Wednesday, June 29, 2011

BÁ QUYỀN VỚI NHỮNG ĐẶC TÍNH TRUNG HOA [1/2] (Aaron L. Friedberg)



Aaron L. Friedberg, National Interest, 21/6/2011

Hiếu Tân  dịch
Ngày đăng: 27.6.2011

Sự trỗi dậy của Trung Hoa như một cường quốc châu Á làm thay đổi cục diện thế giới, đặt ra những vấn đề nghiêm trọng thu hút sự quan tâm không chỉ của các nước trong khu vực, mà ngay cả Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới cũng coi sự trỗi dậy này như một thách đố.

Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Aaron L. Friedberg, Giáo sư Đại học Princeton, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế, an nình quốc tế ở Đông Á, cung cấp một cái nhìn bao quát và xuyên suốt, với những bằng chứng lịch sử và sự phân tích khách quan, khoa học, nêu bật tính qui luật và gợi mở những suy tư về chiều hướng phát triển của các sự kiện .

VCV cung cấp tài liệu tham khảo cho các bạn quan tâm đến vấn đề này.

------------------------

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị hãm vào trong một cuộc tranh chấp thầm lặng nhưng ngày càng gay gắt nhằm giành quyền lực và ảnh hưởng không chỉ ở châu Á mà trên khắp thế giới. Mặc dầu những gì mà nhiều nhà bình luận nghiêm chỉnh và thiện chí dường như tin tưởng, sự kình địch giữa Hoa-Mỹ mới nảy sinh không phải chỉ là kết quả của những chính sách sai lầm hay những sự hiểu lầm, trái lại nó bị thúc đẩy bởi những lực lượng đã bắt rễ sâu trong cấu trúc đang thay đổi của hệ thống quốc tế và trong chính những chế độ chính trị trong nước hết sức khác nhau của hai cường quốc Thái Bình Dương.

Trong suốt lịch sử, những mối quan hệ giữa các nước đã vượt trội và những nước đang vươn lên không bao giờ là dễ dàng – và thường là bạo lực. Các cường quốc đã định hình, có xu hướng tự coi mình là những kẻ bảo vệ một trật tự quốc tế mà chúng đã giúp tạo ra và đang tiếp tục hưởng lợi từ nó; các cường quốc đang vươn lên cảm thấy bị kiềm chế, thậm chí bị lừa bịp, bởi tình hình hiện tại và đấu tranh chống lại nó để giành lấy cái mà chúng nghĩ rằng đúng ra phải là của chúng. Thật vậy, câu chuyện này, với những ngụ ý kiểu Shakespeare về tuổi trẻ và tuổi già, vững mạnh và suy tàn, là thứ chuyện lâu đời nhất trong lịch sử thành văn của loài người. Ngay từ thế kỷ 5 trước CN nhà sử học vĩ đại người Hy Lạp Thucydides bắt đầu nghiên cứu về cuộc Chiến tranh Peloponnesia với nhận xét tưởng chừng như đơn giản rằng nguyên nhân sâu xa nhất, thật sự nhất của chiến tranh là "sự lớn lên của sức mạnh Athena và nỗi sợ mà nó gây nên trong Sparta."

Cái sự thật rằng mối quan hệ Mỹ-Hoa là quan hệ cạnh tranh không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng hai nước này đâu phải là hai cường quốc bất kỳ: từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh Hoa Kỳ đã là nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới; ngược lại Trung Hoa là nước mà các khả năng vươn lên nhanh nhất. Hoa Kỳ vẫn còn là "số một," nhưng Trung Hoa nhanh chóng giành được đất. Cuộc ganh đua đang ở mức cao nhất, và đặc biệt đầy tiềm năng xảy ra xung đột.

Ít nhất cho đến nay dưới mắt các cường quốc vượt trội, các nước đang lên có xu hướng là những kẻ gây rối. Khi những khả năng của một nước lớn lên, các lãnh đạo của nó nói chung xác định lợi ích của họ rộng rãi hơn và đi tìm mức độ ảnh hưởng lớn hơn đối với tình hình diễn ra xung quanh họ. Điều này có nghĩa là những nước đang lên này thông thường không chỉ mưu đồ giữ nguyên đường biên giới của chúng mà còn muốn vượt ra bên ngoài những đường biên giới ấy, đi những bước đi cần thiết để đảm bảo đến được các thị trường, vật liệu và các đường giao thông, để bảo vệ công dân của chúng ở xa nhà, bảo vệ các bạn bè và đồng minh nước ngoài của chúng; để truyền bá các tôn giáo và niềm tin ý thức hệ của chúng; và, để có những gì chúng coi là quyền hợp pháp chính đáng của chúng trong công việc ở địa phương của chúng và của thế giới bên ngoài.

Khi chúng bắt đầu tự xét đoán mình, các nước vượt trội thường cảm thấy buộc phải thách thức các đường biên giới lãnh thổ các thiết chế quốc tế và hệ thống tôn ti trật tự về uy tín đã được sắp xếp khi chúng còn tương đối yếu ớt. Giống như Nhật Bản cuối thế kỷ mười chín, hay Đức ở bước ngoặt sang thế kỷ hai mươi, các cường quốc mới nổi muốn có chỗ đứng dưới mặt trời. Tất nhiên đây là điều đặt chúng đối đầu với các cường quốc đã định hình – cái gọi là các nước status quo, đã nghiễm nhiên như thế – vốn là những nhà kiến trúc, những kẻ thừa kế chủ yếu và những người bảo vệ chính của bất kỳ hệ thống quốc tế hiện tồn nào.

Cuộc va chạm sinh ra từ đó giữa các lợi ích của hai bên rất hiếm khi được giải quyết một cách hòa bình. Nhận thấy mối đe dọa đang lớn lên đối với địa vị của chúng, các cường quốc vượt trội (hay một liên minh của các nước có địa vị ấy theo thực tế - status quo) đôi khi cố tấn công và phá hoại một đối thủ trước khi nó có thể lớn lên, đủ mạnh để thành một nguy cơ. Những nước khác – hy vọng tránh được chiến tranh – đã theo một lập trường ngược lại: cố gắng xoa dịu những kẻ ngầm thách thức mình, họ tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi và tham vọng của chúng và tìm cách đưa chúng vào trật tự quốc tế hiện tồn một cách hòa bình.

Nhưng dù có chân thành đến mấy, những cố gắng của họ hầu như luôn luôn kết thúc trong thất bại. Đôi khi lý do rõ ràng nằm trong những đòi hỏi của nước đang lên. Điều này cũng đúng với nước Đức của Adolf Hitler, một kẻ xâm lược có thể có những tham vọng quá lớn đến mức các nước status quo không thể đáp ứng mà không thực tế tự dấn mình vào tình trạng nô lệ hay tự sát dân tộc. Ngay cả khi những đòi hỏi của chúng không quá nặng nề, các nước vượt trội cũng thường rất khó chấp nhận nhượng bộ, do đó đổ thêm dầu vào đám lửa oán giận và thất vọng của nước đang lên, hoặc quá hăm hở nhượng bộ, thì lại nuôi dưỡng những tham vọng của nó và khiến cho các đòi hỏi leo thang theo đường xoắn ốc. Các chính sách nhượng bộ để xoa dịu mà thắng lợi có thể hiểu được về mặt lý thuyết, nhưng việc thực hiện chúng trong thực tế tỏ ra vô cùng khó khăn. Đó là lý do tại sao những thời kỳ chuyển tiếp, khi một cường quốc đang lên bắt đầu vượt các nước trước kia là vượt trội, đã luôn luôn được đánh dấu bằng chiến tranh.

Trong khi họ cẩn thận không nói trực tiếp, các nhà cầm quyền hiện nay của Trung Hoa dường như đang cố xác định đất nước họ như cường quốc nỗi trội ở Đông Á và có lẽ cả châu Á nói chung. Mục đích là làm cho Trung Hoa thành nước mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất trong vùng lân cận của mình, một nước có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công và các mối đe dọa; giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo các sở thích của nó; ép buộc hoặc thuyết phục các nước khác tán thành những ý muốn của nó trên những vấn đề từ thương mại và đầu tư đến liên minh và bên thứ ba dựa trên những sự dàn xếp đối xử với những cư dân người Hoa; và, ít nhất trong một số trường hợp, ảnh hưởng đến tính cách và thành phần các chính phủ của họ. Bắc Kinh có thể không tìm cách chinh phục hay trực tiếp kiểm soát về mặt vật chất đối với những nước xung quanh nó, nhưng, nó chắc chắn đi tìm một hình thức bá quyền khu vực, mặc dầu luôn mồm khẳng định ngược lại.

Trung Hoa không phải là nước duy nhất có những tham vọng như thế. Trong suốt lịch sử, đã có một tương quan chặt chẽ giữa việc lớn lên mau chóng của cải vật chất và sức mạnh tiềm tàng của một nước, phạm vi địa lý của những lợi ích của nó, tính dữ dội và đa dạng của những mối đe dọa đã biết đối với những lợi ích đó, với mong muốn mở rộng các khả năng quân sự và dùng ảnh hưởng lớn hơn để bào vệ chúng. Sự lớn mạnh có xu hướng khuyến khích bành trướng, điều này dẫn đến mất an ninh, nuôi dưỡng ước muốn có nhiều quyền lực hơn nữa. Mẫu hình này được thiết lập rất rõ trong thời trung cổ. Samuel Huntington khi nhìn lại các thế kỷ mười chín và hai mươi đã thấy rằng mọi cường quốc lớn khác, Anh và Pháp, Đức và Nhật, Mỹ và Liên xô, đã gắn liền với sự bành trướng, yêu sách ra bên ngoài, và chủ nghĩa đế quốc trùng khớp với hoặc tiếp ngay theo sau những năm công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

2

Về phần Trung Hoa, Huntington kết luận "không có lý do gì để nghĩ rằng việc có được sức mạnh quân sự và kinh tế không có những tác động" lên các chính sách của nó.

Tất nhiên hành vi trong quá khứ của các nước khác có tính gợi mở, nhưng nó hầu như không phải là một dẫn hướng dứt khoát đến tương lai. Đơn giản là vì các cường quốc khác đã hành động theo những cách nhất định không nhất thiết có nghĩa là Trung Hoa cũng sẽ làm như vậy. Có lẽ, trong một thế giới thị trường toàn cầu và vũ khí hạt nhân, những nỗi lo sợ và những tham vọng thúc đẩy các cường quốc nổi lên trước đây không còn mạnh mẽ như thế nữa. Có lẽ các lãnh đạo Trung Hoa đã học được từ lịch sử rằng những cường quốc mới nổi thường khuấy lên những bất đồng và chống đối.

Nhưng Trung Hoa không phải là một cường quốc mới nổi bất kỳ nào, và lịch sử của nó cung cấp thêm một lý do để tin rằng nó sẽ tìm một hình thức ưu thắng trong khu vực. Nó là một dân tộc có một quá khứ lâu dài và tự hào là một trung tâm chủ đạo của nền văn minh Đông Á, và gần đây hơn nó có một kinh nghiệm ít vẻ vang hơn, về sự đô hộ và nhục nhã trong tay những kẻ xâm lược nước ngoài. Như một số nhà sử học gần đây đã chỉ ra, Trung Hoa không chỉ "nổi lên" mà nó còn trở về cái địa vị vượt trội trong khu vực mà có thời nó đã giữ, mà các lãnh đạo và nhiều người trong số nhân dân của nó vẫn nghĩ như thế là tự nhiên và thích hợp. Cái mong muốn thiết lập lại hệ thống lấy Hán làm trung tâm có thể nhất quán với điều mà nhà báo Martin Jacque mô tả như một giả định phổ biến về phần người Trung Hoa, rằng địa vị tự nhiên của họ nằm ở trung tâm Đông Á, rằng nền văn minh của họ không có ai trong khu vực sánh nổi, và rằng cái địa vị xứng đáng của họ mà lịch sử ban cho, sẽ được khôi phục tại một thời điểm nào đó trong tương lai.

Học giả bảo thủ Yan Xuetong đặt vấn đề một cách ngắn gọn: Nhân dân Trung Hoa tự hào về quá khứ vinh quang của đất nước mình và tin rằng việc nó rơi khỏi địa vị ưu thắng là "một sai lầm lịch sử mà nó nên sửa chữa." Đúng ra là ngược lại, cái "thế kỷ nhục nhã" trong đó Trung Hoa yếu ớt và dễ bị tổn thương càng làm cho việc theo đuổi quyền lực của nó thêm khẩn thiết. Đối với một dân tộc với một lịch sử như của Trung Hoa, việc giành lại một địa vị sức mạnh vô địch không được xem một cách đơn giản là vấn đề tự hào mà đúng hơn như một điều kiện tiên quyết thiết yếu để tiếp tục lớn lên, an ninh và, hoàn toàn hợp lý, sống còn.

Những mẫu hình ngấm ngầm của chính sách vũ lực như thế đang đẩy Hoa kỳ và Trung Hoa đến chỗ nghi ngờ và tranh đua, nếu không phải là nhất định tiến đến xung đột công khai. Nhưng câu chuyện này không phải chỉ có thế. Ngược với điều khẳng định của một số người có óc thực tế, các vấn đề tư tưởng hệ ít nhất cũng quan trọng như vấn đề quyền lực trong việc quyết định tiến trình của các quan hệ giữa các dân tộc. Cái sự kiện Hoa Kỳ là một nền dân chủ tự do trong khi Trung Hoa vẫn còn dưới nền thống trị toàn trị là một sức đẩy thêm rất mạnh cho đối kháng, một chướng ngại cho ổn định và các quan hệ hợp tác, và tự nó là một nguồn gốc của thù địch và nghi ngờ lẫn nhau.

Các quan hệ giữa các xã hội dân chủ và không dân chủ luôn được thực hiện trong cái mà nhà lý thuyết chính trị Michael Doyle mô tả là một "không khí hiềm nghi" phần nào vì "nhận thức của các nước tự do rằng các nước không tự do luôn ở trong một tình trạng xâm lược gây hấn chống lại chính nhân dân của chúng." Các nền dân chủ, nói ngắn gọn, xem các nước không dân chủ là ít hợp pháp hơn bởi vì chúng không được hưởng sự đồng thuận được để tự do của chính nhân dân của chúng. Trong thâm tâm, phần lớn các công dân tự trị đơn giản không tin rằng tất cả các nước được tạo ra bình đẳng, hay tin rằng họ có quyền được tôn trọng đến cùng mức độ như nhau, bất kể họ bị cai trị như thế nào.

Nhìn dưới ánh sáng này, những tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa trên những vấn đề như kiểm duyệt và tự do tôn giáo không chỉ gây khó chịu ngoài mặt có thể hóa giải hay rũ bỏ. Ngược lại chúng là triệu chứng của những khó khăn sâu hơn nhiều. Đối với phần đông người Mỹ, sự vi phạm nhân quyền của Trung Hoa không chỉ sai trái về thực chất, chúng còn là những dấu hiệu của bản chất khó chịu về đạo đức của chế độ Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ có thể quan hệ giao dịch với một chính phủ như vậy ít ra trên một số vấn đề, thì cái khả thể của một quan hệ ổn định nồng ấm tin cậy là xa vời, ấy là nói nhẹ nhất.


Còn tiếp
.
.
.

No comments: