Saturday, October 5, 2019

KINH TẾ THẾ GIỚI ĐANG KÉO MỸ XUỐNG THEO (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Ostober 4, 2019

Từ giữa thế kỷ 20, khi nào kinh tế Mỹ lên thì kinh tế thế giới cũng lên, Mỹ xuống thì các nước khác cũng xuống theo. Thí dụ, năm 2001 công nghiệp tin học ở Mỹ mất đà hay năm 2008 bị khủng hoảng tài chánh vì địa ốc, cả thế giới chịu tai nạn.

Năm 2019 một hiện tượng mới xuất hiện: Kinh tế thế giới xuống và đang kéo nước Mỹ xuống theo.

Nguyên nhân một phần cũng vì cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động khiến kinh tế các nước khác yếu đi. Trung Quốc lao đao vì các đòn quan thuế của Tổng Thống Donald Trump. Người Mỹ thì vui mừng khi thấy khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với nước Tàu bắt đầu giảm.

Trong Tháng Tám năm nay số thâm thủng bớt được 3.1% so với tháng trước, và giảm bớt 11.4% so với Tháng Tám năm ngoái. Nhưng khiếm hut giảm được ở phía Đông thì lại tăng lên ở đằng Tây. Thâm thủng mậu dịch của nước Mỹ đối với tất cả thế giới vẫn tăng thêm gần $55 tỷ vào cuối Tháng Tám. Riêng số khiếm hụt với Đức tăng hơn $7 tỷ.

Số khiếm hụt lên cao vì các công ty Mỹ lo mua nhiều, đề phòng chính phủ sẽ tăng thuế nhập càng. Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) mới tuyên án cho Mỹ được phép đánh thuế nhập cảng trên $7.5 tỷ hàng hóa Châu Âu. Sẽ tăng thuế trên rượu vang, pho ma, cho đến máy bay Airbus! Đây là một thắng lợi, vì Mỹ nạp đơn thưa kiện từ năm 2014, tố cáo các nước Liên Âu (EU) trợ cấp cho công ty Airbus, cạnh tranh không công bằng với Boeing!

Nhìn chung thì nền thương mại toàn cầu đã thay đổi khiến kinh tế Mỹ không còn đóng vai trò đầu tàu kéo thế giới chạy theo nữa. Ngược lại, bây giờ Mỹ cũng bị lôi kéo, không cưỡng được.

Trước đây, khi các nước suy thoái, bớt mua hàng Mỹ xuất cảng, Mỹ vẫn chịu đựng được dễ dàng. Vì trong nền kinh tế Mỹ tỷ số hàng xuất cảng tương đối thấp. Ba phần tư việc sản xuất ở Mỹ là để cung ứng cho nhu cầu người tiêu thụ trong nước. Khi kinh tế thế giới xuống, Mỹ không bị ảnh hưởng nặng so với các nơi khác, như nước Đức chẳng hạn.

Nước Đức xuất cảng rất nhiều xe hơi và cả những thứ máy móc để chế tạo xe hơi. Khi người tiêu thụ bên Tàu hay bên Ấn Độ không mua xe nhiều nữa thì người Đức lo ngại. Từ 2012 đến 2018 số xe hơi dân Tàu mua tăng gấp rưỡi. Nhưng trong 12 tháng qua ở nước Tàu số xe bán giảm bớt 12%. Bắc Kinh đã hạn chế không để các ngân hàng vung tiền cho vay nữa, sợ trái bong bóng nợ xấu bùng nổ. Đức chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân khiến kinh tế Đức tụt giảm.

Trước đây, nước Mỹ không bị lôi cuốn vào cơn thoái trào của thế giới như vậy. Kinh tế Mỹ chịu áp lực từ các yếu tố trong nước, như tỷ số lạm phát, chính sách chi tiêu của chính phủ, mức lãi suất do Ngân Hàng Trung Ương ấn định, vân vân.

Nhưng đến năm 2019 tình hình bắt đầu khác. Nguyên do vì tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong hệ thống toàn cầu giờ đây nhỏ hơn trước. Nhiều quốc gia mới phát triển nhanh, thế giới bên ngoài đã giàu hơn. Riêng nước Tàu, Tổng Sản Lượng đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1980, bây giờ chỉ thua GDP nước Mỹ.

Lý do thứ hai, từ ba chục năm qua Mỹ bắt đầu bán ra ngoài nhiều hơn, nhờ nền kinh tế toàn cầu hóa. Năm 1980 Mỹ xuất cảng $272 triệu hàng hóa và dịch vụ (trong khi mua vào $291 triệu); tới năm 2018 Mỹ xuất cảng $2,500 triệu. Số xuất cảng đã tăng gần gấp mười lần (và số nhập cảng $3,100 triệu tăng hơn 10 lần).

Ngày nay, các công ty Mỹ đem tiền lời ở nước ngoài về nhiều hơn trước. Khi dân các nước khác ít tiêu tiền hơn thì Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nhờ tiến bộ kỹ thuật bây giờ Mỹ lại bắt đầu xuất cảng dầu, khi kinh tế thế giới xuống khiến giá dầu khí giảm, các công ty dầu khí của Mỹ bị ảnh hưởng nặng hơn.

Trong lãnh vực tài chánh, nước Mỹ cũng mất vai trò đầu tầu. Ngày xưa Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) chỉ cần căn cứ trên các điều kiện kinh tế trong nước mỗi khi quyết định lãi suất, cho lên hay xuống. Ngày nay, họ phải ngó xem các nước khác đang làm gì.

Tháng trước, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) cắt lãi suất, Tổng Thống Donald Trump đã thúc giục Fed phải cắt theo. Fed đã cắt tháng trước, và trong kỳ họp tới chắc còn cắt nữa. Vì mọi người đang lo kinh tế thế giới thoái trào sẽ kéo nước Mỹ xuống theo!

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ không thể làm ngơ như hồi xưa. Vì khi ECB cùng với Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, vân vân, cắt giảm lãi suất, giới đầu tư sẽ chuyển tiền vào nước Mỹ để kiếm lời cao hơn. Muốn đầu tư ở Mỹ, họ phải đi đổi tiền, tức là mua đô la Mỹ. Giá trị đồng đô la lên cao, khiến cho hàng hóa Mỹ bán ra ngoài sẽ tăng giá khi tính ra tiền nước khác. Các công ty Mỹ sẽ bán hàng khó hơn, trong khi dân Mỹ mua hàng ngoại quốc thấy rẻ hơn!

Hiện tượng đồng đô la lên giá đã diễn ra trong một năm qua. Cuộc chiến tranh thương mại nhắm cắt giảm khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với cả thế giới; đánh bằng cách tăng quan thuế. Nhưng những xáo trộn do cuộc chiến mậu dịch làm nhiều nước gặp khó khăn, người ta càng muốn đầu tư vào nước Mỹ. Thế là đồng đô la càng tăng giá. Nước Mỹ vẫn mua nhiều hơn số bán ra; cán cân mậu dịch vẫn thâm thủng như cũ và còn cao hơn.

Khi phát động chiến tranh mậu dịch, chính phủ Mỹ suy nghĩ rất giản dị. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc nói rằng mục tiêu cuộc chiến quan thuế này là làm cho bên địch chịu đòn đau, còn nước Mỹ thì không sao. Điều này nghe hợp lý, vì Trung Quốc và các nước Âu Châu, Canada, Mexico sống nhờ xuất cảng sang Mỹ. Khi quan thuế tăng làm cho giá hàng của họ đắt quá, không bán được nữa, thì họ sẽ không sống nổi, sẽ phải xếp giáo quy hàng. Trong khi đó nước Mỹ xuất cảng ít, có bán ít hơn chút cũng không sao.

Nhưng thực tế không giản dị như vậy. Chiến tranh mậu dịch khiến hầu hết các nước bị ảnh hưởng vì các nước khác cũng mua, bán hàng với các nước bị đánh thuế nặng. Do đó, cuộc chiến làm cho kinh tế cả thế giới đi xuống. Khi nghèo hơn, người ta cũng không thể mua hàng Mỹ xuất cảng nhiều như trước. Các công ty Mỹ không biết cuộc chiến bao giờ mới ngã ngũ, không biết sẽ dẫn tới đâu, đã bắt đầu ngưng không đầu tư và không tuyển mộ công nhân như trước nữa. Các số thống kê đang phơi bày hiện tượng này.

Chỉ số dự báo kinh tế PMI (đo lường kế hoạch sản xuất công nghiệp) đã tụt xuống 49.1 trong Tháng Tám, lại xuống 47.8 trong Tháng Chín. Khi nào chỉ số PMI thấp hơn 50 nó báo hiệu hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ giảm bớt. Hai tháng qua, PMI đã tụt giảm nặng nề nhất kể từ Tháng Sáu, 2009, khi Mỹ đang lôi cả thế giới vào cơn thoái trào lớn.

Khi hoạt động sản xuất giảm bớt thì các công nhân trong những ngành đó sẽ tiêu thụ ít đi, khiến các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng. Trong Tháng Chín, đến lượt chỉ số PMI trong các ngành dịch vụ, không sản xuất hàng hóa, cũng tụt giảm, ở nước Đức cũng như ở Mỹ; nhưng vẫn là 50.4, cao hơn con số 50, tức là vẫn tăng trưởng, dù yếu ớt. Bốn lãnh vực dịch vụ ở Mỹ đi xuống trong Tháng Chín là ngành địa ốc, cho thuê nhà thuê xe, và ngành bán sỉ.

Tóm lại, kinh tế Mỹ bây giờ không thể vững chân khi kinh tế thế giới đi xuống.

Điều đáng lo là hiện nay các người nắm quyền kinh tế khắp nơi sẽ khó chống đỡ khi kinh tế thoái trào, so với quá khứ.

Trước đây, muốn kích thích cho kinh tế đi lên, người ta vẫn dùng một phương pháp là cắt giảm lãi suất để người tiêu thụ cũng như giới sản xuất dễ vay tiền hơn. Nhưng Ngân Hàng Âu Châu (ECB) vừa mới giảm lãi suất cơ bản xuống dưới số không; rất khó cắt xuống nữa. Fed ở Mỹ thì còn đường để cắt, nhưng đã báo trước không chấp nhận lãi suất âm. Chính phủ có thể kích thích kinh tế bằng cách tiêu tiền thật nhiều, nhưng mức khiếm hụt ngân sách hiện đã lên rất cao sẽ không cho phép mạnh tay nữa.

Nếu chính sách lãi suất âm của ECB không vực dạy được kinh tế Đức và Âu Châu thì họ có thể dùng đến sách lược cuối cùng là hạ giá đồng euro để xuất cảng dễ hơn. Khi đó, đồng đô sẽ la lên giá, Mỹ bán hàng khó, sẽ phải phản ứng bằng cách hạ giá đồng mỹ kim. Một cuộc chạy đua hạ giá tiền tệ có thể tai hại không khác gì cuộc chạy đua đánh thuế lẫn nhau đang diễn ra.

Giữa những tin tức bi quan đó, ngày Thứ Sáu, 4 Tháng Mười, đã có một tin vui: Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm thêm, từ 3.7 xuống 3.5% mặc dù chỉ có 136,000 công việc làm mới, thấp hơn mọi dự đoán. Nhưng tin vui mừng cũng không làm người ta bớt lo lắng vì kinh tế thế giới vẫn trên đà uy yếu.

Trong kỳ họp cuối tháng này, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chắc sẽ hạ lãi suất một lần nữa, mặc dù kinh tế vẫn còn khỏe mạnh chưa cần tiêm thuốc kích thích. Cứ cẩn thận ngăn ngừa trước khi nước lụt đến chân thì hơn. Mỗi lần lãi suất lên hay xuống cũng phải chờ ít nhất nửa năm mới gây được ảnh hưởng trên đời sống. (Ngô Nhân Dụng)





No comments: