Monday, November 27, 2023

TAY ĐUA CÔNG THỨC 1, THẾ GIỚI CỦA CÁC CON ÔNG CHÁU CHA "TỶ PHÚ"? (Chi Phương / RFI)

 



 

Tay đua công thức 1, thế giới của các con ông cháu cha “tỷ phú” ?

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 26/11/2023 - 14:14

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-th%E1%BB%83-thao/20231126-tay-%C4%91ua-....BB%B7-ph%C3%BA

 

Giải vô địch thế giới đưa xe hơi Công thức 1 2023, kết thúc vào Chủ nhật, 26/11, mà quán quân năm nay không ai khác ngoài Max Vestappen. Để có thể tham gia vào giải đua xe thể thao đắt đỏ nhất hành tình, không chỉ cần tài năng, thao tác nhạy bén, mà nhất là cần nguồn tài chính, các nhà tài trợ khổng lồ. Nhiều tay đua là con của tỷ phú hoặc đến từ các gia đình “cựu tay đua”.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/4ad803e0-bc9a-11eb-bfd0-005056a917b9/w:980/p:16x9/000_9AL6NG.webp

Tay đua Max Vestappen của đội Red Bull mừng chiến thắng tại Grand Prix Monaco, ngày 23/05/2021. © AFP - GONZALO FUENTES

 

Những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều tay đua mới, như Nikita Mazepin của đội Haas, Lance Stroll của đội Aston Martin và Nicholas Latifi của Williams, đã bị chỉ trích vì giành được vị trí trong Công thức 1( Formula 1 – F1) là nhờ khối tài sản khổng lồ từ gia đình thay vì dựa vào thành tích trên đường đua. “Những người trả tiền để đua xe” có lẽ không phải là cụm từ xa lạ trong thế giới của F1. Vào 2015, điều tra của báo Pháp Le Monde, chỉ ra rằng tay đua người Hà Lan Max Verstappen, lúc bấy giờ mới 17 tuổi tham gia vào giải Grand Prix ở Úc trong khi chưa đủ tuổi để có bằng lái FIA Super Licence (từ 18 tuổi trở lên) hay Pastor Maldonato phải tự trả phí để tham gia vào đường đua ở Malaysia.   

  

Theo Le Monde, đây không phải là những trường hợp duy nhất trong môn thể thao này. Từ nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều tay đua phải tự chi trả một khoản cho đội đua của mình để tham gia vào giải F1, hoặc là nhờ vào các tài trợ cá nhân. Giám đốc điều hành của Mercedes Toto Wolff đã tiết lộ trên kênh truyền hình RTL của Đức rằng chỉ riêng mùa giải Công thức 3, bước đệm để tham gia vào Công thức 1, thì các tay đua có thể tiêu tốn hơn 1 triệu đô la để tham gia. Công thức 4, vốn là cuộc thi với mức chi phí gần như thấp nhất để tiến gần đến Công thức 1, thì các tay đua cũng phải trả từ 120 đến 200 000 euro.    

 

Tác giả của cuốn L'Histoire de la Formule 1 de Bernie Ecclestone – Lịch sử cuộc đua Công thức 1 của Bernie Ecclestone, tác giả Antoine Grenapin, được Slate trích dẫn, cho rằng đóng góp từ các tay đua là hoàn toàn vì lý do kinh tế, và cho rằng “gần như không có một đội đua xe nào của F1 có thể tự tài trợ 100 %”, “một tay đua tham gia vào đội hình cùng với một vài triệu euro từ bố của mình”, có thể hỗ trợ rất nhiều vào chi phí mà các đội phải trả hàng năm lên đến 400 triệu euro. Mercedes, Ferrari, Renault hay các đội khác, đều có những thoả thuận tương tự.    

 

Kỹ năng của các tay đua, làm thể nào để đưa ra quyết định trong tích tắc, xe đua có gia tốc cực kỳ lớn, trong vòng 10,6 giây đạt tốc độ 300km/h, các thao tác nhanh chóng qua từng cung độ, đường rẽ, vòng gấp… đó là những yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các tay đua để phân hạng cao thấp. Thế nhưng, ngày nay, theo The Guardian, dường như, tiền bạc là yếu tố quan trọng để giành được một trong 20 chỗ trên đường đua F1.   

 

Với 7 lần vô địch thế giới, cùng hàng loạt thành tích kỷ lục trên đường đua Công thức 1, Lewis Hamilton đã trả lời một tờ báo Tây Ban Nha vào năm 2021, thẳng thắn chỉ trích môn thể thao đắt đỏ nhất hành tinh, cho rằng Công thức 1 là “câu lạc bộ của những tỷ phú”. Tay đua 38 tuổi cho rằng, xin trích “nếu tôi xuất thân, khởi nghiệp từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động bình thường, tôi sẽ không thể có mặt ở đây ngày hôm nay. Tất cả các tay đua mà tôi phải đấu lại đều có rất nhiều tiền. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, chứng ta cần phải thay đổi điều này và khiến môn thể thao này có thể trở nên dễ dàng tiếp cận bởi những người có thu nhập khiêm tốn”. Trên thực tế, Lewis Hamilton là một trong những tay đua hiếm hoi không phải đến từ một gia đình khá giả. Cha của anh là Anthony Hamilton, đã phải làm nhiều việc cùng một lúc để có nguồn tài trợ cho Lewis thi đấu.     

 

 

Môn thể thao “con ông cháu cha”  ? 

 

Công thức 1 là thế giới thể thao của các “con ông cháu cha”, như nhận định của trang mạng Slate. Những tay đua có thể là con của những nhà tỷ phú, hoặc xuất thân từ gia đình “cựu vô địch thế giới” F1. Ví dụ như Mick Schumacher, con trai của Michael Schumacher, từng 7 lần giữ chức vô địch thế giới F1, hay Max Verstappen, có cha Jos Verstappen, cũng từng là tay đua F1. Một số tay đua thì được tài trợ bởi các tỉ phú, muốn giúp đỡ những người không phải trong gia đình, như trường hợp của tay đua Sergio Perez được nhà tỷ phú Carlos Slim Helú nâng đỡ kể từ khi dấn thân vào F1.  

  

Môn đua xe thể thao quốc tế của giới “tinh hoa”, do Liên đoàn xe hơi quốc tế tổ chức (FIA), với các cuộc tranh tài Grand Prix, diễn ra trên khắp thế giới có thể mang lại doanh thu lên đến hơn 2 tỷ đô la (vào năm 2021), theo trang mạng Statistica. Những tay đua tài ba nhất được trả mức thù lao hậu hĩnh, lên đến 50 triệu euro mỗi năm, một số còn có những thu nhập từ các tài trợ bên ngoài. Hiện MaxVestappen là tay đua F1 được trả lương cao nhất, và đứng sau là Lewis Hamilton. Ngoài các chi phí đào tạo, phí đăng ký vào trường đua tại mỗi mùa giải vô địch thế giới cũng không nhỏ. Mức phí đóng tuỳ theo số điểm mà tay đua đã đạt được. Vào giải vô địch thế giới F1 năm nay, Max Vestappen đã phải chi gần 6 triệu euro cho phí đăng ký, mà anh cho là “vô lý”, vì đã giành giải vô địch với 759 điểm vào năm 2022. Theo quy định của FIA, phí tham gia thi đấu của mỗi tay đua (không kể phí mà mỗi đội xe phải trả) là 10 400 đô la cộng thêm 2100 đô la cho mỗi điểm ghi được tại mùa giải trước đó, càng đạt được nhiều điểm ở mùa thi trước, thì càng phải đóng nhiều tiền.   

 

 

Có tiền và phải có tài  

 

Tài chính là một yếu tố quan trọng, thế nhưng, trên thực tế, không có tay đua nào bước vào trường đua Grand Prix mà không phải trải qua một quá trình khổ luyện. Theo báo thể thao pháp L’Equipe, hầu hết các tay đua đều bắt đầu bằng môn đua xe karting từ 5-6 tuổi. Bộ môn thể thao này cho phép đào tạo những kỹ năng cơ bản, ví dụ như cách phanh : không phanh quá sớm vì mất thời gian, cũng không quá muộn vì có nguy cơ xe bị quay vòng; đánh lái đúng lúc; tăng tốc trở lại khi rẽ; lái càng xa bên ngoài càng tốt để có bán kính lớn nhất có thể.    

 

Các tay đua tiềm năng có thể tiến xa hơn, thăng hạng khi tham gia vào các giải đua xe như Công thức Ford, hoặc Công thức Renault hoặc Công thức 2, 3, 4. Ví dụ như Charles Leclerc đã tham gia thi đấu Công thức 3 trong vòng 3 năm trước khi bước vào trường đua F1. Những năm thử sức với loại xe đua một chỗ ngồi có thể cho phép họ không chỉ hoàn thiện kĩ năng lái xe mà còn có thể học hỏi được cả kinh nghiệm làm việc với các kĩ sư, thợ cơ khí trong đội của mình. Đây cũng là dịp để họ có thể mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm các nhà tài trợ …    

 

Ngoài ra, họ còn được xem như là những vận động viên thực thụ khi có chương trình tập luyện nghiêm ngặt, và phải tuân thủ tiêu chuẩn về cân nặng và chiều cao, có thể lực tốt để chịu được áp lực khi lái xe ở tốc độ cao vào các ngã rẽ cũng như lực ly tâm. Trong lúc lái xe đua, buồng lái có thể rất nóng và trọng lượng cơ thể người lái có thể mất khoảng 3 kg. Các tay đua F1 cũng cần rèn luyện tốt cơ tay và cơ cổ khỏe để điều khiển xe trong những chặng đua dài. Họ cũng thường phải thực hiện các bài tập giúp cải thiện khả năng phối hợp tay-mắt, sự tập trung và thời gian phản ứng. Hơn nữa, một trong những điều kiện để được tham gia vào các đường đua là phải được Liên đoàn xe hơi quốc tế (FIA) cấp bằng Super Licence dành riêng cho F1.  

 

 

Phụ nữ không có chỗ đứng   

 

Mùa giải Formula 1 năm nay kết thúc vào ngày 26/11 tại Grand Prix Abou Dhabi, mà người chiến thắng được dự báo sẽ là Max Vestappen của đội Red Bull, với 18 chiến thắng từ đầu mùa giải, dẫn trước Sergio Perez (Redbull) và Lewis Hamilton (Mercedez). Trong số 20 tay đua tại mỗi mùa giải, không có gì lấy làm lạ khi tất cả đều là nam giới từ nhiều năm qua. Theo đài phát thanh France Inter, chỉ có hai phụ nữ từng thi đấu trong lịch sử Công thức 1. Người đầu tiên là Maria Teresa de Filippis vào năm 1958. Người thứ hai là Lella Lombardi, cũng là người Ý, cô đã tham gia vào hai mùa giải liên tiếp vào năm 1975 và 1976. Lella Lombardi cũng là người phụ nữ cuối cùng ghi được điểm tại Grand Prix.     

 

Nếu xét về thể lực, Christine Lespiaucq, bác sĩ của Liên đoàn thể thao xe hơi Pháp (FFSA) nhận xét rằng “không có lý do gì phụ nữ không thể thành công ở Công thức 1. Vấn đề thể lực chỉ là luận điểm những người đàn ông. Thể chất cần phải được rèn luyện. Phụ nữ lái nhiều máy bay tiêm kích, với áp lực còn cao hơn cả F1”. Cựu thành viên của đội Renault tại Formula 1, ông Cyril Abiteboul, trả lời France Info, cho rằng “nếu muốn có phụ nữ tham gia vào F1 thì trước hết cần phải có những phụ nữ nắm giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý một đội hay kĩ sư”.    

 

Trong bối cảnh bình quyền nam nữ tham gia vào các hoạt động thể thao văn hoá, xã hội ngày càng được thúc đẩy, một số sáng kiến nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia vào môn thể thao này đã được đưa ra. Đội đua của Ferrari đã tiếp nhận hai nữ học viên vào năm 2021 và 2022. Đội đua xe Alpine của Pháp gần đây cũng phát động một chiến dịch tuyển dụng các nữ sinh từ 10 đến 12 tuổi để dẫn dắt, đào tạo họ với mục tiêu trở thành một trong 20 tay đua F1 trong 8 năm tới.  

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - THỂ THAO

Việt Nam khởi công đường đua xe tốc độ Công thức 1 tại Hà Nội

 

VIỆT NAM - DỊCH BỆNH

Covid-19: Nguy cơ đối với giải Công thức 1 ở Việt Nam

 

 





No comments: