Nguyễn Đình Cống
05/10/2019
Gần đây rộ lên nhiều bài tuyên truyền và ca ngợi QĐ
số 205 QĐ/TƯ, ngày 23/9/2019, về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy
quyền. Người ta tôn xưng nó như một thứ bảo bối để Đại hội Đảng các cấp chọn được
cán bộ tinh hoa, loại được hết lũ cơ hội.
Tôi đọc kỹ Quyết định đó và thấy buồn cười, vì ngoài
một vài ý răn đe và dọa dẫm ra, phần lớn còn lại là một tập hợp ngôn từ ba hoa,
sáo rỗng, mơ hồ, ảo tưởng, huyênh hoang và phản dân chủ. Về Kiểm soát quyền lực
và đề bạt cán bộ, xin tạm để lại, bài này chỉ mới bàn về chạy chức, chạy quyền
(CCCQ) trong các cuộc bầu cử.
Điều 10 của QĐ nêu định nghĩa hành vi CCCQ, gồm 6 ý,
tóm tắt như sau:
1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc
người có trách nhiệm,
2. Tranh thủ … tặng quà, tiền, bất động sản… cho cán
bộ lãnh đạo.
3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi
thế… để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền.
4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ … để đặt
điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền.
5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công
tác của bản thân để mặc cả, … đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị
trí, chức vụ, quyền lợi.
Mới xem qua thì thấy hay, có lý, nhưng chịu khó suy
nghĩ một chút mới thấy lòi ra vài việc vô lý.
Các ý đều liên quan đến người có trách nhiệm, cán bộ
lãnh đạo, người có thẩm quyền. Họ là ai? Phải chăng là bí thư, là cấp ủy. Tại
sao để CCCQ lại phải tiếp cận, tặng quà, thân quen v.v… với họ?
Vì họ là những “vị vua”, dựa vào dân chủ tập trung để
thực hiện quyền sinh, quyền sát. Vì muốn được bầu thì phải lọt được vào danh
sách do họ lập và chốt chặt. Ra giữa đại hội đại biểu không ai được ứng cử hoặc
đề cử người ngoài danh sách (hình như ở đại hội chi bộ gồm toàn thể đảng viên
thì quyền ứng cử và đề cử còn được tôn trọng).
Dân chủ ở đâu khi quyền lực tập trung vào trong một
vài người, mà là người của nhiệm kỳ cũ, đang được hoặc bị thay thế. Nếu bầu cử
thật sự dân chủ, các ứng viên được công khai, minh bạch vận động, cấp ủy cũ chỉ
có trách nhiệm lập danh sách (chứ không có quyền chọn lựa), thì những hành vi
như trên sẽ không xảy ra, cần gì phải chống.
Nêu ra cho lắm điều, thật sự chỉ cần một việc là chống
các hành động mờ ám, bất chính. Hơn nữa, khi không có việc lạm dụng chức quyền thì
cũng sẽ không có chuyện chạy chức chạy quyền. Vì vậy tích cực hơn, sẽ là “chống
lạm dụng quyền lực” (điều này tuy được đề cập trong phần kiểm soát quyền lực
nhưng cũng mơ hồ). Chống được lạm dụng quyền lực một cách triệt để thì chẳng cần
chống chạy chức chạy quyền. Nhưng để chống triệt để thì phải dùng cách khác chứ
không phải ra các QĐ như QQĐ 205.
Trong QĐ 205 không đề cập nguyên nhân sinh ra CCCQ.
Tôi cũng chưa tìm thấy văn bản nào tìm ra và phân tích nguyên nhân đó. Có lẽ
trước hết phải đặt câu hỏi: Tại sao người ta CCCQ mà không công khai, minh bạch
ứng cử, vận động bầu cử? Phải chăng sự độc tài toàn trị của Đảng tạo ra thể chế
quyền lực quá lớn, phải chăng đường lối cán bộ của Đảng phạm phải một số sai lầm
từ gốc là có nhiều điều phản dân chủ, phản tiên bộ, phản khoa học? Những kẻ cơ
hội phát hiện ra những sơ hở mới tìm cách CCCQ, chúng xem như bỏ vốn ra để buôn
bán, sẽ kiềm được những nguồn lợi lớn.
Đề ra những QĐ chống CCCQ chỉ là biện pháp vuốt
đuôi, hy vọng có thể bịt vài khe hở, trám vài lỗ thủng của cái thùng nhốt quyền
lực. Nó không thể nào chống được từ gốc. Mà không chống được, không bịt được từ
gốc thì trám được chỗ này sẽ phòi ra chỗ khác.
Vận động người khác ủng hộ một cách minh bạch, công
khai trong việc ứng cử vào một chức vụ là quyền chính đáng của các thành viên.
Ngoài việc khảo sát, phân tích khách quan, tôi đã hai lần ứng cử cùng vận động
tranh cử, thấy được ý nghĩa cùng tác dụng tích cực của nó.
Khi nêu ra những điều cấm chạy chức chạy quyền, đồng
thời người ta ngầm hiểu là chống luôn sự vận động.
Bạn đang là một đảng viên hoặc cán bộ cấp thấp, có
năng lực, trung thực, bạn có điều gì đó làm cấp ủy không vừa lòng, dù rằng bạn
đúng còn cấp ủy sai thì bạn vẫn bị loại ra khỏi danh sách đề cử. Thực ra các tổ
chức bầu cử hiện tại chỉ nhằm bảo vệ phe cánh, loại bỏ đối thủ ngay vòng đầu.
Nếu cho rằng vận động để được bầu là hình thức chạy
chọt cần ngăn cấm, thì tại sao các cán bộ cao cấp của VN đi vận động khắp thế
giới bầu cho VN vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc
(và xin các nước công nhận nền kinh tế thị trường)?
Khi từ bỏ độc quyền toàn trị, khi tổ chức bầu cử thật
sự dân chủ thì chẳng cần ra QĐ chống CCCQ. Còn nếu vẫn giữ đường lối như hiện tại,
thì dù có ra thêm vài chục QĐ tương tự cũng không thể nào củng cố và làm trong
sạch được tổ chức Đảng. Các đại hội chỉ bầu được chủ yếu những kẻ cơ hội, lắm
mưu mẹo, nhiều thủ đoạn mà thiếu trí tuệ, thiếu trung thực, phần lớn kẻ được chọn
không phải là những nhà hoạt động chính trị, mà là những kẻ đầu cơ quyền lực.
Mặc dầu QĐ 205 về chống CCCQ được ca ngợi hết lời,
được phổ biến đến tận mọi chi bộ, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức của Đảng
thực hiện, nhưng chắc rồi nó cũng sẽ chung số phận với nhiều QĐ tương tự, một số
được cất kín vào tủ hồ sơ, số khác biến thành hàng hóa cho những người đi thu
góp.
No comments:
Post a Comment