J.B Nguyễn Hữu Vinh
October 19, 2019
Báo chí quan tâm đến cuộc thương chiến Mỹ-Trung thời
gian qua đã dành nhiều thời gian để nói về cuộc đàm phán thương mại mới đây do
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đến Hoa Kỳ. Kết thúc cuộc đàm phán 2
ngày, một số thông tin khá hy vọng được công bố.
Ngày 11 Tháng Mười, Tổng Thống Donald Trump nói rằng:
“Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng trong giai đoạn một
của đàm phán thương mại giữa hai nước.” Ông cũng phát biểu trước báo giới sau
cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với Phó Thủ Tướng Lưu Hạc rằng: “Chúng tôi đạt được tiến
triển quan trọng đối với thỏa thuận giai đoạn một.”
Tổng Thống Trump tiếp
Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc (ngồi xoay lưng) tại Tòa Bạch Ốc ngày 11 Tháng
Mười Một. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)
Bước “tiến triển quan trọng” được thông báo đó là gì?
Tổng thống Mỹ kỳ vọng thỏa thuận sẽ được ông và Chủ
Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Chile
vào giữa Tháng Mười Một. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nêu rõ: “Ngoài lô
máy bay Boeing trị giá $16-20 tỷ, những khía cạnh khác của thỏa thuận này cũng
có giá trị lớn như công nghệ, dịch vụ tài chính.”
Theo thỏa thuận, Mỹ đồng ý hoãn áp thuế 30% lên $250
tỷ hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15 Tháng Mười tới như dự kiến. Đổi lại,
Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều nông sản của Mỹ – tổng giá trị tăng lên
$40-$50 tỷ/năm.
Điều nhận thấy khá rõ, là những thỏa thuận đạt được ở
đây, chỉ là những thỏa thuận rất dễ đạt được khi bàn về vấn đề chống thâm hụt
thương mại. Trung Quốc hứa hẹn tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ với
số lượng gần gấp đôi số giao dịch thương mại hàng năm từ trước đến nay.
Ngay cả những thỏa thuận đó sẽ được thực hiện như thế
nào trong thực tế, là một câu hỏi được đặt ra ngay từ khi người ta nhận được
thông tin. Bởi kinh nghiệm về sự thất hứa, đảo ngược là điều thường diễn ra đối
với phía Trung Quốc.
Tin về những “bước tiến mới” đã không dưới một lần
được thông tin cho truyền thông về những cuộc đàm phán Mỹ-Trung trước đây. Thậm
chí người ta còn nhớ, đã có lần những thông tin của cả hai phía đặt cả thế giới
vào một niềm tin rằng: Có thể thương chiến Mỹ-Trung đã chấm dứt ngay từ những
tháng mới bắt đầu với một thỏa thuận toàn diện giữa hai bên sắp được ký kết.
Thế nhưng, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, những
thông tin trái ngược đã được đưa ra, Khi đó, người ta thấy rõ con bài của phía
Trung Quốc là lật lọng, thay đổi.
Và rồi mọi chuyện trở nên bế tắc, mọi vấn đề đàm
phán đều phải “bàn lại” theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. Thế rồi những cuộc đàm
phán lại bắt đầu về điểm xuất phát.
Chính vì thế, nên ngay sau khi các thông tin về những
thỏa thuận được thông báo, nhiều nhà quan sát đã tỏ ý nghi ngờ về kết quả của
bước đàm phán thứ 13 này. Bởi những thỏa thuận được ghi bằng văn bản, phía
Trung Quốc còn có thể bị đảo ngược, huống chi chỉ là những lời nói suông.
Trước hết, việc Trung Quốc áp thuế trả đũa với nông
sản Mỹ đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nước này. Muốn mua được
$50 tỷ nông sản Mỹ, Trung Quốc sẽ phải dỡ bỏ các khoản thuế đó thì các doanh
nghiệp Trung Quốc mới có thể nhập khẩu với số lượng đột biến tăng.
Nhưng, với sự kiêu ngạo Cộng Sản, Trung Quốc sẽ
không làm điều đó, nếu Mỹ không có động thái đáp lễ và dỡ bỏ thuế quan với hàng
Trung Quốc.
Tại cuộc đàm phán lần thứ 13, phía Trung Quốc kỳ vọng
việc đánh thuế của phía Mỹ sẽ chấm dứt hay chí ít là cũng phải giảm bớt xuống,
bởi mức 25% là quá cao khiến hàng Trung Quốc khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ.
Nhưng phía Mỹ không nâng thuế lên 30% như dự kiến ban đầu.
Trong twitter 14 Tháng Mười, ông Trump một lần nữa vẫn
khẳng định: Mức thuế vẫn giữ ở 25%. Còn triển vọng của việc áp thuế từ ngày 15
Tháng Mười Hai năm 2019 vẫn là một vấn đề treo lơ lửng chưa có lời giải đáp cụ
thể như phía Trung Quốc mong đợi. Phía Mỹ không có đả động nào đối với việc
tăng thuế quan riêng biệt sẽ bắt đầu vào ngày 15 Tháng Mười Hai, CNBC dẫn lời Đại
Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết. Theo đó, gói hàng nhập khẩu khác
trị giá $160 tỷ của Trung Quốc vẫn chịu mức 15% vào 15 Tháng Mười Hai.
Thế nên, đã có những dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc
sẽ không thực hiện những cam kết đã đạt được.
Hãng Bloomberg ngày 14 Tháng Mười dẫn các nguồn thạo
tin cho biết Trung Quốc muốn tiến hành thêm các cuộc đàm phán ngay cuối Tháng Mười
này để đưa ra chi tiết về thỏa thuận giai đoạn 1 do Tổng Thống Mỹ Donald Trump
phác thảo trước khi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý ký văn bản
này.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 15 Tháng Mười, người phát
ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh việc mua
nông sản của Mỹ. Tất nhiên việc “đẩy nhanh” như thế nào, thì người Trung Quốc
không nói rõ.
Ngày 16 Tháng Mười, Bloomberg cho biết các quan chức
Trung Quốc sẵn sàng mua thêm nông sản Mỹ như một phần của thỏa thuận giai đoạn
1, nhưng không sẵn lòng mua tới $40-$50 tỷ các mặt hàng nông nghiệp như Tổng Thống
Trump yêu cầu.
Và điều quan trọng nhất là Bắc Kinh muốn Washington
dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc trước khi tính tới chuyện có mua $50
tỷ nông sản như Mỹ yêu cầu.
Có phải là một bước tiến lớn?
Tất cả những hứa hẹn, thỏa thuận lần này hầu như
chưa động đến vấn đề cốt lõi của mối quan hệ Mỹ-Trung trong cuộc chiến thương mại
hiện nay. Đó là quyền sở hữu trí tuệ cần được tôn trọng, việc chống ăn cắp bản
quyền, phát minh và những sở hữu trí tuệ của người Mỹ phải được chấm dứt.
Và như đoàn Trung Quốc đã tuyên bố trước khi đến hội
nghị: Trong cuộc thảo luận lần này, không bao gồm các cam kết cải cách chính
sách công nghiệp của Trung Quốc hay việc hỗ trợ từ nhà nước với các doanh nghiệp
trong nước. Mà đây là một trong những vấn đề được phía Mỹ coi là hết sức quan
trọng để có thể tiến đến một quan hệ thương mại, kinh tế công bằng và sòng phẳng.
Vấn đề quan trọng và cốt lõi này, phía Mỹ đã thẳng
thừng đặt ra cho phía Trung Quốc khi mới bắt đầu cuộc thương chiến.
Tổng Thống Trump đã nhiều lần khẳng định: Mỹ chỉ tìm
kiếm một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. Cho đến nay, lập trường đó vẫn
chưa có gì thay đổi. Ông nói: “Hiện giờ, chúng ta đang ở một giai đoạn rất quan
trọng trước khả năng thực hiện một thỏa thuận” và “Tuy nhiên, những gì chúng ta
đang thực hiện là đàm phán một thỏa thuận rất khó khăn. Nếu thỏa thuận không đạt
100% như kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thực hiện.”
Hẳn nhiên, đây là một điều hết sức khó khăn để có thể
tìm được giải pháp khả thi đối với chế độ Cộng Sản độc tài ở Trung Quốc. Chỉ vì
những yêu cầu đó, đi ngược lại với chính sách của các nhà nước cộng sản khi mà
“Đảng Cộng Sản lãnh đạo tuyệt đối” mọi mặt đời sống người dân và xã hội.
Nếu đáp ứng những yêu cầu mà phía Mỹ đặt ra, thì chế
độ xã hội, chính trị ở Trung Quốc sẽ phải thay đổi hẳn về bản chất. Điều này là
chuyện vô cùng khó khăn với một chế độ cộng sản độc tài khi đã chiếm được quyền
lực.
Những thỏa
thuận rồi thay đổi, những cuộc bàn bạc rồi hủy bỏ… tất cả đang phản ánh sách lược
của người Trung Quốc hiện nay: Câu giờ.
Nhất là khi mà trong nội bộ nước Mỹ, cuộc luận tội tổng
thống đang có những diễn biến phức tạp và cuộc bầu cử ông chủ mới của Tòa Bạch Ốc đang
đến gần.
Điều đó, đặt cho chúng ta câu hỏi: “Bước tiến mới”
trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung có phải là một “bước tiến lớn” trong quá trình giải
quyết triệt để cho cuộc thương chiến hiện nay? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)
No comments:
Post a Comment