Nguyễn Khắc Nhẫn
04/10/2019
Những
hiểm họa và sự suy tàn không tránh khỏi của điện hạt nhân
trước năng lượng tái tạo
trước năng lượng tái tạo
« Sẽ có ngày con cháu ngạc nhiên trước việc
chúng ta đã
không biết những điều rõ ràng như vậy »
Nguyễn
Khắc Nhẫn
*
Vào tháng 11 năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã sáng suốt
từ bỏ chương trình điện hạt nhân. Tôi rất vui mừng khi nghe tin, bởi trong suốt
15 năm, tôi đã phản đối cuộc phiêu lưu nguy hiểm này thông qua những bài báo và
phỏng vấn trên các đài BBC Londres, RFA Washington và RFI Paris (nguyenkhacnhan.blogspot.fr).
Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài lâu, bởi thay
vì đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, Việt Nam lại tăng cường xây dựng nhiều
nhà máy điện than.
Gần đây, dưới sức ép của các nhóm lobby, đã có tiếng
nói trong nước kêu gọi khởi động lại chương trình điện hạt nhân! Điều này làm
tôi hết sức lo lắng.
Bài
trình bày này nhằm mang đến một cái nhìn mới về những hiểm họa và sự suy tàn của
điện hạt nhân, về vai trò vô cùng to lớn của các nhà máy điện than đối với biến
đổi khí hậu, và về sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo trên thế giới.
1- Điện hạt nhân trên thế giới
Các quốc gia có công suất đặt điện hạt nhân lớn là :
Hoa Kì, Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Canada, Ucraina, Đức, Anh. Năm trong số
này sản xuất 70% điện hạt nhân. Hoa Kì và Pháp chiếm 50% sản lượng.
Tính đến đầu năm 2019, điện hạt nhân dân sự bao gồm
450 lò phản ứng trên toàn thế giới, được phân bổ ở 31 quốc gia, với tổng công
suất đặt là 397 GW.
Hiện nay, điện hạt nhân chiếm khoảng 11% trong tổng
lượng điện sản xuất toàn cầu.
Năng lượng hóa thạch chiếm khoảng hai phần ba : than
41%, khí 22%, dầu mỏ 5%; các nguồn năng lượng ít carbon (hạt nhân, thuỷ điện, mặt
trời, gió…) 32%.
-
Hoa Kì :
Hiện nay Hoa Kì là nước có hệ thống sản xuất điện hạt
nhân lớn nhất thế giới, với 97 lò phản ứng đang hoạt động, tập trung ở 58 nhà
máy, và công suất đặt tổng cộng là 98,4 GW. Năm 2018, điện hạt nhân chiếm 19,3%
trong tổng sản lượng điện của Hoa Kì
-
Pháp:
Năm 2018, tổng sản lượng điện của Pháp lên đến 550
TWh, với phân bổ như sau : hạt nhân (71,7%), thuỷ điện (12,5%), khí (5,7%), gió
(5,1%), mặt trời (1,9%), năng lượng sinh học (1,8%), than (1,1%), fioul (0,4%).
Pháp có tỉ lệ điện hạt nhân cao nhất thế giới. Hệ thống sản xuất điện hạt nhân
bao gồm 58 lò phản ứng PWR (Pressurized Water Reactor).
Trong cùng năm này, Pháp xuất khẩu 86,3 TWh, nhập khẩu
26,1 TWh và tổng tiêu thụ điện của Pháp là 478 TWh.
2- Lò phản ứng thế hệ 3
- Sự thất bại của EPR (Evolutionary
Power Reactor) ở Flamanville:
Được thiết kế trong những năm 90, lò phản ứng thế hệ
3 này (1650 MW) là một ác mộng của EDF và báo hiệu thời kì suy tàn của mô hình
điện hạt nhân Pháp.
Thực tế, đã có hàng trăm chỉnh sửa trong quá trình
thực hiện nhà máy này, vốn được bắt đầu vào năm 2007 và dự kiến hoạt động vào
năm 2012.
Ngay từ đầu, việc xử lý các kết cấu bê tông (đáy,
vách, hồ chứa nhiên liệu) đã gặp nhiều thách thức. Năm 2009, Cơ quan an toàn hạt
nhân (ASN) của Pháp, Phần Lan, và Anh yêu cầu hiệu chỉnh hệ thống giám sát-điều
khiển. Cuối năm 2011, EDF bắt buộc phải làm lại toàn bộ hệ thống dầm của trục chống
đỡ (trục nằm dưới mái vòm của nhà chứa lò phản ứng). Rồi đến những tai tiếng về
thép và đáy vòm của thùng lò 425 tấn. Năm 2007, EDF đã biết về mật độ carbon
quá cao trên nắp đậy và đáy thùng (có thể làm tăng nguy cơ vỡ đột ngột). Bất chấp
việc không tuân thủ các yêu cầu kĩ thuật của Creusot Forge, EDF vẫn lắp đặt lò
vào năm 2014, xem như là việc đã rồi. Theo yêu cầu của EDF, ASN đã bật đèn xanh
cho phép đưa vào sử dụng thùng lò của EPR Flamanville, với điều kiện là phải thực
hiện chương trình giám sát sự suy giảm đặc tính do nhiệt độ. Nhưng điều này khó
khả khi. Một sự cố nghiêm trọng khác : EDF đã lắp đặt những ống dẫn hơi đến
turbine có hàng chục mối hàn không chuẩn. Đến nay, phần lớn các mối hàn này đã
được sửa, nhưng vẫn còn tám mối hàn rất khó can thiệp. Gần đây, ASN yêu cầu EDF
phải nhanh chóng sửa chữa.
Công trình đầy tai tiếng EPR Flamanville, với một loạt
các sai sót, thực sự là một thảm họa về khía cạnh con người, tài chính và kĩ
thuật. Người ta đã lên tiếng về một số người chết và nhiều người bị thương
trong số hàng trăm công nhân nước ngoài. Chi phí tăng mạnh. Ban đầu dự trù là
3,3 tỷ euros, nay đã là 11 tỷ. Và con số này sẽ còn tăng !
Và thêm một lần trễ hạn nữa : EDF vừa thông báo việc
đưa vào hoạt động của lò phản ứng thế hệ 3 này, được cho là biểu tượng của
ngành công nghiệp hạt nhân Pháp, sẽ không diễn ra trước cuối năm 2022 (tức trễ
10 năm).
Công trình Flamanville đã khởi động trong khi thiết
kế chưa hoàn thiện. Do đó, phải làm đi làm lại nhiều lần. EDF đã phạm một sai lầm
chiến lược nghiêm trọng.
Nguyên nhân của việc chậm trễ và tăng chi phí chỉ một
phần liên quan đến sự thiếu hụt về công nghệ của ngành hạt nhân Pháp. Phần lớn
là do chi phí an toàn, sau những tai biến Tchernobyl và Fukushima. EPR có thiết
bị đặc biệt để xử lý trường hợp chảy tâm lò và tường chắn bên ngoài để chịu đựng
được một vụ rơi máy bay.
Sự khốn khó của Flamanville đã được dự báo từ nhiều
năm. Và không ai chắc rằng có thể sửa được tám mối hàn mà không ảnh hưởng đến độ
an toàn tổng thể.
Theo một nghiên cứu gần đây của ADEME (Cơ quan về
môi trường và kiểm soát năng lượng), việc phát triển EPR sẽ không cạnh tranh được
nếu ta lấy giá là 70 euros/MWh do EDF ước tính. Và sự tối ưu về kinh tế cho hệ
thống điện của Pháp vào năm 2050 sẽ dựa trên 85% từ năng lượng tái tạo.
Để bù vào việc giảm điện hạt nhân, Ademe ưu tiên sự linh hoạt các nguồn sản xuất
điện (chuyển đổi điện thành khí, pin).
Theo PPE (Hoạch định nhiều năm về năng lượng), Pháp
sẽ giảm tỉ lệ điện hạt nhân từ 72% xuống còn 50% vào năm 2035 (ban đầu dự kiến
là 2025). Để đạt mục tiêu này, chính phủ xem xét đóng cửa 14 lò PWR 900 MW, bắt
đầu với nhà máy Fessenheim vào năm 2020.
Ta
tự hỏi không biết tại sao chính phủ Pháp vẫn tiếp tục ủng hộ lĩnh vực điện hạt
nhân đang trên đường suy tàn ?
-
Hai lò EPR Trung Quốc :
Tháng 12 năm 2018, EDF và đối tác Trung Quốc, China
General Nuclear Power Group (CGN) thông báo đưa vào khai thác thương mại EPR
Taishan 1. Đây là EPR đầu tiên hoạt động trên thế giới, dù công trình bắt đầu
vào năm 2009 (trễ 5 năm so với kế hoạch), và hai năm sau Flamanville. EPR
Taishan số 2 được đưa vào khai thác thương mại vào tháng 9 năm 2019.
-
EPR Phần Lan :
Năm 2005, EPR đầu tiên được bắt đầu xây dựng tại
Olkiluoto, Phần Lan, do Areva và Siemens làm chủ thầu.
Cũng như ở Pháp, việc hòa lưới bị chậm trễ đáng kể –
ít nhất 10 năm – do các vấn đề về công nghệ, bất thường, ngân sách. Chi phí cuối
cùng cũng tăng rất cao.
-
Hai lò EPR của Anh :
Sau những vấn đề lớn về chi phí và chậm trễ không dứt,
ngày 29/9/2016, tại Luân Đôn, EDF cùng với đối tác Trung Quốc CGN đã kí hợp đồng
xây dựng hai lò EPR ở Hinkley Point, phía Tây của Anh. Do những nhà máy hạt
nhân đang hoạt động sẽ đóng cửa vào khoảng giữa năm 2023 và 2030, chính phủ Anh
muốn giữ tỉ lệ điện hạt nhân ở mức 20%.
Tổng đầu tư dự kiến là 22,7 tỷ euro (EDF vừa thông
báo tăng thêm 3,3 tỷ). Lò EPR đầu tiên dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025, với
thời gian chậm trễ khoảng 15 tháng. EDF và CGN phải đảm bảo tài chính cho việc
chậm trễ hay tăng chi phí.
- Dự án ở Ấn Độ :
EDF đã kí với đối tác Ấn Độ một thỏa thuận, nhưng
chưa phê duyệt chính thức, về một siêu dự án với 6 EPR tại Jaitapur.
-
AP1000 :
Lò AP1000 của công ty Hoa Kì Westinghouse
Electric Corporation là lò phản ứng nước áp suất thế hệ 3. Nó được thiết kế
nhằm chống lại sự mất mát nhiệt độ lạnh tại tâm hoặc hồ lưu trữ nhiên liệu,
trong trường hợp bị mất nguồn điện hay vỡ ống.
Lò AP1000 đầu tiên hòa lưới vào tháng 6/2018
là Sanmen 1 của Trung Quốc. Hai lò khác Sanmen 2
và Haiyang 1 đã đưa vào hoạt động vào tháng 8/2018.
Năm 2013, Hoa Kì khởi công xây dựng ba lò AP1000 (1
lò ở Vogtle và 2 lò ở Virgil Summer).
-
Atméa 1:
Lò phản ứng thế hệ 3 Atméa 1 công suất 1100 MW, được
Areva và Mitsubishi Heavy Industries (MHI), phát triển chung, chưa được xây dựng.
Về lý thuyết, lò này có cùng độ an toàn với EPR (công suất lớn hơn nhiều : 1650
MW).
Hai nước quan tâm nhiều nhất đến Atméa 1 là Thổ Nhĩ
Kì và Jordan.
3 – Những lò phản ứng mới -
Nghiên cứu và phát triển
- Nhà
máy điện hạt nhân nổi của Nga:
Nhà máy điện nổi đầu tiên này sẽ cung cấp điện cho
vùng biệt lập ở miền Đông Siberie. Nhà máy Akadémik Lomonossov đã đến cảng
Pevek, sau khi được cung cấp nhiên liệu hạt nhân tại Mourmansk ngày
23/08/2019. Hai lò phản ứng KLT- 4OS, công suất 35 MW, tương tự như các lò phản
ứng dùng cho tàu phá băng. Nhưng khác với các lò này, vốn dùng uranium làm giàu
mạnh, KLT- 4OS chỉ sử dụng uranium ít làm giàu. Nặng 21.000 tấn, nhà máy, với
chiều dài 144 m và chiều rộng 30 m, được kéo bởi nhiều tàu trên quãng đường
5000 km cho đến bán đảo Tchoukotka, ra khỏi vòng tròn Bắc cực. Nó sẽ chưa hoạt
động cho đến trước tháng 4/2020. Các hiệp hội môi trường cảnh báo về nguy hiểm
của một Tchernobyl trên băng hay một Titanic hạt nhân. Rosatom xem xét xây dựng
nhiều SMR nổi khác, công suất lớn hơn nhưng ít cồng kềnh hơn.
-
Lò phản ứng khối nhỏ (Small Modular Reactors - SMR) :
Trên thế giới, từ nhiều năm nay, vài quốc gia công
nghiệp mạnh, đã nghiên cứu và phát triển các lò phản ứng dùng neutron nhanh thế
hệ 4. Các lò SMR có ba ưu điểm sau :
1- cho phép tiêu thụ tất cả plutonium sinh ra từ các
lò phản ứng nước nhẹ hiện tại
2- có thể sử dụng mọi dạng uranium, uranium nghèo và
uranium sau tái chế từ các thanh nhiên liệu đã dùng trong các nhà máy hạt nhân
hiện nay
3- chuyển đổi một số nguyên tố actinide nhẹ, vốn là
nguồn chủ yếu phát nhiệt và bức xạ độc hại từ chất thải hạt nhân cuối cùng
về lâu dài.
SMR là các lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ, từ
vài chục đến vài trăm MW. Nó bao gồm các lò phản ứng nước áp suất, các
lò phản ứng neutron nhanh và các lò phản ứng dùng thorium.
Một trong những ưu điểm khác là giảm suy hao công suất
đột ngột, khi có sự cố bất thường. Nó cũng linh động hơn, dù hạn chế. Công suất
thấp làm giảm nguy cơ chảy tâm lò. Nhưng do tăng số lò nhỏ, nhiều địa điểm có
nguy cơ gặp sự cố.
Các nước Hoa Kì, Nga, Canada, Bỉ đầu tư lò SMR neutron
nhanh.
Sự phân tán của các cơ sở lắp đặt đưa ra vấn đề an
toàn, khi tính đến lượng plutonium lớn.
Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai ở mức độ lớn
và xuất khẩu SMR sang các nước đang phát triển sẽ chưa thực hiện được trong
tương lai gần.
(Đừng quên rằng lò phản ứng Superphénix (neutron
nhanh dùng sodium), làm Pháp tiêu tốn gần 10 tỷ euro, đã phải ngưng hoạt động
vào năm 1997)
- Lò phản ứng Astrid thế hệ 4:
Chính phủ Pháp vừa mới ngưng dự án lò phản ứng
neutron nhanh Astrid (Advanced Sodium Technological Reactor for Industrial
Demonstration).
Astrid là dự án lò phản ứng nhanh làm mát bằng
sodium, dự kiến xây dựng tại cơ sở hạt nhân Marcoule ở vùng Gard. Mục tiêu của
lò thế hệ 4 này là sử dụng uranium nghèo và plutonium làm nhiên liệu, hay nói
cách khác là tái sử dụng chất thải phóng xạ của các nhà máy hạt nhân hiện nay
và phần lớn lưu trữ ở La Hague. Astrid dự tính sẽ không những biến chất không sử
dụng hiện nay thành nhiên liệu, mà còn làm giảm đáng kể chất thải hạt nhân. Dự
án này đưa ra một chu trình hạt nhân khép kín, về tái sử dụng chất thải. Việc từ
bỏ dự án này liên quan đến chi phí cao – ước tính từ 5 đến 10 tỷ euro – trong bối
cảnh giá uranium tương đối thấp, cũng như thiếu sự hỗ trợ chính trị.
Nhưng Pháp vẫn muốn tiếp tục cuộc đua. EDF, CEA, Naval
Groupe và Technicatome vừa thông báo tham vọng hợp tác với Westinghouse để phát
triển các lò phản ứng khối nhỏ từ 300 đến 400 MW vào năm 2030, có tên là
Nuward. Sau đó sẽ sản xuất hàng loạt trong nhà máy.
Nga đang đi trước về công nghệ đa tái chế nhiên liệu
hạt nhân và quản lý plutonium. Ba lò phản ứng đang được khai thác, trong đó hai
lò 600 MW và 800 MW hoạt động từ 2016. Tháng 12/2017, Trung Quốc thông báo xây
dựng thử nghiệm lò 600 MW tại Xiapu tỉnh Fujian. CNNC và công ty Hoa
Kì TerraPower có ý định thương mại hóa công nghệ có tên là TWR (lò phản ứng
sóng lũy tiến).
-
NRIC của Hoa Kì :
Ngày 15/8/2019, Bộ Năng lượng Hoa Kì (DOE) thông báo
khởi công trung tâm phát triển các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến. Trung tâm mới
hình thành NRIC (National Reactor Innovation Center) sẽ cho ra đời những thiết
kế mới về SMR và lò phản ứng nhỏ trong vòng năm năm tới. Hoa Kì muốn dẫn đầu thế
giới trong lĩnh vực lò phản ứng tiên tiến.
-
Vụ nổ tên lửa hạt nhân tại Nga :
Ngày 8/8/2019, tại căn cứ phóng tên lửa Nyonoska
phía Bắc nước Nga, mức độ phóng xạ vượt quá ít nhất 16 lần mức độ thông thường,
sau vụ nổ làm chết 5 kĩ sư của Rosatom. Người ta đã tìm thấy các đồng
vị phóng xạ strontium 91, baryum 139 trong
các mẫu thu thập tại thành phố Severodvinsk, gần nơi xảy ra tai nạn. Những đồng
vị này là sản phẩm của phản ứng dây chuyền trong phân rã hạt nhân. Về lý thuyết,
dùng năng lượng hạt nhân để đẩy tên lửa cho phép khỏi dùng chất đốt. Nhưng
thách thức về kĩ thuật là vô cùng lớn : trước hết cần thu nhỏ lò phản ứng hạt
nhân và lắp đặt nó trên tên lửa. Việc sử dụng và an toàn hạt nhân có những ràng
buộc rất khó khăn.
- Năng lượng tổng hợp hạt nhân: Vẫn
còn nhiều người tin vào sự kì diệu của năng lượng tổng hợp hạt
nhân (énergie de fusion). Lò phản ứng thí nghiệm ITER (International
Thermonuclear Experimental Reactor) tại Cadarache chiếm hơn 60% ngân sách Châu
Âu về nghiên cứu năng lượng. Nhiều nhà vật lý cho biết đó là một thất bại nhìn
thấy trước.
4- Tháo dỡ nhà máy điện hạt
nhân
Việc tháo dỡ một cơ sở hạt nhân tạo ra một lượng lớn
chất thải thông thường và phóng xạ. Ở Pháp, con số này là 2.300.000 m3, gồm tất
cả các loại. Hiện nay chưa có ngành công nghiệp tháo dỡ hoàn chỉnh.
Theo luật ban hành ngày 17/8/2015, khi một nhà máy
điện hạt nhân dừng hoạt động vĩnh viễn, EDF phải tiến hành tháo dỡ trong thời
gian ngắn nhất có thể. Trên thực tế, không thể tuân thủ điều luật này về mặt kĩ
thuật. Trước hết, cần thời gian từ 5 đến 7 năm khi dừng hoạt động đến lúc tháo
dỡ. Các công trường ở Brennilis (dừng năm 1985) và Superphénix (dừng năm
1997) còn lâu mới kết thúc.
Với lí do chuyển đổi lựa chọn công nghệ, EDF phải dời
đến năm 2100 việc tháo dỡ các lò phản ứng graphite gaz ở St Laurent des
Eaux.
EDF phải gánh chịu chi phí tháo dỡ. Công ty đã dự
trù 75 tỷ euro, một con số quá thấp, chỉ có 35 tỷ được dự trữ. Như vậy không đủ,
nếu so sánh với các nước khác. Ví dụ, ở Đức con số này cao hơn 2,4 lần.
Tháng 6/2018, EDF và Véolia đã kí một thỏa thuận
quan trọng về tháo dỡ các nhà máy điện hạt nhân. Hai công ty này nhắm vào việc
dừng 300 trong số 450 lò phản ứng đang hoạt động trên thế giới, từ nay đến
2035-2040. Thị trường này ước tính lên đến 200 tỷ euro.
Chi phí tháo dỡ mỗi lò PWR dao động từ 1 đến 2 lần :
500 triệu euro tại Pháp, 1 tỷ euro tại Đức.
Chất thải hạt nhân và tháo dỡ là những vấn đề nan giải.
Thách thức công nghệ vô cùng lớn. Do độ phóng xạ lớn, những can thiệp, với sự
trợ giúp của robot đặc biệt, điều khiển từ xa, phải hết sức chính xác. Thời
gian tháo dỡ thường lâu hơn thời gian hoạt động của lò phản ứng. Đó là sự phiêu
lưu ngoài vòng kiểm soát. Ta có thể chỉ trích các nhà công nghiệp về sự thiếu dự
tính. Họ thiếu suy nghĩ về con số vài chục năm để tháo dỡ nhà máy hay hàng
nghìn năm của chất thải phóng xạ.
Ở Fukushima, Tokyo Electric Power Company (Tepco) vừa
thông báo là họ không còn đủ chỗ để lưu trữ một lượng nước ô nhiễm khổng lồ
trong ba năm tới. Sau thảm họa, nước bị nhiễm phóng xạ thoát ra từ lò phản ứng
bị hư hại và hòa lẫn vào lớp nước ngầm. Nước được xử lý, nhưng nó vẫn còn nhiễm
phóng xạ nhẹ. Hơn một triệu tấn nước đã được giữ trong một nghìn bể chứa. Tepco
có ý định đổ lượng nước này ra đại dương!
Nhưng một khi nước ô nhiễm và tritium tồn tại trong
đại dương, nó sẽ theo dòng hải lưu và đi đến khắp nơi, trong đó có biển đông của
Hàn Quốc.
5 – Chất thải hạt nhân
Pháp và Nga là những nước hiếm hoi thực hiện chu
trình kín, nghĩa là tái xử lý và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Anh với nhà máy tái xử lý Sellafield và Nhật Bản với Rokkasho-Mura, gặp rất nhiều
khó khăn.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã thương lượng với Orano
(trước đây là Areva) về thiết bị cho một nhà máy tái xử lý giống như nhà máy ở
La Hague. Theo thông tin mới nhất, những thương lượng thương mại đã gần như kết
thúc.
Do lo ngại về sự gia tăng của plutonium, Hoa Kì lưu
trữ nhiên liệu đã sử dụng mà không qua khâu xử lý đặc biệt nào. Việc tái xử
lý làm tăng nguy cơ liên quan đến chuyên chở nhiên liệu và chất thải sinh ra
thêm.
Mỗi năm, 1200 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng, lấy ra
từ 58 lò phản ứng của EDF (phân bổ tại 19 nhà máy điện hạt nhân), được đưa đến
La Hague.
- 1% plutonium di chuyển đến nhà máy Mélox ở
Marcoule để sản xuất nhiên liệu MOX, sau đó lắp vào 22 lò phản ứng của EDF.
- 4% chất thải cuối cùng (sản phẩm phân hạch và các
actinides hoạt động mạnh và tồn tại lâu) được bọc thuỷ tinh và lưu trữ tại chỗ.
Sau này, chúng sẽ được lưu trữ ở đáy Trung tâm công nghiệp lưu trữ địa chất
(Cigéo) tại Bure vùng Meuse.
Về lí thuyết, việc tái xử lý cho phép tiết kiệm 10%
tài nguyên uranium tự nhiên, nhờ vào giá trị của plutonium và 25% với việc phục
hồi giá trị uranium. Sau đây là vài con số về Cigéo ở Bure : 85.000 m3 chất thải
hoạt động mạnh hay tồn tại lâu (hàng trăm ngàn năm) – 300 km đường hầm chứa
240.000 thùng chất thải phóng xạ. Andra (Cơ quan quốc gia về quản lý chất thải
phóng xạ) cho biết chi phí dự trù là 35 tỷ euro.
Theo tổ chức ONG Hoa Kì Union of Concerned
Scientists, cuối cùng, việc tái xử lý làm tăng lượng chất thải tổng cộng.
Việc lưu trữ 54 tấn plutonium từ quá trình tái xử lý
ở La Hague, gây ra vấn đề lớn về an toàn (khủng bố, phóng xạ mạnh). Mặt khác,
các bể chứa ở La Hague sẽ đầy vào năm 2030 (hiện nay đã là 93%).
Về hiệu quả kinh tế, một số chuyên gia thừa nhận rằng
chi phí tổng cộng của tái chế gần như tương đương với không tái chế.
Theo nhà vật lý Bernard Laponche, việc lưu trữ chất
thải phóng xạ trong vỏ trái đất gây ra nguy cơ không chấp nhận được đối với các
thế hệ tương lai. Đó là giải pháp tệ hại nhất, bởi nó nguy hiểm và không thể đảo
ngược. Có những nguy cơ về cháy, động đất, nước xâm nhập hay nổ liên quan đến
việc tạo ra hydro, đó là chưa kể đến các vấn đề an toàn của cơ sở lưu trữ.
Theo luật ban hành ngày 25/7/2016, việc lưu trữ có
thể đảo ngược. Trên thực tế không thể thay đổi chiến lược quản lý chất thải sau
khi đã đóng cửa cơ sở lưu trữ. Vi vậy, đó là một lựa chọn áp đặt cho các thế hệ
tương lai. Chôn sâu các chất thải, đó là đầu độc đất đai hàng ngàn năm.
Đằng sau hạt nhân dân sự là hạt nhân quân sự. Làm
giàu uranium để làm nhiên liệu hay bom hạt nhân có cùng quy trình công nghệ.
Hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu cho quản lý chất
thải. Giải pháp ít tệ hại nhất có lẽ là lưu trữ tạm ở gần mặt đất như ở Mỹ hay
Đức. Theo Bernard Laponche, làm như vậy sẽ còn cơ hội cho nghiên cứu để tìm ra
giải pháp cũng như để cho các thế hệ tương lai lựa chọn.
Cơ sở lưu trữ chất thải hoạt động yếu (TFA-FA) với
thời gian tồn tại ngắn và độ nguy hiểm thấp ở Morvilliers (Aube) không tạo ra
những phản đối mạnh mẽ như ở Bure, vốn chứng kiến vô số biểu tình từ nhiều năm
nay. Sự đàn áp của cảnh sát và pháp lý không làm suy giảm nhiệt tình của những
người tranh đấu, vẫn luôn phản đối quyết liệt thùng rác hạt nhân này.
Từ năm 1946 đến 1993, 14 quốc gia đã tiến hành chôn
chất thải phóng xạ tại hơn 80 địa điểm ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc
Cực. May mắn là năm 1993, một thỏa thuận quốc tế đã đạt được để chấm dứt phương
thức nguy hiểm này.
- Rác thải hạt nhân và công nghiệp dầu mỏ tại
Hoa Kì:*
Đề xuất chôn chất thải phóng xạ cao ngay giữa khu vực
dầu mỏ của Hoa Kì đã bị giới công nghiệp phản đối.
Khu vực rộng 220.000 km2, nằm về phía tây Texas và Nouveau-Mexique,
cung cấp hơn 4,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức gần bằng Irak. Tại đây, hoạt động
khoan giếng dầu, sử dụng kĩ thuật fracturation hydraulique, thường gây nên động
đất. Bất chấp nguy cơ đó, Cơ quan quản lý hạt nhân Hoa Kì (NRC) vẫn quan tâm đến
dự án chôn 210.000 tấn chất thải hạt nhân ngay tại vùng này – kể cả những chất
thải với độ phóng xạ cao nhất.
Hiện nay, do chưa có địa điểm quyết định, nhiên liệu
hạt nhân đã qua sử dụng được lưu trữ ngay tại các nhà máy. Địa điểm chôn cất mới
này sẽ là tạm thời, khoảng một trăm năm, trong lúc chờ đợi một giải pháp bền vững.
Các công ty dầu mỏ trong vùng có cùng lo lắng như các nhà bảo vệ môi trường.
-
Laser và chất thải hạt nhân:
Theo Giáo sư Gérard Mourou, Nobel Vật lý, ta có thể
dùng laser CPA (Chirped Pulse Amplification) để giảm đáng kể mức độ phóng xạ của
chất thải hạt nhân. Cụ thể là nó biến đổi các nguyên tố phóng xạ tồn tại lâu
thành các nguyên tố khác, hoặc không phóng xạ, hoặc là có thể phân rã trong thời
gian ngắn. Mục đích cuối cùng là làm cho các chất thải này không còn phóng xạ.
Dự án này vô cùng phức tạp. Nó chưa thể khai thác được
trước năm 2035. Hiện tại, người ta trông chờ nhiều vào dự án Myrrha thuộc Trung
tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân Mol ở Bỉ, mà một trong các mục tiêu là tạo
ra hạt neutron nhờ máy gia tốc hạt. Tia laser do Giáo sư Gérard Mourou thực hiện
có khả năng thay thế máy gia tốc này. Năng lượng sẽ được tạo ra trong một
phần triệu tỷ giây. Chùm laser sẽ gây ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, giải phóng
hạt neutron 14 MeV, sẽ đập vào các actinides để thực hiện việc biến đổi nguyên
tố.
6 – Sự suy tàn của các công ty
hạt nhân lớn
Kể từ giữa những năm 1990, các công ty hạt nhân lớn
đã hứng chịu nhiều thất bại nghiêm trọng. Ta có thể kể đến Westinghouse
Electric (Hoa Kì), Toshiba (Nhật), Avera và EDF (Pháp). Chỉ có Engie (trước đây
là GDF Suez) biết cách thích nghi với thị trường điện. Rosatom (Nga) và CGN
(Trung Quốc) có rất ít khách hàng.
- Khủng hoảng tài chính ở EDF :
Tình hình tài chính bi đát của EDF hiện nay đến từ
những sai lầm chiến lược từ đầu những năm 1970. Việc xây dựng nhanh chóng các
nhà máy điện hạt nhân, với tốc độ từ 4 đến 6 lò hằng năm từ 1971 đến 1991, là
nguồn gốc của mọi khó khăn này. Tất nhiên, việc xây dựng quá mức với 58 lò PWR,
tiêu tốn 188 tỷ euro, cho phép EDF xuất khẩu điện sang các nước lân cận. Nhưng
đây hoàn toàn không phải là mục tiêu ban đầu.
Khẩu hiệu «tất cả dùng điện, tất cả hạt nhân» đã dẫn
đến 36% số hộ gia đình dùng sưởi điện, làm tăng nhanh chóng mức tiêu thụ đỉnh.
Tổn thất nhiệt trong quá trình chuyển đổi từ nhà máy, dọc theo mạng truyền tải
và phân phối, cho tới các máy sưởi là rất lớn. Người ta đã không tính đến sự
lãng phí.
Hoạt động quốc tế của EDF, bắt đầu từ đầu những năm
1990, tập trung chủ yếu ở Anh và Ý. Nhiều dự án thất bại thảm hại. Ví dụ trường
hợp mua 49% bộ phận hạt nhân của công ty điện Hoa Kì Constellation Energy vào
năm 2008.
Bất chấp việc từ chức ầm ĩ của Giám đốc tài chính
Thomas Piquemal và sự chống đối mạnh mẽ, năm 2016 EDF vẫn cương quyết khởi công
xây dựng nhà máy Hinkley Point tại Anh, với 2 lò EPR. Tổng đầu tư có lẽ sẽ vượt
quá 24 tỷ euro (phần tăng thêm vào khoảng 3,3 tỷ euro). Ở đây EDF đã chấp nhận
rủi ro công nghiệp và tài chính vô cùng lớn.
Phản ứng trước tình trạng tăng giá thành và chậm trễ
của các công trình EPR ở Phần Lan, Pháp và Anh, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính
Pháp, Bruno Le Maire, đã tuyên bố rằng mọi sai sót đều không thể chấp nhận được.
Ông ta thông báo rằng một cuộc kiểm toán hoàn toàn độc lập sẽ được thực hiện
liên quan đến bộ phận hạt nhân và sự lựa chọn EPR.
Nếu tính thêm chi phí về khai thác, tăng cường an
toàn, kéo dài thời gian của lò, mà Kiểm toán nhà nước ước tính khoảng 100 tỷ
euro, EDF sẽ đối mặt với mức đầu tư vô cùng lớn. Dù có sự hỗ trợ của chính phủ
(là cổ đông với hơn 83%), EDF cũng khó chịu đựng được số nợ khổng lồ 37,4 tỷ
euro (gấp đôi tính thô) Giá cổ phiếu của công ty sụt giảm vào năm 2015 và
phải rời CAC 40. Năm 2017, EDF tăng vốn với 4 tỷ euro, trong đó 3 tỷ từ chính
phủ. Chính phủ cũng tạm thời không lấy cổ tức dưới dạng tiền mặt mà lấy cổ phiếu.
Tuy nhiên, cũng có điểm sáng cần chú ý : EDF đã biết
cách chuyển hướng hợp thời bằng cách tạo ra EDF EN (EDF Energies Nouvelles) vào
năm 2004, và sau đó trở thành EDF Renouvelables tháng 9 năm 2018.
Đối mặt với khủng hoảng tài chính chưa từng có,
doanh số giảm mạnh, EDF với 155 000 nhân viên trên khắp thế giới, trong đó 125
000 nhân viên ở Pháp, đang phải đóng cửa một số chi nhánh và sa thải 5000 người.
Dự án Hercule, bị phản đối mạnh mẽ bởi nhân viên và
công đoàn, muốn tách công ty thành hai đơn vị: "EDF bleu", do Chính
phủ nắm 100%, và "EDF vert", trong đó 35% được đưa lên sàn chứng
khoán. Bộ phận hạt nhân, đập thuỷ điện và RTE (mạng truyền tải điện áp cao) sẽ
thuộc "EDF bleu". Enedis (mạng lưới phân phối), bán điện, năng lượng
tái tạo, và dịch vụ (nhất là Dalkia) thuộc về "EDF vert".
Ảnh hưởng của nắng nóng và khô hạn khiến cho EDF mất
thêm tiền. Do sụt giảm lưu lượng của các dòng sông, EDF phải giảm mức sản xuất ở
nhiều nhà máy điện hạt nhân.
Trong số 58 lò phản ứng, 4 lò đã 40 năm (2 ở
Fessenheim và 2 ở Bugey), 44 lò trên 30 năm và 48 lò sẽ đạt đến ngưỡng tuổi từ
đây đến 2028.
Về mặt công nghệ, những bí quyết ngày càng mất đi và
vấn đề trang thiết bị cũ kĩ gây hết sức lo ngại. EDF đã không xây dựng nhà máy
điện hạt nhận tại Pháp từ 3 thập kỉ. ASN cho biết các ống dẫn nước của 29 lò phản
ứng và nhiều thiết bị khác đã xuống cấp do ăn mòn, điều này có thể gây nên những
tai nạn nghiêm trọng. Số nhân công làm cho các nhà thầu phụ lại quá
nhiều (20.000 người) cũng đáng lo ngại do việc kiểm tra và bảo dưỡng không như
mong đợi.
Ý thức được nguy hiểm tiềm tàng, ngày 17/09/2019,
ASN đã gửi thư đến các cơ quan nhà nước, trường học và dân cư trong bán kính từ
10 đến 20 km xung quanh 19 nhà máy điện hạt nhân Pháp. Bán kính an toàn, tăng từ
10 đến 20 km sau thảm họa Fukushima năm 2011, liên quan đến hơn 2 triệu người.
Đây là chiến dịch phổ biến những biện pháp an toàn và phân phát iot phòng ngừa.
(Việc dùng nhiều iot ổn định lại làm bão hòa các tế bào tuyến giáp, và sẽ không
còn hấp thu iot phóng xạ).
7 -Nhiên liệu hóa thạch và biến
đổi khí hậu
Mặc dù có giảm chút ít về khí thải nhà kính năm
2018, nhưng do sự níu kéo của điện hạt nhân, Pháp vẫn còn lâu mới đạt được mục
tiêu về giảm khí CO2 và phát triển năng lượng tái tạo. Đức muốn đầu tư 100 tỷ euro cho việc bảo vệ khí hậu và chuyển đổi
năng lượng từ đây đến 2030. Đức quyết định bỏ dùng than từ đây đến 2038 và từ bỏ
hạt nhân từ đây đến 2022, quyết định được đưa ra sau thảm họa Fukushima.
Hiện nay, trên thế giới, than là nguyên
nhân chính của 44% khí thải CO2 (khoảng 33 giga tấn mỗi năm). Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) khuyên nên sử dụng các «giếng
carbone» (rừng, nông nghiệp) để hút CO2 trong khí quyển. Nhưng phải cần đến biện
pháp thu giữ và lưu trữ. Tháng 7 vừa qua, tạp chí Science công bố một nghiên
cứu đề nghị trồng một tỷ hecta rừng để chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Biện pháp trồng rừng này có khả năng thu giữ 205 giga tấn carbone trong khí quyển. Một
niềm hi vọng nhỏ: các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Rice (Hoa
Kì) vừa thực hiện một lò phản ứng xúc tác sử dụng CO2 như là nguyên liệu và tạo
ra acide formique (hay acide méthanoïque CH2O2 –tinh khiết và nồng độ
cao). Đó là một dạng pin nhiên liệu có khả năng tạo ra điện.
Về mặt lý thuyết, nhiệt độ trung bình của thế giới
có thể tăng 7 độ từ đây đến cuối thế kỉ, theo đánh giá của các nhà khoa học
Pháp (CNRS, CEA và Météo-France) sau khi thực hiện gần đây những mô hình khí hậu
mới, ổn định hơn và chính xác hơn. Năm 2017,
phía Bắc Đại Tây Dương hứng chịu khoảng một chục cơn bão. Ba cơn bão lớn nhất -
Harvey, Irma và Maria- khiến Hoa Kì thiệt hại 265 tỷ đô la. Năm 2018 cũng thật
tồi tệ, với 15 cơn lốc xoáy, trong đó có 6 cơn bão. Mới đây, năm 2019, cơn bão
Dorian cấp độ 5 theo thang đo Saffir-Simpson, với sức gió đặc biệt mãnh liệt
lên đến 300 km/h, đã tàn phá quần đảo Bahamas. Thiệt hại khủng khiếp với hàng
chục người chết.
Hết sức lo ngại trước tình trạng cháy rừng hiện nay
tại khu vực rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong đó 60% thuộc lãnh thổ
Braxin, Tổng thư kí Liên hiệp quốc, Antonio Guterres, vừa kêu gọi quốc tế cứu rừng Amazone,
một nguồn quan trọng cung cấp oxy và đa dạng sinh học.
Thứ sáu ngày 20/09/2019, dưới sự kêu gọi của Phong
trào «Friday for Future» của cô gái trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg, cuộc tổng
biểu tình chống lại biến đổi khí hậu đã đạt thành công mang tính lịch sử. Hơn 4
triệu người biểu tình khắp thế giới, trong đó có 300.000 người ở Berlin và
250.000 người ở New York. Hàng trăm công ty cũng
hưởng ứng, cho phép nhân viên tham gia tuần hành.
Người ta thấy hàng ngàn nhân viên của Amazon, mà ông
chủ tịch Jeff Bezos đã thông báo một kế hoạch lớn để công ty đạt được «zero
carbon» từ đây đến 2040. Ngày hôm sau (thứ bảy 21/09) đã diễn ra hội nghị
thượng đỉnh đầu tiên của giới trẻ về khí hậu, được tổ chức bởi Liên Hiệp Quốc,
quy tụ một nghìn người từ Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Bên cạnh việc
kêu gọi các hành động cấp bách chống lại biến đổi khí hậu, các bạn trẻ đã trình
bày những giải pháp mà họ thực hiện tại nước họ.
«Vấn đề của các nhà lãnh đạo thế giới là nói quá nhiều
và nghe quá ít», Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc tuyên bố trong lễ khai mạc hội nghị.
Ông cảm ơn thế hệ trẻ đã làm «thay đổi sự thờ ơ và bỏ mặc của các nhà lãnh đạo
các nước». Hướng về Greta Thunberg, ông nói «đã có sự biến đổi về sự nhiệt tình
nhờ sự dũng cảm của cô». Trong diễn văn trước
Liên Hiệp Quốc, Greta Thunberg đã lên án sự thiếu hành động của các nhà chính
trị trong việc chống biến đổi khí hậu. Một cách xúc động, cô ấy nói «Các hệ
sinh thái đang suy sụp, chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của một cuộc huỷ diệt
hàng loạt, và tất cả những gì các Ngài nói là tiền và những câu truyện cổ tích
về tăng trưởng kinh tế bất tận. Tại sao các Ngài dám làm thế ?» Bài
diễn văn của cô gái trẻ Thụy Điển trách cứ các nhà lãnh đạo thế giới, đã gây
nên làn sóng chỉ trích vô lý.
Tại Liên Hiệp Quốc, các nước gây ô nhiễm nhất từ chối
cam kết. Chỉ 66 quốc gia, phần lớn đang phát triển và chỉ chiếm 6,8% khí thải,
cam kết tăng cường cố gắng từ đây đến 2020. Ngày 25/09/2019 tại Monaco,
GIEC (*) công bố báo cáo đặc biệt và hết sức đáng lo ngại, lần đầu tiên tập
trung vào đại dương và băng (tuyết, băng, chỏm băng, tảng băng, hồ và mặt đất
đóng băng). Phần băng tuyết, chiếm 10% bề mặt trái đất và lưu trữ 70% lượng nước
ngọt, đã giảm rất nhanh dưới ảnh hưởng của sự nóng lên của khí hậu, tại khắp
nơi trên trái đất và tại mọi độ cao. Đại dương sẽ ít oxy hơn, nhiều axit hơn,
nóng hơn, mặn hơn, ít sinh vật hơn, và sẽ nở ra do băng tan.
Thứ sáu ngày 27/09/2019 đã diễn ra một trong những
cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất từng có ở Montréal, với nửa triệu
người tham gia và Greta Thunberg dẫn đầu đoàn diễu hành. Qua ngày hôm sau, 100.000 người cũng biểu tình ở thành phố Bern,
kinh đô Thụy Sĩ.
8- Nhận xét cá nhân
Tôi vừa biết, thông qua VnExpress, là người dân Hà Nội
và thành phố Hồ Chí Minh từ những năm gần đây đã hít thở không khí ô nhiễm, rất
độc hại cho sức khỏe. Đo đạc thực hiện ngày 17/9/2019 ở Hà Nội và ngày 20/9 ở
Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy những kết quả sau. Chỉ số chất lượng không khí
IQA: Hà Nội (185), Hồ Chí Minh (175). Chỉ số về hạt bụi mịn : Hà Nội (111,3 µg/
m³), Hồ Chí Minh (102,7 µg/ m³), tức hơn bốn lần chuẩn quốc gia (25 µg/m³) và
hơn 11 lần so với ngưỡng của OMS.
Theo báo cáo của AirVisual ngày 26/9/2019, trong số
10 thành phố ô nhiễm nhất trên tổng số 10.000 thành phố được nghiên cứu, Hà Nội
đứng đầu, theo sau là Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh. Nước sông Sài Gòn-Đồng Nai, nguồn cung cấp quan trọng cho thành
phố, cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính quyền vừa tăng cường các biện
pháp và qui định để cải thiện tình hình.
Ngày 15/9/2019, trong một diễn đàn trên báo Journal
du Dimanche, 80 lãnh đạo các trường đại học và trường lớn của Pháp, cũng như
1000 giảng viên và nhà nghiên cứu, đã đề nghị Bộ Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới
đưa vấn đề cấp thiết về khí hậu vào chương trình giảng dạy và cung cấp trang
thiết bị cần thiết.
Cá
nhân tôi mong đợi Việt Nam sẽ sớm đưa chương trình giảng dạy về khí hậu, sinh
thái, phát triển bền vững vào các trường cấp hai và cấp ba, chứ không chỉ ở bậc
đại học.
Từ nhiều năm, Trung Quốc, với khoản đầu tư 120 tỷ đô
la và những quy định nghiêm ngặt, đã dần dần giảm được ô nhiễm không khí. Hàng
trăm nhà máy điện than đã đóng cửa. Theo báo cáo gần đây của Greenpeace và
Avisur, Bắc Kinh, với chỉ số về hạt bụi mịn PM 2,5, tức vẫn còn cao hơn 4 lần
so với ngưỡng của OMS, đang xếp thứ 122, nhưng có thể sẽ sớm ra khỏi danh sách
200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Việt
Nam không nên lặp lại những sai lầm của Trung Quốc, để sớm muộn khỏi phải trả
chi phí quá đắt về giảm carbon trong nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều nước có vẻ quên, và điều này
hết sức nghiêm trọng, rằng CO2, thủ phạm chính của sự nóng lên của khí hậu, tồn
tại rất lâu trong không khí: 100 năm !
Điện
hạt nhân rất tốn kém và nguy hiểm. Nó sẽ không còn chỗ đứng trong hệ thống điện
tương lai. Chúng ta nên biết rằng tác động của
phóng xạ đến sức khỏe là hết sức nghiêm trọng. Nó gây biến đổi gen, dị dạng,
leucémies, ung thư, tuyến giáp... . Theo uỷ ban quốc tế về bảo vệ phóng xạ, tất
cả các mức phóng xạ đều có ảnh hưởng. Trong khi giá thành kWh điện tái tạo
ngày càng giảm, giá thành điện hạt nhân lại không ngừng tăng. Thực ra, bên cạnh
việc tăng cường an toàn từ sau Fukushima, còn phải tính đến chi phí tháo dỡ và
quản lý rất lâu dài chất thải hạt nhân, đó là chưa nói đến chi phí khổng lồ của
một thảm họa.
Pierre-Franck
Chevet, cựu Chủ tịch Cơ quan an toàn hạt nhân (ASN) từ 2012 đến 2018, đã tuyên
bố nhiều lần rằng, không thể loại trừ một tai nạn rùng rợn có thể xảy ra ở
Pháp, mà khi đó tổn thất là vô cùng to lớn.
Nhiều nguy cơ rình rập các nhà máy điện hạt nhân
EDF: động đất, việc thuê lại nhân sự khai thác, chất lượng bảo dưỡng ít nhiều
giảm sút, thiết bị cũ, khủng bố, tấn công mạng, giảm cảnh giác và cũng không
quên sai sót của con người.
Một phần lãnh thổ Pháp nằm trong vùng động đất.
Trong số 58 lò phản ứng, nhiều lò có thể bị ảnh hưởng bởi động đất, nhất là
vùng đông nam. Một tai biến lớn có thể diễn ra nếu mất điện dự phòng. Nhiều
tai biến nghiêm trọng đã xảy ra ở Pháp : Lò phản ứng đầu tiên UNGG ở
Saint Laurent des Eaux đã chảy tâm lò một phần vào ngày 17/10/1969 do sai sót về
thao tác. 11 năm sau, lò phản ứng UNGG thứ hai của nhà máy này cũng chảy tâm lò
một phần do nghẽn ống dẫn. Khi trận lụt ngày 29/12/1999 xảy ra, Pháp đã
suýt hứng chịu thảm họa ở nhà máy Blayais (4 lò phản ứng 900 MW), cách Bordeaux
60 km. Bơm và mạch bảo vệ bị nhấn chìm bởi nước dâng bất ngờ.
Ta hiểu tại sao theo những điều tra gần đây, phần lớn
dân Pháp kêu gọi từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Đừng quên rằng kể từ khi đưa vào hoạt động lò phản ứng
đầu tiên vào năm 1951 ở Hoa Kì cho đến thảm họa Fukushima ngày 11/3/2011, chỉ
cách nhau 60 năm. Trong khoảng thời gian này, thế giới chứng kiến 5 lần chảy
tâm lò: 1 ở Three Mile Island, 1 ở Tchernobyl, 3 ở Fukushima. Thảm họa
Tchernobyl và Fukushima được xếp vào cấp độ 7 cao nhất, theo thang INES
(International Nuclear Event Scale), gồm 8 mức từ 0 đến 7.
Tôi không
tán thành ý kiến cho rằng hạt nhân có thể cứu thế giới khỏi biến đổi khí hậu. Nó chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Ở
Pháp, nó chỉ vào khoảng 16% (xin đừng nhầm lẫn với tỉ lệ hạt nhân trên tổng sản
lượng điện là 72%). Ngành hạt nhân cũng không sạch như nhiều
người nghĩ. Khai thác mỏ, làm giàu uranium, sản xuất, vận chuyển, tái xử lý
nhiên liệu, tháo dỡ nhà máy, tất cả những công đoạn này đều sinh ra khí thải
nhà kính. Không quên rằng ¾ lượng khí thải CO2 của thế giới đến từ những lĩnh vực
không liên quan đến sản xuất điện. Sự cấp bách về khí hậu đòi hỏi
hành động nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng theo Cơ quan năng lượng quốc tế (AIE),
việc đưa vào hoạt động mỗi tuần một lò phản ứng trong 15 năm chỉ tránh được 9%
khí thải CO2. Một tốc độ phát triển như vậy là không khả thi trên thực tế, nếu
tính đến năng lực công nghiệp hiện nay của thế giới.
Sự
suy tàn của hạt nhân trên thế giới đã bắt đầu từ nhiều năm. Báo cáo gần nhất của WNISR (World Nuclear Industry Status Report) đã chứng
tỏ rõ ràng điều này. Sau đỉnh điểm vào năm 1976, mức độ xây dựng lò phản ứng giảm
dần cho đến zero vào năm 1995. Việc tái khởi động chậm chạp cũng không kéo dài
lâu. Năm 2017, chỉ có một lò phản ứng được xây dựng. Trung Quốc đầu tư mạnh
mẽ vào năng lượng xanh và giảm xây dựng các lò phản ứng mới. Tất nhiên, với 16
lò đang xây dựng trong tổng số 50 lò trên thế giới, nước này vẫn đang dẫn đầu
nhưng Trung Quốc không còn xây dựng lò mới từ nửa đầu năm 2018. Về sản lượng,
phần điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện thế giới không ngừng giảm kể từ
1995, với đỉnh cao vào năm 2006. Tại Pháp,
kế hoạch xây dựng các lò EPR để thay thế các lò PWR hết hạn không hợp lý chút
nào về khía cạnh kĩ thuật và kinh tế, chưa nói đến sự an toàn.
Xin
mời các bạn đọc trên blog của tôi bài báo: Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng
tái tạo vào năm 2050.
Tôi
đã đề xuất một chiến lược năng lượng mới, dựa trên 3 trụ cột: tiết kiệm năng lượng,
hiệu quả năng lượng, và năng lượng tái tạo.
Hiện tượng gián đoạn có thể được giải quyết bằng nhiều
cách: STEP (Station de Transfert d’Energie par Pompage), Pin, Hydro, CAES (Air
Energie Storage Compressed) vv... Mặt khác, lưới điện thông minh cho phép tối
ưu toàn bộ hệ thống điện và đảm bảo cân bằng sản xuất – tiêu thụ tại từng thời
điểm.
Ta biết rằng việc đưa vào lưới điện các nguồn gián
đoạn gây nên những vấn đề công nghệ không dễ giải quyết. Thực tế, đó là hệ quả
từ hai vấn đề chính: tăng độ biến thiên về công suất tức thời và giảm quán tính
toàn cục.
Từ nhiều năm, phần lớn các quốc gia trên thế giới đầu
tư mạnh vào năng lượng xanh với mục tiêu đạt được 100% năng lượng tái tạo vào
năm 2050. Khi đó, sự độc lập và tự chủ năng lượng của đất nước và địa phương sẽ
được đảm bảo.
Theo Đại học tài chính và quản trị Francfort
và Bloomberg New Energy Finance (BNEF), xét trên toàn thế giới, trong thập
kỉ này, năng lượng tái tạo đã tăng 4 lần về công suất (1650 GW so với 414 GW
năm 2009) và đầu tư đạt hơn 2500 tỷ đô la (trong đó 760 tỷ tại Trung
Quốc). Năm 2018, các nguồn năng lượng xanh đã giúp giảm 2 giga tấn khí thải CO2
tương đương.
Đầu năm 2018, công suất đặt của năng lượng tái tạo tại
châu Âu lên đến 520,3 GW, trong đó 117 GW của Đức, đứng đầu về năng lượng tái tạo.
Đến 31/12/2018, công suất năng lượng tái tạo ở Pháp đạt 51,7 GW, trong đó 25,5
GW thuỷ điện, 23,6 GW điện mặt trời và gió, 2 GW năng lượng sinh học.
Toàn bộ điện tiêu thụ ở Na Uy được đảm bảo bởi năng
lượng xanh (đặc biệt là thuỷ điện). Tại Bồ Đào Nha, tỉ lệ này là 62,6% và Đan Mạch
là 52,4%. Theo GIEC (*), sau đây là những con số
trung bình về khí thải tương đương (gram C02/ kWh sản xuất) trong toàn bộ quá
trình: than (820), khí tự nhiên (490), sinh khối (230), mặt trời (41), thuỷ điện
(24), hạt nhân (12), gió mặt đất (11).
-
Naoto Kan, một Thủ tướng đáng được kính nể: Cựu Thủ tướng Nhật Bản, đương chức vào thời điểm xảy ra thảm họa
Fukushima, vừa thực hiện chuyến thăm Pháp để chia sẻ những cảm nhận của ông và
khuyến khích từ bỏ điện hạt nhân. Ông được đón tiếp tại Nghị viện Âu châu và
Pháp. Ngày 19/2/2019, ông phát biểu trước khán giả chật kín trong hội trường ở
Tòa thị chính Grenoble, dưới sự chủ tọa của Thị trưởng Eric Piolle.
Ông nói rằng may mắn đã giúp ông tránh khỏi việc ra
lệnh sơ tán vùng Tokyo, với 36 triệu dân. Ông cho rằng một thảm họa hạt nhân là
không thể xử lý được và nguy cơ xảy ra một tai biến lớn là quá cao để có thể tiếp
tục khai thác các lò phản ứng hạt nhân. Ông hoàn toàn phản đối việc kéo dài thời
gian hoạt động các nhà máy điện hạt nhân đến tuổi. Ông muốn dành phần còn lại của
cuộc đời cho việc đấu tranh để hạt nhân biến mất trên toàn cầu.
Kể
từ đó, ông đi khắp thế giới với rất nhiều nghị lực, như một đại sứ lưu động, để
ủng hộ năng lượng tái tạo mà theo ông có thể thay thế hoàn toàn điện hạt nhân.
Sau buổi nói chuyện, tôi được vinh dự đến chào ông
và cho ông biết rằng chính phủ Việt Nam đã từ bỏ chương trình điện hạt nhân, mà
ông cũng theo dõi rất kĩ. Ông động viên tôi tiếp tục cuộc đấu tranh.
Để
giảm carbone trong hệ thống sản xuất điện, Việt Nam không có cách nào khác
ngoài việc đóng cửa dần dần các nhà máy điện than.
Quản
lý cấp bách môi trường ô nhiễm trầm trọng với nhiều nguyên nhân (không riêng gì
nhiên liệu hóa thạch) là một thách thức vô cùng to lớn đối với chính quyền và đồng
bào.
Việt
Nam, xếp thứ 26 trong nhóm các nước có nguy cơ đặc biệt cao (**),
không nên quên những cam kết ở hội nghị COP21 (***) tại Paris vào năm
2015.
Sức
khỏe của người dân phải là ưu tiên đứng trên mọi thứ khác.
Grenoble, 02/ 10/ 2019
Nguyễn
Khắc Nhẫn,
Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng điện học và Trung
tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đai học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).
Nguyên Cố Vấn Kinh tế và Dự báo Chiến lược EDF Paris.
Nguyên Giáo sư Viện Kinh tế Năng lượng và Đại học Bách khoa Grenoble.
Nguyên Cố Vấn Kinh tế và Dự báo Chiến lược EDF Paris.
Nguyên Giáo sư Viện Kinh tế Năng lượng và Đại học Bách khoa Grenoble.
------------------------------
Tài liệu tham khảo :
- Un déclin mondial, Antoine de Ravignan,
Alternatives économiques, (Nucléaire: bientôt la fin), janvier 2019
- L’inquiétante obstination d’EDF, Justin Delepine,
Alternatives économiques, (Nucléaire: bientôt la fin), janvier 2019
- Les conséquences d’un tout renouvelable pour la
production d’électricité, Dominique Finon, Science et Pseudo- Sciences, juillet
/ septembre 2019.
- La transition énergétique bas carbone : enjeux et
contraintes, Jacques Percebois, Science et Pseudo- Sciences, juillet /
septembre 2019.
- Les énergies renouvelables intermittentes
mettent-elles en cause la stabilité des réseaux? Georges Sapy, Science et
Pseudo- Sciences, juillet / septembre 2019.
- Panorama de l’électricité renouvelable en 2018,
RTE, SER, ENEDIS, ADEeF, ORE
- Bilan électrique 2018, RTE 02/2019
- Coûts et faisabilité du démantèlement des
installations nucléaires, Martial Chateau et Laure Barthélémy, Sortir du
nucléaire N°73, 2017.
- Enfouir les déchets nucléaires est la pire
solution, Bernard Laponche, Le Monde, 29/03/2018.
- Nucléaire Danger immédiat, Thierry Gadault, et
Hugues Demeude, Flammarion, 2018
- Nucléaire: une Catastrophe française (Vous avez
raison d’avoir peur), Erwan Benezet, Fayard, 2018
- 40 ans d’une lutte victorieuse, Laura Hameaux et
Anne-Lise Devaux, Sortir du nucléaire N° 80, 2019.
- Nucléaire, l’impossible équation, Philippe
Lambersens, Sortir du nucléaire, N° 81 2019.
- Intervention de Mycle Schneider, expert coordinateur
du World Nuclear Industry Status Report, Mairie de Grenoble, 19/02/2019.
- L’impact sanitaire du changement climatique menace
d’annuler les progrès du 20è siècle, Jean-David Zeitoun, Le Monde, 29/08/2019
- Un laser pour en finir avec les déchets
nucléaires, Azar Khalatbari, Sciences et Avenir, septembre 2019.
(*) Groupe d’experts Intergouvernemental sur
l’Evolution du Climat
(**) Nucléaire au Viet Nam et changement climatique
(nguyenkhacnhan.blogspot.fr)
(***) Conference of parties (Convention cadre des
Nations unies sur les changements climatiques – CCNUCC).
No comments:
Post a Comment