Nguyễn Đình Cống
19/01/2019
Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ
quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất
cả các lĩnh vực, nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng
đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế
kinh tế. Đột phát thể chế cần đột phá về tư duy. Tôi tán thành ý kiến “Đột
phá về thể chế cần đột phá về tư duy”. Và nhờ tư duy mà tôi đưa ra một số phản
biện: sự duy ý chí và chọn nhầm phương hướng của diễn đàn.
2-Sự
duy ý chí
Trong gần 1 thế kỷ qua, bên cạnh một số thắng lợi và
thành tích, chúng ta vấp không ít thất bại mà sự duy ý chí là nguyên nhân chủ yếu.
Duy ý chí là căn bệnh tinh thần của những người thừa hăng hái mà kém trí tuệ,
chỉ thấy rõ cái lợi trước mắt mà không thấy được những cái hại to lớn và lâu
dài. Không thấy được vì chúng đang ẩn giấu, vì ta đã bị cái lợi làm cho mờ mắt
mà quên mất nhân nghĩa, vì trí tuệ của ta quá nông cạn. Hợp tác xã nông nghiệp,
cải tạo công thương với Đỗ Mười, Formosa với Võ Kim Cự… là vài trong những dẫn chứng
hùng hồn.
Nghe nói đến làm cho đất nước hùng cường thì những
người cạn nghĩ rất phấn khích. Họ đã trải qua niềm hy vọng to lớn ở những năm
80 của thế kỷ trước khi nghe tuyên bố “tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH”, rồi sau
đó đất nước rơi vào tình trạng đói kém, kiệt quệ, họ hân hoan tràn trề trong những
năm giao thời thế kỷ, khi nói đến chuyện Việt Nam sẽ hóa hổ, hóa rồng, sẽ thành
nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020, thế mà đến 2019 vẫn thấy đang còn tụt
hậu quá xa.
Xin hãy nhìn kỹ thực trạng của đất nước, thấy rõ sự
thật để có phương hướng đúng về đột phá tư duy. Trong lúc lãnh đạo nhà nước tìm
đủ mọi biện pháp để giữ ổn định chính trị, thì ổn định xã hội bị phá nát. Mà ổn
định xã hội mới thật sự quan trọng. Liệu trong khi môi trường khắp nơi bị hủy
hoại, giáo dục và đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, nợ nần chồng chất, oan khuất
tràn lan, tự do và hoạt động xã hội dân sự bị bóp nghẹt mà bàn đến HÙNG CƯỜNG
thì có duy ý chí hay không.
Trong truyền thống của dân Việt có một điểm yếu, là
“bệnh sĩ”. Đó là sự thèm khát danh tiếng, là thói thích phô trương, là mong ước
được xếp thứ hạng cao, được hơn người. Từ đó sinh ra thói tranh giành hơn thua.
Bệnh sĩ này được cộng hưởng với sự tuyên truyền dối trá của chủ nghĩa Mác Lê,
được kết hợp với mặt trái của phong trào thi đua làm cho nó càng trở nên trầm
trọng. Bệnh sĩ của dân Việt chưa đến mức như con nhái của Laphongten (*) nhưng
cũng đã gây ra nhiều chuyện nực cười và mang về nhiều tai họa. Bệnh sĩ là một
trong những tác nhân gây ra tình trạng duy ý chí.
3-Nhầm
phương hướng
Nguyện vọng chính đáng của dân Việt là giữ được ổn định
để phát triển. Mục đích tối hậu là tự do và hạnh phúc của toàn dân. Những tiêu
chí như độc lập, thống nhất, dân chủ, chủ nghĩa, cơ chế, chính sách v.v…, có thứ
thiêng liêng, có thứ bình thường, là mục tiêu cần thực hiện trong từng giai đoạn
nào đó, nhưng cuối cùng cũng chỉ đóng vai trò phương tiện. Cần giữ vững, cần
kiên trì mục đích cuối cùng, còn phương tiện có thể thay đổi. Thế nhưng, vì nhầm
lẫn phương tiện với mục đích, nên nhiều lúc bị nhầm phương hướng mà không biết.
Ý của diễn đàn là muốn có “các giải pháp phát triển
đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ
niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam”. Ý này là chấp nhận được,
nhưng “Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế”, là cần thảo
luận.
Sách “Tại sao các quốc
gia thất bại” đưa ra xem xét thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Mỗi
thể chế có 2 dạng: dung hợp và chiếm đoạt. Tuy rằng dưới thể chế chính trị chiếm
đoạt, có lúc, có nơi kinh tế được phát triển ở một mức độ nào đấy, nhưng đó chỉ
là cá biệt. Đất nước chỉ có thể trở nên hùng cường, ổn định lâu dài khi kết hợp
thể chế chính trị dung hợp với thể chế kinh tế dung họp. Ở VN, hiện nay thể chế
chính trị là chiếm đoạt với sự độc tài đảng trị.
Trong mấy chục năm qua, lãnh đạo vẫn không ngớt kêu
gọi việc phát triển kinh tế trên cơ sở bảo vệ môi trường, nhưng vì quá nôn nóng
thể hiện bệnh sĩ, quá vội làm giàu cho nhóm lợi ích mà tạo nên những liên kết
ma quỷ của quyền lực chính trị với bọn tư bản đỏ để thao túng mọi mặt xã hội. Hậu
quả tai hại là nợ nần chồng chất, môi trường bị tàn phá, tài nguyện bị kiệt quệ,
một số đông dân chúng bị oan khuất.
Phát triển kinh tế là cấn, nhưng để làm cho đất nước
hùng cường với ý “khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng”, thì
có nhiều việc cần hơn về chính trị, về văn hóa. Khi đưa phát triển kinh tế lên
hàng đầu dễ làm cho các nhóm lợi ích lợi dụng để thực hiện mưu đồ riêng, dễ làm
cho số đông người bị lạc hướng, chạy theo lợi ích vật chất mà bỏ qua những nhu
cầu cơ bản về nhân quyền, nhằm đến tự do và hạnh phúc cho toàn dân.
4-Đột
phá về tư duy
Trước đây nói nhiều về “đổi mới”, gần đây có thêm “đột
phá”. Về vấn đề này nên phân biệt: đối với cá nhân và tổ chức có khác nhau.
Với cá nhân, đổi mới hay đột phá về tư duy là do một
tác động nào đó mà ngộ ra được. Việc ngộ ra này chỉ có thể xẩy ra đối với một số
ít người đã có sẵn một thiên tư quý giá nào đó, hoặc đối với người đã trải qua
một quá trình suy nghĩ hoặc tu luyện nghiêm chỉnh. Sẽ rất khó hoặc không thể xẩy
ra sự ngộ này đối với những người vừa kém trí tuệ, vừa bị nhồi sọ, bị tẩy não đến
mức trở thành những kẻ ngu tín, ngu trung.
Với tổ chức, đổi mới tư duy, cơ bản là đưa những người
có tư duy mới thay thế người có tư duy cũ, là đưa ra cơ chế mới, loại bỏ cơ chế
lỗi thời. Với đất nước VN hiện nay đổi mới hoặc đột phá tư duy quan trọng và cấp
thiết nhất là về thể chế chính trị và hệ thống tổ chức chính quyền. Khi chưa có
những đổi mới ấy thì mọi thứ đổi mới khác chỉ là vụn vặt và rất khó thực hiện
có hiệu quả.
____
(*) Con nhái trong ngụ ngôn: Con nhái trông thấy con
bò/ Hình dung đẹp đẽ, mình to béo tròn/ Nhái bằng quả trứng tí hon/ Lại toan cố
sức bằng con bò vàng… Rồi vì gắng quá sức, vỡ bụng chết.
No comments:
Post a Comment