Wednesday, January 23, 2019

[UPR] CẢM ƠN ĐAN MẠCH (Lê Nguyễn Duy Hậu)





Vậy là phiên đối thoại UPR chu kì thứ ba của Việt Nam đã kết thúc. Việt Nam nhận được rất nhiều khuyến nghị. Có nhiều khuyến nghị cũ, có nhiều khuyến nghị mới. Có khuyến nghị theo kiểu trung lập như làm tốt SDG, phê chuẩn này, công nhận kia. Có khuyến nghị kiểu chị em bạn dì, hoan nghênh thành tựu, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao. Có khuyến nghị mang tính chỉ trích, đòi thả người này, trừng trị người kia.

Cũng có khuyến nghị rất thẳng thắn như của Cộng hoà Czech (Tiệp Khắc cũ) đề nghị Việt Nam xây dựng môi trường cho đa nguyên chính trị ở Việt Nam (lặp lại khuyến nghị năm 2014 ở nước này về mở rộng sự tham gia chính trị của người dân, tiến tới nền dân chủ đa đảng)

Nhưng mình muốn cảm ơn Đan Mạch vì họ đã nói ba vấn đề mà mình rất tâm huyết. Đan Mạch là một quốc gia nhỏ ở Bắc Âu, thủ đô Copenhagen. Người Đan Mạch nổi tiếng nhất...Việt Nam là thủ môn Peter Schmeichel của MU cũ và nhà văn Hans Andersen. Đan Mạch từng vô địch Euro năm 1992 và từng vào tới tứ kết France 1998. Thành tựu nhân quyền của Đan Mạch là không thể chối cãi, cũng là một tấm gương cho quốc gia vừa tự do, vừa thịnh vượng, vừa công bằng, vừa đá bóng giỏi.

Ba khuyến nghị của Đan Mạch là:

- Một, chấm dứt ngay mọi hình thức xét xử lưu động tại mọi cấp để đảm bảo xét xử công bằng - đây có lẽ là khuyến nghị làm bất ngờ đoàn Việt Nam nên khi thứ trưởng Bộ Ngoại Giao phản hồi thì có nói rằng trong một số trường hợp thì có áp dụng xét xử lưu động để nâng cao nhận thức pháp luật và vì... điều kiện địa hình trắc trở, ở xa, nhưng Việt Nam đang rà soát lại.

- Hai, sửa đổi Luật An Ninh Mạng để đảm bảo tự do biểu đạt - Luật An Ninh Mạng trở thành "ngôi sao sáng" của buổi đối thoại hôm nay.

- Ba, công nhận quyền xuất bản báo chí và xuất bản phẩm của tư nhân.

Một lần nữa, rất cảm ơn Đan Mạch, quốc gia mình luôn yêu mến!



---------------------------------
23/01/2019

Việt Nam hôm 22/1 nói rằng họ đã có một cuộc đối thoại “mang tính xây dựng” tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, và được các nước “ngợi khen” về những thành tích quan trọng đã đạt được về nhân quyền trong đó có tự do báo chí.

Phái đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam lần thứ 3 tại Geneva, Thụy Sỹ, hôm 22/1/2019. (Screenshot of UN Web TV)

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/1 đăng tải các dòng tweet nói rằng chính quyền Hà Nội “luôn tiến bộ trong mọi quyền con người” và cam kết nhiều hơn về nhân quyền tại phiên điều trần UPR lần thứ 3 diễn ra mỗi 5 năm một lần.

Những đăng tải trên trang Twitter chính thức của BNG nói Việt Nam được khen ngợi vì những thành tích nhân quyền quan trọng, trong đó có “bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đảm bảo các quyền của người thiểu số và quyền tự do báo chí”.

Theo BNG, báo chí – một phần quan trọng của sự phát triển xã hội và kinh tế – có tự do để phát triển trong mọi lĩnh vực của xã hội.

Trong thời gian phái đoàn Việt Nam trình bày báo cáo tại phiên kiểm điểm hôm 22/1, hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài trụ sở LHQ tại Geneva để phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền của Hà Nội.

Nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng, người bị chính quyền Việt Nam trục xuất về Pháp năm 2017 và là một trong những người tham gia biểu tình tại Geneva hôm 22/1, nói với VOA rằng “các bản án nặng nề vừa qua đã chứng minh một điều là nhân quyền không được tôn trọng tại Việt Nam.”

Trong năm 2018, Hà Nội kết án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù – mức án cao nhất từ trước tới nay đối với một nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Gần đây nhất hôm 22/1, ông Phan Văn Bình bị kết án 14 năm tù. Cả hai người này và nhiều nhà hoạt động khác đều bị chính quyền kết án tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Theo thống kê của CPJ hồi tháng 12 vừa qua, Việt Nam nằm trong số những nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới trong năm 2018, với 47 người lãnh án tù giam. Thống kê gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lưu ý là hiện có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam.

“Tự do ngôn luận”
Mặc dù vậy, phái đoàn Việt Nam tại Geneva nói “không có cái gọi là ‘gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bày tỏ chính kiến một cách hòa bình như một số ý kiến nêu ra.”

Một đại diện Bộ Công an nói tại buổi kiểm điểm hôm 22/1 rằng “Luật pháp Việt Nam ghi nhận và tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến. Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn bảo vệ và tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của mình theo quy định của pháp luật.”

Tuy nhiên, với việc áp dụng Luật An ninh mạng từ ngày 1/1/2019, chính quyền Việt Nam bị chỉ trích là đã dùng bộ luật này để thắt chặt quyền tự do biểu đạt trên mạng.

Đại diện của Bộ Công an nói hiện có khoảng 3 triệu blogger ở Việt Nam “đang hoạt động bình thường” nhưng ông nhấn mạnh rằng “các hoạt động chính kiến phải luôn tuân thủ theo pháp luật, và không được lợi dụng quyền này để xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp khác.”

“Đúng người đúng tội”
Quan chức này cũng khẳng định với các đại diện quốc tế rằng việc xét xử đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật pháp Việt Nam “đảm bảo đúng người, đúng tội, công khai minh bạch.”

Tuy vậy, các chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế đều tỏ ra quan ngại về các bản án mà chính quyền Việt Nam đưa ra cho các nhà hoạt động và những blogger dám bày tỏ quan điểm trái chiều hoặc chỉ trích Đảng Cộng sản và chính phủ.

Tại buổi điều trần ở Geneva hôm 22/1, các đại diện của phương Tây đưa ra những câu hỏi liên quan đến các vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, các tổ chức xã hội dân sự và hành vi tra tấn những người bị giam giữ ở Việt Nam.

Đại diện của Mỹ “hoan nghênh những tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam” nhưng lưu ý rằng “sự tăng trưởng này không đi cùng việc mở rộng các biện pháp bảo vệ công nhân lao động.”

Trong khi đó đại diện của Đức muốn biết liệu Việt Nam có kế hoạch thông qua một luật về hội họp/biểu tình để thực thi quyền tự do hội họp biểu tình theo hiến định? Và nếu có thì bao giờ?

Đảng Xanh của Đức hôm 15/1 kiến nghị với chính phủ nước này không ký phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tại Nghị viện châu Âu sắp tới, vì theo đảng Xanh, “tình hình nhân quyền của Việt Nam vô cùng đáng quan ngại.”

Cũng trong tháng này, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi EU hoãn phê chuẩn EVFTA cho tới khi chính phủ Việt Nam có các biện pháp cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền “đàn áp” của mình.






No comments: