Cựu
ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100
30/11/2023
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-ngoai-truong-henry-kissinger-qua-doi-tho-100-tuoi/7378156.html
Cho tới cuối đời, Kissinger vẫn được nhiều người trọng
vọng như một chính khách lão thành, được nhiều lãnh đạo thế giới tham khảo ý kiến
về các vấn đề an ninh và chiến lược.
https://gdb.voanews.com/df29eb67-c9c8-4ae2-9d78-2ada74859746_cx0_cy5_cw0_w650_r1_s.jpg
Henry Kissinger, năm 1973, tại Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, Washington.
Tiến sĩ Henry A. Kissinger, học giả, chính khách và nhà ngoại giao nổi
tiếng, ngoại trưởng thứ 56 của Mỹ, người có quyền lực ít ai bì trong chính sách
đối ngoại của Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Richard M. Nixon và Gerald
Ford, qua đời hôm 29/11 tại nhà riêng ở Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi.
Ông là cựu ngoại trưởng và là cựu cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.
Sự ra đi của ông Kissinger được Kissinger Associates, công ty tư vấn do
ông lập ra, loan báo, Reuters cho biết. Thông báo của Kissinger Associates
không nói rõ nguyên nhân.
Trong nhiều thập kỷ sau khi rời chính trường, với tư cách là nhà tư vấn
và nhà văn, Henry A. Kissinger đã đưa ra nhiều ý kiến giúp định hình chính trị
và kinh doanh toàn cầu, tờ Washington Post nhận định.
Mặc dù tuổi cao nhưng trong những năm gần đây, Kissinger vẫn tham dự
các cuộc họp ở Nhà Trắng, xuất bản sách về phong cách lãnh đạo và ra điều trần
trước Thượng viện về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Hồi tháng 7 năm nay, ông đã có chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh và được
Trung Quốc đón tiếp trọng thị. Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó đã gọi ông là ‘người
bạn cũ’.
Là một trong những nhân vật đóng vai trò then chốt dẫn tới hòa đàm
Paris, dọn đường cho các lực lượng Mỹ triệt thoái ra khỏi miền Nam Việt Nam, rốt
cuộc dẫn đến kết thúc chiến tranh Việt Nam, ông Henry Kissinger được coi là nhà
ngoại giao đại tài, một chính khách đầy quyền lực nhưng gây rất nhiều tranh
cãi.
Thân thế sự nghiệp
Sinh ở Đức ngày 27/5/1923 trong một gia đình gốc Do Thái, Henry Alfred
Kissinger thoát khỏi nanh vuốt của chế độ Đức Quốc xã khi gia đình di cư sang
Hoa Kỳ vào năm 1938. Ông nhập quốc tịch Mỹ năm 1943 và phục vụ trong quân đội
trong Thế Chiến thứ Hai, rồi sau đó trong chính phủ quân sự Mỹ chiếm đóng Đức.
Xuất ngũ, ông theo đuổi học vấn tại Đại học Harvard và năm 1954, tốt
nghiệp Tiến sĩ chính trị học từ đại học nổi tiếng này.
Ông nổi lên trong vai trò một giáo sư Đại học Harvard, được mời tư vấn
về các vấn đề an ninh và chiến lược cho nhiều cơ quan chính phủ qua nhiều đời Tổng
thống, từ Eisenhower, John Kennedy cho tới Lyndon Johnson.
Thành tích
Được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm phụ tá an ninh quốc gia, rồi sau
này, Cố Vấn An ninh quốc gia (1969-75), Ngoại trưởng (1973-77), Kissinger đóng
vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong
giai đoạn từ 1969 cho tới 1976.
Tận dụng vị thế là nhân vật rất có thế lực trong chính phủ của Tổng thống
Nixon, ông bí mật đàm phán với Bắc Việt, Liên Xô và Trung Quốc. Ông đi đêm với
một số lãnh đạo chính quyền miền Bắc, đàm phán hiệp ước vũ khí với Liên bang Xô
viết, và là kiến trúc sư của chính sách xích lại gần Bắc Kinh (1972).
Năm 1973, Tiến sĩ Kissinger được Viện Hàn Lâm Thụy Điển chọn trao Giải
Nobel Hòa Bình cùng lãnh đạo cộng sản Việt Nam, Lê Đức Thọ, “vì những đóng
góp cho hòa đàm Paris, dẫn tới việc rút quân đội Mỹ ra khỏi chiến tranh Việt
Nam”. Quyết định này gây tranh cãi gay gắt, nhiều người cho rằng ủy ban Nobel
đã sai lầm, hai thành viên trong hội đồng đã từ chức để phản đối quyết định của
ủy ban.
Ngay chính những nhân vật được chọn cũng cảm thấy ngần ngại, ông Lê Đức
Thọ, trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán Hiệp định Paris, không nhận Giải
Nobel Hòa bình, viện lý do “hòa bình vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam”.
Kissinger thì tặng tiền thưởng cho các hoạt động từ thiện, và không tham gia lễ
trao giải.
Kissinger là tác giả nhiều quyển sách về chính trị và chính sách đối
ngoại, trong đó có “American Foreign Policy – Chính sách đối ngoại Mỹ” (1969),
“The White House Years – Những Năm trong Tòa Bạch Ốc” (1979), “Diplomacy – Ngoại
giao” (1994), “Does America Need a Foreign Policy?: Toward a Diplomacy for the
21st Century- Liệu Hoa Kỳ có cần một chính sách đối ngoại? Hướng tới nền Ngoại
giao Thế kỷ 21 (2001); Ending the Vietnam War: A History of America’s
Involvement in and Extrication from the Vietnam War – Chấm dứt Chiến tranh Việt
Nam- Lịch sử về sự tham gia của Mỹ, và rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam (2003),
“On China- Về Trung Quốc (2011),” và “World Order- Trật tự Thế giới” (2014).
Cho tới cuối đời, Kissinger vẫn được nhiều người trọng vọng như một
chính khách lão thành, được nhiều lãnh đạo thế giới tham khảo ý kiến về các vấn
đề an ninh và chiến lược.
Là người Do Thái có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Kissinger
nhận được rất nhiều huân chương cao quý của Mỹ, trong đó phải kể tới “Huân
chương Tự do của Tổng thống” do Tổng thống Gerald Ford trao tặng.
Tai tiếng 'tội phạm chiến tranh'
Tuy vậy, không ít người cho rằng Kissinger phải chịu trách nhiệm về một
số 'tội ác chiến tranh' tại nhiều nước. Một số nhà báo, nhà tranh đấu và luật
sư nhân quyền lên án vai trò của ông trong các tội ác chiến tranh ở Việt Nam,
Campuchia, Đông Timor, và Nam Mỹ.
Họ nói Kissinger là người 'đạo diễn' các đợt oanh kích tại Việt Nam và
Campuchia nhắm vào thường dân, rằng ông hậu thuẫn cho các chế độ độc tài tàn
bạo ở châu Mỹ La Tinh trong thập niên 1970 và 1980.
Thân nhân của những nạn nhân của nhà độc tài Pinochet tại Chile và nhiều
người khác phản đối dữ dội khi ông Kissinger được mời phát biểu tại Diễn đàn Ủy
ban Nobel ở Oslo vào năm 2016. Họ mô tả ông là “tội phạm chiến tranh”, cần phải
bị mang ra xét xử.
No comments:
Post a Comment