Chính
sách yếu kém kìm hãm sự phát triển
PGS,TS Phạm Quý Thọ
13-11-2023
Bài bình luận của ông
Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách
& Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Phó Thủ tướng Việt Nam
Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt
Nam- Trung Quốc hôm 13/11/2023. TTXV
Phiên chất vấn hai ngày rưỡi, từ ngày 6 đến
9/11, của Kỳ họp thứ 6 giữa kỳ của Quốc hội (QH) khoá 15 vừa kết thúc. Tại đó,
có hơn 500 lượt các đại biểu đăng ký phát biểu và gần một phần ba trong số đó
có cơ hội đặt câu hỏi và tranh luận. Nội các Chính phủ (CP) gồm Thủ tướng, các
phó Thủ tướng và trưởng 21 bộ, ngành được yêu cầu trả lời và giải trình…
Từ góc nhìn thể chế và chính sách, một trong những điều quan trọng được nhìn nhận
là thực trạng thể chế, chính sách còn yếu kém ảnh hưởng đến sự quản lý và điều
hành của CP. Đó là yếu tố cản trở tăng trưởng và thách thức sự phát triển đất
nước nói chung.
Thừa nhận thực trạng còn nhiều “bất cập” về thể
chế và chính sách, ông Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- phụ trách lĩnh vực “công
tác xây dựng thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải cách
tư pháp”- đã khái quát bằng hai từ “chậm” và “chưa”. Đây
là chủ đề được các đại biểu QH quan tâm nhiều nhất và đặt vấn đề Chính phủ sẽ
điều hành nền kinh tế thế nào khi “có đến hơn 60 % văn bản hướng dẫn dưới luật
được ban hành sau ngày luật đó có hiệu lực”? Nhận trách nhiệm “thuộc về Chính
phủ” và mong được Quốc hội chia sẻ, ông ấy đã giải trình một số vấn đề có liên
quan.
Tứ trụ (hàng đầu từ trái sang): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trước hết, là bộ phận “chủ trì” soạn thảo từ
các bộ, ngành đang “quá tải” vì thực tế chuyển đổi thị trường phức tạp và những
yêu cầu, đòi hỏi quản lý, điều hành sao cho có thể chủ động kiểm soát tình
hình. Sự “quá tải” này do sự tồn đọng nhiều văn bản dưới luật như các Nghị định
và thông tư đang có hiệu lực nhưng còn bất cập so với thực tế nên cần phải “ưu
tiên” sửa trước; Quy trình làm luật, ban hành chính sách đang hoàn thiện như Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015 và các Nghị định 34 và 154 hướng
dẫn thực hiện cần phải sửa đổi; Các chuẩn mực chưa rõ ràng và thay đổi nhanh; Sự
phối hợp của các bộ ngành khi “lấy ý kiến” trong quá trình soạn thảo. Và, sự cần
thiết phải đánh giá tác động của văn bản luật để nâng cao tính khả thi.
Thứ hai là, việc thực thi chính sách tuỳ thuộc
vào thủ tục hành chính, năng lực cán bộ, công chức và sự phân cấp cho địa
phương. Vị Phó thủ tướng nêu tình huống để minh hoạ. Chính quyền Trung ương “nợ”
tỉnh Bắc Cạn, một trong ít tỉnh nghèo nhất cả nước, “28 tỷ”, tương đương với
hơn 1,2 triệu đô la Mỹ, về chi phí chăm sóc bảo vệ rừng. Vấn đề tồn đọng từ gần
20 năm trước, nhưng ông Phó thủ tướng chỉ được biết từ khi được phân công “nhiệm
vụ” năm 2021, qua Uỷ ban Dân tộc. Tháng 2/2023 Bộ Tài chính được yêu cầu “chủ
trì xử lý” vụ việc, cho đến tháng 4/2023 mới có “công văn” gửi sang Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu thống kê, báo cáo… Và cho đến nay, lúc
phiên chất vấn này, tháng 11/2023, vẫn “chưa xử lý gì.” Vấn đề “cỏn con” như
trên mà qua nhiều năm chưa được giải quyết khiến vị quan chức này lo ngại tới
đây nếu gộp nguồn lực của ba chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững
và phân cấp cho địa phương cấp huyện, cấp trung gian dưới cấp tỉnh, sẽ như thế
nào!?
Rào cản thực thi chính sách được xác định là
do hạn chế năng lực và suy thoái đạo đức của cán bộ, công chức, “sợ sai” và
“đùn đẩy” trách nhiệm…, nhưng “xung đột pháp lý”, xung đột quyền lực mới thực sự
là vấn đề, nó thách thức sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng CS. Đảng
lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối thông qua các nghị quyết, Nhà nước quản lý,
trong đó Chính phủ điều hành nền kinh tế bằng pháp luật. Nghĩa là, xây dựng
pháp luật phải căn cứ vào nghị quyết đảng mang tính nguyên tắc. Tuy nhiên, việc
vận dụng nguyên tắc này trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường
luôn là thách thức bởi các nghị quyết luôn định tính, phức tạp và vô hạn định
trong khi luật pháp, chính sách đòi hỏi cụ thể, điều tiết dựa trên kết luận về
hành vi của con người, đánh giá tác động có thể… Đây là nguồn gốc của “xung đột
quyền lực” giữa Đảng và Chính phủ. Kéo dài và ngày càng căng thẳng, nó gây hậu
quả nghiêm trọng, trong đó có hoàn thiện thể chế, xây dựng và thực thi chính
sách. Trước tình hình bất ổn kinh tế, tham nhũng, trục lợi và các hiện tượng
tiêu cực… để duy trì chế độ Đảng đã “trở về” với mô hình toàn trị, kiểm soát và
can thiệp quá nhiều vào hoạt động cụ thể.
100% số người tham dự Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10/2018 đã chính thức
giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử vào chức vụ Chủ tịch nước thay ông Trần
Đại Quang qua đời trước đó.
Chẳng hạn, xác định công tác cán bộ là khâu
quyết định và kiểm soát quyền lực nội bộ Đảng ban hành nhiều quy định cụ thể để
điều hành. Chẳng hạn, mới đây Bộ Chính trị vừa ban hành các Quyết định 131
(ngày 27/10) và 132 (ngày 8/11) “về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực” trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và
trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Hai quyết định của Đảng
bao trùm lên các Nghị định, được xác định là chính sách, của Chính phủ về cán bộ
công chức, đặc biệt là Nghị định 73 “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ
năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”
mới được Chính phủ ban hành trước đó, ngày 29/9/2023. Khi giải trình tại phiên
chất vấn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 15 ông Phó thủ tướng cho rằng, ngoài những
“cái được” của Nghị định này là “tôn vinh”, “khen thưởng” và “cơ hội thăng tiến”
cho cán bộ nhưng “lĩnh vực ‘bảo vệ’ thì… ‘bí’ bởi vì nó xung đột với tất
cả những quy định hiện hành”.
Trên đây chỉ là một trường hợp. “Xung đột pháp
lý” khiến ông Phó thủ tướng “lo ngại” cho công tác điều hành, bởi vì nó biểu hiện
dưới nhiều hình thức, mọi lúc mọi nơi. Cũng tại phiên chất vấn nêu trên ông Bộ
trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu “có sự giải thích luật” từ
Thường vụ Quốc hội “để các bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện một
cách chính xác nhất.” Và sự tranh luận giữa ông ấy với ông Chủ tịch QH cũng
liên quan tới “xung đột pháp lý” về tài sản công, đầu tư công, được cho là “nảy
lửa”, khiến cho cử tri “bất ngờ”… Thể chế và chính sách yếu kém không chỉ cản
trở tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn kìm hãm sự phát triển đất nước nói
chung.
Phạm
Quý Thọ
------------------------------------------------------------------
*Bài viết không phản
ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự do
No comments:
Post a Comment