25/01/2019
Khá lâu hai chữ “ăn tết” chừng như không còn làm cho
những người xa nhà xôn xao nữa, bởi không xa nhà như Nguyễn Bính, cách một hai
lần đò, chúng tôi xa nhà vạn dặm không con đò nào đưa về quê được nên nhớ nhà
chỉ còn cách duy nhất là lần về bằng trí nhớ, mà một khi trí nhớ hao mòn thì giống
như thanh tre gát trên cầu khỉ gãy ngang, gây hụt hẫng cho người lần dò lấy nó
mà đi cho dù con sông mà nó bắc ngang chỉ trong gang tất.
Khi cái mát lạnh của mùa xuân phảng phất thì chừng
như những ngày tết đã cận kề. Nhớ như in về mẹ, những ngày này bận rộn nhưng
môi mẹ chừng như không ngớt mỉm cười. Gia đình sống phiêu dạt theo chân cha
trên nhiều tỉnh thành nhưng cái chất quê ngọt ngào không hề phai trên đôi vai của
mẹ. Chiều 23 Tết trong khi mọi nhà cúng kiến ông Táo về trời thì nhà mình lại
im ắng trước mâm cơm thường nhật. Sau bữa cơm mẹ kêu mình ra thử bộ quần áo mới
mẹ vừa mua, cái cảm giác thử áo theo mình suốt bao nhiêu năm đến nỗi khi đã
thành người lớn mỗi lần mua một bộ quần áo mới lại nhớ đến mẹ, nhớ từng cái vuốt
cho áo thẳng thớm, kéo bên này phủi bên kia làm cho mình cảm thấy như được vuốt
ve dưới manh áo mới. Mùi thơm của vải là thứ duy nhất nối liền mình với mẹ cho
tới nay, nó như thứ nước hoa không thể lẫn giữa muôn ngàn loại hương thơm khác
trong đời sống.
Và từ lúc thử cho tới lúc chính thức được mặc bộ quần
áo mới là cả một chuỗi ngày chờ đợi.
Cũng may, chỉ một tuần lễ là tết, sự bận bịu không
chừa một ai làm thời gian ngắn lại. Mẹ thường dẫn mình đi chợ tết vào những
ngày sát tết thường là 27 tết khi mọi thứ bớt rầm rộ và giòng người len lỏi
trong chợ ít đi. Đó là lúc mẹ chọn dưa hấu, các loại bánh mứt trên bàn thờ, thịt
heo, gà sống, củ kiệu và hàng chục món khác. Mình thích nhất là chợ hoa trong
những ngày này, những chậu mai hiền lành, những cụm vạn thọ vàng rực một góc chợ
chen với cúc, huệ, và nhiều loại hoa khác làm cho không khí tết rực rỡ hẳn lên.
Người ngắm kẻ mua chen lẫn nhau và mình chợt nhận ra mọi người đều hiền hòa, dễ
thương so với ngày thường nhiều lắm, có lẽ mùa Tết làm cho người ta gần nhau
hơn bởi ai cũng cùng chung mục đích: “ăn tết”.
Đêm ba mươi dù buồn ngủ cách nào mình và các chị
không bao giờ vào mùng sớm vì còn xem nấu bánh tét. Cả nhà đi vô đi ra như chờ
đợi một điều gì quan trọng lắm, thì ra chờ giây phút giao thừa để được đốt
phong pháo mà cha mua về từ hôm trước. Cái thời khắc thiêng liêng ấy được chờ đợi
trong hồi hộp vì pháo nổ là tết chính thức bước vào nhà và năm cũ ra đi dể năm
mới hoàn toàn khác trở về. Những ngày tết về sau này nhà nước cấm đốt pháo thì
mình đã xa quê nhưng tâm trí cứ nghĩ về tiếng pháo giao thừa của những ngày xưa
cũ. Tiếng pháo đánh thức niềm hy vọng, hương thơm của pháo tết lan tỏa khắp nơi
làm không khí ngày tết đượm mùi gần gũi của hàng xóm láng giềng. Pháo nổ làm
cho những phiền muộn của người nghèo tạm thời bay xa nó làm cho những gia đình
khá giả biết ơn những gì trời đất đã dành cho họ. Tiếng pháo mang nặng tâm lý cộng
đồng và chính nó làm cho người ta gần gũi nhau hơn mỗi lần tết đến.
Rồi sáng mùng một trong lành cũng đến. Mẹ đánh thức
mặc cho bộ quần áo mới, dặn dò nhiều điều mà năm trước mẹ từng dặn dò. Mọi người
lục tục kéo nhau mừng tuổi ông bà cha mẹ, những phong thơ màu đỏ đựng những đồng
tiền mới tinh lì xì cho bọn trẻ, tiếng nhạc mừng xuân bắt đầu rộn rã, bữa ăn
sáng mùng một tết được dọn ra và mọi người quây quần bên nhau trước khi ra khỏi
nhà mỗi người một hướng.
Mâm cơn sáng mùng một tết có lẽ là mâm cơm tươm tất
và ngon nhất trong năm. Mẹ và các chị đã hết sức chăm chút nó từ những ngày trước
tết. Củ kiệu và tai heo đã được ủ trong những chiếc hủ sành tính sao cho đủ độ
chua ngọt cần có khi bóc ra vào sáng đầu năm. Những khoanh bánh tét xanh ươm
màu lá nằm tròn trĩnh cạnh dĩa dưa món đầy màu sắc. Nồi thịt kho măng vàng rực
cùng với những chiếc bánh tráng đang chờ cuốn với rau sống là món chủ lực của bữa
ăn đầu năm. Tuy ngon và mát mắt như thế nhưng không ai ăn no cả, hình như tiếng
trống múa lân ngoài phố đang thúc giục mọi người.
Trước khi xem lân, mình ghé ngang đám đông đầy tụi
con nít cỡ tuổi mình trong các sòng “bầu cua cá cọp” bên đường. Những hình ảnh
trái bầu đỏ mọng, con cua hùng tráng xanh mầu biển, con nai hiền lành đứng trên
con cá đang vẫy đuôi cùng chú gà cồ lảnh lót tiếng gáy theo sát mình suốt mấy
ngày tết. Vài đồng bạc lì xì mau chóng vào túi của nhà cái, thường là một anh
chàng trong xóm, hết tiền lại chạy đi chơi cái khác, hiếm gì cuộc vui ngày tết
hơi đâu phải phí công ngồi ngắm chú bầu con cua?
Tiếng trống múa lân làm cho bọn trẻ cỡ tuổi mình đứng
ngồi không yên. Cứ thấy ông địa lắc bụng cầm chiếc quạt rách phe phẩy là mình lại
thích thú. Con lân dưới đôi mất ngây thơ của mình thật khác thường, mắt nó chớp
giật như một con vật sống đôi lúc làm mình sợ hãi nhưng cũng đầy thích thú. Khi
nó leo lên táp túi đựng tiền lì xì của gia chủ là tiếng trống dồn dập, tiếng hò
reo cổ vũ đầy trời tạo cho không khí hừng hực mầm sống của ngày tết Nguyên đán.
Lớn lên một chút tết vẫn còn nguyên hương vị của nó
như xưa, có điều vì lớn nên cái nhìn ngày tết của mình cũng khác. Lớn có những
yêu cầu khác với một cu con nít, tâm trí vỡ ra những hình ảnh mà ngày thường
không có, nhất là phong vị của tết, càng lớn thì người ta càng cảm nhận đầy đủ
hơn về không khí đặc biệt mà chỉ ngày tết mới có.
Đó là những cuộc đi chơi với bạn bè trong không khí ấm
áp đầy hoa của không gian ngày tết. Đây là lúc chưng diện với mọi người chung
quanh để chứng tỏ ta đã lớn, đã bước hẳn vào tuổi hoa niên đầy hoa lá chung
quanh.
Nhưng có lẽ thời khắc này chính là lúc âm nhạc cuốn
hút người ta nhiều nhất.
Tết mà không có nhạc xuân thì còn gì thiếu vắng hơn.
“Tấm thiệp đầu xuân” “Xuân này con không về” cùng nhiều bài hát bất hủ khác của
ngày tết góp phần làm cho tết lý thú, gắn bó hơn giữa người nghe với nhau…nhưng
gì thì gì một bản nhạc không thề thiếu trong ba ngày tết đó là bài “Ly rượu mừng”
của Phạm Đình Chương.
Thật vậy, ca khúc Ly rượu mừng đã ăn sâu vào trí nhớ
của người Việt đối với những ai sống ở đất nước này từ năm 1975 trở về trước.
Giai điệu quyến rũ, ca từ mặn mà, hồn hậu lột tả hết nét nhân văn của một vùng
đất tuy đạn bom dày xéo vẫn không mất đi lòng thương yêu, thói quen tha thứ và
khuyến khích nhau xây dựng quê hương trong tinh thần tương ái. Là một nhạc sĩ
miền Bắc di cư vào Nam, Phạm Đình Chương mang tâm trạng xa quê lồng vào ca khúc
này với ước vọng mọi người cùng nhau xây đắp non sông trong một ngày mai hòa
bình hạnh phúc. Nhạc sĩ vượt lên mọi cám dỗ thường trực của chiến tranh tâm lý
để cho ra đời một ca khúc bất hủ cho dân tộc. Ở đâu trên mọi vùng đất của quê
hương, trong những ngày tết xa quê người ta cũng có thể hợp ca Ly rượu mừng để
nối liền những người con xa xứ với gia đình.
Nhưng tiếc thay bài hát không thể nối được những đứa
con xa quá, xa đến nỗi không con đò nào đem họ về được với quê nhà.
Nguyễn Bính chỉ từ Bắc vào Nam vài ngày đã rên rỉ:
……
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu viễn phương (…)
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….
Ông đúng là giang hồ vặt, chỉ thấy cơm sôi đã nhớ
nhà, còn chúng tôi không hề muốn giang hồ, chỉ muốn ngồi bên mộ mẹ ôn lại những
ngày còn thơ cũng không được huống chi là tết?
Tản mác khắp thế giới chúng tôi cũng cố giữ cái hồn
tết của dân tộc lắm nhưng tiếc thay cố gắng nào cũng vô ích trong suốt hơn 40
năm qua. Chúng tôi đốt pháo nhưng không ai nghe, mua bánh tét bánh chưng chất đầy
nhà chỉ để đem đi làm trong mấy ngày được gọi là tết. Những bông hoa giả nằm buồn
bã trong góc nhà. Chai rượu đắt tiền không biết khi nào mới khui vì bạn bè ai
cũng tất bật mưu sinh không còn thời gian để nhớ tết. Trẻ con không cần áo mới
vì chúng có mỗi ngày. Chúng cũng không biết thế nào là lì xì, là bầu cua cá cọp
như chúng tôi.
Tết ở phương xa nếu có cũng chỉ ngồi trong bóng tối
rồi nghe một mình ca khúc “Xuân này con không về” để tự đánh lừa mình cho một
ngày về không được in trong lịch.
Tết, đối với chúng tôi, ngày càng xa, càng teo tóp.
Nó giống như tiếng pháo không mùi thuốc pháo vậy thì khác gì tiếng nổ trong mọi
cuốn phim hành động?
No comments:
Post a Comment