Thường
Sơn -
VNTB
(VNTB) - Lần đầu tiên từ lúc vào Việt Nam, Facebook đã biết phản ứng như thế nào trước sự can thiệp ngày càng thô bạo của chính thể độc đảng ở đất nước này.
“Không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu
cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp
luật” một trong những nội dung mà Bộ Thông tin và Truyền thông và hệ thống
báo đảng của Việt Nam vừa cáo buộc Facebook.
Cáo buộc nặng nề trên xem ra khác hẳn thời ‘mặn nồng’
của cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn với người đứng đầu Quản
Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert vào tháng Tư năm
2017, khi facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền đã bị gỡ nội
dung và bị khóa, và hiện tượng này đã trở thành số nhiều và liên tục. Cùng thời
gian đó, giới tuyên giáo Việt Nam phổ biến thông tin cho biết vào năm 2017, Việt
Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo
Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika
Bickert - Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.
Đầu năm 2019, nhiều tờ báo nhà nước đồng loạt nhảy xổ
vào Facebook và gào thét về những ‘sai phạm’ của hãng này tại Việt Nam như
không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống,
chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước;
cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp
pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp
thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…
Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh
bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị
Võ Văn Thưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông của tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh
Hùng.
Điều đó cũng có nghĩa là lần đầu tiên từ lúc vào Việt
Nam, Facebook đã biết phản ứng như thế nào trước sự can thiệp ngày càng thô bạo
của chính thể độc đảng ở đất nước này.
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất
hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản
và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương”, Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của chính
quyền Việt Nam về việc doanh nghiệp này vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho
phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.
Vào tháng 12/2018, bất ngờ xuất hiện thông tin về bà
Lê Diệp Kiều Trang - người phụ trách của Facebook tại Việt Nam - sẽ thôi việc
vào ngày 1/1/2019. Khi đó, thông tin này đã gây sự chú ý và dấu hỏi từ dư luận.
Nhiều người không biết rõ bà Trang tự nguyện nghỉ việc hay bị ban lãnh đạo của
Facebook thúc ép phải nghỉ việc.
Nhưng vào những ngày đầu năm 2019 thì sự thể đã rõ
hơn nhiều: cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với
Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã
không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài
lòng.
Không loại trừ khả năng Facebook đã bị chính quyền
Việt Nam đe dọa theo đúng cái cách của Trung Quốc độc trị đối với Google gần một
chục năm về trước, để cuối cùng dàn lãnh đạo Facebook phải phản ứng lại.
Việc Facebook cho bà Lê Diệp Kiều Trang nghỉ việc
vào ngày 1/1/2019 - đúng vào ngày Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực -
có thể là một phản ứng mang hàm ý phản ứng đối với Luật An ninh mạng mà đang tạo
ra nguy cơ siết bóp đối với Facebook.
Trước đó, rất nhiều dư luận trên mạng xã hội đã dậy
sóng với những dấu hỏi: Phải chăng Facebook đã bắt đầu ‘thành khẩn hợp tác’ với
chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017? Vì sao Facebook - một tổ chức mạng có uy
tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với
chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ
nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Vậy điều gì, hay những tác động nào đã khiến
Facebook thay đổi quan điểm từ thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam sang phản ứng
với nó?
(còn tiếp)
*
*
Thường
Sơn -
VNTB
Điều
gì, hay những tác động nào đã khiến Facebook thay đổi quan điểm từ thỏa hiệp với
chính quyền Việt Nam sang phản ứng với nó?
“Khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hoá, truyền
thống của gia đình nhà chồng. Điều này lại càng khắt khe hơn với một nàng dâu
trưởng, khi sẽ phải làm gương cho những nàng dâu đến sau” - Nguyễn Mạnh Hùng nói với Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Facebook
là Simon Milner trong một cuộc gặp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2018. Ngay sau đó
câu nói này đã được các tờ báo đảng Việt Nam tô đậm một cách đầy chủ ý và mang
tính chiến thắng với những
cái tít ‘Lãnh đạo Facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với
Chính phủ Việt Nam’, mà cụ thể là “Phó chủ tịch Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt
chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hình thành
nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam”.
'Nhà chồng' Nguyễn Mạnh Hùng (phải) với 'nàng
dâu' Simon Milner
Cũng ngay sau đó, Facebook - một trong những doanh
nghiệp mạng xã hội lớn nhất và được xem là uy tín nhất thế giới - đã phải mang
một biệt hiệu chẳng hay ho chút nào: ‘Nàng dâu trưởng của nhà chồng Việt Nam’.
Vậy ‘nhà chồng’ muốn gì? Và áp đặt luật ‘làm dâu’ ra
sao?
Những mục tiêu là rất rõ: ngăn chặn thông tin bất đồng
chính trị đang từng ngày đe dọa sự tồn vong của chế độ cầm quyền, và bắt
Facebook phải đóng thuế trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo
nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ
đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại
Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong thực tế, những cố gắng và cả những thủ đoạn không mệt mỏi của chính quyền Việt Nam nhằm gây áp lực lẫn ‘thuyết phục vận động’ Facebook đã phần nào
đạt kết quả.
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Thông Tin Truyền
Thông Trương Minh Tuấn với người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của
Facebook là bà Monika Bickert vào tháng Tư năm 2017, facebook của nhiều người đấu
tranh dân chủ và nhân quyền đã bị gỡ nội dung và bị khóa, và hiện tượng này đã
trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng
và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như các vụ khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung
đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ
Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Cùng thời gian trên, giới tuyên giáo Việt Nam phổ biến
thông tin cho biết vào năm 2017, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip
bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời
điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert - Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị
xóa.
Việt Nam là quốc gia bị Tổ chức Phóng viên không
biên giới có trụ sở ở Pháp, cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế, liệt vào hạng
175/180 về tự do báo chí trên thế giới. Chắc hẳn “học tập kinh nghiệm” của chế
độ độc đảng ở Trung Quốc trong việc “siết” và “đẩy đuổi” Google và chỉ cho các
mạng xã hội hoạt động tại đất nước này nếu chịu nghe lời nhà cầm quyền Bắc
Kinh, chính quyền Việt Nam cũng muốn tạo ra một “tác động mang tính răn đe” đối
với mạng Facebook.
Khi đó, nhiều dư luận đã đặt câu hỏi: Phải chăng
Facebook đã bắt đầu ‘thành khẩn hợp tác’ với chính quyền Việt Nam từ cuối năm
2017?
Vì sao Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế
và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền
Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức,
bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Đến tháng Tư năm 2018, đã có những bằng chứng đáng
thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã “tiếp tay” cho chính quyền Việt
Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận - được quy định trong Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và
Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt
động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một
bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook - ông Mark Zuckerberg - về tình trạng nội
dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt
Nam.
Một trong những bằng chứng rõ nhất được các tổ chức
xã hội dân sự nêu ra là giám đốc Facebook tại Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang
- con gái của một cựu quan chức cộng sản - đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều
nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker.
Có thể xem bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự
gửi tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg là giọt nước tràn ly sau một
thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền
ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội
ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.
Nhưng Facebook còn phải đối mặt với các cuộc điều trần
căng như dây đàn tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Tháng 9 năm 2018, hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch
Facebook Simon Milner gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng, một giám đốc phụ trách hoạt động (COO) và là nhân vật quyền lực thứ hai của
Facebook - bà Sheryl Sandberg - đã phải trả lời những câu hỏi truy xét gắt gao
của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi ông hỏi về trường hợp khi các chính quyền độc
tài yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.
Marco Rubio cũng đề cập việc Việt Nam vừa thông qua
Luật An ninh mạng, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực đầu 2019 và sẽ yêu cầu Facebook
lưu trữ dữ liệu người dùng tại nước sở tại và phải giao nộp cho chính quyền dữ
liệu người dùng bị nghi ngờ hoạt động chống chính quyền.
‘Ông đề cập đến Việt Nam, chúng tôi không có máy chủ
ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng,
chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả
thông tin về chính trị” - bà Sandberg trả lời.
‘Và quý vị sẽ không bao giờ làm như vậy?” - Thượng
nghị sĩ Rubio hỏi - “Quý vị sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động?”
“Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng
tôi giữ gìn được những giá trị của mình”
“Và điều này cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc?”
“Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc”.
Đã rõ rằng Sheryl Sandberg đã có một cam kết trước
Quốc hội Hoa Kỳ về các giá trị dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ‘không cung cấp
thông tin’ để giải tỏa scandal trước đó về việc Facebook đã làm lộ thông tin của
hàng triệu khách hàng trên thế giới.
Giờ đây, cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền
Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của
chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc
trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
------------------------------
Kính
Hòa, RFA
2019-01-09
2019-01-09
Một tuần lễ sau khi luật an ninh mạng Việt Nam có hiệu
lực, Chính phủ Việt Nam lên tiếng cáo buộc một cách cứng rắn Facebook đã không
tuân thủ luật này, trong đó có việc không gỡ bỏ những nội dung mà Hà Nội cho rằng
xấu, phản động.
Facebook cũng lên tiếng trả lời ngay là họ không vi
phạm điều gì cả.
Các nhà quan sát trong nước đưa ra nhận định về động
thái mới nhất này của Chính phủ Việt Nam sau đây.
Dự luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông
qua vào tháng 6/2018, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Dự luật này lúc đầu có qui định các nhà cung cấp quốc
tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng sau đó rút lại, chỉ ghi là khuyến khích
việc này thôi.
Nhưng điều không thay đổi là luật này qui định nhà
cung cấp phải cho lực lượng an ninh Việt Nam những thông tin cá nhân nếu được
yêu cầu.
Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng luật
này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện, những ý kiến khác chiều với đảng
cầm quyền.
Hơn một tuần lễ trôi qua từ ngày luật An ninh mạng
(ANM) có hiệu lực, người ta thấy những chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản Việt
Nam trên Facebook vẫn không giảm đi, và chưa có nhà bất đồng chính kiến nào bị
bắt với lý do vi phạm ANM.
Facebook là diễn đàn chính của những chỉ trích, phê
bình, phản biện chính sách nhà nước, Đảng Cộng sản và kể cả những vị có chức
quyền tại Việt Nam.
Nhận định về động thái cứng rắn của Chính phủ Việt
Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết:
“Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật
này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được. Trong những
ngày vừa qua thì tiếng nói của người dân (trên Facebook) vẫn như cũ, thế là họ
mới té ra là thôi chết rồi cái này là do ông Facebook với ông Youtube ở tận đâu
đâu, mà những ông này nhiều khi cũng không làm được (theo yêu cầu) vì quá tốn
kém. Và thế là họ nghĩ là phải cứng rắn”
Có nhận định tương tự là nhà báo độc lập Phạm Chí
Dũng từ Sài Gòn, ông còn nhắc lại những kiến nghị của giới sử dụng Facebook
tiếng Việt trong thời gian vừa qua:
“Đó là một thất bại của họ, vì rằng việc đấu
tranh của giới hoạt động trong nước và quốc tế yêu cầu Facebook không được trở
thành một công cụ cho nhà cầm quyền, đã có tác dụng. Và còn phải kể đến cuộc điều
trần của Faebook trước Quốc Hội Hoa Kỳ, cam kết tuân thủ những giá trị dân chủ
và nhân quyền. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông trước đây là
ông Trương Minh Tuấn có yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ những thông tin mà họ
cho là xấu độc, nhưng rõ ràng đến bây giờ hai công ty này không tuân thủ. Vì thế
có thể nói bây giờ Facebook đang tạm thắng, và Chính phủ Việt Nam thất bại.”
Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ
trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đương nhiệm của Việt Nam để yêu cầu bình luận
nhưng không được trả lời.
Cũng có ý kiến nói rằng Facebook đã cho bà Diệp
Thị Kiều Trang làm việc cho Facebook Việt Nam nghỉ việc từ ngày 1/1/2019 là
để loại ra một người thân với Chính phủ Việt Nam.
Người sáng lập Facebook. Mark Zuckerberg (mang kính
đen) tại Việt Nam, 2011. AFP
Nhưng cũng có nguồn tin nói với chúng tôi rằng mặc
dù có ẩn khuất gì đó đằng sau việc bà Kiều Trang nghỉ việc, nhưng vai trò của
bà thực ra chỉ giới hạn trong việc tiếp thị mà thôi. Nhân vật chịu trách nhiệm
điều hành Facebook chính yếu tại Việt Nam, cũng theo nguồn tin này, là bà
Nguyễn Ánh Nguyệt, được Facebook thuê từ tháng 7/2018 tại Hà Nội.
Chúng tôi có tìm cách liên lạc với bà Nguyễn Ánh
Nguyệt nhưng không được. Nhân vật này rất ít được biết đến ngay cả trong giới
báo chí Việt Nam trong nước.
Cuộc điều trần của Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ diễn
ra vào tháng 9/2018, trong đó đại diện của Facebook nói rằng họ không đặt máy
chủ tại Việt Nam và cũng không cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ trước cuộc điều trần đó
cho đến nay đã có nhiều than phiền rằng Facebook đã hợp tác với an ninh Việt
Nam để đóng những trang có nhiều chỉ trích Chính phủ Việt Nam.
Nhìn lại những sự việc đó, nhà báo Võ Văn Tạo
sống tại Nha Trang nói rằng diễn biến mới từ sự cáo buộc của Chính phủ Việt
Nam, ông cho rằng đã rõ những vụ đóng các tài khoản Facebook, trong đó có tài
khoản của ông xảy ra là do lỗi ở cơ chế tự động của Facebook, được kích hoạt bởi
những tài khoản thân với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc đóng tài khoản cũng xảy ra với ông Lê Trung
Khoa tại Đức. Ông là nhà báo đầu tiên đưa tin Việt Nam tổ chức bắt người một
cách bất hợp pháp trên đất Đức. Ông Lê Trung Khoa đã nhận được lời xin lỗi
chính thức của Facebook và được giải thích là do lỗi lầm từ cơ chế tự động.
Tuy nhiên cũng có nhận định khác với ông Nguyễn
Quang A và ông Phạm Chí Dũng về cáo buộc cứng rắn của Chính phủ Việt Nam.
Cô
Nguyễn Vi Yên, trưởng nhóm SaveNet, từng gửi kiến nghị phản đối
luật ANM lên Chính phủ Việt Nam, cho đài RFA biết:
“Mặc dù có làn sóng phản đối dữ dội từ tháng sáu
cho đến giờ, như nhóm của chúng tôi với hơn 110 ngàn chữ ký, nhưng họ vẫn không
phản hồi gì hết. Cho nên có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp
cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế
họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng.”
Cô
Vi Yên nói thêm rằng có lẽ luật ANM là một phép thử mà nhà
nước Việt Nam đưa ra để từng bước kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, việc thực
thi luật này cũng sẽ theo cái cách từng bước như vậy:
“Nếu họ dùng luật ANM bắt bớ ngay những người bất
đồng chính kiến thì có thể làm cho người ta sợ, giảm hoạt động một chút, nhưng
có lẽ họ cũng sợ vấp phải những phản hồi bất lợi không lường được không những từ
trong nước mà còn từ quốc tế nữa.”
Dự báo về những bước đi sắp tới của Facebook và
Google, ông Nguyễn Quang A và cô Nguyễn Vi Yên có cùng quan điểm cho rằng có thể
Facebook sẽ có những nhượng bộ nào đó, nhưng tình hình hoạt động của những chỉ
trích, phê bình trên mạng xã hội vẫn như cũ.
Ông
Phạm Chí Dũng thì chỉ ra một nội dung trong những bản tin cáo buộc
Facebook của truyền thông nhà nước Việt Nam :
“Khi cáo buộc Facebook, đến chổ biện pháp xử lý
thì Chính quyền Việt Nam tỏ ra bối rối, chỉ nói rằng họ sẽ đấu tranh với
Facebook, chứ chẳng đưa ra biện pháp cụ thể nào cả. Theo nguyên tắc thì họ có
thể kiện Facebook, nhưng họ có dám làm không? Dựa trên cơ sở nào? Tôi cho rằng
có ăn gan trời Việt Nam cũng không dám làm chuyện đó.”
Trước đây khi luật an ninh mạng mới ra đời, đã có ý
kiến lo ngại nếu Facebook cương quyết không thỏa hiệp mà phải rút khỏi Việt Nam
thì những nhà cung cấp công nghệ mạng người Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.
Nhưng cả ba người tham gia ý kiến vào bài viết này
thì đều cho rằng khả năng đó về lý thuyết là có nhưng rất thấp vì vai trò kinh
tế quan trọng đối với Việt Nam hiện nay của Facebook là rất lớn. Cô Nguyễn Vi
Yên cho rằng các nhà làm chính sách Việt Nam chắc chắn cũng phải cân nhắc điều
đó.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm nếu nhà nước Việt
Nam cho phép điều đó xảy ra, tức là Trung Quốc tiến vào thống lĩnh không gian mạng
Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả giá chính trị rất lớn trước nhân
dân Việt Nam.
---------------------
RFA
2019-01-09
2019-01-09
Facebook hôm 9 tháng 1 năm 2018, phản bác lại những
cáo buộc đã cho phép đăng tải nội dung vi phạm luật an ninh mạng mới của Việt
Nam. AP loan tin vừa nói cùng ngày.
Công ty Facebook cho biết họ đã hạn chế nội dung bất
hợp pháp và đang thảo luận với chính phủ.
Facebook cho biết có một quy trình rõ ràng để các
chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp cho họ và Facebook sẽ xem xét lại tất cả
các yêu cầu đó có trái với các điều khoản của mình và có vi phạm luật pháp địa
phương hay không.
Công ty này cũng cho biết họ minh bạch về các hạn chế
nội dung đã thực hiện theo luật địa phương trong báo cáo minh bạch của
Facebook.
Luật An Ninh Mạng Việt Nam yêu cầu các nhà cung cấp
dịch vụ như Google và Facebook hoạt động tại Việt Nam, phải lưu trữ dữ liệu người
dùng tại địa phương, mở văn phòng địa phương và xóa nội dung vi phạm trong vòng
24 giờ nếu được chính quyền yêu cầu.
Phản hồi của Facebook được đưa ra sau khi cơ quan chức
năng Việt Nam có cáo buộc Facebook vi phạm Luật An Ninh Mạng vừa có hiệu lực,
vì đã từ chối xóa nội dung chống chính phủ khỏi trang web của mình.
Truyền thông trong nước vào ngày 8 tháng 1 loan tin
về những cáo buộc sai phạm đối với Facebook căn cứ trên luật của Việt Nam.
Luật An Ninh Mạng của Việt Nam được ban hành vào
ngày 1 tháng 1 năm 2019 và đã thu hút sự chỉ trích từ Hoa Kỳ, EU cùng các nhóm ủng
hộ tự do internet…. Luật mới yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet xóa
"nội dung độc hại" và bàn giao dữ liệu người dùng khi được chính quyền
yêu cầu.
Luật này cũng quy định rằng các công ty nên lưu trữ
máy chủ ở Việt Nam, bao gồm các ngân hàng và các công ty thương mại điện tử. Điều
này làm dấy lên lo ngại về vi phạm quyền riêng tư và các mối đe dọa an ninh mạng.
AFP dẫn thông tin từ Đài truyền hình nhà nước Việt
Nam (VTV) đưa tin hôm 9 tháng 1 cho rằng, Facebook đã không thực hiện yêu cầu của
Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam, gỡ các trang được cho là kêu gọi các hoạt
động chống chính phủ.
Theo VTV, Facebook đã trì hoãn và thậm chí không xóa
thông tin, tuyên bố thông tin không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng.
Việt Nam cũng cáo buộc Facebook lưu trữ quảng cáo
cho các sản phẩm bất hợp pháp, bao gồm tiền giả, hàng giả, vũ khí và pháo…
VTV cũng cho biết, việc xử lý vi phạm pháp luật của
công ty Facebook dự kiến sẽ được chính phủ đưa ra trong một nghị định sắp ban
hành.
No comments:
Post a Comment