Thursday, June 30, 2011

BIẾN ĐỘNG BIỂN ĐÔNG : THỜI CƠ ĐÃ CHÍN MUỒI GIÚP DÂN TỘC HỒI SINH (Lê Quế Lâm)



Lê Quế Lâm
24-6-2011

Từ cuối tháng 5/2011 đến nay, mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng trở trở nên căng thẳng sau khi Thông tấn xã Việt Nam nêu đích danh “Tàu Trung Quốc ngang ngược xâm phạm hải phận Việt Nam”. Sáng sớm ngày 26/5/2011, ba tàu hải giám TQ đã đi vào khu vực hải phận hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN, chỉ cách bờ biển tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý. Và đã cắt các dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 thuộc Tổ họp Dầu khí Quốc gia VN (Petro Vietnam). Hôm sau, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã đến Đại sứ quán TQ ở Hà Nội trao công hàm phản đối và “yêu cầu phía TQ chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía VN”.

   Hai ngày sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ phản bác lời tố cáo của Hà Nội. Họ cho rằng việc khai thác dầu khí của VN đã xâm phạm “chủ quyền của TQ tại Biển Đông, vi phạm nhận thức chung mà hai bên đã đạt được về vấn đề này. Những gì mà các cơ quan của TQ thực hiện đều là hoạt động thực thi pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền TQ. Trung Quốc luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, sẳn sàng hợp tác với các bên liên quan để tìm giải pháp cho các tranh chấp và thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông”.

   VN bác bỏ hoàn toàn tuyên bố trên của TQ trong cuộc họp báo ngày 29/5/2011. Phát ngôn viên Bộ Ngọai giao VN khẳng định: “Khu vực VN tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của VN theo Công ước Luật biển của LHQ 1982. Đây không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do TQ quản lý. Không có một nhận thức chung nào nói rằng TQ có quyền cản trở các hoạt động của VN tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Chính hành động này của TQ đã đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước. TQ kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình nhưng hành động của TQ đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

     Trong cuộc họp báo, bà Nguyễn Phương Nga, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN tuyên bố: “Hải quân VN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN”. Hôm sau, tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo -cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ có bài xã luận, viết rằng: “TQ là nước lớn, sức mạnh hơn hẳn VN. Tuy nhiên sự kiềm chế của TQ không phải là không có giới hạn”. Tờ báo nhấn mạnh, biến cố trên là “nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây”, và “Nếu như VN cứ tiếp tục hoạt động trong vùng biển chủ quyền của TQ, thì sẽ phải chịu tránh nhiệm về hành vi của mình”.

    Để chứng tỏ cho TQ thấy dư luận ở VN đòi giới lãnh đạo phải có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh, nên chính quyền CSVN, lần đầu tiên đã làm ngơ trước các cuộc biểu tình của giới trẻ ở Hà Nội và Sài Gòn ngày 5/6/2011. Người biểu tình hô to khâu hiệu và giương cao biểu ngữ Đả đảo TQ xâm lược” và “Biển Đông - Việt Nam”. Tuy nhiên, thành phần tham dự đã được chọn lọc, thành phần “không thể kiểm soát được” đã bị lực lượng công an ngăn chận, còn các thành phần có thể gây biến động đã bị cô lập trong nhà.

   Ngày 8/6/2011, nhân kỷ niệm“Ngày Đại dương Thế giới” “Tuần lễ Biển và Hải đảo VN năm 2011”, TT Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, và “Nhân dân VN có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. Ngay sáng hôm sau 9/6, TQ đã có phản ứng tức khắc. Tàu hải giám của TQ với sự yểm trợ của hai tàu ngư chính đã lao vào cắt dây cáp tàu Viking 2 của Petro Vietnam đang thăm dò đáy biển như thường lệ trong vùng biển thuộc thẩm quyền VN, không khác gì vụ cắt dây cáp của Bình Minh 02 trước đây.

   Phát ngôn viên Ngoại giao hai nước lại có dịp đổ lỗi cho nhau. VN khẳng định hành động của TQ là “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”. Còn TQ cho rằng “VN đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và những quyền lợi hải dương của TQ qua việc tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển Wan-an và quần đảo Trường Sa và xua đuổi tàu đánh cá TQ”. Sau đó, TQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ba ngày hồi giữa tháng Sáu 2011 nhằm mục tiêu “phòng thủ các đảo và bảo vệ những tuyến đường biển”.TQ cũng điều động tàu Hải Tuần 31, trọng tãi 3000 tấn có bãi đáp trực thăng, với sứ mạng kiểm tra các tàu nước ngoài và những cơ sở dầu khí tại khu vực tranh chấp Biển Đông. Trong khi đó Hải Quân VN cũng chính thức tập trận bằng đạn thật ở khu vực Hòn Ông, cách bờ biển khoảng 40 KM.

   Những biến động trên theo nhận định của báo chí quốc tế là những dấu hiệu đáng lo ngại về một cuộc xung đột hải quân sẽ xảy ra giữa hai nước CS nay đang ở trong tư thế thù địch. Trung Cộng đã xâm chiếm nhóm đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1974 và 1988. Nay họ tranh chấp chủ quyền hai quần đảo này vì nơi đây có nhiều dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng thế giới.

   Trong tình thế đó, HK đưa Hàng không mẫu hạm George Washington trở lại biển Đông để khởi sự chuyến tuần tiểu mùa Hè. Trước đó, chiến hạm USS Chung Hoon cũng di chuyển đến đây để xác định quyền tự do hải hành ở Biển Đông. Thượng Viện HK đã thông qua Dự thảo Nghị quyết của TNS Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á TBD có nội dung “lên án TQ dùng vũ lực” và khẳng định Quân lực Mỹ sẽ “ứng xử một cách kiên quyết để bảo vệ quyền tự do giao thông hàng hải”. Trong khi đó, tại Hoa Lục giới truyền thông TQ mở chiến dịch “đánh” VN trên mọi mặt, cáo buộc “VN ngày càng tỏ ra quyết liệt và táo bạo hơn bởi có sự ủng hộ từ Mỹ”. Tờ Văn Hối báo là báo của chính phủ TQ có trụ sở ở Hồng Kông đã dẫn lời Bành Quang Khiêm một chuyên gia quân sự TQ “khuyến cáo Hà Nội không nên tiếp tục khiêu khích TQ và cảnh báo rằng Washington sẽ bỏ rơi VN nếu lợi ích của họ bị ảnh hưởng”.

Hà Nội phản ứng ra sao trước các biến động ở Biển Đông?

   Ngày 13/6, phóng viên báo Tuổi Trẻ nhắc tới việc Philippines đưa hải quân và không quân ra đối đầu với tàu TQ xâm phạm lãnh hải của họ, và hỏi Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về phản ứng của VN? Tướng Vịnh trả lời: “Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết...Như vụ tàu hải giám TQ cắt cáp tàu Bình minh 02 vừa rồi, ta không đưa hải quân trở thành chủ thể giải quyết. Khác ở chỗ ấy. Chúng ta không cần huy động lực lượng quân sự”. Ông nhắc lại lập trường cố hữu của Đảng CSVN trong các vụ tranh chấp hải phận là chỉ thảo luận song phương với “nước bạn” chớ không đưa ra diễn đàn quốc tế, dù là trong khối ĐNÁ. Ông Vịnh nói “Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề”.

    Trước đó, tại Diễn đàn An ninh Shangri-la ở Singapore, có Bộ trưởng Quốc phòng HK và TC tham dự, Đại tướng Phùng Quang Thanh -Bộ trưởng Quốc phòng VN tuyên bố: “Việc tranh chấp với TQ phải được giải quyết mà không có sự can thiệp của các bên thứ ba”. Nghĩa là giải quyết song phương như TC từ lâu mong muốn chớ không phải đa phương như chủ trương quốc tế hóa của HK. Sau đó, Nhật báo Quân Giải Phóng TQ loan tin Chính phủ Trung Quốc phản đối mọi nỗ lực để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, vấn đề tranh chấp chỉ nên giải quyết song phương thông qua hiệp thương hữu nghị giữa các bên tham gia. Báo Xinhua ngày 14/6/2011, đã trích dẫn nguồn tin trên và nhắc lại Công hàm năm 1958 của CSVN: “Trong một tuyên bố chính thức vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng các đảo ở biển Nam Trung Hoa như là một phần của lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng bày tỏ sự thỏa thuận”.

    Trên đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng VN và tướng Nguyễn Chí Vịnh tuy là thứ trưởng nhưng ông có thế lực nhất về quân sự và an ninh tình báo. Ông là con cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người có khuynh hướng thân Bắc Kinh, từng giữ chức vụ Bí thư Trung Ương Cục MN kiêm Chính Ủy Quân Ủy Miền tức Cục R từ 1964 đến 1967.
     Còn Bộ Ngoại giao Hà Nội lại có chủ trương giải quyết đa phương. Trong Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) diễn ra từ ngày 13 đến 17/6, tại New York, Thứ trưởng CSVN Lê Lương Minh tố cáo TQ đã “xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước". Ông cũng bác bỏ bản đồ "đường lưỡi bò" 9 đoạn của TQ trên Biển Đông là "hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển". VN yêu cầu TQ chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của VN và thực hiện nghiêm chỉnh Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Trưởng đoàn VN khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển UNCLOS 1982 cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

,   Ngoài ra, cuộc Đối thoại về Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ tư đã khai mạc tại Washington ngày 17/6. Đoàn VN do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn. Đoàn Mỹ do ông Andrew J. Shapiro, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự, dẫn đầu. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”. Hai bên nhấn mạnh: "Toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao hợp tác, không ép buộc hay sử dụng vũ lực”.

     Ông Phạm Bình Minh là con cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hồi cuối thập niên 1980. Ông Thạch từng than thở với phóng viên báo US Today “Sống mà có kẻ thù bên mình thật là khó chịu. nếu ta có một kẻ thù, ta chỉ có thể ngủ với một con mắt nhắm lại. Nguyện vọng của người VN bây giờ là làm sao được sống hòa bình và thân thiện với người Mỹ” (US Today June 10, 1988) Năm 1988, nhà báo Thụy Điển Ulf Johanson đã đến thăm VN, được ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp kiến. Ông trích lời NCT: “Bang giao với Mỹ hiện chưa tốt. Nếu tình trạng này kéo dài, những vết thương chiến tranh sẽ vẫn còn chảy máu. Chỉ có sự bình thường hóa bang giao giữa Mỹ và Việt Nam mới tạo cơ hội làm lành những vết thương ấy”. Johanson kết luận: “Cũng như Nguyễn Cơ Thạch, các nhà lãnh đạo Hà Nội thường công khai nhắc tới niềm hy vọng của họ. Đó là việc Mỹ chịu góp phần hàn gắn các vết thương chiến tranh ở VN như họ đã từng hứa. Hà Nội hiện đang cần số ngoại tệ ấy, như cần một phép lạ để khôi phục kinh tế” (Ulf Johanson, báo Bohuslaningen ở Thụy Điển [Nguyễn Hoàng dịch] Nguyệt san Diễn Đàn Thủ đô (HK) số 53 tháng 8/1988).

   Vì chủ trương thân Mỹ, ông Nguyễn Cơ Thạch mất chức Bộ trưởng Ngoại giao hồi cuối năm 1990. CSVN khước từ bang giao với HK, quay về ve vãn TC, dù đã bị Đặng Tiểu Bình lên án là phường vong ân bội nghĩa. Hà Nội thần phục Bắc Kinh bằng cách đề nghị TQ thay thế Liên Xô, lãnh đạo Quốc tế CS mới Trong khi Đặng Tiểu Bình coi việc cải tổ kinh tế là quan trọng nhất để chế độ tồn tại. Ông chủ trương hợp tác với HK, Nhật và Tây Âu để thực hiện “Bốn hiện đại hóa TQ”. Thấy được ý đồ của Hà Nội muốn dựa vào TQ để bảo bảo vệ Đảng CSVN. Tháng 2/1992, TQ ban hành “Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” gồm 17 điều. Điều 2 khẳng định phạm vi chủ quyền của TQ “trên tất cả các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư (Senkaku theo cách gọi của Nhật bản) quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và kể cả các đảo nhỏ khác”. Tây Sa và Nam Sa chính là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta. Đạo luật này xâm phạm chủ quyền đất nước ta, song chính quyền CSVN không hề lên tiếng phản đối. (Ngô Nhân Dụng: Làm sao nói chuyện với thế giới)

Viễn ảnh đen tối về chủ quyền ở Biển Đông:

   HK đã xác định sẽ không ủng hộ bất cứ nước nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các nước liên hệ phải giải quyết bằng phương cách hòa bình, đa phương, phù hợp với luật quốc tế. HK chủ trương duy trì ổn định, tự do lưu thông hàng hải để mọi quốc gia trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương phát triển kinh tế. Trong khi TQ chủ trương giải quyết song phương và được sự tán đồng của CSVN.

   Ngày 5/6/2011, báo điện tử VTC News có đăng bài phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh “về một chuyên gia luật quốc tế tại Singapore đưa ra ý kiến VN nên đưa vụ tàu Bình Minh 02 lên Tòa án Trọng tài Quốc tế?” Ông Vịnh trả lời: “Đưa ra tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng trước hết và sau cùng vẫn là giải quyết với TQ. Và vì vậy, sự lựa chọn của Đảng và Nhà nước ta sẽ giải quyết được vấn đề, dù là rất lâu dài. TQ đâm tàu, cắt cáp của ta, ta phản đối, đòi bồi thường, sửa xong ta tiếp tục thăm dò ở chỗ ấy, ta có bỏ chỗ ấy đâu! Ông giải thích tiếp: “Khi họ hành động uy hiếp, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của ta là họ đã vi phạm luật pháp VN và quốc tế. Quân đội có trách nhiệm bảo vệ vùng biển, vùng trời và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là sự va chạm hai tàu dân sự, nên hai chủ thể va chạm phải giải quyết với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế và báo cáo lên cơ quan luật pháp, cơ quan quản lý của hai nước. Còn nếu với một hành động là bạo lực vũ trang thì dứt khoát quân đội sẽ tham gia bảo vệ”.

     Câu trả lời của tướng Nguyễn Chí Vịnh nghe có vẽ hữu lý. Nhưng TQ đã tuyên bố “Những gì mà các cơ quan của TQ thực hiện đều là hoạt động thực thi pháp luật trên biển và giám sát hải dương, hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền TQ”. Chiến sự có xảy ra thì “dứt khoát quân đội (Nhân dân VN) sẽ tham gia bảo vệ”. Và hậu quả sẽ ra sao? Có lẽ cũng giống như tại quần đảo Trường Sa năm 1974 và Hoàng Sa năm 1988. Thôi thì, Công hàm năm 1958 cũng vì lợi ích của Đảng. Nay vì sự tráo trở ngang ngược của đàn anh, thì cũng vì tình đồng chí cộng sản với nhau, vì 16 chữ vàng. Không đòi lại được Đất thì cũng bảo vệ được Đảng vì Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhưng người dân đã xuống đường biểu tình phản đối TQ, các giới trí thức cũng lên tiếng yêu cầu Đảng phải cứng rắn đối với TQ, Hà Sĩ Phu đã nói: “Sự khiếp nhược trường kỳ gây đau thương vĩnh viễn cho dân tộc”.

Tại sao Đảng CSVN lại phạm sai lầm lớn và liên tục như vậy?

   Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng thì tất cả đều do một nguyên nhân: Đảng CS làm ngược một quy tắc ngoại giao cổ điển ai cũng thuộc lòng là “các quốc gia không có bạn hay thù, mà chỉ có quyền lợi thôi”. Đảng CSVN, ngay từ những năm 1950 đã làm ngược lại quy tắc này. Họ phân chia các nước thành bạn với thù; bạn thì cái gì cũng tốt, thù thì cái gì cũng xấu! Chính sách ngoại giao của Đảng CS chỉ dựa trên bảng sắp hạng đó chứ không đặt quyền lợi quốc gia và tương quan quốc tế làm căn bản.
      Từ 1988, ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN đã nói “Nguyện vọng của người VN bây giờ là làm sao được sống hòa bình và thân thiện với người Mỹ”. Nhưng vì quan niệm “bạn thù”, Đảng CSVN chỉ chấp nhận sống hòa bình và thân thiện với TQ mà thôi. Sau 20 năm, nay mối quan hệ giữa hai nước CS anh em trở nên căng thẳng vì quyền lợi ở Biển Đông. Đúng vào thời điểm này, ngày 13/6 vừa qua HK cho công bố toàn bộ tài liệu Bí Mật Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) về chiến tranh VN. Đồng thời Tiến sĩ Henry Kissinger phát hành quyển On China, trong đó có chương 13 nói về cuộc chiến Việt Trung tháng 2/1979. (Ông Trần Bình Nam đã có bài lược dịch trong VL Thứ Sáu 10/6/2011) Hai tài liệu trên đề cập nhiều đến mối quan hệ giữa HK, Trung Cộng và CSVN, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, để tìm lối thoát cho dân tộc.

Bí Mật Lầu Năm Góc

    Xin trích một vài đoạn, trước khi HĐ Genève 1954 ra đời, Ngoại trưởng HK Foster Dulles nhất quyết không tham dự hội nghị vì “không muốn dính líu đến một kế hoạch mà hậu quả là ném vào tay cộng sản hàng triệu con người VN”. Sau đó, ông thông báo cho Anh Pháp biết quan điểm của HK về cuộc tổng tuyển cử ở VN: “Là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt sau khi ký hiệp định đình chiến và chỉ tổng tuyển cử trong những điều kiện không có sự đe dọa để tạo cho các phần tử dân chủ có cơ hội tốt nhất”. (The Pentagon Papers, Published by The NY Times, Bataan Books, NY, 1971, P.48)

    Đối với HK, giải pháp Genève về Đông Dương là một thảm họa. Nơi đây “chủ nghĩa cộng sản đã hoàn thành một bước tiến quan trọng có thể dẫn đến mất cả ĐNÁ”. Song HK tin tưởng hiệp ước SEATO sẽ là lá chắn ngăn chận sự bành trướng của TC, bảo vệ hòa bình và an ninh ở ĐNÁ. “Mục tiêu của Mỹ đối với ĐNÁ và Đông Dương không phải để tham chiến mà là để tránh tham chiến”. (Tài liệu đã dẫn, trang 15) Nhưng đến tháng 3/1965, tình thế bắt buộc HK phải trực tiếp can thiệp. Mục tiêu tham chiến của Mỹ được Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách An ninh Quốc tế John McNaughton trình bày với Bộ trưởng QP McNamara ngày 24/3/1965: “70% để tránh một sự thất bại nhục nhã cho HK, 20% để giữ MN khỏi lọt vào tay TC, 10% để cho nhân dân Nam VN được hưởng một đời sống tốt đẹp hơn, tự do hơn”. (Tài liệu đã dẫn,  trang 432)

    HK chủ trương dùng hai gọng kềm: dội bom Bắc Việt và tăng quân vào MN để áp lực Hà Nội chấp nhận đàm phán. Trong hồi ký “In Retrospect–The Tragedy and Lessons of Vietnam”, ông McNamara tiết lộ: Ngày 18/3/1967, tướng Westmoreland, Tư lịnh Quân lực Mỹ ở VN yêu cầu tăng thêm 200 ngàn quân nâng tổng số lên 670 ngàn quân, HK sẽ giảm dần ảnh hưởng ở VN trong vòng 2 năm. Tăng 100 ngàn thì thời gian là 3 năm, nếu không tăng thì phải 5 năm. TT Johnson hỏi ông ta: “Khi chúng ta tăng quân thì quân địch không biết tăng quân hay sao? Nếu vậy thì bao giờ mới kết thúc?

    Với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 19/5/1967 McNamara đề nghị TT Johnson áp dụng một chiến lược chính trị-quân sự với khả năng thỏa hiệp và thông qua một lập trường thương lượng linh hoạt, tích cực tìm kiếm một giải pháp chính trị Cam kết với VNCH hai điểm: nhân dân Nam VN được quyết định tương lai của họ và HK sẽ chấm dứt ủng hộ nếu đất nước này không tự cứu lấy mình.

    McNamara cho rằng “Cuộc chiến tranh ở VN ít được người Mỹ quan tâm đến. Hầu hết không hiểu tại sao Mỹ có mặt ở đất nước đó. Mặc dù không biết tại sao nhưng hầu hết đều tin rằng Mỹ không nên dính sâu vào đó. Tất cả đều mong muốn chấm dứt chiến tranh và trông đợi tổng thống chấm dứt nó. Thắng lợi hay bằng cách nào đó”. Vì thế từ ngày 17/6/1967, ông chỉ thị John McNaughton phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế thuộc bộ QP, thu thập các tài liệu của Bộ Ngoại giao, CIA và Tòa Bạch Ốc về chiến tranh VN để các học giả tương lai sử dụng.

       Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, McNamara từ chức Bộ trưởng QP, Đến cuối tháng 3/1968 TT Johnson tuyên bố không tái ứng cử nhiệm kỳ 2 và thông báo cuộc đàm phán giữa HK và CSVN sẽ diễn ra trong tháng tới. Ba tháng sau, Đại tướng Westmoreland trở về HK đảm nhận chức vụ TMT Lục quân. TT Nixon lãnh đạo HK từ tháng Giêng 1969. Ông trao dần trách nhiệm cho QLVNCH, bắt đầu cho rút quân Mỹ khỏi MN từ tháng 7/1969. Tháng Giêng 1973, HĐ Paris ra đời không gây tác hại nào cho Hà Nội cũng như hai cường lực LX và TC. Hai bên Miền Nam VN sẽ thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa giải và Hòa hợp để tổ chức tổng tuyển cử dân chủ tự do, sau đó cùng Miền Bắc hiệp thương để thống nhất đất nước trong hòa bình. HK dự trù giúp VN trên 5 tỷ đô la để hàn gắn vết thương chiến tranh.

    TQ đã gia nhập LHQ, trở thành Hội viên thường trực Bảo An. Nguy cơ bị HK bao vây không còn đe dọa TQ nữa khi chiến tranh VN kết thúc, HK rút quân khỏi ĐNÁ. Năm nước ASEAN vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai và Singapore đồng tuyên bố biến ĐNÁ thành khu vực hoà bình, tự do, trung lập. Còn phần LX, đã mở ra giai đoạn hòa bình hợp tác với HK. Hai bên ký kết các hiệp ước ngưng chạy đua vũ trang và cùng ký Định ước Helsinski với 31 quốc nước Âu Châu. LX an tâm HK sẽ không can thiệp để giúp Tây Đức thống nhất nước Đức.

Chiến tranh VN thứ ba giữa TQ và VN tháng 2/1979

    Đây là Chương 13 trong cuốn “On China” của T/s Kissinger với tựa đề “Touching the Tiger’s Buttock The third Vietnam War” (Chiến tranh VN thứ ba: Sờ đít cọp). Trong sách On China, Kissinger cho rằng “Việc HK và TQ phải tìm đến nhau lúc đó là nhu cầu của thời điểm”…”trước sau cũng phải đến dù ai lãnh đạo HK và TQ”.  Cả hai nước đang bị Liên Xô đe dọa nên thấy cần phải gác lại những căng thẳng trong chiến tranh VN và vấn đề Đài Loan để tìm tới nhau. Cả hai áp dụng nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù ta” là bạn ta.

    Trong chiến tranh VN 1965-1973, cả HK và TQ đều hiểu nhầm và đánh giá sai ý định của CSVN. Các nhà chiến lược Mỹ nghĩ rằng khi họ đổ quân vào VN, LX và TQ thấy CSVN khó thắng, sẽ thúc đẩy Hà Nội thương thuyết. Điều này đã tỏ ra không đúng vì VN có ý định riêng là thực hiện cho bằng được Liên bang Đông Dương do Hà Nội lãnh đạo. TQ cũng đánh giá sai ý định của VN. Họ đã viện trợ và gởi qua VN 100 ngàn dân quân nhằm mục đích đánh đuổi HK ra khỏi VN, không cho HK thiết lập căn cứ quân sự ở mạn Nam của TQ. Nhưng mục tiêu của Đảng CSVN là thống nhất VN rồi sau đó bành trướng thế lực ra vùng ĐNÁ. Vì thế từ sau 1975, TQ đứng trước một mối đe dọa còn lớn hơn sự hiện diện của HK.

      Trong một buổi họp của Bộ Chính trị hồi tháng 6/1976, Đảng CSVN công khai xác định TQ là kẻ thù chính của VN. Cũng trong tháng 6/1976 VN gia nhập khối kinh tế Comecon do LX cầm đầu. Đến tháng 11/1978 VN và LX ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (Treaty of Friendship and Cooperation) và tháng sau quân đội VN xâm lăng lật đổ chính phủ Pol Pot thân TQ và thiết lập tại Nam Vang một chính phủ thân VN. Lúc bấy giờ TQ cảm thấy tứ bề thọ địch. Phía Bắc, 50 sư đoàn Hồng Quân LX; phía Tây, Afghanistan nằm dưới ảnh hưởng của Moscow. Bắc Kinh cũng nghi ngờ LX đứng sau lưng cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran trong tháng 1/1979. Trong khi đó, LX đang thương thảo với HK về hạn chế vũ khí chiến lược (SALT II) để an tâm ở mặt Tây. Và giờ đây lại ký liên minh quân sự với VN khiến TQ tự hỏi: LX chằng có mục đích nào khác ngoài việc thắt chặt vòng vây TQ?

    Từ giữa năm 1978, HK và TQ đều nhận thấy LX đang mở rộng ảnh hưởng ở Phi Châu, Trung Đông và Đông Nam Á, nên nhượng bộ nhau trong vấn đề Đài Loan. Do khuyến cáo của Brzezinki -Cố vấn An ninh Quốc gia của TT Carter, HK và TQ đồng ý gác qua các trở ngại để thiết lập bang giao, vì đó là nhu cầu thiết yếu để ổn định thế giới. Ngày 15/12/1978 HK và TQ tuyên bố bang giao hai nước sẽ tái lập ngày 1/1/1979 và HK chính thức mời Đặng Tiểu Bình thăm viếng HK trong tháng Giêng 1979.   

   Trong chuyến viếng thăm này, ĐTB cảnh giác TT Carter là sau Đông Dương sẽ là Thái Lan và các nước Đông Á khác! Ông báo cho HK biết TQ sẽ đánh VN để chận đứng sự bành trướng của LX tại Á Châu dù quân đội TQ còn yếu kém nhiều mặt. Điều TQ cần, là HK có thái độ “ỡm ờ” để làm cho LX lúng túng. TT Carter do dự nói “không” nhưng bằng một cung cách có thể hiểu ngầm là “có”. Ông cho biết chính sách của HK không khuyến khích bạo lực, nhưng HK có thể cung cấp tin tức tình báo cho TQ. Và họ đã thông báo LX không chuyển thêm quân đến biên giới Nga Hoa.

    Đặng Tiểu Bình công du Hoa Kỳ sau khi bang giao Mỹ Trung được thiết lập và trước khi TQ đánh VN là cố ý của TQ muốn cho thế giới hiểu rằng HK ủng hộ việc TQ đánh VN và Đặng đã thành công làm cho LX dè dặt nếu định trả đũa. Ngày 17/2/1979 TQ xua khoảng 300.000 quân gồm hải lục không quân, quân chính quy và địa phương quân từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây tiến vào VN nói là “Cuộc phản công đánh VN bảo vệ biên giới”. Đặng Tiểu Bình đã đoán đúng. Nga không nhảy vào trận để bênh VN. Mực ký Hiệp ước An ninh với VN chưa khô (mới 1 tháng) nhưng LX ngồi yên bất động khi TQ đánh VN là một dấu hiệu suy yếu của LX. Tháng 4/1979, TT Hoa Quốc Phong mô tả thái độ của LX đối với cuộc tấn công của TQ vào như sau: “Chúng tôi đã có thể sờ đít cọp mà cọp không dám vồ”.

   TQ đã trả một giá vật chất và nhân mạng rất cao để chứng tỏ cho HK thấy LX không mạnh như HK đã tưởng, và TQ không sợ LX. Tổn thất của TQ trong cuộc chiến 6 tuần với VN là hơn 50.000 binh sĩ, xấp xỉ con số tổn thất của HK tại VN từ 1964 đến 1975…Nhưng TQ đạt được kết quả mong muốn, chận đà bành trướng của LX. Nhìn chung, TQ đã thành công ngăn chận LX và VN thống trị ĐNÁ và kiểm soát eo biển Malacca. Kẻ thua cuộc chính là LX.

   Ngoài ra, trận đánh còn làm cho TQ và HK dễ bắt tay nhau hơn trong nỗ lực chống LX. Một thời gian ngắn sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đi BK thảo luận kế hoạch hợp tác quân sự. HK đã chuyển nhượng một số kiến thức kỹ thuật quân sự (chưa từng nhượng cho LX) và bán vũ khí cho TQ. Áp lực của TQ làm cho VN và LX tiêu hao năng lực. VN duy trì một đạo quân 1 triệu người để bảo vệ biên giới và phòng chống một trận đánh thứ hai của TQ làm cho kinh tế VN suy kém vì thiếu lao động sản xuất. Riêng LX mỗi năm viện trợ cho VN gần 1 tỉ mỹ kim nên sức cạn kiệt dần và đó là một trong những nguyên nhân đưa đến sụp đổ sau này.

Thời cơ quyết định đã chin muồi: Ngày 23/4/1975, TT Gerald Ford đã tuyên bố “Vai trò của Mỹ tại VN kể như đã chấm dứt và nước Mỹ sẽ không trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là rồi”. Nhưng trong Đại hội Đảng CSVN lần thứ IV (12/1976) Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trương trong giai đoạn mới là “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ”. Không những tiếp tục chống Mỹ mà CSVN còn coi TQ là kẻ thù và gây hận thù với TQ. Hành động trên khiến TQ tìm sự hợp tác với HK để đánh VN. Trận đánh này đã làm thay đổi cả cục diện thế giới. LX và khối CS Đông Âu sụp đổ. Còn TQ được HK, Nhật Bản và các nước Tây Âu giúp đỡ, đã trở thành cường quốc kinh tế chỉ đứng sau HK.

   Ngày nay TQ là chủ nợ lớn nhất của HK, vì thế càng lệ thuộc nhiều vào HK, vì lẽ  “Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng”. TQ vẫn phải tiếp tục tìm sự hợp tác với HK để bảo đảm cho sự ổn định và phát triển kinh tế của họ. Trong đó sự hợp tác với HK để ổn định tình hình ở biển Đông là điểm chủ yếu vì hướng phát triển trong thế kỷ 21 theo chủ trương của HK là phát triển kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương. HK đang tranh thủ và lôi kéo Nga, Ấn, Tàu, Nhật, Úc hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN, để phục vụ cho mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, phát triển. TQ sẽ chứng tỏ cho HK thấy TQ là nước đóng góp tích cực nhất cho kế hoạch trên

   Trong tình thế đó, chủ trương cố hữu của CSVN “theo bên này chống bên kia” đã lỗi thời. Theo Mỹ chống TQ hoặc theo TQ chống Mỹ đều là phá hoại chiến lược hợp tác của TQ với HK. Tôi e rằng, một lần nữa Bắc Kinh sẽ đến Hoa Thạnh Đốn để tìm hậu thuẫn để “áp lực” CSVN bằng vũ lực. Dựa vào Công hàm của TT Phạm Văn Đồng, TQ coi việc tung hoành ở biển Đông thuộc chủ quyền của họ là lẽ bình thường. Vì không có đồng minh, CSVN sẽ không có phản ứng quyết liệt, cứ tiếp tục nhẫn nhục, trong khi những cuộc biểu tình chống TQ đã bắt đầu xuất hiện ở VN. Từ phản đối TQ xâm phạm chủ quyền quốc gia, sẽ dẫn đến biểu tình phản đối thái độ khiếp nhược của nhà cầm quyền. Ông Hà Sĩ Phu đã nói “Sự khiếp nhược trường kỳ gây đau thương vĩnh viễn cho dân tộc”. Nếu CSVN đàn áp đồng bào, TQ là nước đầu tiên sẽ ra tay, cũng như tại Lybia, Pháp đã ra tay trước NATO và Mỹ. Tất cả chỉ vì quyền lợi của TQ mà thôi. Một cuộc cách mạng hoa gì đó sẽ diễn ra ở VN. CSVN chỉ có con đường quay về phục vụ dân tộc, để được toàn thể dân tộc hậu thuẫn. Phải có quyết định dứt khoát trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội trong đầu tháng 7 này. Thời cơ đã chin muồi cho Dân tộc hồi sinh. 

.
.
.

No comments: