Thanh
Phương – RFI
Đăng ngày 18-10-2019
Hôm
qua, 17/10/2019, tại Bruxelles, bộ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch
và bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh
Liên Hiệp Châu Âu, đã ký hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam
vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA).
Hiệp định FPA là hiệp định khung nhằm thiết lập quan
hệ hợp tác, mở đường cho Việt Nam tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng
mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến Chương Liên
Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền
lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và
khả năng của mình.
Trên cơ sở nguyên tắc đó, các lĩnh vực mà Việt Nam
chọn để hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu là : Thiết lập đối thoại chính sách quốc
phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, đào tạo, tham gia các
hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu, việc ký hiệp định FPA
là nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho
Liên Hiệp Châu Âu trong việc tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình
Dương.
Theo Báo điện tử Chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp
với bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch sau lễ ký kết hiệp định, bà Federica
Mogherini đã bày tỏ mối quan ngại của Liên Hiệp Châu Âu về tình hình phức tạp ở
Biển Đông hiện nay, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong
đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cho tới nay,
tính luôn cả Việt Nam Liên Hiệp Châu Âu đã ký FPA với gần 19 quốc gia. Việt Nam
là nước thứ hai ở châu Á, sau Hàn Quốc, và là quốc gia đầu tiên của ASEAN ký hiệp
định này.
Hiệp định FPA đánh dấu một bước phát triển mới giữa
Bruxelles với Hà Nội. Vào năm 2012, Liên Hiệp Châu Âu ký với Việt Nam Hiệp định
khung đối tác và hợp tác toàn diện, có hiệu lực từ năm 2016, nhằm mở rộng hợp
tác song phương ra nhiều lĩnh vực. Từ đó hai bên đã lập Ủy ban hỗn hợp để triển
khai hiệp định. Cuộc họp đầu tiên của ủy ban mới diễn ra vào tháng 5/2019.
----------------------------
VOA Tiếng Việt
18/10/2019
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký một thỏa
thuận quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh song phương
vào ngày 17/10.
Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt
Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) đánh dấu “bước phát triển
quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU”, trang web chính thức
của chính phủ Việt Nam nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái)
ký FPA với bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, vào ngày
17/10/2019.
Buổi lễ ký kết diễn ra sau khi người đứng đầu về
chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini, gặp gỡ Bộ trưởng
Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội hai tháng trước để thảo luận về hiệp
định khung, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào các hoạt động quản lý khủng
hoảng dân sự và quân sự do EU đứng đầu.
“Tôi tin rằng hiệp định là một phần bổ sung rất quan
trọng của mối quan hệ đối tác mạnh mẽ mà chúng ta đã có được trong nhiều lĩnh vực
khác nhau, bắt đầu từ thương mại và mối liên hệ giữa người dân hai bên”, bà
Federica Mogherini nói trong bài phát biểu tại buổi lễ.
Thông qua FPA, Việt Nam có thể yêu cầu EU hỗ trợ và
đào tạo trong việc thực hiện cải cách luật pháp và an ninh.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) và là quốc gia đối tác thứ hai ở châu Á ký thỏa thuận
này với Liên minh châu Âu.
Thời gian gần đây, Việt Nam và EU đã nỗ lực đẩy mạnh
các cam kết với nhau giữa bối cảnh tình hình trên Biển Đông đang ngày càng căng
thẳng.
Tại buổi lễ ký kết, đại diện của EU cũng bày tỏ quan
ngại về “tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây” và kêu gọi các bên liên quan
tuân phủ luật pháp quốc tế, đồng thời ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC) “một cách minh bạch”, trang web của chính phủ Việt Nam cho hay.
Trước lễ ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại
tướng Ngô Xuân Lịch, cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU, Đại tướng
Claudio Graziano, vào tối 16/10 và chào đón ông đến thăm Việt Nam “vào thời điểm
thích hợp”.
Năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Thỏa thuận khung về
quan hệ đối tác và hợp tác, có hiệu lực vào năm 2016 và nhằm mục đích mở rộng hợp
tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, hai bên thiết lập một ủy ban chung
để tạo điều kiện cho việc thực hiện thỏa thuận. Ủy ban này đã có cuộc họp đầu
tiên tại Hà Nội hồi tháng Năm vừa qua.
No comments:
Post a Comment