Sunday, January 6, 2019

NHÀ THƠ TRẠCH GẦM RA MẮT SÁCH 'CHÔN LẦM HUYỆT NHỚ' (Lâm Hoài Thạch / Người Việt)




Lâm Hoài Thạch/Người Việt
January 5, 2019
GARDEN GROVE, California (NV) – “Cứ coi là như vầy. Cuộc đời nào, tệ cách mấy khi vượt qua thời gian mà lại không có lúc đạp chân lên niềm vui, nỗi buồn. Quay lưng lại một chút, không ai không gặp lời khuyên: bỏ đi, muốn bình yên tâm hồn thì phải biết chấp nhận những gì hiện tại mình đang có, và khôn ngoan hơn nữa là chôn vùi đi quá khứ…”

Lời nói đầu tiên của tuyển tập “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” của nhà thơ Trạch Gầm vừa được ra mắt với đồng hương vào trưa Thứ Bảy, 5 Tháng Giêng, 2019, do Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và nhà thơ lính Trạch Gầm tổ chức tại hội trường Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

Nhà thơ Trạch Gầm (thứ hai, phải) ký tặng sách cho độc giả trong buổi ra mắt sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhà thơ Trạch Gầm cho biết: “Thường những người học thức khuyên rằng, muốn sống yên ổn, bình thản thì hãy quên đi quá khứ. Tôi thấy lời nói đó rất đúng nên tôi mang những quá khứ của tôi tự chôn đi để mình không còn nhớ đến nữa. Nhưng, tôi lại chôn lầm vào huyệt nhớ, thành ra tôi cứ nhớ đến quá khứ của tôi hoài, mà nhớ nhiều nhất là những kỷ niệm trong thời gian tôi chiến đấu chống quân thù Cộng Sản. Vì thế mới có sách ‘Chôn Lầm Huyệt Nhớ.’ Và bài thơ đầu tiên trong cuốn sách này là bài ‘Khưi Tờ Lịch Cũ.’”

Ông lật tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” rồi nói tiếp: “Tôi xin đọc bốn câu thơ đầu tiên của bài thơ ‘Khưi Tờ Lịch Cũ:’ Bỗng dưng khưi nhằm tờ lịch cũ/ Chợt gặp lại mình tuổi hai mươi/ Một lời xin lỗi làm sao đủ/ Trút cả tang thương giữa ngậm ngùi.”

Sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” của nhà thơ Trạch Gầm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo diễn giả Bùi Đắc Danh, tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” của tác giả Trạch Gầm có thể nói là chứa đầy những câu chuyện thực tế của chính tác giả, mà những câu chuyện đó đã nằm sâu trong ký ức của ông. Bởi vì những chuyện tác giả viết ra là những chuyện sống chết của chính mình. “Phàm làm người, khi nói đến vấn đề sống chết thì người ta nhớ lâu và nhớ kỷ lắm. Vì thế, Trạch Gầm đã mạnh dạn viết ra quyển sách này,” ông nói.

Diễn giả Hoàng Đình Khuê nhận xét quyển sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” dày 253 trang với 32 mẩu chuyện, 12 bài thơ và bảy bài thơ đã được một số nhạc sĩ có tiếng tăm phổ nhạc. Trong tập sách này, tác giả ghi lại cuộc đời của mình từ lúc ấu thơ, tuổi học trò, đời lính, đi tù Cộng Sản, và cuộc đời kẻ lưu vong trên xứ người. Qua mỗi mẩu chuyện, tác giả đã ghi lại những tâm tình cùng người đọc để chia sẻ sự thăng trầm của một kiếp người bất hạnh đã sinh ra trong một thế kỷ mà quê hương, đất nước đầy rẫy chiến tranh tang tóc.

“Tác giả thuộc ‘nòi’ giang hồ, lãng tử, bạt mạng, ba gai, lì lợm, bất cần đời, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Cho nên phong cách của người lính cầm bút không bị ngôn từ hạn chế, không bị gò bó trong khuôn khổ, văn phong ngắn gọn bình dân. Một điểm rất lạ là mặc dù tác giả gốc Quảng Ngãi, nhưng lớn lên ở Sài Gòn, ảnh hưởng phong tục tập quán, văn hóa miền Nam nên lời văn rất là Nam Kỳ. Vì thế, văn của ông bộc trực, thẳng thừng và thích chơi chữ, nói láy, văn tục kiểu ‘Đan Mạch.’ Nhưng, lại không thô tục khó nghe, mà trái lại làm cho người đọc thích thú, vì tác giả đã nói đúng sự suy nghĩ của người đọc,” ông Khuê nói.

Nhà thơ Trạch Gầm (trái) và chiến hữu Tống Văn Thái trong buổi ra mắt sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trên diễn đàn, trước mặt mọi người, nhà thơ Trạch Gầm nói: “Mỗi buổi sáng tại quán cà phê, có rất nhiều bạn hữu tụ họp. Rồi từ từ cũng thưa thớt dần. Nhưng trong buổi ra mắt sách của tôi, tôi rất vui mừng vì sự hiện diện đông đảo của anh em cựu quân nhân và đồng hương đến dự. Rất cám ơn mọi người.”

Ông Tống Văn Thái, cựu trưởng toán Hector Brovo, thuộc toán xâm nhập đặc biệt vào Bắc Việt, bị Cộng Sản bắt làm tù binh trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, sáu tháng khi đang thi hành công tác, nhận xét: “Tôi đọc được thơ Trạch Gầm và rất thích những gì anh đã viết ra, những câu chuyện anh kể đều là sự thật, không hư cấu, không trau chuốt hay bịa dặt. Vì thế, đối với tôi, Trạch Gầm là một nhân chứng của cuộc chiến, vì anh còn nhớ rất nhiều về những chiến trận mà anh đã tham dự.”

Cô Thu Cúc, cựu Nữ Huấn Đạo của Cục Chính Huấn VNCH, chia sẻ: “Trong thời chiến, nhiệm vụ của tôi là đến tận tiền đồn của các cựu chiến sĩ VNCH để yểm trợ văn nghệ và sinh hoạt trong chương trình ‘Lính Hát, Lính Nghe.’ Vì thế, khi nghe những bài hát được phổ từ thơ của chiến sĩ Trạch Gầm thì tôi rất thích, vì những bài hát, những vần thơ này đã gợi lại cho tôi nhớ đến những kỷ niệm mà toán văn nghệ Chính Huấn của chúng tôi đã từng với những anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến cùng chung ‘hát trên đầu súng.’”

Ông Trần Xuân Tin, cựu Hải Quân Người Nhái, cho biết: “Anh Trạch Gầm là một sĩ quan, một chiến sĩ và cũng là một nhà thơ, mà thơ của anh đã nói lên cuộc đời của những người lính chiến là dù có cực nhọc, khổ đau đến mấy thì cũng phải chấp nhận để hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với đất nước và dân tộc. Và thơ của anh cũng nói lên những trăn trở, những ấm ức của các cựu quân nhân VNCH chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình là bảo quốc, an dân thì bị lưu đày trong những trại tù của Cộng Sản. Vì tôi cũng là một cựu chiến sĩ, một cựu tù binh nên tôi rất cảm kích những gì mà Trạch Gầm đã viết ra, đó là sự thật. Đối với tôi, quyển sách này là một món quà tin thần gồm những câu chuyện có thật, rất quý giá cho những người Việt ly hương.”

Đồng hương đến dự buổi ra mắt sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” của Trạch Gầm tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu chiến sĩ Trần Đắc tâm tình: “Thơ của người lính Trạch Gầm rất là đời thường, rất là bình dân, và nhất là rất nặc mùi lính chiến. Anh đã sáng tác theo những chuyện có thật của những người lính chiến đấu. Thơ của anh cũng có sự huyền diệu là đánh thức những chuyện đã xảy ra trên chiến trường ngày xưa để cho các cựu chiến sĩ hồi tưởng lại những hình ảnh nguy hiểm, cực khổ của ai đã từng đi chiến đấu. Nói tóm lại, tôi rất kính trọng những vần thơ mộc mạc đó, vì nó đã làm cho tôi rung động khi nhớ đến những gì đã xảy ra trong trận chiến mà tôi đã không còn nhớ kỹ. Nhưng, khi đọc thơ của anh, những chứng tích đầy nguy hiểm của ngày xưa tự nhiên trở lại trong đầu của tôi.”

Buổi ra mắt sách có phần văn nghệ với sự yểm trợ của Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Những tác phẩm đã xuất bản của Trạch Gầm:
Thơ: “Vụn Vặt” (2007), “Ráng Chịu” (2009), “Dấu Giày Chinh Chiến” (2013).
Sách: “Bên Lề Cuộc Chiến” (Việt Tide 2015), “Nhốt Vòng Nhớ Thương” (Việt Tide 2016). “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” (Việt Tide 2018).

Mọi chi tiết liên lạc Trạch Gầm (714) 224-8406, Vũ Long Sơn Hải (714) 414-6133 hoặc vào trang web www.thotrachgam.wordpress.com.  (Lâm Hoài Thạch)





No comments: