Friday, January 18, 2019

HOÀNG SA, NỖI UẤT HẬN 45 NĂM (Hoàng Hải Vân)





9-1 năm nay, Hoàng Sa của chúng ta đã mất vào tay Trung Quốc 45 năm. Với tư cách từng là chiến sĩ QĐNDVN tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc chống Trung Quốc xâm lược, xin thắp nén hương tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ quần đảo này, dù sức của các anh không bảo vệ được.

Trong lịch sử thủy chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời Hai Bà Trưng đến năm 1974, chúng ta chưa hề thua Trung Quốc một trận nào. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh phức tạp của chiến tranh Việt Nam, khi lực lượng bảo vệ quần đảo không đủ sức và không có bất kỳ sự tiếp viện nào, đã đem quân cướp Hoàng Sa của ta bằng thủ đoạn đê tiện. Mất Hoàng Sa, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thua Trung Quốc một trận thủy chiến, đó là nỗi uất hận của toàn dân tộc.

Chúng ta quyết phải lấy lại chủ quyền đối với Hoàng Sa và nhất định không để mất thêm một tấc đất một thước biển nào nữa về tay Trung Quốc, không phải bằng những lời kêu gọi, không phải bằng võ mồm, mà chỉ có thể bằng sự thịnh vượng về kinh tế, bằng sức mạnh quốc phòng và sự đồng lòng của cả nước.

Đôi phó với Trung Quốc không chỉ là tuyên bố chủ quyền mà bằng một chiến lược với các giải pháp tổng hợp về quân sự, kinh tế và ngoại giao, trong đó các giải pháp về quân sự thuộc bí mật quốc gia. Điều đáng buồn là một số nhà lãnh đạo của chúng ta không thấy hết âm mưu thâm độc của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm Biển Đông, nên để quá nhiều sơ hở trong phòng thủ. Xin đơn cử một trường hợp sơ hở lộ rõ ai cũng nhìn thấy:

Hoàng Sa là một huyện đảo thuộc TP. Đà Nẵng, nhưng chính quyền Đà Nẵng ngoài việc “quản lý” Hoàng Sa trên danh nghĩa, chẳng có một động thái nào chứng tỏ trách nhiệm của mình. Không những vậy, chính quyền tiền nhiệm của Đà Nẵng còn rước các doanh nghiệp Trung Quốc vào triển khai các dự án tại bờ biển.

Xin nhắc lại điều tôi từng viết trên facebook trước đây: Nhiều khách sạn và khu du lịch của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên chiếm cứ và án ngữ bờ biển Đà Nẵng. Ở một số địa điểm, từ khi cấp đất cho họ thực hiện dự án, không một người Việt Nam nào được bước chân tới. Họ làm gì trong đó, họ có đào hầm thông ra biển để đưa người nhái mang phương tiện chiến tranh vào ém nhẹm nơi đây hay không, không ai biết được.

Và không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình, trong khi diễn ra APEC, ngoài thời gian dự hội nghị và gặp gỡ, đã ở lỳ 3 ngày tại một khách sạn của Trung Quốc nằm ngay trong vị trí phòng thủ chiến lược của ta. Ông ta làm gì ở đó, nghiên cứu chỉ đạo những gì ở đó, chẳng ai biết được, nhưng thiệt là đáng ngờ.

Đà Nẵng giao vị trí phòng thủ chiến lược cho các doanh nghiệp của một đối tác mà đối tác này đã cướp Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng và đang tiếp tục uy hiếp biển đảo nước ta, gọi là “bán nước” cũng chỉ là sự nói vống lên một chút mà thôi. Mất Hoàng Sa tất nhiên thuộc trách nhiệm của người khác, nhưng lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng ít ra phải uất hận, nhưng với việc cẩu thả giao đất cho doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng thấy họ có chút uất hận nào.

Cũng thuộc thành phố Đà Nẵng, ngoài biển thì Trung Quốc xây dựng Hoàng Sa thành cứ điểm quân sự làm bàn đạp thôn tính Biển Đông, trong bờ thì án ngữ các vị trí phòng thủ chiến lược của ta. Nếu như ta thực sự có một chiến lược bí mật phòng thủ bờ biển thì nhất định không để xảy ra chuyện doanh nghiệp Trung Quốc “nằm vùng” ở cac vị trí nói trên. Nghĩ đến chuyện họ ngoại nhập nội ứng thấy kinh hãi!

HOÀNG HẢI VÂN

(Hình lấy từ báo Thanh Niên : Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) - Đồ họa: Hồng Sơn)


--------------------

BIENXUA.WORDPRESS.COM
Lê Văn Thự

Bùi Tín    09/01/2014
Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước tôi từng phụ họa với sự giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo trung ương rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”. Quả là một sự trấn an gượng gạo, theo quan niệm bạn, thù, ta cực kỳ ngu muội, tăm tối, phản dân tộc.





No comments: