Kính Hòa, RFA
2019-01-07
2019-01-07
Ngày 7/1/2019 là ngày kỷ niệm tròn 40 năm chế độ diệt
chủng Pol Pot tại Campuchia bị quân đội Việt Nam và đồng minh là lực lượng của
Thủ tướng Hunsen lật đổ. Nhưng cuộc chiến tranh Campuchia còn kéo dài đến 10
năm sau với sự tổn thất rất lớn cho cả người Campuchia lẫn người Việt Nam.
Những người Việt từng tham gia cuộc chiến tranh này
rút ra bài học gì?
Quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh 7/1/1979. AFP
Ông Đinh Kim Phúc hiện nay là một Tiến sĩ sử học giảng
dạy Đại học mở tại Sài Gòn, năm 1977 ông nhập ngũ, và sau đó có được đưa sang
chiến trường Campuchia.
40 năm nhìn lại, ông nói với đài RFA:
“Về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Khmer Đỏ có
nhiều chuyện để nói, nhưng phải nói rằng đối với Việt Nam có chính nghĩa trong
cuộc chiến tranh này, vì Khmer Đỏ không những diệt chủng người Khmer mà còn tấn
công Việt Nam nữa. Họ bắt đầu từ năm sau năm 1975, đến năm 77 là những chiến dịch
cấp trung đoàn, rồi tập trung cao độ vào năm 1978. Nếu chúng ta không phản ứng,
không tấn công Khmer Đỏ, không đưa cuộc chiến tranh ra khỏi đất nước chúng ta
thì Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.”
Theo ông Đinh Kim Phúc việc Việt Nam can thiệp vào
Campuchia lúc ấy là một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi, và thậm chí cuộc
chiến chống du kích quân Khmer Đỏ kéo dài 10 năm sau đó cũng là một cuộc sa lầy
nhưng cũng không thể tránh khỏi.
Ngày 6/1/2019, tờ Văn hóa Nghệ An trong nước cho
đăng một tài liệu được cho là từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó giới lãnh đạo
Bắc Kinh đã đưa Việt Nam vào một cái bẫy khi đưa quân vào Campuchia, và Trung
Quốc đứng ngoài giúp đỡ du kích Khmer Đỏ, lại được quốc tế ủng hộ và cô lập Việt
Nam.
Tuy nhiên, nói về các tổn thất quá lớn của Việt Nam
cũng như vị thế bị bao vây về ngoại giao sau khi can thiệp vào Campuchia, một
tác giả là ông Vũ Minh Hoàng, hiện là nghiên cứu sinh sử học tại Mỹ đưa ra một
nhận định rằng: Bài học quan trọng nhất mà Việt Nam cũng như các nước
trong khu vực đã rút ra từ chiến tranh biên giới Tây Nam là việc can thiệp vào
nội bộ nước khác, bất kể chính phủ đó có tồi tàn tới đâu, là không có lợi về mặt
đánh giá chi phí và lợi ích thu được, và xét tổng thể thì vượt ra ngoài khả
năng của những nước nhỏ và trung bình.
Giai đoạn những năm 1970, 1980, ngoài sự đối đầu
Liên Xô và phương Tây trong cuộc chiến tranh lạnh, bắt đầu ngay sau chiến tranh
thế giới thứ hai, còn có một sự đối đầu ngay trong thế giới cộng sản, một bên
là Trung Quốc cùng đồng minh Pol Pot, bên kia là Liên Xô và đồng minh Việt Nam.
Trong một loạt bài báo của báo chí Việt Nam kỷ niệm
40 năm ngày Pol Pot bị lật đổ, có bài trên báo mạng Soha, dẫn lời một số sĩ
quan quân đội Việt Nam nói rằng từ năm 1972, tức là trước khi cuộc chiến tranh
Việt Nam kết thúc, lực lượng Khmer Đỏ đã từng tấn công lực lượng bộ đội cộng sản
Việt Nam trên đất Campuchia.
Tiến sĩ Đinh Kim Phúc xác nhận cội rễ của cuộc chiến
Việt Nam Khmer Đỏ vốn có nguồn gốc từ lâu:
“Có thể nói nó bắt nguồn từ những năm 66, 67 của
thế kỷ trước do đường lối của Hà Nội và Pol Pot Ieng Xa Ry là không giống nhau.
Phải đặt cuộc chiến tranh Việt Nam Khmer Đỏ, hay còn gọi là cuộc chiến tranh
Đông Dương lần thứ ba vào bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ, nằm trong cuộc
chiến tranh lạnh lúc đó.”
Ý thức hệ mà ông Đinh Kim Phúc đề cập ở đây là sự
khác biệt giữa chính những người cộng sản với nhau, mà đỉnh cao của nó là dẫn đến
cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu Liên Xô Trung Quốc vào năm 1969.
Sự phân chia này cũng dẫn đến sự phân chia giữa các
đảng cộng sản nhỏ hơn là Đảng Cộng sản Việt Nam và những người cộng sản Khmer Đỏ
ở Campuchia, mà cả hai vốn cùng xuất phát từ những tổ chức cộng sản từ những
năm 1930 trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Một câu hỏi được nhiều người Việt Nam đặt ra là tại
sao sự xung đột như vậy bắt đầu từ rất lâu, mà Hà Nội lại phản ứng quá chậm,
sau khi dân chúng dọc biên giới đã bị thiệt mạng sau những đợt tàn sát của
Khmer Đỏ?
Theo ông Đinh Kim Phúc, lỗi lầm đó là do sự nhận định
sai lầm về tương quan lực lượng trên thế giới và trong khu vực của những nhà
lãnh đạo Việt Nam lúc đó. Ông Phúc dẫn lời Tổng bí thư Lê Duẫn nói sau năm 1975
rằng không có một quốc gia nào dám tấn công Việt Nam sau chiến thắng của những
người cộng sản vào năm 1975, khi chiếm được Sài Gòn.
Ông Phạm Sỹ Sáu, hiện nay là một nhà thơ, từng tham
gia cuộc chiến Campuchia trong 10 năm đưa ra một nguyên nhân thứ hai cho sự chậm
chạp ấy:
“Pol Pot là con đẻ của Việt Nam. Nhân dân Việt
Nam nhận chịu hậu quả từ sự lãnh đạo, là các anh đã nuôi một bè lũ như vậy từ
trong trứng nước. Từ năm 1972 họ đã tỏ ra không đồng tình với anh mà anh cho là
vì tình quốc tế vô sản anh bỏ qua hết. Lúc nó tấn công trực tiếp anh vào năm 1975,
76, 77 anh vẫn coi nó là bạn, đến năm 1978 nó giết dân anh nhiều quá thì anh mới
coi nó là kẻ thù. Sự nhận chân của những người lãnh đạo chậm quá, vẫn coi trọng
cái quốc tế vô sản một cách phi lý.”
Hậu quả của cuộc chiến Campuchia dai dẳng này, ngoài
số thương vong rất lớn của quân đội Việt Nam, theo một vài số thống kê là lên đến
50 ngàn người tử trận, còn gây ra những hiềm khích giữa người Việt và Khmer sau
này, vì thời gian hiện diện của lực lượng Việt Nam tại nước này quá lâu.
Theo ông Phạm Sỹ Sáu quan sát, nhiều người Khmer ở độ
tuổi nhỏ hơn 40 nhìn cuộc chiến tranh đó với ánh mắt không thiện cảm với người
Việt Nam như là một lực lượng chiếm đóng, mà hơn nữa, theo ông Phạm Sỹ Sáu, những
viên chức cố vấn Việt Nam đưa sang Campuchia trong giai đoạn này là những người
không có thực tài, đối xử với người Khmer như những người cấp thấp hơn, tương tự
như những viên chức thuộc địa.
Đối với Tiến sĩ Đinh Kim Phúc thì bài học rút ra từ
cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi ở Campuchia là Việt Nam không hiểu được
các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Hoa Kỳ tính toán những lợi ích địa chính
trị của họ trên lưng mình.
-------------------------
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment