Saturday, November 11, 2023

VẬN HẠN CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Vận hạn của Tổng Thống Joe Biden 

Hiếu Chân/Người Việt

November 7, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/van-han-cua-tong-thong-joe-biden/

 

Sau gần ba năm ngự trị trong Tòa Bạch Ốc và chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đang tiến triển thuận lợi, Tổng Thống Joe Biden bỗng dưng bị sao quả tạ chiếu mệnh, vận biến thành hạn trong phút chốc, làm cho triển vọng tái thắng cử năm 2024 trở nên mù mịt.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/BL-Van-Han-Biden-1536x1024.jpg

Tổng Thống Joe Biden. (Hình: Jim Watson/AFP via Getty Images)

 

Lên cầm quyền vào lúc nước Mỹ đang liêu xiêu vì đại dịch COVID-19, kinh tế đình đốn, cô đơn trên trường quốc tế, trong ba năm qua ông Biden đã có những cố gắng đáng ghi nhận. Kinh tế Mỹ không rơi vào tình trạng suy thoái như dự đoán của nhiều nhà quản trị ngân hàng, nạn thất nghiệp được chặn đứng và giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế phục hồi vững chắc. Theo Văn Phòng Phân Tích Kinh Tế (bea.gov) trong Quý 3-2023, tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Mỹ tăng 4.9%/năm, sau khi đã tăng 2.1%/năm trong Quý 2-2023. Còn theo dữ liệu của Ngân Hàng Liên Bang (Fed), giá trị tài sản trung bình của các gia đình Mỹ tăng đến 37% trong ba năm qua, mức tăng cao nhất kể từ năm 1989, nhờ giá cổ phiếu tăng, giá nhà đất tăng và nhiều khoản trợ cấp bằng tiền của chính phủ. Điều này có nghĩa là người Mỹ đang giàu lên rất nhanh. Thu nhập bình quân của hộ gia đình cũng tăng 3% trong thời gian từ 2018 đến sau khi trừ phần tăng giá hàng hóa do lạm phát (New York Times 18 Tháng Mười, 2023).

 

Trên trường thế giới, Mỹ dần khôi phục được các quan hệ đồng minh và kết nối thêm các đồng minh mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc. Liên Minh NATO ở Châu Âu được hồi sinh, các liên minh Bộ Tứ (QUAD), AUKUS, liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Philippines ở Châu Á được củng cố và trở nên có thực chất hơn. “Nước Mỹ đã trở lại,” ông Biden tuyên bố và nhiều hoạt động của chính phủ Mỹ trong ba năm qua chứng tỏ đó không phải là lời nói suông. Khảo sát dư luận mới nhất của tổ chức Pew Research Center thực hiện tại 24 quốc gia và công bố hôm Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một, ghi nhận 58% dân chúng các quốc gia này có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ, trong khi chỉ có 21% có thiện cảm với Trung Quốc. Con số 58% này cao hơn nhiều so với mức 38% trong cuộc khảo sát tương tự năm 2020 dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump. Dư luận Ba Lan, Nhật, và Nam Hàn có thiện cảm với Hoa Kỳ nhất, với trên 70% số người được hỏi có cái nhìn tích cực về nước Mỹ.

 

Đối nội, việc ban hành các đạo luật lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm lạm phát và tạo việc làm, phát triển công nghiệp bán dẫn và nghiên cứu khoa học… đặt nền tảng cho tăng trưởng của nước Mỹ trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, một số kế hoạch của tổng thống đã bị Quốc Hội hoặc Tối Cao Pháp Viện ngăn chặn, như kế hoạch xóa nợ cho sinh viên, trợ cấp nuôi dạy trẻ em…

 

Tin tưởng vào những thành tựu đạt được trong ba năm cầm quyền, ông Biden công bố tái ứng cử tổng thống trong năm 2024. “Bóng ma” một cuộc tái đấu giữa ông Biden và ông Trump – như cuộc bầu cử năm 2020 – lại hiển hiện dù nhiều người Mỹ không mấy hào hứng với màn song đấu của hai vị trưởng lão này.

 

Quyết định tái tranh cử của ông Biden làm tiêu tan hy vọng của các chính trị gia trẻ của đảng Dân Chủ, đồng thời làm dấy lên những mối lo ngại có căn cứ. Trước hết là vấn đề tuổi tác và sức khỏe. Ông Biden đã qua ngưỡng bát tuần, ở tuổi mà sinh mệnh con người như ngọn đèn trước gió, không ai nói trước được. Nếu chẳng may ông có mệnh hệ gì thì người phó của ông là bà Kamala Harris sẽ lên thay. Tuy không có ý kỳ thị nhưng nhiều người Mỹ băn khoăn với triển vọng nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tương lai là một phụ nữ, lại là phụ nữ da màu.

 

Có một điều khó giải thích là mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc trong ba năm qua, thành tích điều hành kinh tế của chính quyền Biden vẫn không được cử tri đánh giá cao. Lạm phát, giá xăng dầu và hàng hóa tăng vọt được truyền thông cánh hữu bình luận rầm rộ và làm cho mọi người cảm thấy bất an. Họ đổ lỗi cho chính quyền Biden dù thực tế ai cũng biết lạm phát là do chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và sau đó là do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, ông Biden luôn bị “điểm kém.” Trang web fivethirtyeight.com tổng hợp kết quả khảo sát của nhiều tổ chức thăm dò dư luận ghi nhận, nếu vào thời điểm nhậm chức Tháng Giêng, 2021, ông Biden được 54% cử tri ủng hộ (approve) và 30.2% phản đối (disapprove) thì đến Tháng Mười Một, 2023, tỈ lệ đó đã bị đảo ngược. Số người phản đối ông tăng lên 55.4% trong khi số người ủng hộ ông giảm còn 38.7%.

 

                                                      ***

 

Thế rồi bùng ra cuộc xung đột Trung Đông. Hôm 7 Tháng Mười, quân Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel giết chết 1,400 người, bắt hơn 240 người khác làm con tin. Trong số thương vong và bị bắt có nhiều công dân Hoa Kỳ. Chính phủ Biden đã phản ứng một cách nhanh chóng và quyết liệt. Vừa điều động một lực lượng quân đội hùng hậu tới khu vực để răn đe các thế lực hiếu chiến, vừa thực hiện những đợt ngoại giao con thoi đến thủ đô các nước liên quan để vận động ngăn chặn chiến tranh leo thang. Đích thân ông Biden bay tới vùng chiến sự để trực tiếp can dự, một hành động hiếm thấy ở một nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ.

 

Nhưng phản ứng trả đũa thái quá của Israel gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc ở Palestine và làm cho cả thế giới thất vọng. Sau một tháng giao tranh, đã có hơn 10,000 người Palestine bị giết, trong đó có tới 4,000 trẻ em, theo thông tin không kiểm chứng được từ cơ quan y tế Gaza. Nếu sau vụ tàn sát man rợ của Hamas, cộng đồng quốc tế gần như hoàn toàn ủng hộ Israel thì nay dư luận đã đổi chiều, thế giới vẫn lên án Hamas nhưng đồng thời cũng lên án chiến dịch trả đũa tàn bạo của Israel và đòi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt việc phong tỏa Dải Gaza.

 

Với lập trường “đi cùng với Israel hôm nay, ngày mai và mãi mãi” mà ông Biden hứa với lãnh đạo Israel, Hoa Kỳ bỗng dưng trở thành “tòng phạm” với chính phủ cực hữu của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu và bị phê phán khắp nơi. Ở các nước Ả Rập và Hồi Giáo đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ. Ngay các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Ả Rập thân thiện với Mỹ như quốc vương Jordan cũng hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với ông Biden vào phút cuối vì lo sợ sự chống đối của dân chúng trong nước.

 

Vụ xung đột Israel-Hamas đẩy ông Biden vào giữa hai lằn đạn. Một bên, ông bị thế giới Ả Rập lên án vì ủng hộ Israel tối đa, một bên ông bị thủ tướng Israel phớt lờ. Ông Biden đã nhiều lần, trực tiếp hoặc thông qua bộ trưởng Ngoại Giao, yêu cầu Tel Aviv “tạm ngừng nhân đạo” (humanitarian pause) cuộc ném bom và pháo kích Gaza để các tổ chức quốc tế cứu trợ thường dân Palestine và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán giải cứu con tin. Nhưng các đề nghị hợp lý đó đều không được phía Israel chấp nhận. Cuộc tấn công tiêu diệt Hamas của quân đội Israel vẫn tiếp diễn, ngày càng khốc liệt và số thương vong của dân chúng Palestine tăng với tốc độ chóng mặt.

 

Ở trong nước, ông Biden cũng đi giữa hai lằn đạn. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ nói rằng ông đã ủng hộ đồng minh Israel không đủ mạnh, trong khi nhiều thượng nghị sĩ Dân Chủ phản đối sự ủng hộ vững chắc mà chính quyền Biden dành cho Israel.

 

Cựu Tổng Thống Barack Obama, vốn giữ im lặng sau khi rời Tòa Bạch Ốc đầu năm 2017, đã nói bóng gió về vụ xung đột Trung Đông: “Không bàn tay ai sạch cả. Tất cả chúng ta đều dính líu ở mức độ nào đó.” Ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ độc lập đại diện tiểu bang Vermont, yêu cầu Israel ngừng ném bom Gaza ngay lập tức. Trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm Chủ Nhật, ông Sanders nói Israel có quyền tự vệ, nhưng “theo quan điểm của tôi, Israel không có quyền giết hàng ngàn, hàng ngàn người vô tội, phụ nữ và trẻ em không liên quan gì tới vụ thảm sát [của Hamas].”

 

Cực đoan nhất có lẽ là Dân Biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan), người Mỹ gốc Palestine duy nhất trong Hạ Viện Mỹ. Bà Tlaib đã gây sóng gió cuối tuần trước khi đăng một video trên mạng X, cáo buộc “Tổng Thống Biden ủng hộ nạn diệt chủng người Palestine,” đòi “Biden, ủng hộ ngừng bắn ngay bây giờ, hoặc đừng trông mong chúng tôi năm 2024.” Cũng với lời đe dọa về cuộc bầu cử năm 2024, các tổ chức đại diện cộng đồng Ả Rập và Hồi Giáo ở Mỹ tuyên bố họ sẽ không bỏ phiếu cho Biden năm tới nếu ông tiếp tục ủng hộ Israel.

 

Dư luận công chúng Mỹ chia rẽ sâu sắc. Khảo sát của SSRS/CNN ghi nhận có 70% số người Mỹ trưởng thành theo dõi sát cuộc chiến Israel-Hamas, nhưng chỉ có 47% tin tưởng ông Biden sẽ có những quyết định đúng đắn để ứng phó, 53% không tin ông!

 

                                                       ***

 

Tất cả những biến cố như vậy làm cho triển vọng thắng cử năm 2024 của ông Biden là rất mong manh. Mối lo của đảng Dân Chủ càng bị đè nặng khi một cuộc thăm dò dư luận mới nhất của New York Times-Siena College cho thấy ông Biden đang bị ông Trump dẫn trước ở năm trong sáu “tiểu bang chiến trường.” Ông Trump dẫn trước ông Biden 10 điểm ở Nevada, 5 điểm ở Georgia, 5 điểm ở Arizona, và 4 điểm ở Pennsylvania trong khi ông Biden chỉ dẫn trước ông Trump 2 điểm ở Wisconsin. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden thắng ở cả sáu “tiểu bang chiến trường” này dù với cách biệt không lớn.

 

Kết quả thăm dò của đài CBS News cho thấy, nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào hôm Thứ Ba, 7 Tháng Mười Một, 2023 thì khả năng ông Biden thua là khá rõ. Ông chỉ được 48% cử tri ủng hộ trong khi ông Trump đạt tới 51%.

 

Đã có những tiếng nói rụt rè trong đảng Dân Chủ đề nghị ông Biden rút khỏi cuộc đua, nhưng xem ra khó được ông chấp nhận. Các cố vấn tranh cử của ông Biden vẫn tin rằng, phải một năm nữa cử tri mới đi bỏ phiếu và tình hình sẽ được cải thiện. Bây giờ hãy còn quá sớm để phán đoán liệu hạn rủi của ông Biden có kéo dài đến lúc đó hay không.

 

Quả là trong lịch sử bầu cử Mỹ có vài trường hợp ứng cử viên có điểm thăm dò thấp nhưng lại giành được chiến thắng chung cuộc. Ví dụ như ông Trump thua điểm bà Hillary Clinton năm 2016, ông Obama thua điểm ông Mitt Romney năm 2012. Nhưng lần này, chưa chắc tiền lệ đó sẽ lặp lại. Nếu trong một năm tới, ông Biden không thay đổi cách thức tiếp cận cử tri và truyền đạt một cách hiệu quả các thông điệp của ông tới các tầng lớp yếu thế trong xã hội thì vận may có thể sẽ không mỉm cười với ông lần nữa. [đ.d.]







No comments: