Ý-Yên
Posted on January 17, 2019 by editor
Biển Đông lại dậy sóng vào năm 2007 khi Trung Cộng
tuyên bố sát nhập Hoàng, Trường Sa vào huyện Tam Sa tại đảo Hải Nam của họ. Đã
có phong trào tự phát từ phía người dân trong nước, lên án, chống đối Trung Cộng
xâm lăng.
Bản đồ Hoàng Sa-Việt Nam. Nguồn: OntheNet
Chánh quyền Cộng Sản Việt Nam lẽ ra phải có lập trường
mạnh mẽ, đòi lại chủ quyền Hoàng Sa về Việt Nam, nhưng lại giữ thái độ khó hiểu,
chờ đợi chần chờ.
Thật ra, giải quyết sự việc Hoàng Sa xem ra không đến
nỗi khó khăn bế tắc, nếu Việt Nam Cộng Hòa còn. Cho tới giờ trưa ngày 19 tháng
Giêng 1974, những ngưới lính VNCH vẫn còn có mặt trấn giữ Hoàng Sa thì Hoàng Sa
là của VNCH. Vấn đề trở nên rắc rối hơn khi một năm sau, 1975, Việt Nam Cộng
Hòa bị Cộng Sản Bắc Việt thừa cơ chiếm đóng một cách trái phép. Từ đó, Hoàng Sa
và VNCH như hai mẹ con gặp tai nạn, đông tây chia lìa.
Vì sự chiếm đóng VNCH trái phép, cho nên Bắc Việt phải
giữ thái độ úp úp mở mở đối với Hoàng Sa, ngay cả đối với trường hợp VNCH, và
chờ thời. Khi người dân đòi Trung Cộng trả Hoàng Sa, nhưng Cộng Sản Việt Nam lại
giữ im lặng, thì tiếng nói chính trực của người dân vừa nhằm vào Trung Cộng xâm
lăng, vừa nhắm vào CSVN hèn nhát, bất lực. Công An Nhà Nước đàn áp người dân biểu
tình là vì lý do đó. Họ nghi ngờ những cuộc biểu tình của người dân sẽ “đột xuất”chuyển
sang một đường hướng nào khác.
Gần đây, có ý kiến cá nhân bên hàng ngũ Cộng Sản, về
việc “tiến hành làm thủ tục để kế thừa Việt Nam Cộng Hòa nhằm đòi lại Hoàng
Sa.”
Điều này lại khó giải thích nữa, bởi vì Việt Nam CS
thống nhất đã 40 năm, đã là thành viên Liên Hiệp Quốc, có tiếng nói nơi phòng họp,
uy tín đã có tí chút, thì cứ việc đăng đàn trước LHQ, tố cáo tội xâm lăng của
Trung Cộng, đòi lại quyền làm chủ Hoàng Sa. (Gỉản dị…ghê! mà không làm được).
Nay thử nhìn xem về phía Trung Cộng. Họ sẽ vẫn rề rà
kể lại, Hoàng Sa thuộc về “ta” từ lâu, đã có một số thuyền nhân “ta” …ghé thăm
đảo từ…những trăm năm trước đây; thế mà Hoàng Sa đã bị Nam Việt (Việt Nam Cộng
Hòa) xâm chiếm, nên “ta” phải lây lại thôi (Theo Website CangLang.com của Trung
Cộng. 2011). Nếu còn bị hỏi dồn, họ sẽ mang Công Hàm 1958 của Bắc Việt công nhận
sự có mặt của Trung Cộng nơi Biền Đông ra làm chứng.
Cũng theo Website CangLang, Trung Cộng muốn chắc ăn,
mang Hoa Kỳ ra làm chứng. Họ nói rằng, do thỏa ước Thượng Hải Richard Nixon-Chu
Ấn Lai năm 1972 về quyền Tự Quyết các nước trong khu vực, nên “ ta” có quyền lấy
lại Hoàng Sa…vốn từ xưa…của “ta”.
Trong vụ chiếm đóng Hoàng Sa, cũng theo CangLang,
Trung Cộng bắt làm tù binh một cố vấn Hoa Kỳ và một thiếu tá tên là Hồng của
Quân đội Sài Gòn. Được biết, cố vần ngươi Mỹ có tên là Gerald Kosh thuộc Tổng
Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, và Thiếu tá Phạm Văn Hồng, thuộc Ban Lãnh Thổ Phòng
Ba/QĐ I, VNCH, dẫn đầu một toán năm sĩ quan Công binh tới đảo vào ngày 18 tháng
Giêng 1975. Trang mạng Trung Cộng ghi tên hai nhân vật Mỹ, Việt ra đây, chắc
không để rắc chữ cho đầy trang giấy, phải có một lý do xa gần nào khác. Điểm
chú ý về Thiếu Tá Hồng, trưởng ban “Lãnh Thổ” Phòng Ba Quân đoàn, đi quan sát
chuyển biến về hải đảo Hoàng Sa, là phần vụ “lãnh thổ” của ông ta.
***
Phía Hoa Kỳ, năm 1974 ông Gerald Kosh ra Hoàng Sa chứng
kiến màn kịch Hoàng Sa sang tay Trung Cộng; và năm 2012, ông Tổng Lãnh sự Lê
Thành Ân thăm viếng huyện đảo Hoàng Sa, xác nhận Hoàng Sa thuộc về đất nước Việt
Nam. Hai sự kiện, hai ý nghĩa bổ túc cho nhau.
Sự có mặt của ông Kosh năm 1974 tại hiện trường dường
như nhằm xóa bỏ sự vi phạm của TC đối với thỏa ước Mỹ Trung tại Thượng Hải về
quyền tự quyết của các nước trong vùng.
Hoàng Sa đâu phải là tấm lụa đào phất phơ giữa chợ,
nó đã có chủ là bà mẹ Việt Nam. Sự có mặt cưỡng chiếm của Trung Cộng đối với hải
đảo, nếu có sự chứng kiến của Hoa Kỳ, theo người viết, mang tính cách chính trị
giai đoạn hơn là sự chiếm đóng lãnh thổ lâu dài. Trước sau gì, cũng phải có lời
giải đáp cho Hoàng Sa. Và nếu những người con với nhau trong căn nhà Việt Nam
không hóa giải được những mâu thuẫn tuy gay go, thì Hoàng Sa cũng phải năm đợi
tháng chờ nữa, cho tới khi nào thuận buồm xuôi gió. Hoặc là hai anh em…nhà kia
phải đợi cho người ngoài đến dàn xếp giùm câu chuyện trong nhà của mình.
Người Mỹ đã trở lại nơi miền đất miền biển gắn bó với
quyền lợi và máu xương của họ. Nhằm thanh thỏa vần đề Hoàng Sa, người Mỹ cũng
quen dùng những ngôn từ êm tai hơn là răn đe.
Hai tiếng “thương thuyết” vang lên từ nhiều phía.
Philippines dọa mang Trung Cộng ra tòa án quốc tế; nhưng Việt Nam thì không. Sự
chần chờ của Việt Nam Cộng Sản rất có thể là do tư cách pháp lý đáng nghi ngờ của
CSVN đối với hải đảo vốn thống thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Làm thủ tục nhằm thừa kế
Việt Nam Cộng Hòa để đòi lại Hoàng Sa, nghe như thể là một sự …“ dây (thì) động
rừng”. Và Hoàng Sa vẫn còn kia, giơ tay vẫy gọi.
(Trích từ Tiếng Vọng Ngàn Thương. Echo of
Sacrifices, Ý-Yên)
Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ. Đăng lần đầu
ngày 24/01/2015
No comments:
Post a Comment