Posted on Tháng Một 4, 2019
Oiseaux
Trần Lệ Xuân (1924-2011) sinh ra trong gia đình khá
đặc biệt. Ông nội là tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông, ông ngoại là thượng thư
Bộ Binh Thân Trọng Huề. Cả hai ông trước khi làm quan to đều là Giám đốc Trường
Hậu Bổ Hà Nội (trường đào tạo quan chức hành chính, dạy cả Hán văn lẫn Pháp
văn, tốt nghiệp ra được bổ làm tri huyện). Bà nội Trần Lệ Xuân là em ruột Bùi
Quang Chiêu. Bùi Quang
Chiêu là người thành lập Đảng Lập Hiến và là người mở tờ báo La
Tribune Indigène cùng Nguyễn Phú Khai. Nguyễn Phú
Khai là bố của bà Thụy Nga (Bảy Vân), người vợ miền nam của ông Ba
Duẩn. Sau CMT8, Bùi Quang Chiêu lúc này 70 tuổi bị giết cùng các con của
mình.
Bố của Trần Lệ Xuân là ông là Trần Văn Chương. Ông
này hơn Ngô Đình
Nhu khoảng một giáp, và rất thích sự học giỏi giang của ông Nhu. Ông
Chương được đi du học, có bằng luật sư, rồi trở về Sài Gòn hành nghề. Hai con
gái của ông là Lệ Chi và Lệ Xuân giai đoạn này được gửi đi học ở Couvent des
Oiseaux trên Đà Lạt. Đây là trường nữ sinh, dành cho quý tộc Đông Dương.
Trong ảnh là trường Les Oiseaux trước năm 1975!
Nam Phương Hoàng Hậu hồi còn là con gái thì đi học ở
Couvent des Oiseaux bên Pháp. Khi bà làm hoàng hậu, vua Bảo Đại hiến tặng một
khu đất ở Đà Lạt (Hoàng triều cương thổ) để xây trường Couvent des Oiseaux Đà Lạt.
Một thời gian sau, ông Chương chuyển ra Hà Nội, Trần Lệ Xuân ra theo. Lúc này
Les Oiseaux đã có cơ sở Hà Nội, tên là Notre Dame du Rosaire ở đường Thành
(digue Parreau), trên khu đất thuộc làng Vĩnh Phúc, nằm liền kề làng Liễu Giai
và làng Đại Yên, nay là Hoàng Hoa Thám (Đại chủng viện Xuân Bích cũng ở gần khu
đất này, nằm trên đất làng Liễu Giai, nay là khu Quần Ngựa). Trần Lệ Xuân đi học
có lái xe riêng và cô sen theo hầu. Từ Couvent des Oiseaux cô chuyển qua học
Albert Sarreau, lấy tú tài nhất năm 17 tuổi thì bỏ học lấy chồng.
Notre Dame du Rosaire
Năm 1946, cô Xuân lúc này 22 tuổi, vì nạn Việt Minh
mà phải bỏ trốn vào Sài Gòn, rồi lên Đà Lạt.
Đến năm 1952, người vợ trẻ Trần Lệ Xuân sau nhiều
năm nuôi ông chồng trí thức trùm mền ở Đà Lạt, bắt đầu rơi vào cảnh kiệt quệ
tài chính. Cùng thời gian này, Ngô Đình Diệm bôn ba hải ngoại. Sự nghèo
khó không hạ gục bà Xuân. Nhờ học Couvent Des Oiseaux, bà Nhu có quan hệ tốt với
hoàng hậu Nam Phương, và cùng Ngô Đình Luyện là bạn của Bảo Đại, bà giúp đặt những
bậc thang đầu tiên cho sự nghiệp chính trị của Ngô Đình Diệm, giúp ông Diệm trở
thành thủ tướng của quốc trưởng Bảo Đại.
Regina Mundi Les Oiseaux
Cũng nhờ các cô bạn học hồi Les Oiseaux, nay giàu có
và nhiều thế lực, bà Xuân tổ chức thành công sự kiện dình dang ngày 25 tháng 6
năm 1954 đón ông Diệm từ sân bay trở về dinh Gia Long. Năm này bà Nhu tròn
30 tuổi. Được coi là Đệ nhất phu nhân (de facto) bà Xuân là người kế thừa vai
trò của hoàng hậu Nam Phương.
(Hai ảnh trên. Ảnh đen trắng là
class 1968, bên tay phải ảnh là nhà nguyện. Ảnh màu là nhà nguyện, tôi chụp
tháng Mười vừa rồi, trước khi nhà nguyện bị dỡ.)
Mỗi sáng cuối tuần ngồi trong nhà nguyện, nơi sân
trường Oiseaux, tôi vẫn tự hỏi ông Nhu và bà Nhu đã có lúc nào đến nơi đây.
***
Galilei
Trong hình là bản vẽ mặt trăng của Galilei.
Galileo Galilei vẽ hình mặt trăng này năm 1610. Lúc
này ông đã là cao thủ trong thiết kế và chế tác kính thiên văn, một thiết bị
quang học tối tân thời đó. Cùng lúc này ở vùng đất giữa sông Mã và sông Hồng có
những biến động lớn. Năm 1600, sau khi cùng họ Trịnh dẹp yên nhà Mạc và gầy dựng
lại nhà Lê, Nguyễn Hoàng đi khai khẩn miền Nam. Năm 1613, con trai của Chúa
Nguyễn Hoàng, là Nguyễn Phúc Nguyên được giao làm trấn thủ Quảng Nam. Đào Duy Từ vào
Đàng Trong đầu quân cho Nguyễn Phúc Nguyên, Trịnh-Nguyễn phân tranh
chính thức bắt đầu. Từ đất Quảng Nam với hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên làm đầu
lĩnh, chữ quốc ngữ ra đời.
Galilei (1564-1642) là nhà vật lý, nhà thiên văn học
và cả nhà toán học nữa. Nguyên lý tương đối mang tên ông (Galilean principle of
relativity) là nền tảng của các định luật Newton. Và cũng là cơ sở để Einstein
phát triển “Thuyết tương đối hẹp”. Einstein coi Galilei là cha đẻ của khoa học
hiện đại.
Galilei chăm đi nhà thờ. Vừa dự lễ vừa làm thực nghiệm:
khảo sát dao động của đèn chùm bằng nhịp đập huyết mạch của mình.
Câu nói bất hủ “Nhưng dù sao trái đất vẫn
quay” là vì ông tin vào chân lý khoa học, nhưng đồng thời tuân phục ý
thức hệ giáo hội.
Galilei còn nói đại ý : Khoa học là để hiểu
lối đi của “thiên đường”, tôn giáo là để hiểu lối đến “thiên đường”.
“Thiên đường” mà nhà khoa học ngoan đạo Galilei nói,
vừa là “Nước Chúa” mà Kitô hữu hướng đến vừa là “Vũ Trụ”, là “Mẹ Tự Nhiên” mà bất
cứ ai cũng muốn trở về.
“Lối đến thiên đường” mà Galilei nói, vừa là lối sống
theo Đạo đức (Ethics) Kitô giáo, vừa là quy cách ứng xử trong lối sống đời thường.
Đó là “con đường” giúp mọi người sống tử tế, đúng đắn và hài hòa với nhau, với
cộng đồng, với xã hội và với thế giới tự nhiên.
Ethics, là luân
thường đạo lý giúp xã hội vận hành trơn tru, giúp các cá nhân sống hòa
hợp với nhau và với thế giới tự nhiên xung quanh. Tác động của nó đến cộng đồng
tích cực hơn thứ Đạo đức thiên về phẩm hạnh cá nhân (Morals) vốn là kim chỉ nam
để mỗi người biết cách nhận ra tốt-xấu, đúng-sai, thiện-ác, chính-tà. Ethics hướng
ngoại hơn, cộng đồng hơn. Morals hướng nội và cá nhân hơn. Ethics bảo vệ quyền
con người còn morals hạn chế quyền ấy. Hành động theo lẽ phải, là dựa vào
ethics. Sống lương thiện là dựa vào morals.
Morals ít thay đổi theo biến động xã hội, nó gắn với
đức tin tôn giáo, với lý tưởng chính trị của mỗi cá nhân. Ngày trước thì “cả đời
đục, mình ta trong”; ngày nay thì “cả khu rừng là củi, mình ta là que diêm”.
Ethics thay đổi theo tiến bộ xã hội. Ngày trước trẻ con không được ăn thịt chó;
ngày nay người lớn cũng không được ăn. Ngày trước chơi cần là nghiện ngập; ngày
nay hút cỏ là tự do.
Nếu đề cao Ethics, thay vì Morals, chúng ta có thể
có cuộc sống cá nhân thoải mái hơn mà không bị coi là vô đạo đức. Ta có thể mê rượu,
hút cần và suốt ngày ong bướm các cô gái đẹp. Miễn là sống cuộc đời hữu ích, ứng
xử đúng mực và hài hòa với con người và với thế giới tự nhiên.
Xã hội như Việt Nam, bị ảnh hưởng của Khổng giáo thường
đề cao “đức trị” đem đạo đức cá nhân (morals) ra sử dụng như đạo đức xã hội
(ethics). Áp đặt một cách thô lậu tiêu chuẩn cá nhân lên toàn bộ cộng đồng, triệt
tiêu nhân quyền. Cái morality ấy lại còn gắn chặt với mẫu hình giữ gìn phẩm hạnh.
Một thứ phẩm hạnh thừa giáo điều mà thiếu khoan dung, nặng cảm tính mà nhẹ lý
tính, giữ cho mình thiện mà lại gây ác cho người. Một thứ phẩm hạnh khư khư giữ
tấm thân sạch sẽ đứng ngoài lề, không chịu dấn thân vào dòng đời ô trọc, thành
ra sống mà vô ích cho xã hội.
Mấy chục năm trước xã hội Việt Nam cũng đã từng áp đặt
một thứ ethics giả hình như vậy. Đó là tiêu chuẩn đạo đức lối sống của cán bộ đảng
viên, đạo đức lối sống của người cộng sản. Nhưng ethics đó chỉ là lớp vỏ khô cứng
bên ngoài cho một phiên bản thiếu sức sống thừa giáo điều của cái lõi morals ở
bên trong. Nó đơn giản chỉ là việc lấy tiêu chuẩn phẩm hạnh cá nhân khắt khe và
thô sơ để áp đặt lên tập thể đa dạng, thủ tiêu các quyền cơ bản của con người,
bóp nghẹt xã hội dân sự. Ai không tuân thủ sẽ bị dẫm đạp tơi bời. Các tiêu chuẩn
đạo đức lối sống ấy, vì tính vô thần và bất chấp tiến bộ xã hội của nó, không
những không thể đa dạng hóa thành đạo đức nghề nghiệpmà còn góp phần
làm tha hóa những người phải đeo cái ethics cằn cỗi ấy trên
lưng, bất kể họ là ai, làm nghề nghiệp gì hay có địa vị gì trong xã hội.
Khi ta nói “xã hội đang băng hoại”, là ta đang nói đến
sự thiếu vắng ethics kiểu Galilei. Khi lái xe đường dài gây tan nạn thương tâm,
bao biện rằng mình dùng ma túy vì “cơm áo gạo tiền”, đó là che giấu việc cả
mình lẫn chủ xe đều không có ethics. Khi chính quyền biện minh cho sai lầm
trong hệ thống của mình là do “buông lỏng quản lý”, đó là lấp liếm che giấu việc
không có ethics của cả người thực thi, người lãnh đạo và toàn bộ bộ máy. Không
cách nào quản lý được những cán bộ không có đạo đức nghề nghiệp. Bộ
máy nhà nước tốt là bộ máy chỉ cần quản lý rất ít mà nó vẫn vận hành hiệu quả.
Nếu đề cao thứ ethics phổ quát kiểu châu Âu, và bớt
đánh giá con người theo tiêu chuẩn morals châu Á, thì mỗi người trong xã hội sẽ
nhập tâm và biết cách hành sử sao cho phù hợp với ethics của cộng đồng mà mình
gắn bó. Đó chính là ethics của công chức, ethics của bác sĩ, ethics của luật
sư, ethics của giáo viên, ethics của cảnh sát giao thông, ethics của lái xe, …
Những ethics đấy là nền tảng tạo nên đạo đức xã hội và đạo
đức nghề nghiệp, hai thứ đạo đức mà Việt Nam đang không có.
Xem thêm: Cách
chúng ta mưu sự hành động và lối sống.
***
Bảng tuần
hoàn kiêu hãnh của Mendeleev
Trong những năm tháng khó khăn của đất nước, rất ít
học sinh có được một cuốn từ điển. Vậy nên nhiều thế hệ học sinh chỉ biết việc
tra cứu nhờ vào việc sử dụng Bảng Logarithm và Bảng tuần
hoàn các nguyên tố hóa học.
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học manh nha hình thành cách nay khoảng 200 năm. Nó có nhiều phiên bản
khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là Bảng tuần hoàn Mendeleev. Bảng
tuần hoàn này ra đời năm 1869, cách nay đúng 150 năm.
Các học sinh phổ thông, kể cả những em không ưa
thích môn hóa, ai cũng học được một điều gì đó từ Bảng tuần hoàn
Mendeleev. Ví dụ từ bảng tuần hoàn, các em có thể hình dung được cách người
ta phân loại và hệ thống hóa cả trăm nguyên tố hóa học, với các tính chất hóa học
phức tạp và khô khan.
Các nguyên tố được phân vào các ô. Các ô được xắp xếp
theo hàng và cột. Mỗi ô có màu và đường viền khác nhau. Cột, hàng, màu và đường
viền là các “code” để các em chỉn nhìn vào và biết ngay được nguyên tố hóa học
trong ô thuộc phân nhóm nào và bởi vậy có tính chất gì.
Trong mỗi ô có ghi tên của nguyên tố và số nguyên tử.
Màu sắc của số nguyên tử thể hiện trạng thái tồn tại của chất này ở điều kiện
nhiệt độ 0oC và áp suất 1 atmosphere (áp suất khí quyển). Màu đen là
thể rắn, màu lục là thể lỏng, màu đỏ là thể khí.
Nếu ô có đường viền liền, thì đây là nguyên tố
nguyên thủy, có từ trước khi trái đất hình thành. Nếu đường viền là các chấm,
thì đây là nguyên tố hình thành nhờ tổng hợp. Còn không có viền, là các nguyên
tố sinh ra từ phân rã.
Đúng như tên gọi, bảng thể hiện tính tuần
hoàn của các nguyên tố. Các em học sinh có thể lĩnh hội được
một tính chất nền tảng rất quan trọng của tự nhiên, đó là tính tuần hoàn. Dựa
vào tính tuần hoàn, người ta có thể tiên đoán được những gì mà ở hiện tại chưa
biết.
Bảng tuần hoàn chia theo hàng và cột. Các hàng thể
hiện tính tuần hoàn theo chu kỳ. Hết một hàng là một chu kỳ.
Các cột thể hiện các nhóm nguyên tố có cùng tính chất
hóa học. Dựa vào đây, người ta có thể tiên đoán sự tồn tại và tính chất hóa
học của một nguyên tố, dựa vào tính chất của các nguyên tố xung quanh nó trên bảng
tuần hoàn.
Trước nhà hóa học người Nga Dmitri Mendeleev
(1834-1907), đã có nhiều nhà khoa học phát triển các bảng tuần hoàn khác
nhau.Ví dụ bảng tuần hoàn của nhà hóa học Pháp Antoine Lavoisier năm 1787. Thế
nhưng Mendeleev mới là người được ghi công bởi sự sắp xếp của ông có độ tiên
đoán chính xác cao. Ông để trống những ô mà có vẻ như là chỗ của những nguyên tố
còn chưa được con người khám phá. Ông tiên đoán được tính chất của các nguyên tố
còn khuyết này và tin rằng chúng tồn tại trong tự nhiên. Dần dà các nhà khoa học
tìm ra những nguyên tố còn khuyết ấy, và những ô trống được lấp đầy.
Một ví dụ về “lấp đầy ô trống”, đó là năm 1894, Tôn
ông (Lord) Reyleigh phát hiện ra nguyên tố Argon. Argon nằm ở hàng thứ ba và cột
thứ mười tám (tức là cột ngoài cùng bên phải). Mỗi cột là một nhóm (còn gọi là
họ) các nguyên tố. Các nguyên tố cùng họ (cùng nhóm) có các tính chất hóa học
giống nhau. Họ của Argon ngày xưa được gọi là khí trơ trong tiếng
Việt do các khí này cứ trơ ra không chịu tương tác với các nguyên tố khác.
Trong tiếng Anh chúng có tên gọi là noble gas, ý nói các chất này
quý phái (noble), kiêu kỳ đứng riêng ra, không thèm chơi với các nguyên tố
khác.
Bảng tuần hoàn Mendeleev mở màn cho hóa học hiện đại.
Nó không chỉ mang cảm hứng đến cho các nhà hóa học, mà cho cả các nhà vật lý
nguyên tử.
Nhà vật lý Niels Bohr, cha đẻ của vật lý lượng tử cổ
điển, đã sử dụng thuyết lượng tử để giải thích tại sao các nguyên tố hóa học lại
nằm ở các vị trí như vậy trên bảng tuần hoàn. Năm 1913 ông đưa ra mô hình
nguyên tử trong đó có hạt nhân nằm ở tâm, xung quanh được bao bọc bởi các lớp vỏ
electron. Bohr giải thích rằng các nguyên tố cùng họ có cấu trúc lớp vỏ
electron ngoài cùng giống nhau. Tính chất hóa học của các nguyên tố phụ thuộc
chủ yếu vào lớp vỏ ngoài cùng này. Với khí trơ, Bohr giải thích, lớp vỏ ngoài
cùng rất bền, nên khí trơ khó kết hợp với các chất khác. Nguyên tố nào có lớp vỏ
càng kém bền vững, nó càng dễ kết hợp với nguyên tố khác để tạo ra hợp chất có
vỏ bền vững hơn.
Khoảng một thập niên tiếp theo, vật lý lượng tử cổ
điển phát triển thành vật lý lượng tử hiện đại. Các nhà vật lý lượng tử hiện đại
đóng góp thêm vào mô hình nguyên tử.
Năm 1924, Wolfgang Pauli tìm cách giải thích tại sao
mỗi hàng (mỗi chu kỳ) của bảng tuần hoàn lại có độ dài như vậy. Từ đây ông tìm
ra Nguyên lý ngoại trừ (Pauli Exclusion Principle). Nguyên lý này phát biểu rằng
không thể có hai electron cùng tồn tại ở cùng một trạng thái lượng tử.
Các đóng góp của hai bộ óc lớn của cơ học lượng tử
là Werner Heisenberg và Erwin Schrödinger đã làm thay đổi mạnh mẽ mô
hình nguyên tử Bohr. Trong mô hình mới, được gọi là mô hình sóng (wave
model), các electron không còn chuyển động quanh hạt nhân giống như trái đất
bay quanh mặt trời nữa. Trong mô hình sóng, các lớp electron được mô tả như một
đám mây bao quanh quỹ đạo nguyên tử (atomic orbital, viết tắt là AO), và vị trí
của electron không còn được biểu diễn như hàm của một hạt điểm nữa mà như một
hàm phân phối xác suất. Mỗi orbital nguyên tử được xác định bởi ba giá trị của
ba số lượng tử (quantum number). Số lượng tử này được xác định bởi Nguyên lý
ngoại trừ Pauli.
Mô hình sóng để mô tả nguyên tử vẫn còn được sử dụng
cho đến ngày nay. Nó cũng là mô hình giúp hình thành ngành hóa lượng tử (quantum
chemistry). Hai vợ chồng bà Thủ tướng Đức Angela Merkel là các nhà khoa học
hàng đầu trong lĩnh vực này.
Khoa học hiện đại có nhiều chuyển biến lớn trong suốt
150 năm qua. Trong đó có thể kể đến hai cuộc cách mạng là Thuyết tương
đối của Einstein và Vật lý lượng tử. Thế nhưng Bảng
tuần hoàn các nguyên tố hóa học về cơ bản không có nhiều thay đổi. Được
trình bày đơn giản và dễ hiểu chỉ trên một mặt giấy, Bảng tuần hoàn
Mendeleev bền bỉ và khiêm tốn đi qua tất cả các biến động thời gian. Sự
hiện diện thầm lặng của bảng tuần hoàn trong cặp học sinh, hay trên tường phòng
thí nghiệm chính là niềm kiêu hãnh không phô trương của tinh thần khoa học.
Cùng giai đoạn 1869 khi Mendeleev chế ra bảng tuần
hoàn thì ở nước ta đang có các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Đàng Trong (sau khi
Pháp chiếm Nam Kỳ từ cuộc chiến 1858). Năm 1868 là năm Nguyễn Trung Trực có chiến
thắng lớn ở Kiên Giang. Cũng năm này ông bị Pháp bắt và đưa trở về Sài Gòn xử
án rồi đưa ngược lại Rạch Giá để hành quyết.
No comments:
Post a Comment