Friday, October 25, 2019

VỤ SYRIA KHIẾN CÁC ĐỒNG MINH Á CHÂU SỢ BỊ TRUMP BỎ RƠI (Viễn Đông Daily)




Viễn Đông Daily
24/10/2019

Các chiến lược gia quân sự Á Châu và các chuyên gia đánh giá rủi ro an ninh đang duyệt lại cách thức đối phó trong trường hợp bị chính phủ Donald Trump phủi tay như đã xảy ra cho đồng minh người Kurd của Hoa Kỳ tại Syria. Đây là ý kiến của phân tích gia Jonathan Manthorpe được đăng báo Asia Times cuối tuần qua.

Ông Manhorpe nhận xét rằng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền tổng thống vào đầu năm 2017, các đồng minh Á Châu của Hoa Thịnh Đốn đã tìm mọi cách để ứng phó trước sự việc Hoa Kỳ đang có một vị nguyên thủ hô hào chủ nghĩa cô lập, thờ ơ với các nước bạn, thường thay đổi lập trường, hay đánh lạc hướng mỗi khi có những rắc rối về pháp luật hay tài chính.
Thế nhưng sự việc ông Trump đẩy người Kurd tại Syria vào bầy chó sói trong tay của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tyyip Erdogan là một sự phản bội mà các nước đã không lường trước được. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, lực lượng người Kurd đã từng thực hiện chiến dịch chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo và mất 11,000 người trong cuộc chiến này.

Điều đó cho thấy ông Trump sẵn sàng đưa hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người từng là đồng minh đến cái chết của họ để nuôi sống sự kiêu ngạo của ông. Vì vậy, sự phản bội người Kurd đã gây ra sự phẫn nộ công khai đối với Trump trong số những người theo đảng Cộng Hòa của ông.

Sự thiệt hại từ quyết định phản bội người Kurd đã xảy ra cho các đồng minh Hoa Kỳ. Ở Á Châu, các nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đặc biệt không chỉ ở Nam Hàn mà còn ở Úc và Nhật Bản.

Quân đội Nam Hàn đang tham gia Ngày Quân Lực lần thứ 71 tại căn cứ Không Quân Daegu ngày 1 tháng 10, 2019. Nam Hàn là một trong các quốc gia đang có chính sách chuẩn bị đối phó Bắc Hàn trong trường hợp bị Hoa Kỳ bỏ rơi như đã xảy ra cho lực lượng Kurd tại Syria. Quốc gia này đang bị chính phủ Trump gây áp lực về việc chi thêm tiền cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên. (Jeon Heon-Kyun/ AFP/ Getty Images)

Trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khuôn mặt thô thiển không đáng tin cậy của Trump đã tạo thêm một trở ngại trong kế hoạch tìm sự cân bằng thế lực trong mối quan hệ an ninh giữa khối ASEAN với Trung Quốc, Hoa Kỳ, và gần đây là Ấn Độ.

Đối với Nam Hàn, bằng chứng từ Syria cho thấy nguy cơ phản bội của Trump có thể đến vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm nhất.

Seoul và Washington đang ở giữa các cuộc đàm phán về việc Nam Hàn phải trả bao nhiêu cho 28,500 lính Mỹ đóng quân trên bán đảo.

Nam Hàn đang trả khoảng $1 tỷ Mỹ kim mỗi năm cho quân đội Mỹ. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây với một tờ báo địa phương, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Seoul, ông Harry Harris, đã xác nhận tin đồn rằng Washington muốn tăng gấp năm lần lên $5 tỷ mỗi năm.

Lấy ví dụ về cách đối xử của Trump với người Kurd làm cho người Nam Hàn lo ngại rằng nếu họ không kiếm được số tiền $5 tỷ, thì ông Trump sẽ ra lệnh rút quân, điều mà ông đã từng nói đến trong quá khứ.

Bên cạnh vấn đề tiền, có những lý do chính đáng để người Nam Hàn đặt câu hỏi ông Trump đứng về phe nào, Nam Hàn hay Bắc Hàn, trong cuộc đối đầu với chế độ cộng sản Marxist của Kim Jung-un ở miền Bắc.

Trump đã dành nhiều lời khen ngợi và thậm chí dành tình cảm cho lãnh tụ Kim với hy vọng rằng chiến lược thỏa thuận này sẽ thuyết phục lãnh tụ trẻ của Bắc Hàn sẽ từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo. Ba cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump với Kim đã không mang lại kết quả nào.

Nhật Bản cũng ở vị trí tương tự Nam Hàn với khoảng 54,000 lính Mỹ đóng tại nước này, Washington muốn Nhật trả nhiều tiền hơn, và Nhật là quốc gia đứng ở tuyến đầu trong cuộc đối phó với với Bắc Hàn và Trung Cộng.

An ninh quốc gia luôn là vấn đề nan giải ở Úc, một đất nước rộng lớn với dân số ít ỏi. Nước này liên tục cảm thấy dễ bị xâm lược từ Trung Cộng ở phía bắc. Sự lo ngại đó đã gia tăng khi Trung Cộng trở thành một cường quốc đang có tham vọng bành trướng xuống Đông Nam Á.

Thông điệp từ khu vực người Kurd ở miền bắc Syria là các thế hệ đồng minh Úc chết và bị thương có thể không đủ để bảo đảm lòng trung thành của tổng thống Mỹ hiện nay khi Úc dự tính sẽ có mối quan hệ ngày càng phức tạp với Bắc Kinh.

Sự không chắc chắn vẫn còn, và quan điểm chung trên khắp Á Châu rằng bất kỳ đánh giá rủi ro nào cũng tính đến việc Trump sẽ được bầu lại vào năm 2020 và làm Tổng thống thêm bốn năm nữa.







No comments: