Thu Hằng
- RFI
Phát Thứ Năm, ngày 03 tháng 10 năm 2019
Chân
dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được long trọng rước đi trong đoàn diễu
hành trên quảng trường Thiên An Môn ngày 01/10/2019 nhân kỉ niệm 70 năm thành lập
nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Vẫn là chân dung ông Tập Cận Bình, nhưng tại
Hồng Kông, lại được người biểu tình đòi dân chủ dán lên tường để ném trứng và
vàng mã cũng trong ngày 01/10, được coi là « ngày quốc táng » chế độ độc
tài.
Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi đầu
đoàn diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn, ngày Quốc Khánh Trung Quốc
01/10/2019.REUTERS/Thomas Peter
Trong vòng 70 năm, Trung Quốc đã thay đổi như thế
nào về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ? Ông Tập Cận Bình đã đạt được những
thành tựu gì trong « Giấc mộng Trung Hoa », được ông đề ra năm 2013 để
đưa Trung Quốc đứng đầu thế giới vào năm 2049 ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre
Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
NGHE
:
PV. GS. Cabestan 02/10/2019
RFI
: Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong vòng 70 năm qua ?
G.S.
Jean-Pierre Cabestan : Tôi nghĩ là lịch sử Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa từ năm 1949 có thể được chia thành hai giai đoạn, rất khác
biệt.
Ba mươi năm đầu tiên chủ yếu là thời kỳ thống trị của
Mao Trạch Đông, đưa Trung Quốc theo hướng xã hội chủ nghĩa nhưng Mao Trạch Đông
cũng là người phá hoại rất nhiều. Ông là nguồn gốc của nhiều thảm họa, trong đó
có cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-1961) khiến khoảng 30 đến 40 triệu người chết đói,
sau đó là cuộc Cách Mạng Văn Hóa, cũng khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Rất
nhiều người bị chấn thương tinh thần vì giai đoạn đấu tranh chính trị đầy bạo lực
này.
Thực ra, giai đoạn thứ nhất được khởi đầu bằng đợt
thanh trừng mà chúng ta vẫn quên mất mức độ bạo lực. Khoảng 5 đến 10 triệu người
Trung Quốc bị giết chết từ 1949 đến 1953, trong đó có những người bị coi là địa
chủ. Nhưng đây cũng là cách để đảng Cộng Sản Trung Quốc lên cầm quyền, trừ khử
những thành phần tinh hoa và loại bỏ mọi mối đe dọa chính trị đối với đảng. Đó
là giai đoạn hủy diệt, thất bại kinh tế, bế tắc với sự phát triển khá chậm chạp.
Sau đó, Đặng Tiểu Bình, cùng với loạt cải cách từ cuối
năm 1978, tính đến nay hơn 40 năm, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành nền
kinh tế thứ hai thế giới. Trung Quốc phát triển, lột xác một cách ngoạn mục,
cùng với quá trình đô thị hóa chưa từng có. Đặng Tiểu Bình đã cố gắng tái thiết
những gì Mao Trạch Đông phá hoại trong 30 năm đầu.
Đó chính là nghịch lý của Trung Quốc, nhưng cũng là
bí mật cho sự trường tồn của đảng Cộng Sản vì trong 40 năm gần đây, tình hình ở
Trung Quốc khác hoàn toàn so với những gì xảy ra trong vòng 30 năm đầu.
Nhưng không vì thế mà nói rằng không có những yếu tố
liên tục, như sự độc quyền lãnh đạo chính trị của đảng Cộng Sản ; sự gắn bó với
một số tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà tôi gọi là tư tưởng Xô Viết và Stalin ; nền
kinh tế vẫn do Nhà nước kiểm soát, kể cả việc quản lý đất đai, có nghĩa là đất
đai thuộc sở hữu Nhà nước, nông dân chỉ có quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, còn phải kể đến nền kinh tế công với hệ thống
doanh nghiệp Nhà Nước hiện còn rất phổ biến tại Trung Quốc. Nền kinh tế công có
thể do chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là chính quyền cấp
vùng, cấp thành phố, kiểm soát trên toàn lãnh thổ.
RFI
: Nhìn chung, liệu người dân Trung Quốc có tìm được « giấc mộng Trung Hoa »
của họ dưới thời ông Tập Cận Bình không ?
G.S.
Cabestan : Vấn đề ở chỗ, tôi nghĩ là Tập Cận Bình đã không làm
được việc lớn. Chính điều này sẽ khiến ông gặp khó khăn trong những năm tới. Những
thành tựu lớn nhất của Trung Quốc trước tiên là nhờ vào công của Đặng Tiểu
Bình. Ông là người thực hiện ý tưởng doanh nghiệp tư nhân, nhờ đó Trung Quốc
phát triển. Tiếp theo, ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục công cuộc tư hữu hóa mang quy mô
lớn, triển khai dịch vụ xã hội. Dù chưa hoàn hảo nhưng hệ thống xã hội hoạt động.
Thời ông Tập Cận Bình ghi dấu ấn với hai sự kiện.
Trước tiên là cuộc chiến chống tham nhũng, đã đạt được nhiều kết quả lớn. Dù nạn
tham nhũng chưa bị triệt hết nhưng không còn hoành hành như trước, song lại tốn
kém. Thứ hai là củng cố quyền lực, sức nặng chính trị, tập trung vào gương mặt
một nhà lãnh đạo, chính là ông Tập Cận Bình, và đang theo hướng độc đoán.
Cách tiến hành này gây lo ngại cho Trung Quốc, cũng
như cho chính ông Tập vì gây ra khá nhiều phản ứng. Điều đáng nói là việc tập
trung quyền lực lại không giúp ông Tập triển khai các biện pháp cải cách được
ông công bố năm 2013, mà hiện còn nửa vời.
Ngoài ra, quá trình mở cửa kinh tế vẫn còn nhiều hạn
chế lớn. Trên thực tế, xu hướng bảo hộ của Bắc Kinh đã cản trở doanh nghiệp nước
ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc. Thị trường vừa mới mở cửa cho lĩnh vực
ngân hàng nhưng rất nhỏ. Không những hạn chế mở cửa nền kinh tế, mà trái lại, nền
kinh tế lại đang có xu hướng khép lại, ưu tiên trong nước, ví dụ chương trình
phát triển 2000-2025 của Trung Quốc được đề ra là nhằm quốc hữu hóa công nghệ
trọng điểm, có nghĩa là chiếm hữu rồi tự phát triển.
Những dự án này hiện chưa mang lại thành công lớn.
Ông Tập Cận Bình vẫn đang dựa vào thành tựu của những người tiền nhiệm : quá
trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn, quân đội tiếp tục được cải tổ. Nhưng không thể
nói là ông Tập đã đạt được những thành công về kinh tế, mà ngược lại, ông đang
làm tăng trưởng Trung Quốc bị chậm lại, đẩy thế giới vào một thời kỳ trì trệ,
thậm chí là khủng hoảng kinh tế.
Theo tôi, tất cả những yếu tố này làm gia tăng sức
ép đối với ông Tập Cận Bình, cũng như chuốc thêm khó khăn cho đảng Cộng Sản khi
tiếp tục cố phổ biến tinh thần lạc quan. Người ta nói đến « giấc mộng Trung
Hoa » nhưng người dân Trung Quốc có những mối bận tâm khẩn thiết hơn là giấc
mộng lớn.
RFI
: Đâu là những dự án được cho là thành công dưới thời ông Tập Cận Bình ?
G.S.
Cabestan : Năm năm đầu tiên là giai đoạn củng cố quyền lực của
Tập Cận Bình : Cần phải tập trung quyền lực, khẳng định Trung Quốc trở nên mạnh
hơn trong thông điệp, vừa lạc quan vừa mang tinh thần dân tộc và đầy tham vọng,
tại đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc cách đây 2 năm. Tận dụng thời cơ Hoa Kỳ bị
suy yếu, phương Tây bị chia rẽ, còn Liên Hiệp Châu Âu bị lu mờ, Trung Quốc muốn
trở thành nước đứng đầu thế giới.
Từ cuối năm 2017, đầu 2018, chúng ta thấy ngược lại.
Ông Tập, cũng như nền kinh tế Trung Quốc, phải đối đầu với những khó khăn lớn
hơn, do ông Tập Cận Bình, có thể đã cố đi quá xa khi sửa đổi Hiến Pháp để nắm
quyền hơn 10 năm, cũng như từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể.
Về mặt quốc tế, có thể ông Tập Cận Bình cũng đi quá
xa trong việc khẳng định sức mạnh của Trung Quốc, bởi vì ông Tập đã gây ra nhiều
phản ứng tiêu cực gần như khắp thế giới, chứ không riêng gì với Hoa Kỳ. Đó là
những cuộc đối đầu, không chỉ về kinh tế, mà còn về chiến lược đối với Trung Quốc.
Những cuộc đối đầu này sẽ kéo dài, và theo tôi, còn sắc nhọn hơn trong những
năm tới. Ví dụ Liên Hiệp Châu Âu chính thức coi Trung Quốc « luôn luôn là một
đối thủ ». Ngoài ra còn phải kể đến Nhật Bản. Sách Trắng Quốc Phòng mới được
Tokyo công bố cho thấy Trung Quốc hiện là mối đe dọa nước ngoài lớn nhất, hơn cả
Bắc Triều Tiên.
Như vậy, Trung Quốc không có nhiều bạn. Đó chính là
vấn đề của nước này, đặc biệt Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, lại chuốc lấy
nhiều kẻ thù hơn. Và đây là điểm mà nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích ông
Tập, cũng như cách ông giải quyết thương chiến với Mỹ.
Những chỉ trích này cho thấy ông Tập có « kẻ thù
» ngay trong bộ máy lãnh đạo. Chúng ta không biết được là nội bộ lãnh đạo
Trung Quốc bị chia rẽ đến mức nào, nhưng rõ ràng ông Tập phải đối mặt với nhiều
khó khăn hơn so với cách đây 1-2 năm. Đó chính là điều, theo tôi, làm gia tăng
sự bất trắc về tương lai, không hẳn là về tương lai của Trung Quốc, vì nước này
tiếp tục phát triển, dù với tốc độ chậm hơn, và tiếp tục canh tân, mà chủ yếu
là cho tương lai của ông Tập Cận Bình, hiện bất trắc hơn. Nhưng cũng cần thận
trọng, thường thì nhân vật số 1 khó mà lật đổ được. Chúng ta tiếp tục theo dõi
tình hình. Nhưng dù sao phải nói rằng Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó
khăn.
RFI
: Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong nhiệm kỳ
2, bị lên án về việc lập các trại giam người Duy Ngô Nhĩ, thương chiến với Hoa
Kỳ, phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông, khủng hoảng thịt lợn… Vậy ông Tập có được
ủng hộ đủ để vượt qua những thách thức này ?
G.S.
Cabestan : Về cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc, không
thể trách đích danh ông Tập Cận Bình được. Việc nền kinh tế phát triển chậm lại
không hẳn đã đặt nghi vấn hoặc làm suy yếu tính chính đáng của đảng Cộng Sản
Trung Quốc trong mắt người dân. Tôi cho rằng rất nhiều người Trung Quốc không
nghĩ đến một hệ thống chính trị nào khác có khả năng thay thế, do đối lập bị cấm
hoàn toàn. Vì thế, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn vững tin để lãnh đạo và quyết định
cho tương lai, không chỉ về kinh tế mà còn về ổn định. Thực vậy, nhiều người
Trung Quốc tin rằng đảng Cộng Sản đảm bảo an ninh về mặt chính trị. Họ muốn có
một Nhà Nước mạnh hơn là không có Nhà Nước.
Ngoài ra, theo tôi, còn có một yếu tố khác kích
thích người dân ủng hộ đảng : đó là tinh thần dân tộc. Nếu xem truyền hình
Trung Quốc, chúng ta thấy chỉ có những chương trình hừng hực tinh thần dân tộc,
đặc biệt là dịp kỉ niệm 70 năm Quốc Khánh. Liên tục xem những chương trình như
vậy, đối với một người nước ngoài, thì thật khó chịu vì thông tin chỉ toàn một
chiều, chỉ nói về thành tích vang dội của Trung Quốc, hoặc Trung Quốc đứng trên
tất cả mọi người. Và đây là điều nguy hiểm bởi vì theo tôi, tinh thần dân tộc
tiếp tục làm mờ mắt nhiều người Trung Quốc.
Điều này cũng có nghĩa là dù Bắc Kinh có đưa ra quyết
định như thế nào, đại bộ phận dân chúng Trung Quốc sẽ ủng hộ. Giả sử Bắc Kinh
quyết định gây chiến chiếm Đài Loan, có đến 81% người dân Trung Quốc ủng hộ.
Đây là tỉ lệ đáng quan ngại !
Những vấn đề mà ông Tập Cận Bình, cũng như nền kinh
tế Trung Quốc, phải đối đầu, có thể là nạn thất nghiệp gia tăng và mức sống của
một bộ phận người dân bị sụt giảm. Nhưng tôi không nghĩ rằng những khó khăn này
làm suy yếu tính chính đáng của đảng trong mắt một bộ phận dân chúng.
Nhưng trong giới tinh hoa, tình hình khác hơn một
chút. Một số thành phần tinh hoa tự do ngày càng chỉ trích ông Tập Cận Bình. Họ
cho rằng Trung Quốc không đi đúng hướng, thay vì hội nhập với thế giới thì lại
tách xa, hoặc gây chiến tranh lạnh về ý thức hệ với phương Tây. Đó là những điểm
không có lợi cho Trung Quốc về dài hạn.
Dù tồn tại một mặt trận phản đối nhưng những ý kiến
chỉ trích chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, không có trọng lượng chính trị, đặc biệt đối
với vị trí của ông Tập Cận Bình trong nội bộ đảng.
RFI
: Liệu Trung Quốc có tận dụng thời cơ quốc tế chú ý vào cuộc khủng hoảng ở Hồng
Kông để hoạt động mạnh hơn ở Biển Đông ?
G.S.
Cabestan : Rất khó để liên kết hai cuộc khủng hoảng, hai hoàn
cảnh này với nhau. Điều mà chúng ta có thể nói là Trung Quốc chưa bao giờ lơ là
ở Biển Đông mà còn tỏ ra hung hăng hơn dưới thời ông Tập Cận Bình. Bắc Kinh áp
dụng chiến thuật « việc đã rồi » ngày càng rõ nét ở Trường Sa. Đúng là
có nhiều sự kiện diễn ra cùng thời điểm khủng hoảng ở Hồng Kông, nhưng Trung Quốc
đã lập kế hoạch những chiến dịch này từ trước đó.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học
Baptiste, Hồng Kông.
------------------------------------
Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 04-10-2019
Vào
lúc Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một cuộc khảo sát quan điểm về Trung Quốc của người
dân thuộc 32 quốc gia, công bố hôm 30/09/2019 cho thấy tỷ lệ người thiếu thiện
cảm với Trung Quốc gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các láng giềng ở châu Á, từ
Nhật Bản cho đến Indonesia.
Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận thế giới mới nhất
Global Attitudes Survey, do trung tâm nghiên cứu Mỹ có uy tín Pew Research
Center thực hiện từ ngày 13/05 cho đến ngày 29/08 vừa qua, nhìn chung vẫn có
bình quân 41% cư dân thuộc 32 nước trên thế giới có quan điểm tích cực về Trung
Quốc, so với 37% có cái nhìn tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, có thể thấy là tâm
lý ghét Trung Quốc đang càng lúc càng gia tăng tại các nước, khi so sánh với những
kết quả thăm dò trong những năm trước đây. Theo cuộc thăm dò vừa công bố, hiện
có đến 60% người được hỏi tại Mỹ, và 67% tại Canada coi Trung Quốc là đất nước
“không được ưa thích”, một kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc từ năm
2007 đến nay.
Tâm lý chung của người dân Tây Âu cũng rất tiêu cực
đối với Trung Quốc, với tỷ lệ không có thiện cảm lên đến 70% tại Thụy Điển, hay
53% tại Tây Ban Nha. So với năm ngoái 2018, thiện cảm đối với Trung Quốc đã giảm
mạnh ở Thụy Điển với tỷ lệ -17%, cũng như tại Anh Quốc, hay Hà Lan, -11%. Chỉ
có tại Hy Lạp và Ý thì số người thích Trung Quốc có đông hơn một chút.
Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc Trung Quốc
không hề được các láng giềng ưu ái chút nào. Bản khảo sát của Pew Research
Center đã tập trung tại năm nước vùng châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn
Quốc, ở Đông Bắc Á, Philippines, Indonesia ở Đông Nam Á, và Úc ở châu Đại
Dương.
Tại hầu như toàn bộ 5 quốc gia này, đa số người được
hỏi đều xác nhận là họ không thích Trung Quốc, cao nhất là Nhật Bản với 85%, kế
đến là Hàn Quốc, 63%, Úc 57%, Philippines 54%.
Riêng Indonesia thì không rõ ràng, với tỷ lệ người
yêu và người ghét ngang nhau là 36%, nhưng tỷ lệ người thích Trung Quốc từ năm
ngoái đến năm nay đã giảm 17%.
Một điểm đáng chú ý trong bản khảo sát của Pew
Research Center, là đà tăng của tỷ lệ người ghét Trung Quốc tương ứng với đà tụt
giảm của tỷ lệ người thích. Khi đối chiếu với tất cả các cuộc thăm dò từ trước
đến nay, thì tỷ lệ người có thiện cảm với Trung Quốc tại tất cả 5 nước láng giềng
của Trung Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục, hay gần như là kỷ lục trong năm nay.
Tại Philippines, từ 63% người thích năm 2002, tỷ lệ
này hiện chỉ còn là 42%. Cũng trong hai thời điểm 2002-2019, tỷ lệ người thích
Trung Quốc ở Úc giảm từ 52% xuống 36%, tại Indonesia, từ 73% xuống 36%, tại Hàn
Quốc từ 66% xuống 34%, và tệ hại nhất là tại Nhật Bản, từ 55% xuống còn vỏn vẹn
14% trong năm nay.
Theo giới quan sát, nếu tại châu Mỹ và châu Âu, những
hành vị bị tố cáo là không hay của Trung Quốc bị vạch trần trong cuộc chiến
thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra là một trong những lý do khiến người dân mất
đi thiện cảm với Trung Quốc, thì tại châu Á, các hành vi bức hiếp láng giềng
đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là nguyên do khiến người dân các nước
không còn thích Trung Quốc.
Năm 2014, Việt Nam đứng đầu thế giới về quan điểm ghét
Trung Quốc
Việt Nam không nằm trong danh sách các nước châu Á
được Pew Research Center khảo sát trong bản Global Attitudes Survey 2019. Nhưng
vào năm 2014, trong một bản thăm dò ý kiến tại ở 44 nước trên thế giới, trong
đó có Việt Nam, thì Việt Nam đứng đầu danh sách về thái độ thiếu thiện cảm đối
với Trung Quốc.
Có đến 78% người được hỏi cho biết là không thích
Trung Quốc, một tỷ lệ chỉ thua có Nhật Bản với 91% người ghét Trung Quốc, nhưng
hơn xa Philippines, chỉ có 58% không có thiện cảm với Trung Quốc.
Về câu hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất, 74% người
Việt Nam đã trả lời rằng đó là Trung Quốc, một tỷ lệ cao hơn người Nhật (68%)
hay người Philippines (58%) cũng xem Trung Quốc là kẻ nguy hiểm.
Tâm lý ghét Trung Quốc của người Việt Nam ngày nay
có lẽ vẫn không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh từ năm 2014 đến nay, các hành
vi bức hiếp Việt Nam của Trung Quốc chỉ có tăng chứ không hề giảm.
No comments:
Post a Comment