Saturday, December 21, 2024

CÁC QUAN CHỨC MỸ ĐẾN DAMASCUS ĐỂ HỌP VỚI NHỮNG NGƯỜI CAI TRỊ MỚI CỦA SYRIA (VOA | RFI)

 



Các quan chức Mỹ đến Damascus để họp với những người cai trị mới của Syria

Reuters

20/12/2024

https://www.voatiengviet.com/a/cac-quan-chuc-my-den-damascus-hop-voi-nhung-nguoi-cai-tri-moi-syria/7908640.html

 

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến Damascus và dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp chính thức trực tiếp đầu tiên của Washington với những người cai trị trên thực tế mới của Syria do nhóm Hayat Tahrir al-Sham đứng đầu vào ngày 20/12, với hy vọng có thể đo lường được những kế hoạch mà nhóm, từng là chi nhánh của al Qaeda, đưa ra cho đất nước này.

 

https://gdb.voanews.com/016a7b4b-b3bc-4163-bfbe-042431d376f4_w1023_r1_s.jpg

Một người cầm lá cờ do những người cai trị mới của Syria thông qua tại một buổi cầu nguyện, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria bị lật đổ, tại Damascus, Syria, ngày 20/12/2024.

 

Hoa Kỳ, các cường quốc phương Tây khác và nhiều người Syria rất vui mừng khi thấy lực lượng dân quân do HTS cầm đầu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng không rõ liệu nhóm này sẽ áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt hay thể hiện sự linh hoạt và tiến tới dân chủ.

 

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quan chức từ chính quyền Biden sẽ thảo luận với các đại diện của HTS về một loạt các nguyên tắc như tính bao trùm và tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số mà Washington muốn đưa vào quá trình chuyển đổi chính trị của Syria.

 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao về Trung Đông Barbara Leaf, Đặc phái viên Tổng thống phụ trách vấn đề con tin Roger Carstens và Cố vấn cấp cao Daniel Rubinstein, người được giao nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động của Bộ tại Syria, là những nhà ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ đến Damascus kể từ khi chế độ Assad sụp đổ.

 

Một cuộc họp báo đã được lên lịch với các quan chức Hoa Kỳ nhưng một tuyên bố được đưa ra thay mặt cho bà Leaf cho biết cuộc họp đã bị hủy vì lo ngại về an ninh, mà không cung cấp thông tin chi tiết.

 

Các chính phủ phương Tây đang dần mở ra các kênh cho HTS và thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa, cựu chỉ huy của một nhánh al Qaeda tại Syria, và bắt đầu tranh luận về việc có nên đưa tên nhóm này ra khỏi danh sách khủng bố hay không. Chuyến đi của phái đoàn Hoa Kỳ diễn ra sau các cuộc tiếp xúc của Pháp và Anh với nhóm này trong những ngày gần đây.

 

Phái đoàn cũng sẽ tìm kiếm thông tin về nhà báo Mỹ Austin Tice, người đã bị bắt làm con tin trong khi tác nghiệp ở Syria năm 2012, và những công dân Hoa Kỳ khác đã mất tích dưới thời Tổng thống Assad.

 

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phái đoàn sẽ gặp gỡ các thành viên của nhiều cộng đồng và xã hội dân sự cũng như gặp gỡ các đại diện của HTS để thảo luận về "các nguyên tắc chuyển tiếp" được Hoa Kỳ và các đối tác khu vực ủng hộ.

 

Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria và đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Damascus vào năm 2012.

 

Cuộc biểu tình đầu tiên

 

Vài trăm người Syria đã tập trung tại Quảng trường Ummayad ở trung tâm Damascus hôm 19/12 để kêu gọi một nhà nước dân chủ, thế tục đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên như vậy kể từ khi ông Assad bị lật đổ.

 

Nhiều người dân Syria lo ngại rằng chính quyền mới sẽ thiên về chế độ tôn giáo cứng rắn, gạt các cộng đồng thiểu số ra bên lề và loại trừ phụ nữ khỏi đời sống công cộng.

 

Obaida Arnout, người phát ngôn của chính phủ chuyển tiếp Syria, nói trong tuần này rằng "bản chất sinh học và sinh lý" của phụ nữ khiến họ không phù hợp với một số công việc của chính phủ.

 

Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc sẽ cử một nhóm nhỏ các viên chức nhân quyền đến Syria vào tuần tới trong lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi ông Assad bị lật đổ, theo người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Thameen Al-Kheetan cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva.

 

Trong một phần của cuộc tiếp quản, quân nổi dậy đã mở cửa các nhà tù và văn phòng chính phủ, làm dấy lên hy vọng mới về việc giải trình cho những tội ác đã gây ra trong cuộc nội chiến Syria.

 

Quân nổi dậy Syria đã giành quyền kiểm soát Damascus vào ngày 8/12, buộc ông Assad phải chạy trốn sau hơn 13 năm nội chiến và chấm dứt chế độ cai trị kéo dài hàng thập kỷ của gia đình ông.

 

Cuộc càn quét của quân nổi dậy đã chấm dứt một cuộc chiến đã giết chết hàng trăm nghìn người, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thời hiện đại và khiến các thành phố bị ném bom thành đống đổ nát, vùng nông thôn bị bỏ hoang và nền kinh tế bị khoét rỗng bởi các lệnh trừng phạt toàn cầu.

 

Cuộc tấn công chớp nhoáng này đã đặt ra câu hỏi liệu quân nổi dậy có thể đảm bảo quá trình chuyển đổi có trật tự hay không.

 

Lực lượng dưới quyền chỉ huy của ông al-Sharaa – còn được gọi là Abu Mohammed al-Golani – đã thay thế chế độ cai trị của gia đình Assad bằng một chính phủ lâm thời trong ba tháng. Nhóm này trước đó đã cai trị một vùng đất ở tỉnh Idlib thuộc tây bắc Syria.

 

Washington đã chỉ định ông al-Sharaa là một kẻ khủng bố vào năm 2013 và nói rằng al Qaeda ở Iraq đã giao cho ông nhiệm vụ lật đổ chế độ cai trị của Assad và thiết lập luật Hồi giáo sharia ở Syria. Mỹ cũng cho rằng Mặt trận Nusra, tiền thân của HTS, đã thực hiện các cuộc tấn công tự sát giết chết thường dân và ủng hộ một tầm nhìn giáo phái bạo lực.

 

Ông Golani nói rằng việc chỉ định ông là khủng bố là không công bằng và ông phản đối việc giết hại những người vô tội.

 

Washington vẫn lo ngại rằng ISIS có thể nắm bắt thời cơ để hồi sinh và cũng muốn tránh bất kỳ cuộc đụng độ nào ở vùng đông bắc của đất nước giữa các phe phái phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng dân quân người Kurd đồng minh của Hoa Kỳ.

 

===========================

 

Quan chức ngoại giao Mỹ đến Syria gặp chính quyền mới ở Damas

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 20/12/2024 - 11:18

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241220-quan-ch%E1%BB%A9c-ngo%E1%BA%A1i-giao-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-syria-g%E1%BA%B7p-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-m%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-damas

 

Ngày 20/12/2024, lần đầu tiên một phái đoàn ngoại giao Mỹ đã đến văn phòng của Ahmed Al Sharaa, chỉ huy lực lượng Hayat Tahrir al Sham (HTS) và hiện là lãnh đạo chính quyền mới ở Damas sau khi lật đổ tổng thống Bachar Al Assad. Mục tiêu của phái đoàn là thúc đẩy HTS thống nhất đất nước sau 13 năm nội chiến đẫm máu trong bối cảnh tổ chức này khẳng định đã cắt đứt với thánh chiến Hồi Giáo và vận động cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Syria.

 

HÌNH :

Lá cờ của phe nổi dậy được treo ở thủ đô Damas,Syria ngày 20/12/2024. AP - Leo Correa

 

Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết, không chỉ làm việc với chính quyền mới ở Damas, phái đoàn còn gặp các đại diện xã hội dân sự để thảo luận về « tầm nhìn của họ đối với tương lai đất nước Syria, cũng như cách thức mà Mỹ có thể hỗ trợ họ ».

 

Theo AFP, đây là phái đoàn ngoại giao chính thức đầu tiên của Mỹ đến Damas từ khi xảy ra nội chiến năm 2011. Trong phái đoàn có ông Roger Carstens, phụ trách thu thập thông tin về những công dân Mỹ mất tích ở Syria, như nhà báo Austin Tice, bị bắt cóc vào tháng 08/2012. Như vậy, Hoa Kỳ tiếp bước các nước Pháp, Đức, Anh và Liên Hiệp Quốc cử đặc sứ đến Damas.

 

Chế độ Bashar al-Assad sụp đổ ngày 08/12 đã chấm dứt một nửa thế kỷ gia đình trị và trấn áp. Tuy nhiên, tân chính quyền cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về tôn trọng nhân quyền, về tình cảnh của các cộng đồng thiểu số trong một đất nước bị phân chia và về tương lai của các vùng tự trị Kurdistan ở miền bắc Syria.

 

Ngày 19/12, vài trăm người đã biểu tình trên quảng trường Omeyyades ở Damas để bảo vệ dân chủ và quyền của phụ nữ trong một nước Syria mới, theo ghi nhận qua phóng sự của đặc phái viên RFI Julien Boileau và Oriane Verdier :

 

« Một thanh niên đưa ra lời kêu gọi giao lưu và gặp gỡ giữa đám đông, vì ở đây, ai cũng có những quan ngại riêng. Thanh niên này nói : « Tôi tên là Ahmad Youssef, tôi là giám đốc đài phát thanh SHam FM. Tôi đến đây bởi vì chính quyền mới đã đóng cửa đài phát thanh của chúng tôi. Dưới chế độ cũ, không một cơ quan truyền thông nào được tự do, thế mà bây giờ họ cáo buộc chúng tôi là đài phát thanh của chế độ và 60 người bị thất nghiệp mà không có lý do chính đáng ».

 

Còn Sana Warhou đến bảo vệ quyền của mình. Cô cho biết : « Chúng tôi đã trải qua những ngày bất trắc. Những phát biểu gần đây của chính quyền rất mơ hồ về vai trò của phụ nữ trong việc tái thiết đất nước. Chúng tôi đến đây để nhắc lại rằng trao quyền cho phụ nữ là điều quan trọng ».

 

Đứng hơi xa đám đông một chút, Abdel Hafez Chelbak và các con gái có chung niềm vui với người biểu tình, nhưng lại không đồng tình với đòi hỏi về một chính phủ phi tôn giáo. Ông nói : « Tôi nghĩ là đạo Hồi có thể bảo đảm quyền và tự do cho nhân loại. Chính nhà tiên tri Mohammad nói rằng tất cả mọi người phải được tôn trọng và được tự do ngôn luận ».

 

Xung quanh quảng trường là những thanh niên mặc quân phục, mũ trùm đầu và súng AK trên tay. Nói chuyện dễ dàng hơn khi không có micro, nhưng những thành viên này của HTS không muốn bị đưa lên truyền thông với súng cầm trong tay. Một người trong số này nói : « Người ta coi chúng tôi là những kẻ khủng bố. Chúng tôi ở đây chỉ để bảo vệ người dân ».







No comments: