Ben Ngo
22/10/2019
Một
ngày sau khi theo dõi diễn biến phiên khai mạc Quốc hội, một nhà quan sát đưa
ra nhận định Quốc hội ‘là của Đảng chứ không phải của dân, thảo luận cho vui’.
Vào đúng ngày kỳ họp thứ tám của Quốc hội khai mạc
hôm 21/10, mạng xã hội lan truyền lá thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Đình Cống
trong đó có đoạn: “Tôi thiết tha mong ước
và kêu gọi các đại biểu có lương tri, hãy dũng cảm, vượt qua được nỗi sợ vu vơ
để đề xuất vấn đề Biển Đông ra trước Quốc hội, yêu cầu được thông bào rõ ràng,
công khai, yêu cầu được thảo luận và đề xuất biện pháp bảo vệ chủ quyền. Thật
là nhục nhã cho Quốc hội nếu mọi đại biểu vẫn ngậm miệng, cúi đầu tuân theo một
mật lệnh nào đó, từ ai đó, rằng vì đại cục và 16 chữ mà không được đụng đến kẻ
có đầy dã tâm xâm lược là Trung cộng.”
Kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 vừa bắt đầu vào ngày
21/10 và dự kiến sẽ có phần báo cáo về tình hình căng thẳng Biển Đông, nơi
Trung Quốc hơn 3 tháng nay đã điều tàu vào vùng biển thuộc chủ quyền của
Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí.
Ông Nguyễn Đình Cống được cho là một trong những trí
thức bất đồng từ khi ông thông báo từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày
3/2/2016.
Hôm 22/10, trả lời RFA, Giáo sư Nguyễn Đình Cống
nói:
“Cái điều quan trọng nhất mà tôi muốn
nói về Quốc hội là làm sao sửa đổi được luật tổ chức Quốc hội để cho dân bầu ra
một Quốc hội thật sự là đảm nhiệm cho dân. Trong đấy có mấy vấn đề.”
“Một là phải tăng cường số đại biểu Quốc
hội chuyên trách, muốn như thế phải chấp nhận sự tự do ứng cử của nhân dân. Có
nhiều người tài giỏi trong dân ứng cử, vận động bầu cử thì mới hy vọng có được
một Quốc hội có khả năng chứ không phải làm kiểu trước đây là đảng cử dân bầu.”
“Cái thứ hai là tôi thấy phải bỏ ngay
kiểu Mặt trận tổ quốc đứng ra hiệp thương danh sách ứng cử viên. Làm như thế là
dùng bàn tay Mặt trận để loại bỏ người không phải do đảng lựa chọn. Cái kiểu
làm như vậy là quá mất dân chủ.”
“Cái thứ ba, tôi đề nghị đợt bầu cử sắp
tới, phải giải thích cho dân một điều rằng, dân phải tự giác chọn người đại biểu
của mình với khẩu hiệu “không biết không bầu”. Không phải là ở trên người ta
đưa xuống một danh sách, xong rồi vận động ép buộc, bảo bầu cho người này người
kia, như thế là mất dân chủ. Chỉ trên cơ sở dân bầu được một Quốc hội tử tế thì
mới mong Quốc hội có năng lực.”
Đề cập chuyện nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay là
quan chức của Đảng và nhà nước trong bộ phận hành pháp, ông Cống nhận định đây
là “điều lãng phí". Ông nói:
“Vì họ đến Quốc hội để thảo luận những
điều mà họ biết rồi, đã thảo luận nơi khác rồi. Đến đấy thì họ lơ lơ là là, chẳng
chú ý gì, chỉ đến đấy để bỏ phiếu thôi. Những người như thế làm chiếm mất một số
ghế lẽ ra của người tinh hoa trong dân đến để thảo luận tình hình đất nước. Tôi
rất mong ước gần đây bầu ra một Quốc hội có năng lực, bản lĩnh thật sự chứ
không phải phần lớn chỉ là nghị gật.”
Vị giáo sư, tiến sĩ từng nhận danh hiệu “Nhà giáo
nhân dân” thừa nhận rằng những đề xuất của ông trong thư ngỏ về Quốc hội “rất
khó khả thi". Ông nói thêm:
“Một mặt là phải nói cho Quốc hội,
lãnh đạo biết. Mặt thứ hai là các tổ chức xã hội phải vận động nhân dân. Mà vận
động cũng khó lắm chứ phải không. Vì mình đi vận động thì có gì công an bắt
giam, đem ra xét xử với tội phá hoại. Biết rằng con đường đó đi được thì tốt
nhưng con đường đầy chông gai, nhưng phải tìm đường đi chứ.”
“Có nhiều con đường để dân chủ hóa đất
nước, một trong những con đường chính là con đường chính sách. Mà nếu làm đúng,
người ta không thể mang ra xử tội được, chỉ có người ta vu cáo thôi. Ví dụ như
đề ra khẩu hiệu “không biết không bầu" thì không thể dựa vào câu ấy để xử
tội người ta được. Cũng không thể dựa vào điều vận động những người có tài, đức
độ ra ứng cử Quốc hội để xử người ta được. Vì đó là hành động hợp pháp, hợp hiến.
Nếu như người ta ngăn cản chuyện đó thì càng lộ rõ bộ mặt độc tài, độc đoán mà
thôi.”
Ông Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh rằng Quốc hội hiện
nay “là cơ quan bù nhìn của Đảng chứ đâu phải của dân” và giải thích:
“Một mặt là ngay cả bà Ngân là chủ tịch
Quốc hội cũng nói rằng Quốc hội chỉ để thảo luận, thông qua những điều mà Bộ
Chính trị đã quyết định rồi. Và trong Quốc hội có đến 95% là đảng viên thì còn
gì nữa. Rồi thì Quốc hội thành lập một cái đảng đoàn Quốc hội, nếu như có chuyện
gì thì đảng đoàn Quốc hội họp quyết định rồi, và nói với các đảng viên cứ thế
thi hành, không được nói ngược lại.”
“Thế thì toàn dân người ta thấy Quốc hội
bù nhìn thôi, có gì đâu, chỉ là cơ quan thảo luận cho nó vui, hình thức chứ có
cái gì".
Hôm 22/10, phóng viên RFA gọi điện cho Tổng thư ký
Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhiều lần để xin phản hồi về nhận định của ông Nguyễn
Đình Cống nhưng ông Nguyễn Hạnh Phúc không bắt máy.
Là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội tập
trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cùng với đó là công
tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam,
trong đó có vấn đề chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Bãi Tư Chính với Trung
Quốc vẫn đang tiếp diễn, các báo nhà nước tường thuật rằng tại phiên khai mạc kỳ
họp Quốc hội hôm 21/10, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ
quốc gia; không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quốc hội”.
Tại phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội, hai chữ
"Biển Đông" được truyền thông nhà nước ghi nhận xuất hiện ít nhất sáu
lần trong phát biểu của giới chức tại phòng họp Diên Hồng.
No comments:
Post a Comment