Saturday, November 11, 2023

GÁNH NẶNG THẾ GIỚI OẰN LƯNG CHÚ SAM (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Gánh nặng thế giới oằn lưng Chú Sam

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

9 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/ganh-nang-the-gioi-oan-lung-chu-sam/

 

Để duy trì tư cách siêu cường số một thế giới, Mỹ phải “ôm sô” tất cả biến động chính trị thế giới với vai trò vừa quan sát vừa điều hành, vừa trung gian vừa lãnh đạo điều phối…

 

Thế giới đã đa cực hay đang tiến đến đa cực?

 

Ba ngày sau khi các chiến binh Hamas tràn qua hàng rào an ninh biên giới Dải Gaza đột kích Israel, giết chết hơn 1,400 người và bắt đi khoảng 220 người khác, hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford hiện đại nhất của Mỹ được điều đến phía đông Địa Trung Hải cùng với dàn khu trục hạm hùng hậu. Nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến thứ hai, do USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu cũng tiến tới Trung Đông, áp gần Iran. Máy bay và hệ thống phòng không cũng được điều động tới khu vực và quân đội Mỹ trong tư thế sẵn sàng.

 

Đó là một minh chứng hùng hồn cho tốc độ và quy mô mà Mỹ có thể triển khai sức mạnh quân sự ở xa lãnh thổ Mỹ. Sự phô trương sức mạnh gửi đi hai thông điệp. Đối với Iran và các quốc gia hay tổ chức ủy nhiệm của nó: Khôn hồn đừng có nhúng tay vào! Với Israel: Bạn không đơn độc!

 

Matthew Kroenig thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, DC, cảnh báo: “Đây là thời điểm nguy hiểm nhất kể từ chiến tranh lạnh. Nếu Iran và Hezbollah dính líu vào, Mỹ sẽ buộc phải đáp trả. Và liệu Trung Quốc (TQ) có nhìn thấy cơ hội để thử thôn tính Đài Loan?” Trước các tình huống này, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ trở thành một tổng thống thời chiến. Ông không hề cường điệu khi nói với người Mỹ trong một bài phát biểu gần đây trên truyền hình, “thế giới đang ở một thời điểm chuyển biến”.

 

Khi Mỹ giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, nhiều người đã hỏi liệu Mỹ còn đủ khả năng gánh thêm trọng trách: Đẩy lùi cuộc tấn công của TQ vào Đài Loan? Câu hỏi càng trở nên gay gắt hơn khi Mỹ phải chia lửa với Israel, dù ở mức độ thấp hơn Ukraine. Theo quan điểm của Biden, việc giúp đỡ đồng minh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh. Ông tuyên bố: “Sự lãnh đạo của Mỹ là thứ gắn kết thế giới lại với nhau. Các liên minh của Mỹ là những gì giúp chúng ta và nước Mỹ được an toàn”.

 

Các học giả đang tranh luận: Liệu (và khi nào) thế giới “đơn cực” (trong đó Mỹ thống trị toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh) quay trở lại thế giới “lưỡng cực”, với quốc gia thách thức Mỹ là TQ chứ không phải Liên Xô; thậm chí có người hỏi: Liệu thế giới đã “đa cực” chưa. Học giả Harvard Joseph Nye định nghĩa sức mạnh quốc gia dựa vào ba yếu tố: Quân sự, kinh tế và “quyền lực mềm” (tức là khả năng thuyết phục người khác theo sự dẫn dắt của mình).

 

Về quân sự, Mỹ vẫn là một người khổng lồ. Về kinh tế, thế giới đang trong trạng thái lưỡng cực theo cách chưa từng có trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, với sản lượng kinh tế của TQ có phần nhỏ hơn của Mỹ tính theo tỷ giá hối đoái nhưng đã vượt Mỹ về sức mua tương đương (dù người Mỹ vẫn giàu hơn nhiều so với người TQ). Về quyền lực mềm, Kroenig nói: “Yếu tố này khó đo lường hơn, nhưng công bằng mà nói, thế giới đã đa cực hơn trước”. Về kinh tế Mỹ vẫn phát triển vượt trội so với các nước giàu có khác.

 

Ở Trung Đông, Mỹ vẫn là “quốc gia không thể thiếu” và là “quốc gia duy nhất sẵn sàng và có khả năng làm trung gian giữa các nhà lãnh đạo khu vực và định hình các sự kiện”. Nhìn chung, Biden tìm cách khôi phục các liên minh mà Trump đã bỏ qua hoặc đe dọa hủy bỏ. Trên hết, chính sách đối ngoại của Biden là tham gia càng ít càng tốt ở Trung Đông (khu vực đã tiêu tốn năng lượng của nhiều đời tổng thống Mỹ).

 

Biden đã tìm cách chấm dứt “hai cuộc chiến tranh không có điểm dừng” ở Iraq và Afghanistan. Ông hứa sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ký năm 2015 (và Trump đã từ bỏ vào năm 2018) để ngăn chặn nguy cơ một Iran có vũ khí hạt nhân. Biden nhắc lại việc ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, một nhà nước Palestine sống cạnh nhà nước Israel. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực là bước dài…

 

Thế giới còn lâu mới ổn định. Putin xâm chiếm Ukraine là một ví dụ. Sự ra đi hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan đã cho phép Taliban trở lại nắm quyền. Ở vùng Vịnh, khi ca ngợi khôi phục quan hệ ngoại giao Iran-Ả-rập Saudi, TQ đã để lộ ý đồ lấp đầy khoảng trống do sự thờ ơ của Mỹ để lại. Thay vì nghe theo đề nghị điều tiết giá dầu của Biden, Thái tử Ả-rập Saudi Muhammad bin Salman (nước xuất khẩu dầu hoả lớn nhất thế giới) đã ký một thỏa thuận sản xuất với Nga để giữ giá cao.

 

Kori Schake thuộc cơ quan nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á đang đặt ra hai câu hỏi trái ngược nhau. Đầu tiên, liệu các nguồn lực và sự chú ý của Mỹ có đổ về lại Trung Đông không? Thứ hai, liệu quyết tâm của Mỹ để xử lý cuộc khủng hoảng này hay cuộc khủng hoảng khác sẽ thất bại? Nếu chúng ta để an ninh châu Âu bị mất ổn định trước cuộc xâm lược của Nga, hoặc để Israel chịu đựng một mình cuộc tấn công khủng bố man rợ thì không còn ai tin Mỹ sẽ quan tâm đến bất kỳ vấn đề nào khác”.

 

 

Chú Sam phải làm gì?

 

Niềm tin vào Mỹ như một “đồng minh then chốt” phụ thuộc vào cả độ tin cậy lẫn năng lực. Sự tín nhiệm rất quan trọng. Trên Foreign Affairs (November/December 2023), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert M. Gates (2006-2011) viết:

 

Để củng cố hình ảnh Washington đang ở vị thế mạnh nhất có thể để ngăn chặn các đối thủ của mình thực hiện thêm những tính toán sai lầm chiến lược, các nhà lãnh đạo Mỹ trước tiên phải giải quyết sự đổ vỡ trong thỏa thuận lưỡng đảng kéo dài hàng thập niên liên quan vai trò của Mỹ trên thế giới.

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sau 20 năm chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, nhiều người Mỹ muốn hướng nội, đặc biệt là khi Mỹ gặp nhiều vấn đề trong nước. Nhưng nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị là chống lại quan điểm đó và giải thích số phận của đất nước gắn bó chặt chẽ như thế nào với những gì xảy ra ở nơi khác. Tổng thống Franklin Roosevelt từng nhận xét rằng “nhiệm vụ lớn nhất của một chính khách là giáo dục”. Nhưng các tổng thống gần đây, cùng với hầu hết các thành viên Quốc hội, đã hoàn toàn thất bại trong trách nhiệm thiết yếu này.

 

Người Mỹ cần hiểu tại sao vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, bất chấp những tổn thất, lại quan trọng trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng. Họ cần biết tại sao việc Ukraine kháng cự thành công trước cuộc xâm lược của Nga lại quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Họ cần biết tại sao sự thống trị của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương lại gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ. Họ cần biết tại sao ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở miền Nam bán cầu lại quan trọng đối với túi tiền của người Mỹ. Họ cần biết tại sao sự tin cậy của Hoa Kỳ với tư cách là một đồng minh lại có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình. Họ cần biết tại sao liên minh Trung Quốc-Nga lại đe dọa Hoa Kỳ…

 

Các thành viên Quốc hội cần truyền tải thông điệp đến cử tri trên khắp đất nước. Thông điệp đó là gì? Đó là sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã mang lại 75 năm hòa bình cho các cường quốc – khoảng thời gian dài nhất trong nhiều thế kỷ. Sức mạnh quân sự mà Hoa Kỳ sở hữu, các liên minh mà Hoa Kỳ đã xây dựng và các thể chế quốc tế mà Hoa Kỳ thiết kế đều cần thiết để ngăn chặn hành vi gây hấn chống lại Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ.

 

Một thế giới không có sự lãnh đạo đáng tin cậy của Hoa Kỳ sẽ là một thế giới của những kẻ săn mồi độc tài, với tất cả các quốc gia khác đều có thể trở thành con mồi. Nếu muốn bảo vệ người dân, an ninh và tự do của mình, nước Mỹ phải tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Như Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói về Hoa Kỳ vào năm 1943: “Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm”.

 





No comments: