Monday, January 7, 2019

BẢN TIN NGÀY 7-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




07/01/2019

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên bàn về ba vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thứ nhất là sự đoàn kết của ASEAN, chỉ khi ASEAN đạt được sự thống nhất cao thì TQ khó có thể áp làm mưa làm gió ở đây. Thứ hai là việc cam kết và thực thi cam kết của Washington đối với khu vực và cuối cùng là, những vấn đề trong nước có thể khiến Bắc Kinh chuyển hướng chú ý nhiều hơn ra quốc tế, ảnh hưởng tới khu vực này.

Báo Một Thế Giới có bài: Cạnh tranh Mỹ – Trung trên Biển Đông sẽ khốc liệt hơn. Đạo luật Sáng kiến tái đảm bảo châu Á (ARIA), sẽ làm sự cạnh tranh Mỹ – Trung thêm khốc liệt. Đạo luật ARIA được ban hành tuần trước, trong đó, Mỹ tái khẳng định sẽ hỗ trợ an ninh cho các đồng minh gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và “chi 1,5 tỉ USD trong giai đoạn 2019-2023 để củng cố sự hiện diện, xây dựng quan hệ đối tác an ninh với Đông Nam Á”.  

RFI đưa tin: Tổng thống Đài Loan ủng hộ việc Anh Quốc lập căn cứ ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo Sunday Telegraph, tổng thống Thái Anh Văn nói, “Đài Loan hoan nghênh mọi hành động có ích cho việc duy trì hòa bình ở Biển Đông, cũng như duy trì quyền tự do đi lại trong khu vực”.

Bài viết lưu ý: Thời gian qua, “Trung Quốc, nước đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông đã đẩy mạnh việc quân sự hóa vùng biển này, gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế về nguy cơ quyền tự do hàng hải bị Bắc Kinh hạn chế”.


Tin nhân quyền

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản ban hành quyết định: Không quay phim cán bộ tiếp dân nếu không được ‘cho phép’, theo báo Tiền Phong. Thêm một quy định nhằm ngăn chặn người dân giám sát cán bộ, tố cáo sai phạm của lãnh đạo…
Sau một số video clip quay cảnh cán bộ tiếp dân nhưng xúc phạm dân, coi thường dân, hoặc tỏ thái độ vô trách nhiệm đối với dân, bị đưa lên mang, bộ mặt chính quyền quá lem luốc, nên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sử dụng quyền hành, ký quyết định bịt miệng dân. Quyết định này của ông Chung đã đập vào mặt những kẻ nào nói rằng, chính quyền này “của dân, do dân, vì dân”.

BBC đưa tin: Vườn rau Lộc Hưng ‘tan hoang sau cưỡng chế’ hôm 4/1. Một người dân chia sẻ với BBC: “Bà con vẫn ở trong tình thế rất là lo lắng, nhưng vẫn kiên định là đất đai tài sản ông bà để lại, dù không đủ sức lực chống lại sức mạnh của nhà cầm quyền nhưng sẽ cố hết sức có thể để giữ gìn”.

Mời xem clip từ trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, cho thấy người dân cầu nguyện sau khi bị cưỡng chế: https://www.facebook.com/tinmungchonguoingheo/videos/770695846605479/

Phía chính quyền địa phương cho rằng: “Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay”. Tuy nhiên, người dân Lộc Hưng khẳng định, “suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết”.

Con trai một chủ đất nằm trước xe cần cẩu để ngăn cản vụ cưỡng chế. Nguồn: BBC


Vụ bê bối của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

RFA có bài: Dư luận xôn xao vụ xe biển xanh ưu tiên đón vợ con Bộ trưởng ở cầu thang máy bay. Tối 4/1/2019, “một xe biển xanh (của chính phủ) vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà một vị lãnh đạo cấp bộ ngành, gây chậm trễ cho những người khác cùng đi máy bay”. Dư luận mạng xã hội chỉ rõ, người được đón đó là vợ con của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Theo một công văn mà VOV có được, ông Tuấn Anh rời TP HCM đi Hà Nội chiều ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. “Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho phép các cơ quan liên quan cho phép cán bộ của Bộ Công thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A”. Tuy nhiên, lại có tin cho rằng trong các ngày 3 và 4/, “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang có các hoạt động tại Hà Nội”.

Trang Đầu Tư Tài Chính VN đặt câu hỏi: ‘Xe biển xanh vào tận cầu thang máy bay’ đón ai? Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc khẳng định, “Bộ Công Thương đăng ký 2 xe vào đón Bộ trưởng, trong đó có một xe biển 80B 5645”. Người đại diện này nói thêm: “Theo quy định, khi có đề nghị của các bộ, ban ngành về việc phục vụ đưa đón lãnh đạo, Cảng vụ Hàng không miền Bắc sẽ thực hiện việc đưa đón theo quy định”.

Văn bản của Bộ Công Thương gửi Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Nguồn: Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính VN

Báo Tiền Phong có bài: Tin thêm vụ ‘xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng tận máy bay’. Có nguồn tin cho biết: “Do vị bộ trưởng đang phải nằm viện, nên vợ con từ TPHCM có ra chăm sóc, trong khi con nhỏ đi theo mẹ cũng đang ốm, nên xe của bộ ra sân bay đón”. Tựu trung, thông tin vẫn khá nhiễu, dĩ nhiên là nhằm mục đích chạy tội cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.



“Công bộc” của dân?

VTC đưa tin: Nhận 300 triệu đồng để ‘chạy việc’ vào ngành công an, trưởng công an xã bị bắt. Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành tạm giam ông Hoàng Ngọc Minh, Trưởng công an xã Nghĩa Trung để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đó, công an huyện được đơn trình báo của một người dân cho biết đã đưa ông Minh 350 triệu đồng để xin việc cho con vào ngành công an, nhưng ông Minh “không lo được việc và nhiều lần hứa hẹn hoàn trả lại số tiền trên song không thực hiện”.

Chuyện ở huyện Phù Mỹ, Bình Định: Một Chủ tịch MTTQ thị trấn bị bắt giam vì tham ô tài sản, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Bà Hồ Thị Bích Lệ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thị trấn Phù Mỹ bị bắt để điều tra về hành vi “tham ô tài sản”. Theo kết quả thanh tra của UBND huyện, trong quá trình “bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất tại một dự án của địa phương vào năm 2014”, bà Lệ lúc đó là kế toán của UBND thị trấn, đã ký vào các hồ sơ bồi thường giả do ông Bùi Đức Trọn, cán bộ địa chính thị trấn Phù Mỹ “biên soạn”.

Công an tỉnh Cà Mau vừa bắt nguyên trưởng phòng khám đa khoa khu vực Sông Đốc và kế toán, theo VOV. Các ông Phan Phương Đông, Đỗ Minh Thống, 2 cán bộ của Phòng khám đa khoa khu vực Sông Đốc, bị bắt ngày 6/1/2019 về hành vi tham ô tài sản. Theo cơ quan điều tra, từ năm 2012-2016, ông Đông đã “chỉ đạo cán bộ, nhân viên đơn vị sử dụng biên lai tự mua để thu viện phí; chỉ đạo ông Thống là kế toán của đơn vị không báo cáo, thống kê số tiền thu viện phí”.

Nguyên kế toán bị bắt khi đang khiếu nại kết luận thanh tra, theo Zing. Hồi tháng 1/2018, ông Thống “khiếu nại lên cấp trên và được UBND tỉnh Cà Mau thụ lý”. Tuy nhiên, quá thời hạn 45 ngày mà UBND tỉnh Cà Mau không giải quyết khiếu nại lần 2, nên ông Thống đã “làm đơn kiện Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời”. Đến cuối tháng 8/2018, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản “tạm dừng ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của ông Thống để chờ kết quả điều tra của công an”.


Rừng luật và… luật rừng

Trang Pháp Luật VN có bài: Gia đình nạn nhân “tố” cơ quan chức năng không giải quyết vụ việc thỏa đáng. Ông Phạm Lương Chiến, nạn nhân của vụ hành hung ngày 14/7/2018, tố cáo Cơ quan Điều tra Công an huyện Thanh Liêm, Hà Nam “cố tình” kéo dài công tác điều tra, đồng thời “đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ án hành hung của mình để sớm đưa các đối tượng ra pháp luật xử lý”.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã xác định được danh tính 1 trong 6 thủ phạm và nhiều lần triệu tập nhưng không được. Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ vụ án. Gia đình nạn nhân cho rằng suốt quá trình điều tra, công an “đã giải quyết vụ việc không thỏa đáng”, lại còn… làm rơi chiếc điện thoại chứa hình ảnh vụ án xuống nước để cản trở việc điều tra.


Vụ Vũ “nhôm”: Hai cựu thứ trưởng công an bị truy tố

VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành liên quan vụ Vũ “nhôm”, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Cáo trạng cho biết: Các bị can đã lợi dụng “chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc thiếu trách nhiệm để giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm các dự án nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước”.

Ông Bùi Văn Thành “đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc thẩm định giá nhà, đất tại số 129 Pasteur”, để Vũ “nhôm” chuyển nhượng cho người khác gây thiệt hại hơn 222 tỷ đồng cho Nhà nước. Còn ông Trần Việt Tân để Vũ “nhôm” xin nhận quyền sử dụng đất đối với nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng và TP HCM, gây thiệt hại hơn 155 tỷ đồng cho Nhà nước.


Các vụ án ngân hàng

Diễn biến mới vụ đại án tại ngân hàng Đại Tín: Truy tố cựu Phó Tổng giám đốc Ngô Đức Trí, theo trang Đời Sống và Pháp Luật. Bài báo cho biết: “Sai phạm của ông Đức Trí được xác định khi cơ quan tố tụng điều tra theo kiến nghị của TAND TP.HCM tại phiên xử Hứa Thị Phấn”, cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín về tội đồng phạm cố ý làm trái quy định để rút ruột hàng ngàn tỷ đồng của ngân hàng này.

Theo cơ quan điều tra, ông Trí còn phải chịu trách nhiệm vụ “Ngô Thị Ngân, thủ quỹ chính Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn, rút 4.554 tỉ đồng tiền mặt từ Ngân hàng Nhà nước, không đem về nộp kho quỹ ngân hàng mà đem đến phòng làm việc của Hứa Thị Phấn”.

Ngân hàng Nhà nước nhờ Bộ Công an vào cuộc vụ bốc hơi 170 tỷ tại Viet A Bank, theo báo Dân Sinh. Vụ số tiền 170 tỉ của bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường gửi ở VietABank bị mất còn chưa giải quyết xong, thì gần đây còn phát sinh một loạt vụ bê bối tiền khách hàng gửi bị bốc hơi, như vụ một khách hàng khác bị mất hơn 100 tỉ khi gửi ở ngân hàng.

NHNN cho rằng, “tranh chấp giữa các khách hàng và VietABank diễn ra một thời gian. Phía VietABank đã có báo cáo lên ngân hàng nhà nước. Đây là một vụ việc khá phức tạp, liên quan tới nhiều đối tượng, nhiều khách hàng”.

Băng rôn được khách mang đặt trước cửa trụ sở chính của VietABank. Nguồn: Dân Sinh

Vụ 170 tỷ tiền gửi “bốc hơi”: Thêm nhiều khách kêu mất tiền “khủng”, theo báo Giao Thông. Bà H. ở Hà Nội cho biết, “sổ tiết kiệm của bà trị giá 10 tỷ đồng gửi tại Việt Á. Thế nhưng, cách đây mấy ngày bà tới rút sổ khi đến hạn thì không thấy. Đại diện Ngân hàng cho biết bà đã làm hợp đồng cầm cố sổ trên để vay tiền từ ngân hàng và đã tất toán sổ tiết kiệm 10 tỷ nói trên”.

Một trường hợp khác là đại diện Công ty MHD đã cũng tới Ngân hàng Việt Á “yêu cầu sao kê thông tin giao dịch tài khoản”. Người này cho biết công ty của ông “nhận được thông báo từ ngân hàng cho biết công ty đang có một khoản nợ ngân hàng bắt nguồn từ các giao dịch thanh toán đi. Trong khi đó, công ty chưa từng mở tài khoản ở ngân hàng này”.

Báo Lao Động có bài: Tin nhân viên VPBank, vợ chồng ông lão ôm cục nợ cả tỷ đồng. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Phạm Bá Viện cho biết, cuối tháng 7/2012, gia đình ông vay 850 triệu đồng từ PVBank, gia đình ông thu xếp trả dần thông qua giao dịch tài chính với ông Vũ Văn Bảo, nhân viên phòng quản lý nợ xấu của VPBank Chi nhánh Thanh Hóa. Đến đầu tháng 1/2017, ông Bảo xác nhận rằng số tiền còn nợ không nhiều.

Tuy nhiên, “thời gian gần đây, gia đình ông Viện bất ngờ nhận được thông tin, toàn bộ số tiền trả cho ngân hàng không được ghi nhận trên chứng từ, giấy tờ”. Ngân hàng VPBank chi nhánh Thanh Hóa cho rằng, khoản nợ gốc vẫn là 750 triệu đồng, giờ đã chuyển thành nợ quá hạn với tổng số tiền là hơn 1,5 tỉ đồng.


40 năm cuộc chiến Campuchia

Bài thứ nhất trong loạt bài trên báo Thanh Niên về vụ thảm sát hơn 40 năm trước ở huyện Bù Đốp: Đêm Kinh Hoàng. Ông Hà Ngọc Hải, phó công an xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, Bình Phước, kể: “Từ tháng 12.1976, quan hệ giữa 2 bên ngày càng xấu đi. Lính Khmer Đỏ phát rừng, mở đường dọc tuyến biên giới và tiến hành nhiều vụ xâm nhập lãnh thổ”.

Một người dân kể về vụ thảm sát rạng sáng 16/3/1978: “Có tiếng súng, tiếng la hét, khói lửa ngút trời, người dân chạy tán loạn. Gia đình tôi lúc ấy có 8 người, chị Yến vừa đi Phước Long, chị Oanh dạy học ở xa, chỉ còn cha mẹ và 4 anh chị em. Cả nhà tôi chui xuống hầm trú ẩn ngoài sân. May có đống khoai mì che cửa hầm mà thoát chết, nhưng nhìn qua đống cây, tôi thấy rõ lính Polpot giết người, đốt nhà”.

Báo Người Lao Động bàn về 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Thế giới nợ Việt Nam lời xin lỗi. Bài báo viết rằng, “những thế lực, những quốc gia từng ủng hộ Khmer Đỏ, nợ Việt Nam một lời xin lỗi khi mà trong suốt thời gian dài đã hà hơi tiếp sức, viện trợ để nuôi sống thây ma Pol Pot“.

Tác giả bài viết này tố cáo ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cộng sản VN trước đó, vì chính lực lượng này đã từng ủng hộ Khmer Đỏ, tức cộng sản Campuchia, phế truất lực lượng hoàng gia Campuchia do Hoa Kỳ ủng hộ, để CSVN có thêm đường đưa lính và vũ khí vào miền Nam Việt Nam.


***







No comments: