Monday, October 21, 2019

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM? (Việt Hoàng - Thông Luận)




21/10/2019

Sau khi bài viết của tác giả Việt Thủy ‘Chúng ta đang cần một giải pháp ngay lúc này’  
đăng trên Thông Luận (1) với nội dung tóm tắt rằng chúng ta không thể giải quyết được bất cứ vấn nạn nào dưới thể chế chính trị hiện nay mà phải dân chủ hóa đất nước trước đã. Giải pháp đó là những người quan tâm đến đất nước cần tham gia và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ, tức là đấu tranh có tổ chức bằng phương pháp bất bạo động với tinh thần hòa giải dân tộc để xây dựng nên một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên cho Việt Nam…thì đã có ý kiến cho rằng giải pháp ‘dân chủ đa nguyên’ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải là giải pháp, giải pháp dân chủ hóa đất nước vẫn chưa có và có người nói rằng họ sẽ viết ra một giải pháp hay hơn thế…

Trước hết xin có lời khuyên chân thành đến những cá nhân có ý định ‘viết’ ra một giải pháp dân chủ cho Việt Nam là không nên mất thời gian cho những chuyện vô ích như vậy. Chắc chắn là sẽ không ai đọc các ‘giải pháp’ đó cho dù nó hay đến đâu đi nữa. Lý do rất giản dị. Dự án chính trị, tức là giải pháp dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ra đời các đây 37 năm, được chắp bút bởi một nhà tư tưởng chính trị lớn của Việt Nam là ông Nguyễn Gia Kiểng và dự án này được một tổ chức chính trị đứng đắn truyền bá suốt 37 năm qua bởi hàng ngàn bài viết mà vẫn chưa nhận được chia sẻ của đa số người dân Việt Nam thì một ‘tác phẩm’ tương tự của một cá nhân (nhân sĩ) làm sao thuyết phục được mọi người?

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đã có nhiều người hiểu và đồng ý rằng muốn thay đổi và dân chủ hóa đất nước thì phải cần đến một giải pháp. Đây là một sự tiến bộ lớn về tư duy của người Việt nhưng đáng buồn là vẫn chưa phải là số đông. Có người nghĩ rằng luồn lách là một giải pháp. Có người thì cho rằng có thể làm cách mạng mà không cần đến một tổ chức chính trị với một tư tưởng chính trị. Điều này rõ ràng là sai, như vậy khác gì đánh bạc, được chăng hay chớ. Thậm chí chúng tôi còn mạnh dạn xác quyết rằng một cuộc cách mạng như vậy khác gì là làm loạn hay tệ hơn là làm cướp.

Xin nhắc lại, thế nào là đấu tranh chính trị? Trước hết đó là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải tranh đấu cá nhân. Thứ hai, các tổ chức chính trị (đối lập lẫn đảng cầm quyền) đều phải đưa ra được những giải pháp về quản trị và điều hành quốc gia theo khuynh hướng và các giá trị mà tổ chức đó theo đuổi. Các tổ chức chính trị phải thuyết phục người dân ủng hộ cho giải pháp đó và tiếp theo là cố gắng để dành chiến thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ để trở thành đảng cầm quyền và cuối cùng là thực hiện dự án chính trị đã đề nghị trước đó.

Như vậy, bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng phải có và đưa ra được một ‘giải pháp chính trị’ để thuyết phục quần chúng. Nếu không có giải pháp thì tổ chức sẽ không có tương lai. Đồng ý với ý kiến rằng ‘tổ chức’ chưa hẳn là một giải pháp vì có những tổ chức ‘hữu danh vô thực’ không hề có tư tưởng hay giải pháp chính trị nào nhưng tổ chức là điều kiện tiên quyết để hình thành và sản xuất ra một ‘dự án chính trị’. Các ý kiến hay sáng kiến cá nhân không bao giờ là giải pháp cho đất nước. Vấn đề này không phải lý luận và tranh cãi làm gì cho mất thời gian mà cứ nhìn vào thực tế trên thế giới ai cũng thấy rõ là một người nào đó muốn tham gia vào chính trường và hoạt động chính trị thì họ phải tham gia vào một tổ chức đã có sẵn hoặc thành lập ra các đảng chính trị mới, không có trường hợp ngoại lệ.

Giải pháp chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có và được trình bày trong cuốn Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, chương 7: Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên. Hàng trăm bài viết của anh em Tập Hợp cũng đã nói về giải pháp đó trong nhiều năm qua. Giải pháp mà chúng tôi gọi là ‘dân chủ đa nguyên’ không hề xa lạ với mọi người. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 có bán trên Amazon hoặc tải về đọc miễn phí trên trang Fanpage của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Điều đáng nói là người Việt đã chưa dành cho giải pháp của chúng tôi một quan tâm cần thiết. Không phải vì giải pháp của Tập Hợp không đúng, không hay mà có lẽ vì nó…hơi dài. Chương 7 nói về giải pháp của Tập Hợp chỉ có 26 trang (cả cuốn Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 chỉ đúng 200 trang) vẫn là quá dài, quá nhiều cho phần lớn người Việt. Thậm chí các bài viết của anh em Tập Hợp chỉ có từ 2000-3000 từ vẫn bị cho là quá dài. Có những ý kiến cho rằng phải viết ngắn gọn hơn nữa và phải viết làm sao thật dễ hiểu để bất cứ ai cũng hiểu được…

Người Việt, nói chung, vốn đã rất hời hợt nhưng ngay cả những người dám đứng lên tranh đấu cho dân chủ cũng vẫn thế. Làm sao một dự án lớn và quan trọng nhằm thay đổi số phận của cả một dân tộc gần 100 triệu người lại có thể viết ngắn gọn trong một vài dòng? Tại sao nhận mình là yêu nước và tranh đấu cho dân chủ mà không đủ kiên nhẫn để đọc một cuốn sách 200 trang hay đọc những bài viết 2000-3000 từ? Hay còn tệ hơn là những người chưa hề đọc giải pháp chính trị của Tập Hợp nhưng vẫn lớn tiếng cho rằng dự án chính trị của Tập Hợp là viển vông, là không hiện thực…Có những người còn kết án chúng tôi là làm ‘chính trị sa-lông’…Vậy không lẽ chúng tôi phải rủ nhau lên núi thành lập một đội quân như Lương Sơn Bạc hay kiếm một cái hang nào đó như hang Pác-bó ngày xưa, rồi ‘sáng ra bờ suối tối vào hang’, ăn ‘cháo bẹ, rau măng’ để viết một giải pháp cho dân tộc mới là làm cách mạng chân chính? Chúng tôi đã nhiều lần xác quyết rằng chúng tôi không làm cách mạng vì nghèo khổ như những người cộng sản trước đây, chúng tôi tranh đấu không chỉ cho riêng bản thân con cháu mình mà chúng tôi muốn thay đổi số phận cho cả dân tộc Việt Nam. Nhiều anh em trong Tập Hợp là triệu phú đôla thực sự, có người sống ở Pháp nhưng có cả biệt thự ở Tây Ba Nha chỉ để mùa hè sang nghỉ ngơi.

Tập Hợp tranh đấu không phải vì bất mãn với chế độ hay để lấy tiếng mà tranh đấu để giành chiến thắng thật sự vì thế chúng tôi phải bàn bạc, suy tư để tìm ra một giải pháp hoàn chỉnh và khả thi. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, đào sâu về tư tưởng và phương pháp tranh đấu để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Chúng tôi không đánh bạc và làm cách mạng kiểu được chăng hay chớ hoặc dùng bạo lực để tranh đấu. Chúng tôi hiểu, muốn đạt được điều đó thì phải có một giải pháp, một lộ trình rõ ràng, đi quan từng giai đoạn, chậm nhưng chắc chắn. Từ giai đoạn ‘xây dựng một cơ sở tư tưởng’ đến ‘xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt’ rồi ‘xây dựng và kiểm điểm phương tiện’ đi cùng việc ‘xây dựng cơ sở quần chúng’ và cuối cùng mới đến ‘tấn công dành chính quyền’. Khi Tập Hợp đã hội đủ các điều kiện cần và đủ thì khi đó dựa vào một vận hội, mới có thể ‘phất cờ khởi nghĩa’ chứ không thể làm bừa, làm ẩu bằng cách kêu gọi người dân xuống đường biểu tình khi chưa có sự chuẩn bị và không biết có thắng lợi hay không. Có người không hiểu điều này nên cho rằng Tập Hợp không có ‘hành động’ gì. Thực tế chúng tôi hành động một cách bài bản và có lộ trình chứ không làm bừa như những tổ chức dù chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào đã kêu gọi ‘hành động’.

Tập Hợp đã làm gần xong hai công việc quan trọng mà bất cứ tổ chức nào cũng phải kinh qua dù muốn hay không đó là ‘xây dựng một cơ sở tư tưởng’ và ‘xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt’. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện hai giai đoạn tiếp theo là ‘xây dựng, kiểm điểm phương tiện’ và ‘xây dựng cơ sở quần chúng’. Tập Hợp tiến hành đồng thời tất cả các công việc này thông qua các phương tiện truyền thông như:




Và một trang website/blog vừa mới ra đời là: https://www.thdcdn.org/

Chúng tôi cho rằng tư tưởng chính trị phải luôn đi trước để dẫn đường cho các hành động cách mạng. Ở Việt Nam cũng có câu ‘tư tưởng không thông thì vác bình đông cũng nặng’. ‘Hành động’ cần thiết nhất, quan trọng nhất trong đấu tranh chính trị đó là ‘nói hoặc viết’ trên mặt trận ‘truyền thông’.

Theo nghiên cứu của Tập Hợp thì có bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ:

1. Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

2. Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

3. Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

4. Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Để động viên quần chúng đứng dậy thì phải có ba điều kiện:

Một là: mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân; mặt khác mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Trong trường hợp Việt Nam điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng Cộng Sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉ có thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.

Hai là: có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khí thế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.

Ba là: tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn. (Trích chương 7, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2)

Trước mắt chúng ta cần phải làm gì?

1. Thức tỉnh quần chúng về sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc
…Cố gắng đầu tiên, trọng đại và cam go của những người dân chủ là thức tỉnh dân chúng rằng bắt buộc phải có một giải pháp chung, nghĩa là một thay đổi chế độ chính trị, chứ mỗi người không thể xé lẻ và luồn lách để tự giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Sẽ chỉ có một thiểu số không đáng kể thành công như vậy và sự thành công nếu có cũng chỉ là tạm bợ và đầy bất trắc.

2. Giành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng và lý luận
Trong đấu tranh cách mạng thắng lợi về tư tưởng và lý luận cuối cùng sớm muộn cũng đưa tới thắng lợi chính trị; ngược lại một chính quyền không còn gì để nói trước sau cũng bị đào thải.

…Một cố gắng khác, rất quan trọng, là thuyết phục mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước rằng họ hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ.

Để giành thắng lợi dứt khoát trong mặt trận tư tưởng và lý luận chính những người dân chủ phải có tư tưởng và lý luận đúng. Cuộc đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài đảng trị và thiết lập dân chủ là một cuộc đấu tranh chính trị rất khó khăn. Nó phải có tổ chức, và tổ chức không thể thành hình nhanh chóng được mà đòi hỏi những cố gắng thông minh và bền bỉ trong rất nhiều năm…

3. Hình thành một mặt trận dân chủ và đấu tranh đòi bầu cử tự do
Cuộc đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài và thiết lập dân chủ bắt buộc phải có lãnh đạo thống nhất để có thể tranh thủ hậu thuẫn của thế giới, đem lại lòng tin vào thắng lợi và động viên quần chúng. Đặc biệt công tác động viên quần chúng chắc chắn sẽ thất bại nếu phong trào dân chủ phân tán để chỉ có những lời kêu gọi và chỉ thị mâu thuẫn.

Không một người dân chủ nào không nhận thức được sự cần thiết của một mặt trận dân chủ -hay một liên minh dân chủ- có tầm vóc.

Mặt trận dân chủ này cần thiết để đối lập dân chủ Việt Nam xuất hiện dưới mắt thế giới như một giải pháp thay thế đáng tin cậy, tránh tình trạng các tổ chức đua nhau tranh giành hậu thuẫn của các chính phủ và các tổ chức quốc tế tạo ra hình ảnh một đối lập Việt Nam phân tán và thiếu tự trọng.

Mặt trận này cũng là điều kiện bắt buộc phải có để đem lại cho quần chúng niềm tin vào thắng lợi, do đó có thể động viên được quần chúng và sau đó để có thể lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi chế độ cộng sản phải nhượng bộ. (Trích chương 7, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2)

Như vậy, giải pháp dân chủ của Tập Hợp là rất rõ ràng và cụ thể. Giải pháp đó được xây dựng bởi chính nội lực và sự cố gắng của người Việt. Chúng tôi không hề dựa dẫm hay trông chờ vào bất cứ một thế lực nào bên ngoài. Khi người Việt có quyết tâm, khả năng và nội lực thì đương nhiên dư luận thế giới sẽ ủng hộ chúng ta. Còn nếu không có nội lực thì dù muốn cũng không có ai ủng hộ chúng ta cả. Các nhà độc tài như Gaddafi (Libya), Saddam Hussein (Iraq) trước lúc bị lật đổ đều là những nguyên thủ quốc gia ‘hợp pháp’ của đất nước mà họ cai trị.

Một điều rất quan trọng mà nhiều người chưa nhận ra là nếu đa số người Việt không đồng thuận với nhau về một giải pháp chung cho đất nước thì phong trào dân chủ sẽ không làm gì được và đảng cộng sản Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cai trị chúng ta. Không ít người Việt sống lâu dưới chế độ cộng sản nên ‘quen’ dần với sự cai trị tồi dở đó. Họ cho rằng chỉ cần có tiền là sống thoải mái và không ai làm phiền mình. Thực tế không giản dị như vậy. Nạn kẹt xe, tai nạn giao thông, cướp giật, ô nhiễm không khí, uống nước bị nhiễm độc, hít không khí bị thủy ngân, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo…tất cả những vấn nạn đó không chừa một ai, dù giàu hay nghèo.

Muốn đồng thuận với nhau về một giải pháp chung thì phải dựa trên những đề nghị, giá trị hay tiêu chí nào? Đáng buồn là ngoài Tập Hợp ra chưa có một tổ chức nào có được một giải pháp khả thi để dân chủ hóa đất nước, kể cả đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy thay vì thờ ơ và chỉ trích thì hãy dành cho giải pháp ‘dân chủ đa nguyên’ của Tập Hợp một sự quan tâm và chú ý cần thiết. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, trình bày và phản biện mọi ý kiến trên tinh thần cầu thị để đạt được được sự đồng thuận chung mà mọi người Việt Nam đều có thể chấp nhận.

Việt Hoàng (21/10/2019)





No comments: