Monday, November 13, 2023

INTEL, CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, và NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Nguyễn Anh Tuấn / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Intel, chủ nghĩa tư bản, và Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Anh Tuấn   -  Luật Khoa Tạp Chí

Nov 13, 2023  10:52 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/11/intel-chu-nghia-tu-ban-va-nguyen-phu-trong/

 

Có một chuyện còn đáng lo hơn cả nhỡ một khoản đầu tư của Intel.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/11/Intel.png

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

Thông tin tập đoàn Intel hoãn mở rộng đầu tư ở Việt Nam được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden như một gáo nước lạnh cho những ai nghĩ rằng chỉ bằng việc nâng cấp quan hệ, nguồn vốn đầu tư công nghệ cao sẽ từ Mỹ ùn ùn đổ vào Việt Nam. [1]

 

Dù đôi bên dùng những lời có cánh để mô tả việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất theo phân loại của Việt Nam, cũng như Tuyên bố Chung được đưa ra sau đó cũng liệt kê hàng loạt lĩnh vực hợp tác trọng tâm bao gồm chuỗi cung ứng công nghệ cao, những người mơ mộng ở Hà Nội có lẽ cần làm quen với sự thực dụng của người Mỹ và cần làm nhiều hơn nữa nếu thực sự muốn có dòng tiền lớn từ Hoa Kỳ. [2]

 

 

Thiếu điện?

 

Nguồn tin giấu tên của Reuters từng tham gia cuộc họp giữa Intel và chính phủ Việt Nam cho biết tập đoàn này viện dẫn lý do thiếu điện và quan liêu cho quyết định hoãn đầu tư của mình. [3]

 

Tình trạng thiếu điện đã diễn ra nghiêm trọng vào mùa hè năm nay ở miền Bắc Việt Nam, gần với thời điểm Intel đưa ra quyết định. [4] Nằm trong khu vực cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam bị giằng xé giữa ảnh hưởng của hai cường quốc, bao gồm trong lĩnh vực an ninh năng lượng. 

 

Hoa Kỳ cùng các nước G7 cuối năm ngoái, trong nỗ lực trở thành đối tác năng lượng chiến lược với Việt Nam, đã ủng hộ kế hoạch chuyển đổi năng lượng của nước này bằng thỏa thuận đầy tham vọng JETP. [5] Trước đó, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước nhận vốn xây nhiệt điện than lớn nhất từ lân bang Trung Quốc, nước vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết dựa trên ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản và đang nuôi dưỡng tham vọng toàn cầu của mình bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường. [6] [7]

 

Dù một Quy hoạch điện mới đã được thông qua, song chưa có gì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ không diễn ra trong những năm tới đây ở Việt Nam khi mà việc bắt bớ các nhà hoạt động môi trường đang làm chậm lại việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ thỏa thuận JETP với G7, trong khi bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào nhận vốn từ Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp phản ứng gay gắt từ công chúng trong nước bởi những quan ngại về môi trường lẫn những lo lắng dân tộc chủ nghĩa. [8] [9] [10]

 

 

Hay quan liêu?

 

Bộ máy hành chính kém năng lực và ưa vòi vĩnh của Việt Nam lâu nay đã thừa tai tiếng với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. 

 

Tuy nhiên, nếu như trước đây, những trở ngại hành chính từ bộ máy quan liêu có thể nhanh chóng được các nhà đầu tư vượt qua bằng cách chi trả phí tổn bôi trơn - một cách nói giảm nói tránh cho hành động hối lộ - thì nay, chiến dịch chống tham nhũng mang thương hiệu “đốt lò” kéo dài gần một thập niên qua đang khiến cho các quan chức trở nên lo lắng hơn cho sinh mệnh chính trị của mình và ngần ngại hơn rất nhiều trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. [11]

 

Sự ngần ngại này thể hiện rõ nhất qua hiện tượng đình đốn các dự án đầu tư công từ trung ương đến địa phương. Ở một số tỉnh, thành trước đây nổi tiếng năng động như TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng, tình trạng lãn công hành chính này đã nghiêm trọng đến mức các lãnh đạo địa phương phải nhiều lần lên tiếng phê phán. [12] Ngay cả trong những ngành thiết yếu như y tế, sự đình trệ của bộ máy quản lý đã trở thành một thứ bình thường mới dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế của hàng loạt bệnh viện từ Bắc vào Nam. [13]

 

Một bộ máy hành chính rệu rã và thiếu động lực như vậy chắc hẳn cũng không hăm hở tìm cách níu giữ khoản đầu tư của một tập đoàn ngoại quốc nếu tập đoàn ấy thay đổi ý định. Trong môi trường chính trị nội địa đầy biến động của Việt Nam hiện tại, các quan chức có vẻ đang có nhiều thứ liên quan đến bản thân mình để phải lo âu hơn. 

 

 

Rủi ro chính trị?

 

Trong Hội nghị Trung ương 8 vào tháng Mười vừa qua, lãnh đạo uy quyền tối cao của Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - có một đoạn phát biểu rất đáng chú ý: [14]

 

“Khuyến khích phát triển cá nhân là đúng rồi, [nhưng] không cẩn thận lại thành tư nhân, rồi lúc nào đó thành tư bản chủ nghĩa cho mà xem, trên thế giới đã có những nước như thế rồi.”

 

Đọc những bài viết và nghe những bài nói của ông Trọng trong nhiều năm qua, thật khó để cho rằng ông ấy, từ góc độ lý luận, ủng hộ kinh tế tư nhân cũng như bất kỳ thứ gì liên quan đến nó. Trái lại, ông Trọng là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho cái mà chủ nghĩa Mác gọi là “quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” với những biểu hiện của nó như sở hữu toàn dân về đất đai hoặc kinh tế nhà nước là chủ đạo. [15]

 

Trong một thời gian dài khuynh hướng này của ông Trọng bị kiềm chế và cân bằng nhờ các nhà lãnh đạo có đầu óc thực dụng, những người ưu tiên làm cho chiếc bánh to ra trước khi nghĩ đến chia nó như thế nào, vì chắc chắn rằng có thế nào thì phần của mình sẽ lớn hơn. Nay thì những đối thủ nặng ký nhất đều đã bị loại bỏ, sự độc tôn quyền lực của ông Trọng đi liền với tính cứng nhắc ý thức hệ sẽ đặt kinh tế tư nhân Việt Nam trước những rủi ro chính trị nghiêm trọng.

 

Những tập đoàn công nghệ như Intel là hiện thân của chủ nghĩa tư bản vốn chú trọng sáng kiến cá nhân và ái ngại sự can thiệp của chính quyền, có thể đang e ngại trước những rủi ro chính trị mới ở một đất nước mà lãnh đạo tối cao không giấu diếm sự thù địch ý thức hệ như Việt Nam hiện nay.

 

Dĩ nhiên là các khoản đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam thường được bảo vệ bởi các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với quốc gia của nhà đầu tư, giúp rủi ro phần nào được kiểm soát. [16] Nhưng với những tập đoàn như Intel, vì sao phải chấp nhận dù là chút ít rủi ro đi chăng nữa cho khoản đầu tư quan trọng của mình, trong khi đâu thiếu các quốc gia khác thân thiện hơn chào mời? [17]

 

Nhìn từ góc độ này, sự cứng nhắc ý thức hệ của ông Trọng trong tư cách lãnh đạo uy quyền tối cao của Việt Nam có thể đang là trở lực lớn nhất cho những tham vọng kinh tế của quốc gia trong ít nhất là trong một thời gian nữa. 

 

Và điều này thực sự đáng lo lắng hơn rất nhiều việc hụt một khoản đầu tư từ Intel.

 

----------------

CHÚ THÍCH

1. Guarascio, F. (2023, November 7). Intel shelves planned chip operation expansion in Vietnam - source. Reuters. https://www.reuters.com/technology/intel-shelves-planned-chip-operation-expansion-vietnam-source-2023-11-07/

2. The White House. (2023, September 11). Joint Leaders’ Statement: Elevating United States-Vietnam Relations to a Comprehensive Strategic Partnership. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/11/joint-leaders-statement-elevating-united-states-vietnam-relations-to-a-comprehensive-strategic-partnership/

3. Xem [1]

4. VnExpress. (n.d.). Miền Bắc thiếu điện - VnExpress. Tin Nhanh VnExpress. https://vnexpress.net/topic/mien-bac-thieu-dien-26834

5. U.S. Mission Vietnam. (2023, June 21). International Agreement to Support Vietnam’s Ambitious Climate and Energy Goals - U.S. Embassy & Consulate in Vietnam. U.S. Embassy & Consulate in Vietnam. https://vn.usembassy.gov/international-agreement-to-support-vietnams-ambitious-climate-and-energy-goals/

6. Oyintarelado (Tarela) Moses. (2022, July 26). The evolving landscape of Chinese-financed power plants: Updates to the China Overseas Finance Inventory Database | Global Development Policy Center. Boston University. https://www.bu.edu/gdp/2022/07/26/the-evolving-landscape-of-chinese-financed-power-plants-updates-to-the-china-overseas-finance-inventory-database/

7. Hoàng Gia Phúc. (2022, September 7). Mọi điều bạn cần biết về ‘Một vành đai – Một con đường’. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2018/09/moi-dieu-ban-can-biet-ve-mot-vanh-dai-mot-con-duong/

8. Nguyễn Anh Tuấn. (2013, October 31). Mũi tên hai đích. Rfavietnam. https://www.rfavietnam.com/node/7820

9. Guarascio, F. (2023, October 30). G7 offers costly loans, few grants to help Vietnam cut coal - documents. Reuters. https://www.reuters.com/sustainability/climate-energy/g7-offers-costly-loans-few-grants-help-vietnam-cut-coal-documents-2023-10-30/

10. Phát triển nhiệt điện than: Đang vay mượn và chuyển rủi ro cho tương lai. (n.d.). https://vov.gov.vn/phat-trien-nhiet-dien-than-dang-vay-muon-va-chuyen-rui-ro-cho-tuong-lai-dtnew-288153

11. Ngoc Cindy Pham, Juehui Shi, Joshua a. Fogel, Yuanqing Li, & Huan Henry Pham. (2020). Motivations for bribery and bribery in business: Vietnam past and present. Asia Pacific Business Review, 27(4), 528–558. https://doi.org/10.1080/13602381.2020.1820721

12. Thu Nguyệt. (2023, April 27). Cán bộ làm vì lợi ích chung, không tư lợi thì sao phải sợ? Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. https://plo.vn/can-bo-lam-vi-loi-ich-chung-khong-tu-loi-thi-sao-phai-so-post730662.html

13. Lan Anh, Dương Liễu. (2023, November 6). Thiếu thuốc, vật tư y tế: Các bệnh viện đang ráo riết lập các hội đồng đấu thầu. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/thieu-thuoc-vat-tu-y-te-cac-benh-vien-dang-rao-riet-lap-cac-hoi-dong-dau-thau-20231106172541112.htm

14. Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam. (2023, October 9). Tổng Bí thư: Chủ nghĩa xã hội là phải chăm lo tốt nhất vấn đề chính sách xã hội cho người dân [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=Wlnm1Yn9PT0

15. Báo Nhân Dân điện tử. (2020, September 7). Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-dai-hoi-xiii-cua-dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi-post615015.html

16. Viet Dung Tran. (2019, March 15). Enhancing the Environmental Impact Assessment for the Foreign Direct Investment Regime in Vietnam: An Analysis from Integration Perspective. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3353087

17. Badohal, K., & Mukherjee, S. (2023, June 22). Focus: How Poland snagged Intel’s multi-billion dollar investment. Reuters. https://www.reuters.com/technology/how-poland-snagged-intels-multi-billion-dollar-investment-2023-06-22/








No comments: