Wednesday, October 16, 2019

HÀ NỘI : NƯỚC NHIỄM STYREN, LÒI RA BẤT MINH QUYỀN SỞ HỮU 'ĐẤT VÀNG' (Người Việt Online)




Người Việt Online
October 16, 2019

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong lúc vụ nước máy do Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Nước Sạch Sông Đà (Viwasupco) bị phát hiện bốc mùi do nhiễm styren cao hơn 1.3 – 3.6 lần bình thường mà chưa có giới chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm, báo điện tử Trí Thức Trẻ tiết lộ cổ đông chính của doanh nghiệp này là Công Ty Một Thành Viên Năng Lượng GELEX hiện đang giữ tỷ lệ 60.46% cổ phần.

Tờ báo cho biết thêm rằng GELEX đang sở hữu dự án tại các “vị trí vàng” như cụm khách sạn năm sao Melia Hanoi và tòa nhà văn phòng HCO, tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ ở quận Hoàn Kiếm, tòa nhà văn phòng cao cấp GELEX Tower 52 Lê Đại Hành ở quận Hai Bà Trưng. Ngoài ra, công ty này được ghi nhận “đang đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp Cát Hải ở Hải Phòng, Tiền Phong ở Quảng Ninh.”

Dù sở hữu nhiều khu “đất vàng” nhưng trang web của GELEX, doanh nghiệp này tự giới thiệu được thành lập ngày 10 Tháng Bảy, 1990, nhằm “tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.”

GELEX chỉ mới chính thức thông báo lấn sân sang lĩnh vực mới là bất động sản tại kỳ họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Cụ thể, GELEX lên kế hoạch phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp, phân khúc đang phát triển mạnh nhờ vào quá trình phân công lại sản xuất toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đầu tư “nhà ở xã hội” và mở rộng lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trong mảng khu công nghiệp.

Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Nước Sạch Sông Đà trước đây có tên là Công Ty Cổ Phần Nước Sạch Vinaconex (thuộc Tổng Công Ty Cổ Phần Vinaconex) được thành lập vào Tháng Ba, 2009. Đến Tháng Chín, 2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đổi tên hai lần trước khi có tên hiện tại từ ngày 1 Tháng Hai, 2018.

Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại Học Victoria Wellington, New Zealand, bình luận trên trang cá nhân: “Sau vụ này mới ngớ ra là công ty cấp nước là công ty tư nhân, với cổ phiếu công ty mẹ (GELEX) không suy suyển gì sau các vụ tai tiếng từ vỡ ống nước cho đến nước dầu. Lợi nhuận của Cấp Nước Sông Đà nửa đầu năm nay tăng 31% so với nửa đầu năm ngoái. Điều tôi băn khoăn là công ty tiện ích công cộng này trở thành công ty tư nhân như thế nào? Quan điểm cổ phần hóa của nhà nước luôn là cắt đi những ngành kinh doanh mà thị trường đảm nhiệm được (rượu, bia, thuốc lá) và giữ lại các công ty tiện ích công cộng, theo kiểu mô hình Singapore. Tại sao lại tòi ra ông lõi này mà nhà nước không có tí quyền kiểm soát nào về hoạt động của nó? Có bao nhiều nhà cấp nước khác rơi vào độc quyền tư nhân như thế?”

Trong vụ “nước sạch nhiễm bẩn” của Công Ty Nước Sạch Sông Đà, điều khiến công luận phẫn nộ là phải nhiều ngày sau khi người dân nêu nghi vấn và tự cảnh báo trên mạng xã hội thì nhà chức trách mới nhẩn nha vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm nước và giới chức còn đánh tráo khái niệm chất styren là “hàm lượng clo cao.”

Styren là chất độc có thể hòa tan trong nước, được xem là hợp chất nguy hiểm gây ô nhiễm nguồn nước. Chất này gây dị ứng với da và mắt. Với hàm lượng cao và tiếp xúc lâu, chất này có thể hấp thu vào cơ thể người gây tổn hại cho gan, thận và thần kinh, theo báo Lao Động.

Báo Tuổi Trẻ hôm 15 Tháng Mười viết: “Công Ty Nước Sạch Sông Đà đã không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Ông Nguyễn Văn Tốn, tổng giám đốc Công Ty Nước Sạch Sông Đà phân trần: “Lúc đó [khi nhà chức trách phát hiện có kẻ đổ dầu nhớt thải trộm tại đầu nguồn nước ở khe núi, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình], trong thâm tâm tôi, 80% cho dừng cấp nước, nhưng xét nghiệm các chỉ tiêu A không có vấn đề gì, lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.” (T.K.)






No comments: