Thursday, October 17, 2019

ĐƯỢC NGA CHIẾU CỐ, ASEAN VỪA MỪNG VỪA LO (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 16-10-2019

Càng chịu sức ép của Âu - Mỹ, Nga càng vồn vã với châu Á. Ngoài đối tác chính là Trung Quốc, Matxcơva đặc biệt chú ý đến các nước Đông Nam Á. ASEAN trông thấy ở chính sách đông tiến này của Kremlin một cơ hội để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nhưng thân thiện với Nga cũng đặt ra nhiều thách thức.

Trong bài viết đăng trên báo Hồng Kông, South China Morning Post ngày 12/10/2019, Meaghan Tobin trước hết điểm lại mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa Matxcơva với các đối tác trong khối ASEAN.

Nga mở rộng vòng tay với ASEAN

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa kết thúc chuyến công du nước Nga trong 5 ngày hồi đầu tháng 10/2019. Ông và tổng thống Vladimir Putin đồng thuận đẩy mạnh quan hệ trong các lĩnh vực "phòng thủ và thương mại".

Về phía Nga, trong 20 năm cầm quyền, Vladimir Putin liên tục đẩy mạnh quan hệ giữa Matxcơva với các đối tác Á châu, qua đối thoại song phương cũng như thông qua các điễn đàn khu vực như Thượng Đỉnh Đông Á hay Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga được tăng tốc trong thời gian gần đây. Tháng 11/2018, tổng thống Putin lần đầu tiên chính thức viếng thăm Singapore. Chủ nhân điện Kremlin lần đầu dự Thượng Đỉnh Đông Á và sau đó ASEAN đã ký kết với Liên Minh Kinh tế Á-Âu (Eurasian Economic Union) mà Nga là thành viên quan trọng nhất.

Gần đây hơn, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2019 công du nước Nga nhân kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập bang giao. Tháng trước, thủ tướng Malaysia đã đến dự Diễn Đàn Kinh Tế Phương Đông tổ chức tại Vladivostok. Từ thủ tướng Ấn Độ đến chủ tịch Trung Quốc hay thủ tướng Nhật Bản trong những năm gần đây đều là thượng khách của tổng thống Putin tại Vladivostok, một diễn đàn kinh tế muốn ngang tầm với Davos của Thụy Sĩ.

Chia rẽ các đồng minh truyền thống của Mỹ và thân thiện với Trung Quốc

Động lực nào thúc đẩy Matxcơva vồn vã với Á châu ? Theo giới phân tích, Vladimir Putin cần tìm một ngõ thoát trong bối cảnh Matxcơva đang bị Âu-Mỹ trừng phạt về kinh tế và cô lập nước Nga về mặt ngoại giao. Chris Cheang, một nhà ngoại giao Singapre từng làm việc tại Matxcơva, trong một bài tham luận tại trường Đại học Công Nghệ Nanyang, nhấn mạnh : Nga muốn đẩy mạnh quan hệ với các đối tác châu Á để chứng minh rằng, phương Tây thất bại khi muốn trừng phạt và cô lập Matxcơva. Hơn nữa dù không còn là một siêu cường thế giới như trước kia, thua kém Mỹ và gần đây là thua cả Trung Quốc, nhưng Nga không từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng về mặt địa chính trị. Vả lại, như ghi nhận của chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc trung tâm nghiên cứu Davis Centre, đại học Mỹ Harvard : mở rộng ảnh hưởng với các nước Đông Nam Á là một thắng lợi đối với Nga bởi qua đó Matxcơva lôi kéo được những đồng minh truyền thống của Mỹ về phía mình.

Trên bàn cờ địa chính trị của Vladimir Putin, tại châu Á, đối tác chính là Trung Quốc. Như ghi nhận của một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Lowy Institute của Úc, quan hệ thuận thảo giữa Bắc Kinh và Matxcơva là "thành công lớn nhất về đối ngoại của Putin (...) chưa bao giờ bang giao và mức độ hợp tác giữa hai quốc gia này được tốt đẹp như hiện nay". Chính tổng thống Nga từng cho biết ông đã gặp lãnh đạo Trung Quốc "gần 30 lần trong sáu năm trở lại đây". Dù vậy Matxcơva thận trọng tránh để bị khuất bóng Bắc Kinh.

ASEAN có lợi gì khi chơi với Nga ?

Về phía các nước Đông Nam Á, câu hỏi đặt ra là khối này "được" những gì khi bắt tay với Nga. Meaghan Tobin của tờ South China Morning Post trả lời : Lợi ích đầu tiên là trao đổi mậu dịch hai chiều tăng mạnh. Trong đó bao gồm cả các khoản mua bán vũ khí giữa Nga và các thành viên ASEAN. Là một trong hai nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, trong giai đoạn 2013-2017 các khách hàng châu Á mua vào 12 % vũ khí của Nga. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với một thập niên trước đó.

Mua vũ khí của Nga có nhiều ưu điểm trong mắt các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn như giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các loại trang thiết bị của Trung Quốc, qua đó giảm được rủi ro Bắc Kinh biết quá nhiều thông tin về các hệ thống phòng thủ của các nước láng giềng trong khu vực. Hơn nữa, khác với Mỹ, Nga không đặt điều kiện về ý thức hệ như một số các nhà cung cấp khác.

Biển Đông : Asean nấp bóng Putin dọa Tập Cận Bình ?

Ngoài vế trao đổi mậu dịch, lợi ích thứ nhì của ASEAN khi mở rộng quan hệ với Matxcơva là thoát khỏi thế kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.

Động lực thứ ba thúc đẩy châu Á thân thiện hơn với nước Nga của tổng thống Putin là Biển Đông. Malaysia, một trong những quốc gia cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông kêu gọi Nga mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ không gian. Còn về phía Việt Nam, tác giả bài báo nhắc lại tháng 5/2019 Bắc Kinh đã rất bực bội vì Việt Nam hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga trong một dự án thăm dò và khai thác khí đốt ngoài khơi Biển Đông. Tiếp theo đó Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Sharana Rajiv thuộc trung tâm Carnegie tại New Delhi –Ấn Độ cho rằng sự hiện diện của tập đoàn Rosneft trong dự án hợp tác với Việt Nam để ngỏ khả năng Matxcơva lên tiếng về Biển Đông trong trường hợp quyền lợi của nước Nga bị đe dọa.
Rosneft cũng có một dự án hợp tác với tập đoàn dầu khí Pertamina của Indonesia và nhiều chương trình khác nữa với chính quyền Manila.

Những giới hạn khi liên kết với Nga

Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines và Thái Lan là những đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ. Bắt tay với Nga không phải là dễ. Tác giả bài báo chỉ ra rằng bản thân chính quyền Duterte ý thức được rằng, Philippines có thể bị Mỹ trừng phạt nếu đi đến cùng dự án mua vũ khí của Nga. Chris Cheang, Đại Học Công Nghệ Nanyang Singapore lưu ý, "quan hệ Nga-Mỹ hiện tại khiến mọi quốc gia Đông Nam Á muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự với Matxcơva đều phải cân nhắc kỹ lưỡng".

Một số nhà quan sát khác cho rằng, ASEAN luôn có tầm nhìn rất thực tế về nước Nga. Các nước này muốn mở rộng quan hệ thương mại với Nga, mua vũ khí và năng lượng của Nga, nhưng lại không đủ tin tưởng vào Matxcơva để làm đối trọng với Bắc Kinh. Về mặt an ninh, "Nga chưa phải là một đối tác đáng tin cậy của ASEAN" bởi vì nhiều nước trong vùng Đông Nam Á không chắc rằng Matxcơva sẽ đương đầu với Bắc Kinh trong trường hợp những quốc gia này bị Trung Quốc lấn chiếm.

ASEAN không quên là tới nay Trung Quốc vẫn là đối tác châu Á quan trọng nhất của nước Nga.

Nga dù đang rất vồn vã với ASEAN, nhưng các nước Đông Nam Á biết rằng, họ vẫn rất cần hàng hóa của Trung Quốc, cần công nghệ của Mỹ, Nhật, Hàn, Ấn Độ ... và không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào Matxcơva. Nói cách khác, ASEAN thừa biết, trong trường hợp cần thiết nước Nga sẽ không đứng về phía họ để đương đầu với Trung Quốc.





No comments: