó, vào tháng 6/2024, một tòa án ở Bangkok, Thái Lan đã ra phán quyết đồng ý cho phép Việt Nam dẫn độ ông Y Quynh Bdap. Hiện nhà hoạt động người Thượng đã kháng cáo.

 

 

Luật sư Trần Đình Triển bị truy tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ

 

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

 

·        Theo cáo trạng, ông Trần Đình Triển đã đăng nhiều bài với đánh giá chủ quan về ngành tòa án và cá nhân lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao mà không có thông tin, tài liệu, chứng cứ xác thực để kiểm chứng. Trước đó, vào tháng 6/2024, ông Triển đã có thư xin lỗi lãnh đạo Tòa án Nhân dân và thành khẩn khai báo, nhận thức sai phạm của mình.

 

·        Truyền thông nhà nước không nói rõ vị lãnh đạo tòa án bị ông Triển nhắc tới là ai.

 

·        Ngày 7/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Đình Triển cùng cựu nhà báo Trương Huy San (Huy Đức) với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

 

·        Hiện tại, chưa có thêm thông tin mới về tình hình của ông Trương Huy San.

 

·        Luật sư Trần Đình Triển được công chúng biết đến qua việc lên tiếng về nhiều vấn đề chính trị - xã hội và tham gia bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Ông từng đóng vai trò tư vấn trong vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, gửi kiến nghị lên cơ quan chức năng

    nhằm xem xét lại vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai.

 

NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI ở Việt Nam

 

Ngày 5/12, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký kết thỏa thuận hợp tác để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI) cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Lễ ký kết diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO NVIDIA Jensen Huang. 

 

·        Không lâu sau sự kiện này, NVIDIA đã bắt đầu tuyển dụng nhiều vị trí kỹ sư cấp cao làm việc tại Hà Nội trên mạng xã hội LinkedIn. 

 

·        NVIDIA hiện là hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 3,43 nghìn tỷ USD, trong khi Apple ở mức 3,38 nghìn tỷ USD. 

 

·        Ngoài ra, Google cũng sẽ mở văn phòng tại Việt Nam, dự kiến hoạt động chính thức từ tháng 4/2025. Văn phòng này sẽ được đặt tại TP. HCM nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 

-------------------

Tin vắn:

 

Từ 1/1/2025, thủ đô hạn chế phương tiện gây ô nhiễm: Sáng ngày 12/12, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội thông qua nghị quyết về việc thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ). Theo đó, từ năm 2025 - 2030, Hà Nội sẽ thí điểm áp dụng LEZ tại một số khu vực ở quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

 

Hà Nội “không có tham nhũng”: Mới đây, trong một báo cáo về công tác kiểm tra nội bộ gửi Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2024, qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào liên quan đến tham nhũng. Theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng, năm 2023, Việt Nam xếp hạng 83/180 toàn cầu, đạt 41/100 điểm, nghĩa là ở tình trạng tham nhũng rất nghiêm trọng.

 

Bộ Công an xây sân bay 900 tỷ đồng: Ngày 10/12, bộ này khởi công xây dựng sân bay Gia Bình, với đường băng dài 1,5 km trên diện tích khoảng 125 ha, tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là sân bay đầu tiên của ngành công an nhằm phục vụ công tác huấn luyện và chiến đấu của lực lượng Không quân Công an Nhân dân. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025, trùng với thời điểm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc lần thứ XIV.

 

Con trai ông Trương Tấn Sang chuyển công tác: Chiều 11/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An công bố quyết định điều động ông Trương Tấn Sơn, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này về làm phó bí thư Huyện ủy Mộc Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

 

Thẩm phán, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Quốc Đoàn giữ chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao: Chiều 13/12, Tòa án Nhân dân Tối cao trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm ông Đoàn lĩnh chức vụ mới. Trước đó, 26/8, Quốc hội đã bầu ông Lê Minh Trí giữ chức Chánh án cơ quan xét xử cao nhất này.

 

Việt Nam sẽ tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028: Thông tin này được Phái đoàn Việt Nam công bố tại New York, Mỹ. Trước đó, ở nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã trúng cử và là thành viên của hội đồng này.

 

-------------------------------------------------------------------------------------------

 

Bài đáng chú ý trong tuần:

 

Ai sẽ ở lại, ai phải ra đi?

Lê Viết Thái - VnExpress

“Làm sao để xác định ai sẽ được giữ lại và ai phải ra đi. Không làm cẩn trọng việc này, sẽ xuất hiện một cuộc ‘chạy để ở lại’” [...].

 

 

Cách làm của Nhật và Đức để có Bộ Tài chính gọn và mạnh

Đinh Duy Hòa - Vietnamnet.vn

“Sẽ là bổ ích nếu có thêm kinh nghiệm nước ngoài để tham khảo khi thiết kế cơ cấu tổ chức bên trong các bộ một cách hợp lý.” 

 

 

 

 




No comments: