Saturday, December 14, 2024

MỸ CHƯA CÔNG NHẬN VIỆT NAM CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG DO VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN CHƯA ĐƯỢC TÔN TRỌNG (Phạm Viết Đào  |  Facebook)

 



MỸ CHƯA CÔNG NHẬN VIỆT NAM CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG DO VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN CHƯA ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Phạm Viết Đào  |  Facebook

12 tháng 12, 2024  lúc 03:58  · 

https://www.facebook.com/dao.phamviet.71/posts/pfbid02UQbJrjZb3cZgGYorkrsWdR8qtD1qFaoMdQaHj5KRz2bUQpZP2itXSBPRuvEfrz8Fl  

 

Mối quan hệ Việt-Mỹ xét về phương diện địa – chính trị và phương diện “ thiên thời” theo cách nhìn nhận của người phương Đông: hai bên đã tìm thấy những “mố, trụ” cầu chung như đã phân tích ở 2 bài trước; vấn đề còn lại đó là vấn đề nhân quyền…

 

Đây là vấn đề hai bên có những sự khác biệt, vênh nhau đáng lo ngại trong quan hệ Việt-Mỹ?!

 

Vấn đề nhân quyền không phải là một thứ trang sức mà các chính giới Hoa Kỳ đặt ra với chính quyền Việt Nam như người Việt vẫn nói: “đi với bụt mặc áo cà sa; đi với ma thì mặc áo giấy”…

 

Việt Nam phải có những giá trị nhân quyền tương hòa chung với Hoa Kỳ và các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh thì mới thúc đẩy đầu tư hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác phát triển. Đây là vấn đề không vì lý do hình thức để đẹp đội hình như trai đường phố vẫn quy định với nhau khi đi chơi…

 

Tại sao đây là vấn đề nổi cộm nhất và khó lòng đạt được tiếng nói chung? Mặc dù hai bên vẫn cao giọng: tôn trọng sự khác biệt của nhau; không can thiệp vào công việc của nhau…

Sự khác biệt không do cách nhìn nhận, đánh giá và cách ứng xử về vấn đề nhân quyền mà nó có nguồn gốc trong chiều sâu của bản chất thể chế, của hệ điều hành quản trị của hai quốc gia hiện đang khắc nhau như nước với lửa…

 

Hệ điều hành quản trị của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là hệ điều hành quản trị phân cấp cao dựa trên nền tảng luật pháp; Hay còn gọi là thể chế dân chủ; Còn hệ điều hành quản trị của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ điều hành tập trung quan liêu cao; quyền lực vận hành, điều tiết bộ máy quản trị dựa trên nền tảng của một thứ quyền lực “siêu luật pháp”, đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng CS – còn gọi là hệ điều hành đảng trị, độc tài…

 

Một quốc gia quyền lực nằm trong bản chất hệ thống điểu tiết của luật pháp; Còn một quốc gia là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thứ quyền lực “siêu luật pháp” nằm trong tay một nhóm người, nhân danh lợi ích của đảng chính trị cầm quyền…

 

Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ lên nắm quyền thì có những hướng điều chỉnh chính sách nhưng vẫn trên nền tảng luật pháp đã được mặc định hơn 200 năm nay của nước Mỹ. Điều này đảm bảo: có thể một nhiệm kỳ nào đó Đảng Cộng hòa, hay Đảng Dân chủ không tìm ra được những ứng cử xuất sắc đại diện cho lợi ích của Đảng mình, của số đông dân chúng Mỹ, làm trọn vai trò người lái con tàu dẫn dắt hơn 200 triệu dân Mỹ; thì nước Mỹ có thể chậm, hụt mất một số chỉ tiêu kinh tế xã hội nào đó…

 

Sự non kém của người đứng đầu Nhà Trắng không có khả năng xô đẩy nước Mỹ dẫn tới bạo loạn, sụp đổ… Đạt được điều này là do thế chế của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ dựa trên nền tảng luật pháp; các cá nhân không có khả năng làm đảo lộn bởi còn nhân dân; còn nhiều lực lượng chính trị kiểm soát bàn tay quản trị của Chính phủ…

 

Vấn đề nhân quyền không đơn giản là cái cớ chính giới Mỹ nêu ra để mặc cả việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ; làm đẹp cho đội hình đồng minh là dân thị trường với nhau, đối tác chiến lược hay toàn diện chi đó của Mỹ… Vấn đề nhân quyền, nói trắng ra vấn đề ăn ở, đối xử của Chính phủ Việt Nam với dân chúng nó liên quan tới quyền lợi của nước Mỹ ở các điểm sau đây…

 

Như trên đã nói, hết thảy mọi hoạt động của hệ điều hành quản trị Hoa Kỳ đều dựa trên nền tảng luật pháp; Còn hệ điều hành quản trị của Việt Nam đó là dựa trên nền tảng “siêu luật pháp” – đó là sự lãnh đạo của Đảng CS…

 

Mà nội bộ Đảng CSVN như trong các văn kiện của Đảng CS gần đây đã đúc kết: một bộ phận không nhỏ đang bị thoái hóa, biến chất, đang hình thành lợi ích nhóm, dẫn đến hủy hoại luật pháp, chà đạp lên luật pháp vì lợi ích của phe nhóm; thành ra cái gọi là sự lãnh đạo của Đảng, một thứ quyền quản trị siêu luật pháp này khó lóng tránh khỏi bị méo mó, làm lệch chuẩn pháp lý…

 

Đây là vấn đề thật sự liên quan tới Hoa Kỳ vì khi hai nước đã bình thường hóa, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ đầu tư vốn liếng vào làm ăn tại Việt Nam; Nếu hệ điều hành quản trị của Việt Nam lại không theo chuẩn cứng của luật pháp mà theo chuẩn “siêu luật pháp”(sự lãnh đạo của Đảng) đã bị biến dạng; Hệ lụy của nó nếu dẫn tới những sự đổ vỡ trong quan hệ giữa nhân dân và chính quyền; giới chủ và thợ thì ai đứng ra bảo vệ cho quyền lợi, tài sản của các nhà đầu tư Mỹ?

 

Những bài học về sự rối loạn xã hội xuất phát từ sự rối nát của hệ điều hành quản trị ở Lybia, Ai Cập, Đông Âu… không thể không đụng đến quyền lợi của các nhà đầu tư?

 

Hay chính quyền Hà Nội lấy tấm gương bảo vệ các nhà đầu tư Trung Quốc ra để các nhà đầu tư Hoa Kỳ yên tâm; Thời gian gần đây, mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc gây ra biết bao hệ lụy như: hủy hoại môi trưởng; làm phát sinh nhiều vấn nạn về tập tục, lối sống; thậm chí đe dọa tới an ninh lãnh thổ của Việt Nam nhưng chính quyền Việt Nam hoặc làm ngơ, hoặc tìm cách chèn ép dân để bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư Trung Quốc muốn làm gì thì làm?

 

Chính học thuyết Mác từng đúc kết: Có áp bức thì có đấu tranh; người Việt có câu ngạn ngữ: Tức nước vỡ bờ… để cho thấy những giải pháp cứng rắn, dùng bộ máy cảnh sát đàn áp dân không bao giờ lài giải pháp an dân bền vững?

 

Trong khi đó, những giải pháp mềm mà các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh thường vẫn dùng như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do tôn giáo, tự do thành lập hội đoàn lại không được tôn trọng tại Việt Nam, không được Chính phủ Việt Nam và Đảng CS Việt Nam chọn làm giải pháp hòa giải với dân, xả stress cho dân… mà coi đó là các hành vi thù địch với chính quyền, tự diễn biến, tự chuyển hóa, là cách mạng màu…

 

Trong khi chính quyền Việt Nam ít coi trong biện pháp hòa giải bằng cách tạo thể chế đa nguyên về chính trị mà lại chọn dùng biện pháp đối đầu, giải pháp đàn áp, sử dụng vũ lực trong các xung đột về quyền lợi giữa chính quyền với dân, giữa nhà đầu tư với dân….

 

Chưa kể hệ thống chủ trương – chính sách của Việt Nam đôi khi còn thiếu minh bạch, nhất quán; quan chức của bộ máy điều hành quản trị thiếu công tâm luôn tìm cách nhũng nhiều nhà đầu tư, làm lợi cho người có quyền, làm hại cho nhà đầu tư, cho dân…

 

Những vấn đề đó không đơn thuần là vấn đề thuộc vấn đề nội bộ của Việt Nam mà Hoa Kỳ buộc phải tôn trọng, không được can thiệp… Vấn đề này thật sự thách thức, đe dọa quyền lợi của các nhà đầu tư Hoa Kỳ nếu họ muốn vào đầu tư tại Việt Nam; Trong khi hệ điều hành quản trị dựa vào một thứ siêu quyền lực đang có vấn đề… Nền kinh tế Việt Nam muốn cất cánh, muốn thoát Trung thì phải tìm cách bắt tay với các nhà đầu tư có nền kinh tế thị trường phát triển. Còn dựa vào những nhà đầu tư nhem nhuốc Trung Quốc thì hãy coi chừng…

 

Trong khi các đảng chính trị trên thế giới đưa các biểu tượng chính trị thời thượng được mọi người quan tâm yêu mến lên để tôn thờ như: dân chủ, cộng hòa, tự do, thống nhất… thì hệ thống siêu quyền lực của Việt Nam lại tôn thờ “cái búa” và “chiếc liềm” – hai công cụ lao động thô sơ của người tiền sử…

 

Chưa kể trong tiếng Việt: dân dao búa, dân chợ búa là những biểu tượng không mấy khả kính; Thế mà Đảng CS lấy nó làm biểu tượng của Đảng và luôn cho rằng: Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản, là tinh hoa của dân tộc? Thử hỏi có quan chức nào của Đảng nghèo hơn dân?

 

Khi Việt Nam chưa trở thành một xã hội dân sự minh bạch; quyền điều hành, quản trị nằm trong tay một nhóm siêu quyền lực; bộ máy quản trị đang vận hành theo một thứ luật pháp siêu luật pháp thì các quyền tối thiểu được coi là chuẩn tối thiểu của một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển đúng nghĩa: đó là dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái… được đặt ra từ hồi cách mạng tư sản pháp cách đây hơn 300 năm sẽ còn là những giá trị mập mờ, chưa được bảo hiểm…

 

Hoa Kỳ bắt tay với Chính phủ Việt Nam không phải để chiếm đất, chiếm đảo, không tìm cách vào để chụp giật cái nọ cái kia; càng không phải vào như nhiều vị bảo thủ vẫn lo sợ gây ra cuộc cách mạng màu, thay máu chế độ để lập ra một chế độ thân Hoa Kỳ… Mặc dù những quốc gia đi theo mô hình quản trị của Hoa Kỳ đều trở thành quốc gia thịnh vượng, yên ổn về phương diện kinh tế… tất nhiên sẽ nảy sinh những hệ lụy khác…

 

Hoa Kỳ chắc không có ý định bắt tay với Chính phủ Việt Nam để đàn áp chèn ép, bắt nạt nhân dân, trí thức Việt Nam để kiếm chác một cái gì đó có lợi cho riêng chính giới Mỹ.

 

Vấn đề Hoa Kỳ vào Việt Nam, bỏ vốn, bỏ tiền của vào để làm ăn đôi bên cùng có lợi đòi hỏi những quyền lợi của Hoa Kỳ phải được bảo hiểm, tránh bị rủi ro bởi những tai họa bởi “nhân tai” như: sự bạo loạn phát sinh từ sự đối đầu, mâu thuẫn về quyền lợi giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam gây ra; do Chính phủ Việt Nam bị chi phối bởi hệ điều hành siêu luật pháp; Hệ thống điều hành này được vũ trang bằng kim chỉ nam: học thuyết đấu tranh giai cấp; chuyên chính vô sản như là phương tiện duy nhất, sống còn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính thể, thúc đẩy tiến bộ xã hội…

 

Trong khi đó một quốc gia có kinh tế thị trường phát triển lại tìm cách giải quyết các mâu thuẫn nội bộ bằng giải pháp hòa giải, hóa giải mâu thuẫn giai cấp bằng giải pháp hòa bình không bằng bạo lực cách mạng, bằng chuyên chính vô sản, chuyên chính của dao búa.

 

Vấn đề nhân quyền mà chính giới Hoa Kỳ đặt ra là để bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ nếu Chính phủ Việt Nam muốn bắt tay làm ăn lâu dài với các nhà đầu tư Hoa Kỳ; muốn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ bắc được những chiếc cầu vững chắc thay cho những chuyến “thuyền thúng” đong đưa với nhau phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết…

 

Lịch sử hàng ngàn năm nay đã chỉ rõ: Việt Nam và dân tộc Việt là con đê duy nhất có đủ khả năng ngăn chặn làm sóng xâm thực của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán…

 

Muốn không bị Trung Quốc bắt nạt, chèn ép thì Việt Nam chỉ còn con đường bắt tay, xây những nhịp cầu giao thương thực chất với Hoa Kỳ và các quốc gia có kinh tế thị trường phát triển…

 

P.V.Đ.

 

 

8 BÌNH LUẬN  

 

 

 





No comments: