Thanh
Hà - RFI
Thứ Ba, ngày 15 tháng 10 năm 2019
Hoa
Kỳ tiếp tục siết chặt vòng vây chung quanh các tập đoàn công nghệ cao của Trung
Quốc. Ba ngày trước vòng đàm phán với Bắc Kinh tại Washington hôm 10/10/19 để
giải quyết tranh chấp thương mại, bộ Thương Mại Mỹ đưa 8 tập đoàn công nghệ
cùng 20 cơ quan Nhà nước của Trung Quốc vào "danh sách đen" vì
lý do các thực thể này tham gia chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân
Cương.
Washington cấm các công ty công nghệ cao Trung Quốc
mua trang thiết bị công nghệ cao của Mỹ.Reuters
Ngoại trưởng Pompeo lên án Trung Quốc bắt giữ "hơn
một triệu người Hồi Giáo trong khuôn khổ một chiến dịch tùy tiện và thô bạo nhằm
xóa sổ đạo Hồi và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương". Tuy
nhiên, không một nhà quan sát nào tin rằng, chính quyền Donald Trump trừng phạt
28 thực thể nói trên vì bỗng dưng động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh của người
Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi bị đàn áp, của những đứa trẻ bị cướp khỏi vòng tay yêu
thương của cha mẹ để bị đưa vào các trại tập huấn, nơi chúng bị nhồi sọ để trở
thành những "người tốt".
Bởi trong số 28 doanh nghiệp trong tầm ngắm của bộ
Thương Mại Hoa Kỳ, có 8 công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, là những đối thủ
cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn high tech của Mỹ. Tám công ty đó gồm : Dahua
Technology, Hikvision, iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, YITU
Technology, Wuhan Yixin Technology và Xiamen Meiya Pico.
Đây là những con chim đầu đàn của Trung Quốc trong
các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, bảo mật không gian mạng và dữ liệu tin học,
hay là những tên tuổi trên thị trường giám sát video, nhận diện khuôn mặt ...
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Grégory Vanel, giảng
dậy tại trường Quản Trị Kinh Doanh ở Grenoble và cũng là chuyên gia về kinh tế
Hoa Kỳ cho rằng, đòn phạt mới này nhắm vào các quyền lợi của Bắc Kinh trước hết
là vì mục tiêu kinh tế. Đây là một bước kế tiếp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến
thương mại Mỹ - Trung :
"Thực ra, tất cả những động thái này nằm trong
khuôn khổ một lịch trình khá rõ ràng : Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán tay đôi
và Washington đề ra ba kỳ hạn cho phía Bắc Kinh: Thứ nhất là ngày 15 tháng 10,
nếu đối thoại không có tiến triển, Mỹ đánh thuế 30 % thay vì 25 % nhắm vào 250
tỷ đô la hàng của Trung Quốc ; Nhà Trắng dọa đến ngày 27/11/2019 sẽ đánh thuế
vào xe hơi của Trung Quốc và thời hạn quan trọng thứ ba là ngày 15/12/2019,
chính quyền Trump đòi đánh thuế vào gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập
vào Mỹ.
Trong bối cảnh đó tổng thống Donald Trump viện cớ
nhân quyền, lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ để giới hạn giao thương với
một số công ty và cơ quan của Trung Quốc. Theo tôi, tổng thống Mỹ không chỉ
quan tâm đến vấn đề nhân quyền mà vấn đề ở đây liên quan đến khả năng cạnh
tranh của các tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao".
Mũi nhọn high tech của Trung Quốc
Megvii hay
YITU đang là những ngôi sao sáng của Trung Quốc trong
lĩnh vực nhận diện khuôn mặt. Nhờ có sự yểm trợ của tập đoàn mua bán trên mạng
Alibaba, Megvii đã phát triển nhiều ứng dụng được dùng trong nhiều lĩnh vực tại
Trung Quốc, từ dịch vụ thanh toán tiền qua điện thoại thông minh cho đến chức
năng nhận diện các đối tượng bị công an Trung Quốc theo dõi. YITU không chỉ nhận
diện khuôn mặt mà tương tự như iFlytek còn nhận ra cả giọng nói của các đối tượng
cần nhắm tới.
Riêng công ty Xiamen Meiya Pico thì chuyên về các dịch vụ thu thập
dữ liệu điện tử, bảo mật không gian mạng và thông tin dữ liệu lớn.
Về phần Hikvision, công ty có trụ sở ở Hàng Châu này là một trong những
nhà cung cấp trang thiết bị theo dõi qua video lớn trên thế giới. Gần 1/3 doanh
thu của tập đoàn trong năm 2018 có được là nhờ các hợp đồng làm ăn với nước
ngoài. Nhưng một năm trước đó, Hikvision đã trúng thầu 5 hợp đồng trị giá 240
triệu đô la với các cơ quan đặc trách về an ninh tại tỉnh Tân Cương.
SenseTime là một công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí thông minh nhân
tạo, phát triển phần mềm cho phép nhận diện khuôn mặt. Ba cổ đông chính của
SenseTime là tập đoàn ngân hàng Nhật Bản Softbank, Alibaba của Trung Quốc và tập
đoàn sản xuất bọ điện tử của Mỹ Qualcom.
Trong kế hoạch "Made In China 2025"
Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu dẫn đầu thế giới về thông minh nhân tạo. Bởi đây vừa
là phương tiện để tăng cường kiểm soát an ninh nội địa, vừa là công cụ để khẳng
định vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế, tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ,
đảo lộn trật tự quốc tế trong tương lai. Chẳng vậy mà hội nghị thế giới về trí
thông minh nhân tạo (WAIC) lần thứ nhì đã được tổ chức cuối tháng 8/2019 tại
Thượng Hải, hơn 200 nhà thuyết trình, 400 công ty tham dự. Trong số này có những
tên tuổi như tập đoàn IBM hay Microsoft, Tesla, Amazon của Mỹ...
Quyết định của Nhà Trắng đưa các công ty này vào
danh sách đen, dẫn tới hậu quả trước mắt là các tập đoàn nói trên bị cấm mua
trang thiết bị của Mỹ và điều đó gây trở ngại cho đà phát triển của các con
chim đầu đàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Vậy
phải chăng, sau khi tấn công hai đại tập đoàn của Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE
chính quyền Trump mở rộng mặt trận triệt hạ công nghệ high tech của đối phương
? Giáo sư Grégory Vanel, trường Quản Trị Kinh Doanh
Grenoble trả lời :
"Đúng như vậy, Donald Trump sử dụng nhiều chiến
lược cùng một lúc. Một mặt, ông đe dọa tăng thuế nhập khẩu, áp dụng các hàng
rào quan thuế để "tấn" vào đối phương. Mặt khác, Hoa Kỳ viện lý
do an ninh để hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty Mỹ với các hãng của
Trung Quốc qua đó gia tăng áp lực với Bắc Kinh.
Như chúng ta đã biết, để phát triển, Trung Quốc cần
đến các đối tác Mỹ. Mùa hè vừa qua, Washington cấm các công ty Mỹ dùng trang
thiết bị của các tập đoàn Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE. Năm 2018, ZTE đã phải
tạm ngưng hoạt động trong vòng một tháng.
Ông Trump gây sức ép rất lớn đối với các tập đoàn
Trung Quốc, nhất là những hãng có liên hệ mật thiết với chính quyền nước này. Tấn
công trên cả hai mặt như vậy Nhà Trắng muốn Bắc Kinh hiểu rằng, kinh tế Trung
Quốc sẽ bị thiệt thòi rất nhiều nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được đồng thuận
giải quyết tranh chấp".
Câu
hỏi cuối cùng, trong cuộc đọ sức dài hơi với Trung Quốc về thương mại, những
mũi tấn công liên tiếp đó của Nhà Trắng có hiệu quả hay không ? Thủ tướng Lý Khắc Cường nói tới tỷ lệ tăng trưởng khoảng từ 6 đến 6,5 %
cho năm 2019, và đây là mức tăng chậm nhất từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế.
Chuyên gia về kinh tế Hoa Kỳ, giáo sư Vanel giảng dậy tại trường Quản Trị Kinh
Doanh Grenoble phân tích :
"Đúng là kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, nhưng
không chỉ có một mình Trung Quốc gánh chịu hậu quả. Ngay cả các hãng công nghệ
cao của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi vì họ lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc vừa là những khách hàng vừa là các nguồn cung cấp
của nhau. Tôi lấy ví dụ, khi Google dọa ngưng cấp một số ứng dụng cho điện thoại
thông minh của Hoa Vi, hãng này đã lúng túng, nhưng ngay sau đó, chính Google
cũng đã phải rút lại kế hoạch này bởi vì đóng cửa với một khách hàng như Hoa Vi
là điều bất khả thi.
Thực ra mục tiêu của Donald Trump không chỉ dừng lại
trong lĩnh vực kinh tế hay thương mại, bởi vì Mỹ cứ phạt Trung Quốc mà vẫn
không thu hẹp được thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh. Theo tôi, giảm thâm thủng mậu
dịch chỉ là hàng thứ yếu trong mắt chính quyền Trump. Ưu tiên của Washington là
cắt đứt liên hệ giữa các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc, tránh để
thế thượng phong của Hoa Kỳ bị đe dọa.
Hoa Kỳ lo ngại
khi thấy Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ cao, vào trí thông minh
nhân tạo ... Mỹ sợ bị qua mặt. Ngoài ra, tổng thống
Mỹ đang lúng túng về chính trị nội bộ, đảng đối lập đòi truất phế và ông ra
tranh cử thêm một nhiệm kỳ nên Donald Trump cần chứng minh rằng ông là nhà lãnh
đạo bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ.
Đành rằng từ khi chiến tranh thương mại khai mào,
kinh tế của Trung Quốc bị chựng lại, nhưng theo tôi đấy là do những bất cập của
tự bản thân mô hình phát triển Trung Quốc hơn là do tác động từ các biện pháp
trừng phạt Bắc Kinh do Washington ban hành".
Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ
còn kéo dài, và bằng chứng rõ rệt nhất là sự kiện Washington thông báo đạt được
đồng thuận "ở giai đoạn 1" làm các nhà đầu tư không mấy hào hứng.
Chỉ số chứng khoán không tăng mạnh tại châu Á và cả ở Hoa Kỳ trong ngày đầu
tiên hoạt động trở lại sau tin vui Mỹ - Trung "đình chiến". Giá
dầu hỏa trên thế giới cũng không khởi sắc.
Giới quan sát thận trọng cho rằng tổng thống Hoa Kỳ
vẫn thường xuyên đổi ý trên tất cả những điều ông đã nói ra. Vả lại tới nay
Washington vẫn để ngỏ khả năng đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán
sang Hoa Kỳ, từ điện thoại thông minh đến phụ tùng xe hơi cũng như trên rất nhiều
các mặt hàng khác. Việc trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cho
thấy Nhà Trắng đang sử dụng cùng lúc các hàng rào quan thuế và phi quan thuế để
bắt bí đối phương.
Mục tiêu chính quyền Trump nhắm tới là cắt các nguồn
cung cấp giúp các công ty Trung Quốc vươn vòi đe dọa thế thượng phong về kinh tế,
chiến lược của Mỹ. Không chắc Bắc Kinh dễ dàng để cho phía Washington ghi những
bàn thắng quan trọng trong cuộc đọ sức này.
No comments:
Post a Comment