Saturday, November 11, 2023

MỸ CĂNG SỨC, CHÂU Á LO SỢ (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Mỹ căng sức, Châu Á lo sợ

Hiếu Chân/Người Việt

November 10, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/my-cang-suc-chau-a-lo-so/

 

Hai cuộc chiến tranh bất ngờ ở Ukraine và Trung Đông đang kéo căng sức lực của Hoa Kỳ cả về quân sự, tài chính, và ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden. Liệu nước Mỹ có đủ sức vừa viện trợ cho Ukraine và Israel vừa giúp các đồng minh đương đầu với sự bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á? Câu trả lời thuộc về thời tương lai nhưng tại các thủ đô Châu Á đã có những tiếng nói hoài nghi và lo lắng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/BL-My-Cang-Suc-1536x1050.jpg

Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ phát biểu tại Soeul, Nam Hàn, hôm 9 Tháng Mười Một, cam kết Hoa Kỳ vẫn coi vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là quan trọng. (Hình: Jung Yeon-Je/Pool/Getty Images)

 

Cách đây vài hôm, sau khi dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao nhóm G7 tại Nhật, Ngoại Trưởng Antony Blinken và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin của Mỹ, hai giới chức hàng đầu trong nội các của Tổng Thống Biden – đã đến nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Nam Hàn, Indonesia, để trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở (FOIP). Chuyến đi không dễ dàng khi nhiều đối tác của Mỹ ở khu vực ngày càng nghi ngờ quyết tâm của Mỹ và lo Washington không còn đủ lực để chống lại Bắc Kinh sau khi đã tập trung tối đa hỗ trợ đồng minh Israel trong cuộc chiến ở dải Gaza.

 

Ngay sau khi cuộc tấn công thảm họa của lực lượng Hamas vào miền Nam Israel, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nhanh chóng điều động hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, cùng lực lượng đặc nhiệm tới phía Đông Địa Trung Hải trong động tác ngăn chặn chiến tranh lan rộng, đồng thời chuyển giao cấp tập nhiều loại vũ khí tân tiến nhất cho Tel Aviv.

 

Bình luận về sự kiện này, ông Akihisa Nagashima, nhà lập pháp và cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhật, nói: “Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất là việc quân đội Mỹ chuyển hướng nguồn lực từ Đông Á sang Châu Âu và Trung Đông,” báo The New York Times dẫn nguồn từ một diễn đàn quốc phòng tại Sydney, Úc, tuần trước.

 

Mối lo của ông Nagashima không phải là vô cớ. Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một thế giới, nhưng tình hình hiện tại đặt ra câu hỏi Washington sẽ giải quyết thế nào nhu cầu của khu vực Thái Bình Dương sau khi đã vướng vào hai cuộc chiến khác. Hoa Kỳ vừa bị dàn trải lực lượng ở nước ngoài vừa bị chia rẽ về chính trị ở trong nước, sẽ làm thế nào để thực hiện cam kết hỗ trợ đồng minh ở Châu Á?

 

Nếu Hoa Kỳ chuyển nguồn lực sang Châu Âu và Trung Đông như lo ngại nêu trên của ông Nagashima thì có thể nói một lần nữa lịch sử lại bất công với khu vực này. Sau nhiều thập niên quay lưng với Châu Á từ khi rút khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, năm 2010 Hoa Kỳ quyết định “xoay trục” (pivot) khi nhận ra tham vọng bành trướng điên cuồng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN lần thứ 17 ở Hà Nội năm 2010, ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là bà Hillary Clinton dõng dạc tuyên bố: “Hoa Kỳ là quốc gia Thái Bình Dương, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ gắn liền với hòa bình và ổn định của khu vực này.” Các nước tham dự hội nghị lập tức hoan nghênh tuyên bố Clinton, làm cho ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy là ông Dương Khiết Trì tức giận bỏ ra khỏi phòng họp sau khi chỉ mặt ngoại trưởng Singapore và mắng: “Các người chỉ là những tiểu quốc.” Chính quyền Tổng Thống Barack Obama sau đó thông báo bố trí 60% lực lượng hải quân vào vùng Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, giảm quân lực ở Trung Đông và Châu Âu. Bất ngờ, chiến tranh ở Iraq và Afghanistan leo thang với sự xuất hiện của những thế lực khủng bố mới như Nhà Nước Hồi gGáo tự xưng (ISIS) buộc chính quyền Obama phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ chiến đấu ở Trung Đông và Bắc Phi, kế hoạch “pivot” sang châu Á phải dừng lại không kèn không trống. Mãi sau này, các tổng thống Donald Trump và Joe Biden mới nỗ lực rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, mà mục đích chính, như tuyên bố của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper, là để tập trung ứng phó với Trung Quốc.

 

                                                          ***

 

Bây giờ, cục diện thế giới đã phân chia thành hai thế lực rõ rệt. Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, và Iran đã hình thành một liên minh các chế độ chuyên chế, dùng mọi cách để thay đổi trật tự thế giới đã có hơn 70 năm nay do Hoa Kỳ và các nước dân chủ Phương Tây cầm chịch. Nga đã vô cớ động binh xâm lược Ukraine Tháng Hai, 2022. Hamas – một tổ chức bị nhiều nước gọi là khủng bố được Iran hậu thuẫn ở dải Gaza – tấn công Israel hôm 7 Tháng Mười. Hoa Kỳ, tuy không cử quân tham gia trực tiếp hai cuộc chiến này nhưng đã và đang gánh vác trọng trách về cung cấp vũ khí và tài chính cho cả Ukraine và Israel.

 

Trong khi đó Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông, tập luyện phong tỏa Đài Loan, quấy nhiễu tàu thuyền Philippines, thậm chí ngang ngược cản trở hoạt động của các phi cơ Mỹ và Canada trên không phận quốc tế ở Biển Đông. Hành động của Nga, Trung Quốc, Iran một phần xuất phát từ tính toán của các nhà lãnh đạo Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Ayatollah Ali Khamenei… nhưng mặt khác là chuỗi hành động có phối hợp một cách bí mật với một mục tiêu chung là đẩy Hoa Kỳ vào tình thế “thập diện mai phục.”

 

Hậu quả của các hành động chống Mỹ đang dần dần hiện rõ. Vũ khí là một minh chứng. Chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông đang tiêu hao một khối lượng lớn vũ khí mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không đáp ứng kịp. Đạn pháo 155 ly chẳng hạn, thiếu thốn đến nỗi Mỹ phải thương lượng mua lại của Nam Hàn để chuyển cho Ukraine, chưa nói đến các hệ thống vũ khí phức tạp mà việc sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian. Kế hoạch cung cấp vũ khí của Mỹ cho Nhật, Úc, và Đài Loan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trong đó Đài Loan là trường hợp nguy hiểm nhất.

 

Theo dữ liệu mà Cato Institute, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, công bố hôm Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một, từ năm 2019, Quốc Hội Mỹ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại Giao, cung cấp cho Đài Loan lượng vũ khí phòng thủ trị giá tới $19 tỷ. Trong số này có 63%, khoảng $12.1 tỷ, là các hệ thống vũ khí truyền thống như 108 xe tăng Abrams, 66 chiến đấu cơ F-16, hỏa tiễn đất đối hạm Harpoon, và nhiều chiến hạm các kiểu, trong đó, 14.6%, khoảng $2.8 tỷ, là đạn dược cho các loại vũ khí đó. Nhưng sản xuất gián đoạn do đại dịch COVID-19, sau đó là cuộc chiến Ukraine, đã làm cho các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Đài Loan không tiến triển được trong khi tình hình phòng thủ của đảo quốc càng ngày càng căng thẳng trước áp lực của Bắc Kinh.

 

Giáo Sư Larry Diamond của Hoover Institute, thuộc đại học Stanford University, mới đây khẩn thiết kêu gọi: “Để bảo đảm an ninh quân sự của Đài Loan, điều quan trọng sinh tử là Đài Loan phải nhận được các loại vũ khí mà họ cần để tự bảo vệ và ngăn chặn xâm lược vũ trang.” Ông nhấn mạnh phải giải quyết ngay các hợp đồng đang tồn đọng và tăng tốc chuyển giao vũ khí trong tương lai. Tuy nhiên, với tình cảnh Hoa Kỳ đang dính dáng tới hai cuộc chiến tranh lớn hiện nay, thực hiện yêu cầu đó không dễ dàng.

 

Các chiến lược gia ở Bắc Kinh đã không bỏ qua cơ hội trời cho và lập tức gia tăng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship), cho tàu hải cảnh đâm vào tàu Philippines, đưa hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan và đưa chiến đấu cơ J-11 áp sát một cách nguy hiểm các phi cơ B-52 của Mỹ và trực thăng trinh sát của Canada gần quần đảo Hoàng Sa. Theo Đô Đốc John C. Aquilino, tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mục tiêu của Trung Quốc không gì khác hơn là “đẩy Mỹ ra khỏi khu vực” lợi dụng lúc Washington đang bận tâm với các vụ xung đột ở Israel và Ukraine.

 

Tại Nhật, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tiếp tục “xoay trục” sang Châu Á trong khi quá bận rộn ở Gaza và Ukraine hay không, Ngoại Trưởng Blinken nói: “Ngay cả khi chúng tôi đang xử lý một cuộc khủng hoảng thật sự ở Gaza và Trung Đông, chúng tôi vẫn không chỉ có đủ năng lực mà còn tham gia đầy đủ vào toàn bộ các lợi ích mà chúng tôi có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

 

“Chúng tôi sẽ vừa chạy vừa nhai kẹo cao su cùng lúc. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng cho tương lai của chúng tôi,” ông Blinken nói thêm.

 

Truyền thông Mỹ xác nhận, cho đến nay, chưa thấy quân đội Mỹ chuyển vũ khí, quân dụng từ Châu Á sang hỗ trợ cho Israel hoặc Ukraine như lo ngại.

 

Có điều, nếu lịch sử chuyển động theo đường xoáy trôn ốc, và quá khứ luôn đặt ra bài học cho hiện tại, thì các nước Châu Á có nhiều căn cứ để lo ngại. Mỗi khi Washington thay đổi ưu tiên chiến lược, hoặc khi lực bất tòng tâm, Hoa Kỳ thường thay đổi luôn mối quan hệ đối tác và gác lại những cam kết với đồng minh. Sự kiện Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, sự kiện cựu Tổng Thống George W. Bush năm 2001 bỏ qua các đồng minh Châu Á để lôi kéo Tổng Bí Thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân vào cuộc chiến chống khủng bố, bỏ qua Ấn Độ để giao kết với Pakistan chống Al Qaeda, bỏ Afghanistan để tập trung vào Biển Đông… cho đến nay vẫn để lại những nỗi hoài nghi khó phai mờ trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và nhiều nước Châu Á khác. Chưa biết sau cuộc họp thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình tại San Francisco tuần tới, chính sách đối với Châu Á của Mỹ sẽ có thay đổi hay không và thay đổi theo hướng nào.

 

Hy vọng là cuộc xung đột Hamas-Israel sẽ nhanh chóng kết thúc để Mỹ sớm quay trở lại với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở (FOIP), xoa dịu mối lo cân não của các nước đang trông cậy vào Mỹ và cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ đề xướng.

 

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Iran đang thúc đẩy các tổ chức khủng bố được Tehran hậu thuẫn và ủy nhiệm, không để cho xung đột với Israel sớm kết thúc, hòa bình lập lại ở Trung Đông, hay thậm chí mở rộng chiến tranh. Và như vậy Châu Á vẫn sẽ nơm nớp lo sợ trong thời gian dài nữa. [đ.d.]

 



No comments: