Saturday, January 5, 2019

"ĐỐI THOẠI KHÔNG BẠO LỰC" : CON ĐƯỜNG HÓA GIẢI CÁC XUNG ĐỘT (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 05-01-2019 

Bí quyết để hạnh phúc, hóa giải được các xung đột trong bối cảnh xã hội đang rơi vào tình trạng căng thẳng và khủng hoảng kéo dài là chủ đề chính của nhiều tuần báo Pháp số ra đầu năm mới 2019. Courrier International ba số trong một dành trọn vẹn cho đề tài chính : « Phải chăng thời gian trôi đi quá nhanh ? », tìm cách trả lời cho nhiều câu hỏi tưởng như xa xôi, nhưng thực ra rất sát sườn với con người đương đại, đang ngày càng phải đối mặt với những chuyển biến quá mau lẹ, vượt tầm nhận thức.

Trang bìa Tạp chí L'Obs số đầu năm 2019, với tựa đề "Xử lý các xung đột bằng cách nào". Capture d'ecran

« Làm thế nào xử lý được các xung đột trong đôi lứa, trong gia đình và trong công việc » là tựa trang bìa của L’Obs. Theo L’Obs, chìa khóa của vấn đề là « Giao tiếp phi bạo lực ». Nhà tâm lý học trị liệu Thomas d’Ansembourg – được coi là « một trong những chuyên gia uy tín nhất tại châu Âu » trong lĩnh vực này – nhận trả lời phỏng vấn của L’Obs.

Nhà trị liệu người Bỉ khẳng định các xung đột đa phần đều xuất phát từ « những hiểu lầm », là kết hợp giữa một bên « biểu đạt kém » và bên kia « lắng nghe tồi ». Nhà trị liệu Thomas d’Ansembourg - vốn là một luật sư – kể lại là ông đã ngộ ra được điều này sau một đợt thực tập với nhà tâm lý học Mỹ Marshall Rosenberg (1934-2015), người sáng lập ra phương pháp xử lý xung đột bằng giao tiếp phi bạo lực.

« Bạo lực vô hình » trong tâm thức
Vì sao giao tiếp phi bạo lực lại giúp hóa giải xung đột ? Để hóa giải, việc đầu tiên là phải hiểu được lý do. Xung đột có nhiều nguồn gốc, nhưng trong cách nghĩ của mỗi người chúng ta có rất nhiều quan niệm có thể « tạo ra một thứ bạo lực vô hình ». Thứ bạo lực vô hình ấy « có thể xâm nhập vào lời ăn tiếng nói, và thái độ của chúng ta, mà chúng ta không ý thức được ». Đây chính là những điều khiến xung đột dễ bùng lên, vượt khỏi tầm kiểm soát. Để thoát khỏi tình trạng này, cha đẻ của phương pháp giao tiếp phi bạo lực đề xuất bốn việc cần làm.

Bốn việc cần làm
Thứ nhất là mô tả tình thế xảy ra không kèm theo lời phán xét. Thứ hai là nói về những gì mà mình cảm thấy. Thứ ba là bày tỏ những gì mà mình mong muốn và thứ tư là đề xuất một hướng hành động.

Nhà tâm lý trị liệu Thomas d’Ansembourg ý thức được rõ rằng phương pháp đối thoại không bạo lực mà ông truyền bá hết sức có ý nghĩa đối với với xã hội đương đại. Bởi theo ông, xã hội chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, có thể nói là tương tự như thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội thời Trung Cổ sang giai đoạn Phục Hưng, như ở châu Âu trước đây. Một xã hội cũ đang suy tàn, cùng lúc đó là sự nảy mầm của một xã hội mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, có hai thái độ hết sức tương phản.

Những người cột chặt mình vào hệ thống quan niệm cũ có một thái độ phổ biến là nhìn các xung đột như những mối quan hệ mang tính sức mạnh (thống trị, tranh đoạt, khuất phục…). Ngược lại, những người tin tưởng vào một thế giới mới thì gieo trồng thái độ hợp tác, đồng cảm, dựa trên những quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng… Giao tiếp phi bạo lực chính là bạn đồng hành giúp con người đi đến với thế giới mới ấy.

Nhân ái với mình để độ lượng với người
Để hóa giải xung đột, để giao tiếp phi bạo lực, điều quan trọng đầu tiên là mỗi người phải tự biết mình. Bởi bạo lực thường là sự biểu hiện ra bên ngoài của những nỗi thất vọng bên trong. Thái độ gây hấn với chính bản thân mình, hoặc chống lại một phần con người mình, dẫn đến xung đột với người khác.

Để thực hành đối thoại không bạo lực đầu tiên là cần lắng nghe bản thân mình, nhân ái và khoan hòa với chính mình, để có đủ năng lực lắng nghe người khác. Cần học cách làm tiêu tan những niềm tin hạn hẹp trong mình, chăm sóc những vết thương thời thơ ấu trong mình… để tìm lại được trạng thái tâm thức thuần khiết. Từ đó mà có thể phát triển được sự thông cảm với người khác. Thiền định là một phương tiện căn bản. Phương pháp này không có gì là bí hiểm cả, hiện nó đã được giảng dậy rộng rãi trong ngành tâm thần học, trong các trường dạy về quản trị, và đã được phổ biến tại Pháp.


Nhà tâm lý học Thomas d'Ansembourg nhấn mạnh là trạng thái tâm thức thuần khiết này là điều mà, từ hàng nghìn năm nay, mọi truyền thống văn minh, kể cả Thiên Chúa Giáo, đã tìm cách đạt đến.

Sống hạnh phúc bên núi lửa như người La Mã
Về phần mình, tuần báo Le Point đi tìm chìa khóa của hạnh phúc với triết gia Michel Onfray, tác giả cuốn sách ra mắt ngày 9/1 tới, với tựa đề như một thách thức « Sagesse : Savoir vivre au pied d'un volcan » (tạm dịch là : « Minh triết : Làm thế nào để sống dưới chân núi lửa ») (Nxb Albin Michel/Flammarion, 500 trang).

Trong tác phẩm mà Le Point đánh giá là « quan trọng nhất » trong sự nghiệp của Michel Onfray, triết gia Pháp đã trở lại với xã hội La Mã thời cổ đại cách đây 2.000 năm, để tìm ra « các phương thuốc » giúp xã hội phương Tây đương đại đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Bài « Sống hạnh phúc như một người La Mã » của Le Point nói đến ngọn núi lửa Vesuve như biểu tượng cho cái chết rình rập mà nền văn minh La Mã năm xưa liên tục phải đối mặt. Vào thời kỳ đó, người La Mã đã biết chọn cho mình một lối sống khắc kỷ, mãnh liệt với phương châm : « Hãy sống mỗi ngày như ngày cuối của cuộc đời mình » (châm ngôn của hoàng đế Marc Aurèle), sống cương trực, làm chủ các xúc cảm ham muốn, nhân ái, giản dị và đại lượng.

Hoàng đế Marc Aurèle cũng là một nhà hiền triết. Các tư tưởng của ông được viết bằng chữ Hy Lạp, như một dạng nhật ký, được hậu thế tập hợp lại trong cuốn « Suy ngẫm » nổi tiếng. Triết gia Michel Onfray giờ đây cũng chọn vùng đất dưới chân ngọn núi lửa Pelée, ở đảo Martinique, Trung Mỹ (một ngọn núi lửa còn hoạt động), làm nơi ở ẩn, để suy ngẫm, chiêm nghiệm về con người và thế sự.

Những tia hy vọng le lói
Với tinh thần hóa giải bạo lực bằng đối thoại không bạo lực, L’Obs nhìn Năm Mới 2019 qua « những tia hy vọng le lói », đã xuất hiện trong năm 2018 đầy biến động vừa qua. Có 5 lý do để lạc quan.

Lý do thứ nhất là xã hội dân sự đang chuyển động, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu xét lại nền dân chủ hiện tại, nhiều sáng kiến cổ vũ cho một xã hội đoàn kết hơn và bền vững hơn, đa số giới trẻ dành thời gian cho việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Lý do thứ hai là các lực lượng mang tư tưởng cải cách được sự hưởng ứng của xã hội. Một ví dụ tiêu biểu là nghiệp đoàn CFDT - có chủ trương đối thoại tìm giải pháp, thay vì dùng sức mạnh, hay nỗi uất hận - trong kỳ bầu cử nghiệp đoàn gần đây, đã giành được số phiếu cao nhất. Vấn đề khí hậu – môi trường đang trở thành mối quan hệ hàng đầu của người Pháp, đặc biệt qua « Vụ kiện lịch sử » nhắm vào Nhà nước Pháp, với gần hai triệu chữ ký ủng hộ (sáng kiến được bốn tổ chức phi chính phủ đưa ra trước Noel).

Lý do thứ tư là ngày càng đông đảo người Mỹ mong muốn một xã hội công bằng hơn. Theo một điều tra của Galup, 70% dân Mỹ cho rằng các doanh nghiệp phải trả nhiều thuế hơn, đa số muốn mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân, trợ giúp tài chính cho sinh viên, tăng lương tối thiểu, chống tham nhũng mạnh hơn. Và thứ năm là, tại châu Âu, ngày càng có nhiều quốc gia muốn phối hợp nỗ lực, để ngăn chặn việc các tập đoàn đa quốc gia, như Google, Apple, Facebook, Amazon, hay Uber… trốn thuế, buộc các tập đoàn này minh bạch việc sử dụng dữ liệu về các cá nhân, hay có biện pháp ngăn chặn tin giả…

L’Obs khẳng định là các xã hội phương Tây cần phải khẩn trương xem xét lại phương thức vận hành của chính mình, trong bối cảnh các làn sóng dân túy đang trỗi dậy. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn mà L’Obs hy vọng « đóng góp một phần khiêm tốn ».

Mười tám tháng trị vì đầu tiên của « Emmanuel tráng lệ »
Trong lĩnh vực văn học, L’Obs giới thiệu với độc giả tác phẩm của nhà văn Pháp Patrick Rambaud mang tựa đề « Emmanuel le Magnifique » (hay Emmanuel tráng lệ) (ra mắt ngày 09/01/2019), một biên niên sử mang tính châm biếm về tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cầm quyền từ 18 tháng nay, hiện đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng « Áo Vàng».


Trong biên niên sử trào phúng này, thành viên Viện Hàn lâm văn học Goncourt so sánh tổng thống Pháp với một loạt các quân vương, lãnh đạo nước Pháp trong lịch sử, từ Napoléon đệ nhất, đến Napoléon đệ tam, và kể cả thời kỳ trị vì của vua Louis 16 trước Cách mạng.

Tuy nhiên, theo tác giả, tổng thống Pháp và lực lượng chính trị của ông giống nhất với Dòng Tên, một dòng tu Công Giáo nổi tiếng với các tu sĩ thông minh, nhiệt huyết, giỏi tuyên truyền, mềm mại với người ngoài, nhưng hết sức cứng rắn trong nội bộ. « Emmanuel tráng lệ » là cuốn biên niên sử trào phúng thứ ba về các tổng thống Pháp. Hai cuốn trước là bộ « Biên niên sử về giai đoạn trị vì của Nicolas đệ nhất » 6 tập, về tổng thống Nicolas Sarkozy, và « François le Petit » về tổng thống François Hollande.

Càng nhiều thời gian, thời gian càng khan hiếm
Con người trong xã hội ngày nay dường như có nhiều thời gian hơn gấp bội so với các thế hệ trước đây, đặc biệt do tuổi thọ kéo dài hơn. Nhưng có một nghịch lý là càng nhiều thời gian hơn, người ta lại càng cảm thấy thời gian khan hiếm hơn. Đó là điều mà Courrier International ghi nhận.

« Thời gian phải chăng đang trôi quá nhanh ? » là hồ sơ lớn của Courrier International. Bài « Tại sao chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn » của báo Tây Ban Nha El Independiente, được Courrier International trích dịch, chỉ rõ lối sống hiện đại ngày càng gấp gáp với sự phát triển của các phương tiện truyền thông công nghệ số, thông tin được lưu chuyển mỗi ngày một nhanh hơn, đa dạng hơn, là nguyên nhân phổ biến. Một hình ảnh ví von được đưa ra là « giới thiếu niên hiện nay không thể nào tập trung quá 8 giây đồng hồ và trước mặt chúng luôn có 5 màn hình thường xuyên túc trực ». Tính kiên nhẫn là một phẩm chất ngày càng hiếm.

Thời gian trở nên khan hiếm còn bởi xã hội đương đại coi thời gian là tiền bạc. Thời gian như một thứ tài nguyên được giới kinh doanh khai thác triệt để. Ám ảnh về thời gian mạnh đến nỗi trong giới luật gia, có một số người cho rằng cần phải có những bộ luật riêng về thời gian, để bảo vệ « quyền thời gian » của các cá nhân. Và Nhà nước phải lập ra một cơ quan chuyên trách về vấn đề này (phỏng vấn giáo sư chuyên về luật lao động người Đức Ulrich Muckenberger), để ra các chính sách và giải quyết các tranh chấp.

« Nền độc tài thời gian »
Nhật báo Anh The Guardian nói đến « Một nền độc tài về thời gian », trong lúc báo Đức Suddeutsch Zeitung chỉ ra một hiện thực là tại Đức, có đến 1,8 triệu người làm công ăn lương đang phải chấp nhận một thực tế không có giờ làm cố định, họ phải sẵn sàng đi làm bất cứ lúc nào mà chủ gọi, theo giờ giấc hết sức co giãn. Các hệ quả của chế độ thời gian như vậy dĩ nhiên ảnh hưởng đến chất lượng công việc và mối gắn bó của người làm công với công ty. Tình trạng này không riêng ở Đức mà rất nhiều nơi khác. Trong một dự luật gần đây, chính phủ Đức muốn hạn chế tỉ lệ số thời gian co giãn như vậy để bảo vệ người lao động.

Quan niệm về thời gian mỗi nơi một khác, những câu chuyện cụ thể về thế nào là đúng hẹn, đến sớm hay đến trễ khác biệt của mỗi nền văn hóa, cũng là điều mà tuần báo Pháp tìm cách giới thiệu. Điểm đặc biệt là : Courrier International trong số báo này tìm cách rọi sâu vào thế giới bí hiểm của thời gian.

Sáu cách quan niệm về thời gian
Nhận thức về thời gian là một sáng tạo hết sức riêng ở con người. Thế nhưng thời gian cũng in dấu trong cấu trúc của các nguyên tử, ngay từ thuở Vũ trụ mới khai sinh. Và trong cuộc sống hàng ngày, ai mà chẳng chịu sự chi phối của chiếc đồng hồ sinh học bên trong, cũng như những vận chuyển tuần hoàn của ngày đêm, hay của các mùa tiết trong năm.

Cũng Courrier International có bài tổng hợp 6 cách quan niệm về thời gian, trong đó có thời gian tuyến tính (là cách tính thời gian phổ biến nhất hiện nay, có nguồn gốc phương Tây), thời gian tuần hoàn (có trong nhiều nền văn hóa cổ xưa, trong các nền văn hóa nông nghiệp), thời gian theo vòng xoắn (thường xuyên trở về quá khứ, nhưng để tiếp tục tiến về tương lai), thời gian triển khai về mọi hướng – hay Big bang thời gian (theo quan niệm của các nhà vật lý thiên văn như Stephen Hawking).

Chinh phục thời gian trong thế giới nguyên tử
Cách đo thời gian chính xác bằng đồng hồ quả lắc mới chỉ được sáng chế vào thế kỷ 17, sáng chế đã mở đường cho các hoạt động thám hiểm, những cách tân công nghệ quan trọng. Mỗi bước phát triển lớn của công nghệ thường đi kèm với các phương thức đo lường ngày càng tinh vi hơn.

Courrier International giới thiệu các tìm tòi của nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, ông Quân Hiệp (Jun Ye), người tạo ra chiếc đồng hồ chính xác nhất thế giới hiện nay, dựa trên nguyên tử strontium 87, nguyên tử thứ 38 trong bảng tuần hoàn của Mendelev (bài « Ông ấy đọc được giờ trong các nguyên tử » của trang mạng thông tin về công nghệ Motherboard).

Những chiếc « đồng hồ nguyên tử » là hết sức cần thiết cho những hệ thống đo lường vệ tinh kiểu GPS, bởi chỉ cần sai lầm một phần nghìn của giây cũng có thể khiến vị trí được đo lệch đến 300 km.

Thời gian Trái đất và sự thiển cận của con người
Tuy con người đã tiến rất xa trong việc làm chủ thời gian mang tính công nghệ như trên, nhưng theo các nhà nghiên cứu như nhà địa chất học Mỹ Marica Bjornerud, thì « chúng ta vẫn là những kẻ thất học về thời gian ». Lý do mà tác giả đưa ra là đa số con người hiện nay, kể cả những người sống tại các quốc gia giàu có, công nghệ phát triển, vẫn không nhận thức được mối tương quan của cấp độ thời gian tính theo năm tháng, mà các xã hội chúng ta đang sống, với thời gian của Trái đất, với thước đo tính bằng hàng tỉ, hàng trăm triệu năm.


Phải hơn 4 tỉ năm chúng ta mới có được một Trái đất như hiện nay. Toàn bộ thiên nhiên và sự sống trên Trái đất này phải do hàng tỉ năm tiến hóa mới có được. Tuy nhiên, các hoạt động của con người hiện tại đang phá hủy cái môi trường ấy, đặc biệt với việc hâm nóng Trái đất. Nền kinh tế và xã hội đương đại đã quá chú trọng đến những nhu cầu nhất thời, ngắn hạn trước mắt, quên hẳn đi cái giá trị của môi trường, vốn là sản phẩm của thời gian hàng tỉ, hàng trăm triệu năm tiến hóa, với hệ quả là phá hủy chính cái thế giới làm nền tảng cho xã hội con người, hủy diệt tương lai của các thế hệ con cháu.

Nhà địa chất học Mỹ đề nghị các nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành hãy hợp sức làm sáng tỏ vấn đề này, nhìn nhận ý nghĩa của điều mà bà gọi là « thời gian địa chất », nhằm vượt qua cách nhìn thời gian thiển cận hiện nay, vượt qua những giới hạn của ý thức thông thường của mỗi con người.

Tuần báo này của Courrier International còn nhiều bài vở thú vị khác về chủ đề thời gian. Ban biên tập của tuần báo nhắn quý độc giả dành thời gian đọc tùy theo nhịp độ của mình, và có thể tải về một số nhạc phẩm trong ứng dụng Playlist của trang để nghe, trong lúc nhẩn nha đọc số báo đặc biệt này.






No comments: