Trung
Quốc: Vụ tập đoàn Zhongzhi vỡ nợ bộc lộ những vấn đề về nền “tài chính ngầm”
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 28/11/2023 - 14:34Sửa đổi ngày: 28/11/2023 - 14:45
Chính quyền Trung Quốc ngày 25/11/2023 cho biết đã mở điều tra hình sự
nhắm vào các quan chức của tập đoàn Trung Quốc ZEG, tên tắt tiếng Anh của
Zhongzhi Enterprise Group, tức Trung Thực Xí Nghiệp Tập Đoàn, một trong những tổ
chức tài chính “ngầm” lớn nhất ở Trung Quốc. Những khó khăn của tập đoàn này
nêu bật trọng lượng của các thực thể thường được gọi nôm na là “ngân hàng bóng
tối” hay “ngân hàng ngầm” này trong nền kinh tế Trung Quốc.
https://s.rfi.fr/media/display/1c93e166-8c68-11ee-b45d-005056a97e36/w:980/p:16x9/000_33R89FD.webp
Ảnh minh họa: Văn phòng một công ty
thuộc sở hữu của tập đoàn Zhongzhi Enterprise Group tại Bắc Kinh vào tháng 8
năm 2023. AFP - GREG BAKER
Thông báo của cảnh sát Bắc Kinh tố cáo những hành vi “phạm tội bất hợp
pháp” của tổ chức tài chánh tư nhân này và cho biết đã thực hiện “các biện pháp
cưỡng chế hình sự” – thuật ngữ chính thức để chỉ các vụ bắt giữ – đối với các
quan chức của tập đoàn Zhongzhi. Đây là ngôn từ mà chính quyền Trung Quốc thường
dành cho những vụ nhạy cảm nhất, chẳng hạn như vụ quản thúc tại gia ông Hứa Gia
Ấn (Xu Jiayin), chủ tịch của tập đoàn địa ốc khổng lồ gần như bị phá sản
Evergrande (Hằng Đại), vào tháng 9 năm 2023.
Trong diện công ty tài chính ngầm quyền lực nhất
Tương tự như Evergrande, Zhongzhi là một trụ cột khác của nền kinh tế
Trung Quốc. Theo ông Tôn Hân (Xin Sun), chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại
King's College ở Luân Đôn thì dù không được biết đến ở nước ngoài, ZEG là “một
trong những công ty tài chính ngầm quyền lực nhất ở Trung Quốc”. Các công ty
tài chính “chui” này là một phần của nền kinh tế Trung Quốc bao gồm tất cả những
tác nhân tài trợ cho nền kinh tế bên ngoài các ngân hàng truyền thống.
Trong thế giới ngầm song song với khu vực tài chính chính thức đó,
Zhongzhi thuộc diện ngân hàng có đẳng cấp cao nhất, vừa cho cả các nhà phát triển
bất động sản lẫn chính quyền địa phương vay, vừa quản lý hàng tỷ đô la mà giới
giàu có tại Trung Quốc ủy thác cho họ. Chính vì thế mà Zhongzhi được coi là một
mắt xích thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngầm vốn từ lâu đã là động lực quan
trọng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 1995, ZEG trong nhiều năm qua đã trở thành biểu
tượng của nền tài chính bóng tối từng phất lên tại Trung Quốc. Với cách quản lý
ít minh bạch hơn nhiều nhưng ít bị kiểm soát hơn so với khu vực tài chính truyền
thống, hệ thống ngân hàng ngầm này thường giúp khách hàng huy động vốn nhanh
hơn và cung cấp các khoản đầu tư với lãi suất thuận lợi hơn so với các cơ sở
truyền thống.
Nguồn tài trợ cho ngành địa ốc
Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, lĩnh vực tài chính ngầm đặc biệt
phát triển mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, “khi việc tiếp
cận nguồn tín dụng truyền thống trở nên khó khăn hơn”. Tại Trung Quốc, các cơ sở
“trong bóng tối” sau đó trở thành “bạn thân” của các nhà phát triển bất động sản
và các chính quyền địa phương muốn nhanh chóng có những khoản tiền khổng lồ để
tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mới xa hoa của họ hoặc để xây dựng mới cả một
thành phố.
Theo chuyên gia Tôn Hân, ngay cả các ngân hàng truyền thống cũng “sử dụng
những tổ chức tài chánh ngầm đó làm trung gian để cho các nhà phát triển bất động
sản vay tiền”, qua đó tránh né được một phần các quy tắc do chính quyền ban
hành nhằm hạn chế việc liều lĩnh chấp nhận rủi ro.
Nền tài chính ngầm tại Trung Quốc đã tự khẳng định mình là một nhân tố
trung tâm của bùng nổ ngành bất động sản ở Trung Quốc trong 20 năm gần đây, một
nhân tố cực kỳ quan trọng vì sức nặng kinh tế của nó được ước tính lên tới hơn
2.900 tỷ đô la, cao hơn một chút so với GDP của Pháp (2,639 tỷ euro vào năm
2022, tương đương 2,881 tỷ đô la).
Chừng nào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc còn tốt thì hoạt động kinh
doanh cũng tốt cho các tổ chức tài chính ngầm này. Các ngân hàng truyền thống
cung cấp cho họ nguồn tiền mà sau đó họ biết cách phát triển, cho phép những
ngân hàng lớn nhất trong số họ đa dạng hóa. Theo nhật báo Anh Financial Times,
chính nhờ đó mà Zhongzhi đã trở thành một nhà quản lý quỹ lớn cho những người
Trung Quốc giàu có và có thể đầu tư vào các lĩnh vực đa dạng như khai thác mỏ
và ô tô điện.
“Tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng”
Ngày nay Zhongzhi đã rơi vào tình trạng mà chính họ đã thừa nhận là
nguy cơ “vỡ nợ nghiêm trọng”. Trong một bức thư gửi đến các nhà đầu tư vài ngày
trước khi chính quyền can thiệp, Zhongzhi cho biết đã tích lũy một khoản nợ lên
đến ít nhất 59 tỷ đô la, trong lúc số tài sản có trong tay chỉ là 28 tỷ đô la.
Lãnh đạo tập đoàn cũng thừa nhận họ không biết làm cách nào để lấp đầy lỗ hổng
31 tỷ đô la đó.
Trả lời kênh truyền hình Pháp France 24 ngày 27/11, chuyên gia Tôn Hân
nhấn mạnh rằng nguy cơ Zhongzhi bị phá sản “đã được dự đoán ít ra là từ mùa hè
vừa qua”. Vào tháng 8, cảnh sát đã phải xông vào trụ sở của tập đoàn này để giải
tán một cuộc biểu tình của khách hàng đến phàn nàn về việc không thể rút lại số
tiền mà họ đã trao cho Zhongzhi. Đối với ông Tôn Hân: “Tập đoàn đang phải trả
giá cho cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và đà suy thoái chung của nền
kinh tế”, và những thất bại của Zhonghzi là “một chỉ báo tốt về tình trạng sức
khỏe của nền kinh tế Trung Quốc”.
Câu hỏi đặt ra là sự sụp đổ của Zongzhi sẽ tác động ra sao trên nền
kinh tế Trung Quốc, và đặc biệt là trên lĩnh vực ngân hàng.
Theo các nhà quan sát, cách nay chưa đầy một thập kỷ, sự sụp đổ của một
thực thể có tầm quan trọng như Zhongzhi có thể làm hệ thống ngân hàng chao đảo,
nhưng theo một nghiên cứu của King's College vào năm 2023 về mối liên hệ giữa nền
tài chính ngầm và lĩnh vực ngân hàng, thì “kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc
đã khuyến khích các ngân hàng truyền thống tránh xa các tổ chức này và ngày nay
họ đã ít tiếp xúc với lĩnh vực này hơn”.
Tác hại tiềm tàng trên nền tài chính ngầm
Chuyên gia Tôn Hân xác nhận: “Tôi không nghĩ rằng những thất bại của
Zhonghzi sẽ có tác động lây lan đến phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng truyền
thống”. Thế nhưng, cơn chấn động chắc chắn sẽ lan tỏa trong lĩnh vực tài chính
ngầm.
Đối với ông Tôn Hân, tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, các tổ chức
tài chánh ngầm đã tự đổi mới những nhà quản lý tài sản mang lại lợi nhuận hấp dẫn
hơn các ngân hàng bình thường. Tuy nhiên, để thu hút các khoản đầu tư, điều cần
thiết là phải tạo ra niềm tin nơi các nhà đầu tư”.
Đây là lý do tại sao, ngoài lĩnh vực ngân hàng ngân hàng truyền thống,
những khó khăn của một trong những ngân hàng “ngầm” quan trọng nhất này có nguy
cơ tạo ra một làn sóng mất lòng tin rất tai hại vì rất nhiều doanh nghiệp vừa
và nhỏ ở Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào những thương vụ mạo hiểm mà các “ngân
hàng bóng tối” này sẵn sàng thực hiện.
-------------------------------
Các nội dung liên quan
TẠP CHÍ KINH TẾ
Trung
Quốc : Từ vỡ bóng địa ốc đến nguy cơ vỡ nợ
TẠP CHÍ KINH TẾ
Trung
Quốc : Khủng hoảng địa ốc bộc lộ những điểm yếu trong mô hình kinh tế
ĐIỂM BÁO
Trung
Quốc : Khủng hoảng địa ốc lan sang khủng hoảng tài chánh
No comments:
Post a Comment