3/01/19
Trong
trường hợp cái được gọi là ‘sự thật’ ở hôm nay, lại là sự ‘dối lừa’ ở ngày mai,
vậy thì có cách nào để kiểm soát, giám sát những gì gọi là ‘sự thật’ ?
Cần thay đổi phương thức kiểm soát quyền lực để
không nhầm lẫn ‘sự thật’
Luật An ninh mạng, tại điều 8 "Các hành vi bị
nghiêm cấm về an ninh mạng", khoản 1.d ghi : "Thông tin sai sự thật
gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội,
gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ,
xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".
Băn khoăn lớn nhất đặt ra : thế nào là sự thật ? Nếu
sự thật được minh định ngay từ đầu thì chắc chắn không có vụ đại án Thủ Thiêm
như hiện tại ? Nếu sự thật được tôn trọng, thì cũng khó thể có con tàu đắm
Vinashin ở hôm qua để rồi di chứng kéo dài đến tận hôm nay.
‘Sân
khấu’ kịch trường chính trị ở thành phố Hồ Chí Minh
Gọi là ‘sân khấu’ vì ở đó nhiều quan chức đã khoác
những bộ mặt khác nhau trong ứng xử. Cựu nhà báo Nguyễn Đông Thức của báo Tuổi
Trẻ, kể một câu chuyện lãnh vực văn hóa nghệ thuật mà ông từng chuyên trách.
"Điên chuyện này từ lâu rồi ! Nhưng thấy nhiều
người biết nên cũng muốn chờ coi có ai nói không. Rằng cái thành phố này từ lâu
nay, đặc biệt là từ khi bị sự lãnh đạo của đám Hải Quân Đua Tài [1], đã nổi tiếng
toàn quốc về "bảo hoàng hơn vua", lập trường quan điểm chắc như bê
tông cốt sắt, đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá văn nghệ.
Với dàn chuyên viên sắt máu bảo vệ chế độ Phan Xuân
Biên và đại quan nửa đêm đi bắt bia ôm Ba Đua lên làm thường trực, hoạt động
văn học nghệ thuật của thành phố trung tâm này đã trở nên trì trệ, bảo thủ...
nhất nước.
Nhớ chuyện nhạc sĩ Phạm Duy đã chịu bầm dập như thế
nào mới xin được giấy phép hồi hương sinh sống như một người dân Việt. Lúc được
cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu xong, ông chủ động đến Hội âm nhạc Thành phố
Hồ Chí Minh để chào ra mắt các ông quan âm nhạc ở đây, thì đã bị... ngồi ngoài
sân, không ai tiếp !
Danh sách các tác phẩm của ông, tuy được duyệt cấp
phép nhỏ giọt, nhưng luôn ghi rõ "được phép phổ biến, biểu diễn trên phạm
vi toàn quốc". Vậy mà các chương trình biểu diễn ca khúc của ông tại
thành phố này luôn bị chỉ thị ngầm không được phát sóng phát thanh, truyền hình
và còn cấm mọi hình thức quảng cáo.
Có những tờ báo đã nhận tiền đăng quảng cáo các
liveshow của ông bị buộc phải trả lại. Một phim tài liệu về ông làm xong, 100%
Hội đồng duyệt phim Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định đồng ý thông qua, thế mà cấp
trên của thành phố này vẫn cương quyết không cấp phép phát hành. Chuyện này đã
hơn 10 năm, đến khi ông ngậm ngùi nhắm mắt vẫn chưa được thấy phim ra mắt !
Vòng hoa của Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh gởi đến
đám tang ông là vòng hoa nhỏ nhất, rẻ tiền nhất !. Mở ngoặc ở đây để thử hỏi giờ
có ai hát nhạc của các ông quan nhạc đỏ không ?". Nhà báo, nhà văn Nguyễn
Đông Thức kể trong tâm thế "điên chuyện này từ lâu rồi".
Vì là độc đảng cầm quyền nên vấn đề mang tính cốt
lõi ở đây phải chăng là nằm trong ba trường hợp : sự bất lực/ dung túng/ thỏa
hiệp của cấp đảng trung ương trong kiểm soát quyền lực chính quyền Thành phố Hồ
Chí Minh – địa phương đang góp hàng năm với tỷ lệ từ 28% đến 30% cho ngân sách
quốc gia.
Cần
thay đổi phương thức kiểm soát quyền lực để không nhầm lẫn ‘sự thật’
Góc độ pháp lý, Quốc hội Việt Nam là cơ quan lập
pháp, ban hành các điều luật. Chính phủ được xem là cơ quan hành pháp, thực thi
các điều luật, còn tư pháp là hệ thống tòa án xét xử. Cả ba nhiệm vụ đó của ba
cơ quan khác nhau đó, lại hoàn toàn chịu sự lãnh đạo thống nhất của đảng cộng sản
Việt Nam. Chỉ có sự phân nhiệm giữa các ngành với nhau, do các đảng viên của đảng
cộng sản được cử ra đảm nhiệm những chức vụ trong ba ngành ấy.
Như vậy rốt cuộc, phải chăng có sự dung dưỡng của đảng
cấp trên nên đảng cấp dưới như ‘Hải Quân Đua Tài’ mới dám lộng giả thành chơn ?
Và trong bối cảnh đó thì những cái gọi là ‘sự thật’ quả tình không dễ xác định.
Hệ lụy là bất kỳ ai dám chống lại ‘Hải Quân Đua Tài’ sẽ đối mặt các điều luật
hình sự như điều 88, điều 79, điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999 [2].
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng bộ mặt văn
hóa văn nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không mấy thay đổi dù không còn ‘Hải
Quân Đua Tài’.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Đông Thức kể tiếp : Và những
tưởng đang lúc cả lò lâm nguy sẽ giảm bớt vụ làm khó văn nghệ sĩ, ai dè mới tức
thì lại lòi ra vụ nghệ sĩ ưu tú, đảng viên Ngọc Huyền đến nay vẫn chưa hề bị
rút danh hiệu dù đi Mỹ đã lâu. Cô này gom tiền về xin diễn liveshow, nhân kỷ niệm
bao nhiêu năm hành nghề. Cục nghệ thuật biểu diễn (trung ương) cấp phép, nên Sở
(địa phương) cũng phải cắn răng duyệt ký. Thế nhưng, đồng loạt Nhà hát Hoà
Bình, Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành cùng từ chối hợp đồng diễn, với lý
do bận hết rồi.
Tới sân Lan Anh thì ký được, nhưng giờ chót lại bị
nói đã kẹt phục vụ ngày quân đội. Chạy qua rạp Thủ Đô là giải pháp tội nhứt rồi,
vì rạp quá tệ, nhưng đành cắn răng bỏ luôn tiền sửa rạp cho tươm tất tí, sau
khi ký được hợp đồng. Vậy mà hôm sau rạp lại bị "lãnh đạo" yêu cầu huỷ.
Và tất cả, như thường lệ, đều là lệnh miệng, không biết của ai và chả có một tờ
giấy lộn nào ! Và ngang trái là, sau đó chả có cái nhà hát nào, rạp nào có show
diễn hết !
"Nói thiệt là tôi chưa bao giờ coi hay nghe Ngọc Huyền hát, đừng nói
là thích. Nhưng đã gọi là mở cửa, là đại đoàn kết, là sống và làm việc theo
pháp luật... thì sao lại có chuyện Sài Gòn này một mình một cõi bảo vệ chế độ
và ngang nhiên cấm người ta vậy ? Phải chăng dù cả nhà đang sắp vào lò, đám cấp
dưới vẫn cứ theo quán tính "lập trường quan điểm đạo đức sáng ngời",
cương quyết giương cao ngọn cờ thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa xã hội ?
Lo giữ ghế, lo chứng tỏ "phẩm chất cách mạng",
lo ra vẻ trung thành với cái lý tưởng đã... Cứ tiếp tục vầy hoài thì các hoạt động
văn hóa nghệ thuật của thành phố này sẽ cứ èo uột như con chuột, và chán như
con gián như từ trước tới giờ. Văn nghệ sĩ, các nhà tổ chức thì sẽ tiếp tục khổ
như con hổ... trong sở thú.
Hơn 43 năm trước, Sài Gòn này toàn các anh tài. Giờ
đây cũng vẫn có rất nhiều nhân tài, nhưng tất cả cùng chỉ biết hai chữ... ngậm
ngùi !". Nhà báo, nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét đầy chua chát.
Cần thay đổi phương thức kiểm soát quyền lực để
không nhầm lẫn ‘sự thật’. Đó là ‘đề bài’ mà người đứng đầu đảng cầm quyền tại
Việt Nam phải giải cho bằng được trong năm 2019 này. Nếu không thì với các điều
luật dễ bị suy diễn như điều 8, Luật An ninh mạng, lại sẽ có nhiều người dân phải
mặc áo tù vì dám nói lên những sự thật, mà đảng tự nghĩ rằng vì nó gây hoang
mang, nên sự thật đó là… ‘sai sự thật’ !?
---------------
Chú
thích :
[1] Hải Quân Đua Tài là muốn nói đến 4 nhân vật : Lê
Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Trần Văn Đua, Nguyễn Thành Tài.
[2] Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự tu chính có hiệu
lực pháp luật. Theo đó, các tội danh "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân" (Điều 79 luật hình sự cũ), "Tội tuyên truyền chống Nhà nước
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 88 luật hình sự cũ) và "Tội
lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, công dân" (Điều 258 luật hình sự cũ) đều được giữ lại
trong Bộ luật Hình sự tu chính, nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn thay
đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này theo hướng khắt khe hơn.
No comments:
Post a Comment