Tuesday, June 28, 2011

TRUNG QUỐC CHIẾM 90% CÁC GÓI THẦU EPC Ở VIỆT NAM (tổng hợp)


Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-06-27

Ngoài chuyện hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, Trung Quốc còn trúng thầu đến 90% những dự án đấu thầu trọn gói trên lãnh thổ Việt Nam.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trúng thầu này của Trung Quốc.
Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày.

Những loại hợp đồng bán nước

Hợp đồng EPC hay còn gọi là hợp đồng chìa khoá trao tay là hình thức nhà thầu đảm trách toàn bộ dự án đầu tư từ khâu thiết kế, tư vấn đầu tư xây dựng, cung cấp thiết bị cho đến khâu xây lắp và vận hành.
Nghĩa rằng, nhà đầu tư giao toàn bộ trách nhiệm từ A đến Z cho nhà thầu đảm trách. Tuy nhiên, con số 90% các gói thầu xây lắp dạng EPC lại do các công ty Trung Quốc thắng thầu tại Việt Nam không khỏi làm người ta giật mình. Và quan trọng hơn nữa, phần lớn những dự án Trung Quốc giành được lại là những dự án khai thác năng lượng, luyện kim và hoá chất.

Theo một bài báo mới đăng tải gần đây trên tờ Kinh Tế Sài Gòn cho thấy, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp… cung cấp vốn ODA cho Việt Nam họ chủ yếu tập trung vào các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho Việt Nam, trong khi Trung Quốc hầu như lại chỉ tập trung vào các dự án công nghiệp năng lượng và khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó phải kể đến 6 nhà máy nhiệt điện, các dự án luyện kim như đồng Sin Quyền, bauxite ở Tây Nguyên đều do các công ty của Trung Quốc thực hiện. Về cơ bản, thường thì các quốc gia cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì các nhà thầu của nước đó mới được tham gia.

Về vấn đề này, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy, đồng thời cũng là người viết nhiều cuốn sách nghiên cứu về Trung Quốc, hiện đang sinh sống tại Pháp nhận xét:
Trung Quốc tập trung khai thác tài nguyên khoáng sản ở những vùng xa xôi hẻo lánh, ở vùng sát biên giới Trung Quốc hoặc những vùng Tây Nguyên của mình chứ họ không bao giờ khai thác ở vùng đồng bằng. Ngoài khả năng họ chiếm lĩnh gần hết cuộc đấu thầu về hạ tầng cơ sở ở Việt Nam, họ còn muốn khai thác những tài nguyên của Việt Nam như cây rừng phía Bắc Việt Nam với Lào, bô xít ở Tây Nguyên, chất lượng bô xít ở đó không cao, nhưng đó là vùng chiến lược sát biên giới Việt – Miên – Lào và sát biên giới Trung Quốc.

Cũng theo lời ông Huy thì Trung Quốc không nhắm trực tiếp vào vấn đề kinh tế, mà là vì lợi ích lâu dài của họ ở vùng Đông Nam Á. Do đó Trung Quốc đầu tư vào những vùng chiến lược tại Việt Nam để đặt những cơ sở, phòng khi có bất lợi thì chính những cơ sở tại địa phương này sẽ ngay lập tức can thiệp và giải quyết.
Ngoài ra ông cũng giải thích hiện nay có sự phát triển không cân bằng giữa vùng biển phía Đông của Trung Quốc với vùng lục địa, nhằm tránh hố sâu giầu nghèo ngăn cách này, Trung Quốc phải phát triển một con đường khác từ phía Vân Nam, Quảng Tây xuống vịnh Thái Lan, nên họ tập trung vào con đường dọc phía bắc Lào, sát biên giới Việt Nam. Chính vì vậy, phía Trung Quốc tập trung nắm giữ vùng biên giới Tây Bắc và vùng Tây Nguyên của Việt Nam.

Khác biệt giữa tư nhân và nhà nước

Quay lại với câu chuyện đấu thầu, Luật đấu thầu không khống chế vấn đề xuất xứ thiết bị và công nghệ khi xét duyệt một gói thầu, mà Luật đấu thầu tập trung vào các điều kiện về hiệu quả, chất lượng công trình và nhất là giá cả. Vì thế, khi nhà thầu Trung Quốc chào thầu với một mức giá thấp nhất, thì họ dễ dàng được chấp nhận, còn chuyện thẩm định về chất lượng hay hiệu quả một dự án lại là chuyện “hạ hồi phân giải.”

Giải thích về các điều kiện đấu thầu, anh Nghiêm Bá Hưng, trung tâm thông tin của Hiệp Hội Các Nhà Thầu Việt Nam cho biết:
Hiện nay khi nói về các nhà thầu Trung Quốc thì có một số vấn đề, có rất nhiều dự án về năng lượng, về điện lực là do Trung Quốc bỏ tiền ra cho vay để làm và họ cũng đưa các thiết bị máy móc của họ vào. Một điểm thứ hai cũng là lỗ hổng về mặt pháp lý, nếu mình nhớ không nhầm, vẫn đặt chế độ anh nào có giá bỏ thầu thấp nhất thì thắng. Nhưng cái đó không quy định chất lượng, hiệu quả. Nếu nói rẻ nhất thì chưa chắc
đã rẻ nhất, đó cũng là lỗ hổng trong chính sách của mình.

Với những dự án lớn như năng lượng, điện lực, luyện kim…do ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái thậm chí cả những chuyện “chiến lược” như lời ông Huy nói, thì giá cả không thể là vấn đề ưu tiên hàng đầu, mà ở đây, khi duyệt thầu, yếu tố chất lượng về mặt dài hạn mới là điều kiện tiên quyết.

Cũng liên quan về các điều kiện đấu thầu dự án EPC, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết:
Luật Đấu thầu chỉ đưa ra những nguyên tắc chung thôi, còn điều kiện đưa ra để đấu thầu thì do chủ đầu tư đưa ra. Chủ đầu tư mà không quan tâm đến xuất xứ, thì không yêu cầu xuất xứ, còn chủ đầu tư quan tâm đến xuất xứ thì họ yêu cầu, chứ không phải tất cả các chủ đầu tư không quan tâm đến xuất xứ cả.
Chủ đầu tư mà không đưa xuất xứ, thì thực ra, một số chủ đầu tư chủ yếu là của Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, thì chủ ý họ đã chọn nhà thầu nào rồi. Cho nên đấu thầu như vậy không minh bạch, cho nên dư luận cũng đã nhiều lần nói đến chuyện này. Nhiều khi vì tham rẻ và cũng do thiếu am hiểu về mặt kỹ thuật nên mới chấp nhận. Bây giờ qua thực tế mấy năm mới dần dần vỡ lẽ ra giá rẻ không tốt, cho nên hiệu quả kém.


Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết thêm, nếu các chủ đầu tư là các công ty tư nhân thì họ rất cẩn trọng trong việc duyệt thầu, còn với các doanh nghiệp Nhà nước thì nhiều khi không được rõ ràng, ông cho biết tiếp:
Nếu là chủ đầu tư tư nhân thì họ rất kỹ càng trong điều này, họ tổ chức đấu thầu nhưng trước đó họ khảo sát rất kỹ bởi vì vốn của chính họ, cho nên họ phải cẩn thận, phải cân nhắc. Còn các chủ đầu tư Nhà nước, tất nhiên nhiều người là vì lợi ích chung thôi, nhưng một số người còn nghĩ đến lợi ích riêng, cho nên có một số không được rõ ràng.

Ngoài hình thức cho Việt Nam vay mượn để từ đó đưa máy móc, thiết bị nhân công sang Việt Nam, nhất là khai thác ở các vùng chiến lược thì Trung Quốc còn sử dụng các mối quan hệ để có thể trúng thầu, mà người Trung Quốc gọi là “Guan xi” về chuyện này, ông Liêm nhận xét thêm:
Theo những gì tôi biết, thì người Trung Quốc giao dịch theo kiểu quan hệ rất giỏi, người ta gọi là “guan xin” rất giỏi, tôi chỉ biết như vậy thôi.

Khác với các nước phương Tây đấu thầu dựa trên năng lực thực sự thì bằng các mối quan hệ, người Trung Quốc “đi cửa sau” cho những gói chào thầu của mình.
Ông Nguyễn Văn Huy trình bày thêm:
Người Trung Quốc thì ngược lại họ đi thẳng đến những người lãnh đạo, những người quyết định, chính vì vậy tôi thấy rằng những cuộc đấu thầu ở các địa phương gần sát biên giới với Trung Quốc hoặc những vùng chiến lược của Việt Nam mình, thường thường thì các cán bộ địa phương bị Trung Quốc mua chuộc hết, họ tìm cách mua chuộc không phải là tìm cách bỏ phong bì cho các người đó có tiền mà làm bằng mọi cách để người đó thấy rằng họ có giá trị hoặc là khi ký hợp đồng với Trung Quốc họ được đối xử tử tế, ưu đãi hơn so với người khác. Chính vì vậy, tôi thấy khác với các nước phương Tây, họ dùng đồng tiền, uy tín và tình cảm mua chuộc các người cán bộ.

Và hệ luỵ từ những dự án EPC Trung Quốc trúng thầu sẽ là câu chuyện của việc lệ thuộc vào thiết bị vật tư, phụ tùng thay thế, họ được phép mang sang Việt Nam mọi thứ từ những con bù lon, ốc vít, đến cả những lao động phổ thông, mà hiện giờ báo chí trong nước đang lên tiếng cảnh báo. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc độc quyền tiến hành dự án, thì việc chậm tiến độ, chèn ép công ty nội địa là chuyện chắc chắn không tránh khỏi. Hơn nữa, khi những gói thầu này Trung Quốc nắm giữ, cũng sẽ khiến tình trạng nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng hơn.

Những dự án EPC Trung Quốc trúng thầu là cả một câu chuyện dài, vừa bắt nguồn từ phía chủ quan do luật đấu thầu Việt Nam còn nhiều kẽ hở, từ phía các chủ đầu tư doanh nghiệp Nhà nước và cũng vừa bắt nguồn từ phía khách quan của Trung Quốc muốn khai thác và chiếm giữ những lĩnh vực chiến lược Việt Nam. Vì thế, chúng tôi xin trích dẫn lời T.S Nguyễn Quang A để kết thúc bài viết. Tiến Sĩ A cho rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân, cách làm EPC là cách làm thông dụng, chẳng có gì phàn nàn. Có lẽ cái đáng phàn nàn là ở chính chúng ta.”

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------------

TS Nguyễn Hữu Từ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
15/06/201115:11:38
Câu chuyện về nhà thầu Việt luôn phải làm nhà thầu phụ, đặc biệt là các gói thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị, xây lắp) đã làm trăn trở không ít DN.
Không những vậy, điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy cho kinh tế đất nước. Câu hỏi đặt ra liệu nhà thầu VN có vươn lên làm chủ thầu chính trong các gói thầu EPC hay không? Bài viết này đề cập một số vấn đề để cùng tìm ra giải pháp.

Hiệu quả thực sự
Qua nghiên cứu các gói thầu EPC trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi có Luật Đấu thầu, nổi lên một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, tỉ lệ các gói thầu EPC nhà thầu nước ngoài, trong đó, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất lớn. Hầu hết các dự án nhiệt điện than, hoá chất, khai khoáng (chế biến Bau xít - nhôm, Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông), luyện kim, xi măng, triển khai từ năm 2005 đến nay đều do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu làm tổng thầu EPC.
Từ năm 2003 đến nay, có 13 dự án nguồn điện (nhiệt điện than) do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện. Ngành hoá chất có 6 dự án (đạm Urê, DAP) thì có tới 5 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm 83%. Hiện có 2 dự án chế biến khoáng sản (Tổ hợp Bau xít - nhôm Lâm Đồng và dự án Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông) thì cả 2 dự án đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm 100%. Trong tổng số các dự án xi măng có 62 dây chuyền thì có 49 dây chuyền của Trung Quốc chiếm 79%; về công suất chiếm 49,6%.
Thứ hai, phần lớn các dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC thường bị kéo dài thời gian xây dựng, chậm tiến độ bàn giao so với hợp đồng từ 3 tháng đến 2 hoặc 3 năm.
Chậm nhất như Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ Hải Phòng, của Tập đoàn Hoá chất VN khởi công từ ngày 27/7/2003, cho đến nay sau 7 năm xây dựng nhưng chưa thể bàn giao. Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình sau 20 tháng triển khai đến nay cũng chậm 6 tháng; các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành than quản lý và chủ đầu tư như Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và chủ đầu tư như Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18 - 24 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao.
Thứ ba, chất lượng thiết bị trong gói thầu EPC không đồng đều, một số chất lượng thấp, ảnh hưởng đến chất lượng toàn bộ công trình và tiến độ triển khai. Phần lớn các thiết bị phụ trợ chất lượng thấp, phải thay thế.
Thứ tư, trong quá trình triển khai dự án, nhiều trường hợp nhà thầu đề nghị thay đổi các thiết bị so với cam kết ban đầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị công trình. Thực tế ở một số nhà máy, trong quá trình thực hiện công tác mua sắm thiết bị, nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc thường đề xuất một số thay đổi tiêu chuẩn vật liệu và thay đổi hoặc bổ sung nhà cung ứng thiết bị, vật liệu.
Thứ năm, khi triển khai hình thức tổng thầu, phần thi công công trình là phần phải sử dụng nhiều lao động, bao gồm cả lao động kỹ thuật cao, lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu EPC Trung Quốc không sử dụng lao động VN, kể cả lao động phổ thông.
Thời gian tổ chức đấu thầu thường bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc của chủ đầu tư và làm chậm tiến độ thực hiện, nhất là các công trình, dự án đòi hỏi hoàn thành nhanh để phát huy hiệu quả cho nền kinh tế.
Từ khi thực hiện Luật Đấu thầu thì phần lớn các dự án thường phải đấu thầu từ 2 lần trở lên mới chọn được nhà thầu, cá biệt có dự án kéo dài thời gian đấu thầu gần 3 năm. Các dự án về nguồn điện phải kéo dài thời gian xây dựng, chậm phát điện, trong khi, EVN vẫn phải mua điện của Trung Quốc với giá cao. Điều đó làm thiệt hại về kinh tế không chỉ cho ngành điện mà cho cả các ngành sản xuất khác do không đủ gây ra.
Đặc biệt là làm mất cơ hội cho phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước và gia tăng tình trạng nhập siêu ở nước ta.
Việc các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu kéo theo hệ quả là họ sử dụng các thiết bị phụ trợ do chính Trung Quốc sản xuất. Tỉ lệ thiết bị chính và phụ trợ được sản xuất tại Trung Quốc ngày càng gia tăng đang là thách thức và nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai dẫn đến việc ta phải phụ thuộc Trung Quốc.
Tình trạng này xảy ra không chỉ ở các thiết bị liên quan đến các dự án, công trình nhiệt điện, ngành xi măng mà còn cả thiết bị các ngành chủ lực khác như: cơ khí, luyện kim, hoá chất, khai khoáng... Điều đó cũng có nghĩa ta phải tăng nhập khẩu không chỉ thiết bị chính mà cả các thiết bị phụ trợ đi kèm, gây khó khăn cho việc nâng cao tỉ lệ nội địa hoá các sản phẩm và làm gia tăng giá trị nhập siêu ở nước ta hiện nay. Hậu quả các DN trong nước sẽ ít cơ hội để phát triển, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng, dịch vụ và lao động phổ thông.

Lý giải nguyên nhân
Trước hết, quy định pháp lý còn bất cập. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Luật Đấu thầu chưa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt một số điều, khoản của Luật Đấu thầu chú trọng về tiêu chí chọn thầu giá thấp. Trong quy định hiện nay, các nhà thầu nếu tiêu chí kỹ thuật đạt 70 - 80% thì ai trả giá thấp nhất được chọn thầu. Vấn đề khái niệm “trên cùng mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại” chưa được làm rõ, dẫn đến việc một nhà thầu có điểm kỹ thuật 100% hơn nhà thầu có điểm kỹ thuật 70% (vượt ngưỡng) sẽ không được chọn nếu trả giá cao hơn.
Chưa có quy định ưu tiên lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, công nghệ có có tiêu chuẩn cao (EU, Mỹ). Cụ thể ở khoản 5 Điều 12 quy định một số hành vi bị cấm trong đấu thầu: không được “...nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu EPC…”. Tuy nhiên, vấn đề cấm không ghi xuất xứ của quốc gia nhưng phải có quy định về công nghệ tiêu chuẩn cao ( EU, Mỹ) và đã từng được các quốc gia ở khu vực này sử dụng.
Điều này dẫn đến việc khi xây dựng các bài thầu, chủ đầu tư không thể yêu cầu trình độ công nghệ theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới cụ thể. Với quy định hiện hành, nhà thầu có giá thấu thấp sẽ trúng thầu thì phần lớn các nhà thầu EPC của Trung Quốc đã thành công trong việc đưa ra giá dự thầu thấp. VN lại chưa có hệ số quy đổi thiết bị theo các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, do đó, khó đánh giá chất lượng và giá các thiết bị thay thế.
Vấn đề quy định năng lực nhà thầu được đặt ra là một tiêu chí đánh giá để chọn nhà thầu. Song hầu hết các chủ đầu tư chưa có thang điểm cụ thể, có các thông tin chính xác để xác định điểm về năng lực nhà thầu. Cũng lưu ý đây là con dao hai lưỡi: nếu đặt vấn đề này quá chặt thì các nhà thầu VN không thể tham gia dự thầu và không thể trúng thầu.
Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Năng lực chủ đầu tư thể hiện đầu tiên ở việc xem xét lựa chọn đấu thầu EPC hay tách các phần công việc để có các gói thầu phù hợp với điều kiện ở VN đang là vấn đề. Nhiều chủ đầu tư không đánh giá được các gói thầu thiết kế, xây lắp nhà thầu trong nước có thể thực hiện để lựa chọn cách thức đấu thầu EPC hay đấu thầu từng phần thiết kế, mua sắm thiết bị và xây lắp.
Nhiều trường hợp, chủ đầu tư dù biết nhà thầu trong nước có khả năng thực hiện gói thầu xây lắp nhưng vì nhiều lý do vẫn cho đấu thầu theo EPC. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư của VN còn thiếu thông tin về năng lực nhà thầu, chưa coi trọng, xem xét kỹ lưỡng năng lực và kinh nghiệm triển khai, quản lý của nhà thầu. Đặc biệt chưa có kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, hàng hoá, dịch vụ cung ứng.
Sau khi trúng thầu, việc thương thảo và ký hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm của nhà thầu, khi nhà thầu vi phạm. Đồng thời, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện tốt chức năng của mình, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, các điều kiện để giúp các nhà thầu trong nước trúng thầu còn ít. So với các nhà thầu của Trung Quốc thì nhà thầu VN thiếu sự trợ giúp đắc lực của Chính phủ để bảo đảm cho việc thắng thầu trong nước. Đặc biệt là thiếu năng lực tài chính, cơ chế chính sách hỗ trợ vay vốn với chi phí thấp, thiếu bảo lãnh của các ngân hàng trong nước, nhất là ràng buộc giữa nhà thầu và nhà cung cấp vốn; cơ chế vay vốn và bảo lãnh tín dụng phức tạp mất nhiều thời gian, giải ngân chậm; thủ tục hành chính rườm rà...
Vấn đề ngoại tệ và tỉ giá cũng đang là cản trở của các nhà thầu trong nước. Trong khi các nhà thầu nước ngoài được phép chào thầu, thanh toán bằng ngoại tệ thì nhà thầu VN phải thực hiện bằng đồng VN.

8 giải pháp chính
Từ tình hình trên, chấn chỉnh công thác đấu thầu các dự án theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất trong nước là cần thiết, nên chăng tập trung vào một số giải pháp sau:
1 - Cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá ngay tổng thể, toàn diện tình hình triển khai các dự án theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, nhất là các dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC... Từ đó, tìm ra các nguyên nhân để chấn chỉnh và khắc phục.
2 - Xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các các quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu, phân cấp quản lý đầu tư. Xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật Đấu thầu và các hướng dẫn kèm theo. Trong đó, phải có quy định tiêu chuẩn trúng thầu theo các yếu tố đồng bộ: giá dự thầu thấp; trình độ công nghệ cao; kinh nghiệm và trình độ quản lý, năng lực thi công của nhà thầu; tiến độ triển khai; nâng mức phạt vi phạm hợp đồng.
3 - Vấn đề lớn là phải quan tâm đến chi phí trên 1 đơn vị lợi ích mang lại. Cụ thể có quy định đánh giá trên cơ sở so sánh giữa giá trả thầu trên 1 điểm kỹ thuật của từng nhà thầu; chi phí trên điểm năng lực... để chọn được nhà thầu vừa có kỹ thuật tốt nhất, năng lực triển khai tốt và giá thầu hợp lý.
4 - Chấn chỉnh lại công tác đấu thầu theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - EPC. Hạn chế việc đầu tư theo tổng thầu EPC; tăng mức chỉ định thầu theo quy định của Luật bổ sung, sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng. Trong những trường hợp có thể tổ chức theo các hình thức tách các gói thầu thầu thiết kế - E; tổng thầu thi công xây dựng công trình - C; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình – EC, các dự án mà nhà thầu VN đảm nhận được 70% thì không cần tổ chức đấu thầu quốc tế; hạn chế các dự án, công trình đấu thầu tổng thầu EPC để khuyến khích và tạo cơ hội cho DN VN tham gia.
5 - Có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ các nhà thầu trong nước về tài chính để bảo đảm năng lực tài chính. Khuyến khích liên danh, liên kết tham gia đầu thầu các dự án lớn. Xem xét vấn đề sử dụng đồng tiền VN trong đấu thầu và thanh toán các gói thầu.
6 - Sớm ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm bớt nhập siêu, đồng thời, chủ động thay thế máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu không để phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế.
7 - Khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ, để hạn chế các công nghệ lạc hậu, công nghệ rác, công nghệ tiêu hao năng lượng...; xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ đi đôi với các biện pháp tăng cường công tác dự báo, công tác thông tin công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công nghệ của các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên quan đến quy hoạch phát triển các ngành quan trọng.
8- Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý nhà nước đối với các dự án đấu thầu. Có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật đấu thầu; xử lý các trường hợp làm phương hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực đấu thầu. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với chủ đầu tư, cán bộ trực tiếp làm công tác đấu thầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những người vi phạm quy định về đấu thầu.
Trên đây là một số vấn đề rút ra qua nghiên cứu tình hình tổ chức và triển kha các dự án ở một số ngành quan trọng theo hình thức EPC. Hi vọng rằng sẽ góp phần vào các suy nghĩ và giải pháp để nhà thầu VN có thể thắng thầu ở trong nước.
TS Nguyễn Hữu Từ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
(theo Diễn đàn doanh nghiệp)
----------------------------------
Tác giả: Tấn Đức
Bài đã được xuất bản.: 18/06/2011 06:00 GMT+7
Điều thực sự gây lo lắng ở đây không chỉ là sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn ở sự lệ thuộc ngày càng lớn vào các nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc.
Đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó phần lớn là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất. Tình trạng này không chỉ gây ra sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn làm tăng sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nhà thầu Trung Quốc áp đảo
Tại một hội thảo diễn ra vào đầu tháng 6-2011, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần một nửa trong tổng số 248.000 tỉ đồng giá trị các gói thầu xây lắp bằng vốn nhà nước và vay của nước ngoài trong năm 2010, do công ty Trung Quốc thực hiện.
Điều thực sự gây lo lắng ở đây không chỉ là sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn ở sự lệ thuộc ngày càng lớn vào các nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc.

Thực trạng nêu trên cũng không phải là mới. Năm 2009, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, đã cảnh báo về tình trạng đến 80% dự án nhiệt điện than do Trung Quốc làm tổng thầu hoặc giữ vai trò chính trong liên danh. Đồng thời, Việt Nam cũng đã phải gánh chịu cái giá không nhỏ bởi chất lượng kém của các công trình xây lắp do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu gây ra.
Nhưng vì sao tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn nặng nề hơn, khi nhà thầu Trung Quốc lại tiếp tục được giao những dự án nhiệt điện rất lớn khác, bất kể sự chậm trễ và những sự cố liên quan đến chất lượng thiết bị ở những nhà máy điện trước đó.

Những nguyên nhân thiếu thuyết phục
Những tham luận trình bày ở hội thảo do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức vừa qua và trong các diễn đàn bàn về vấn đề tương tự trước đây, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp đã phân tích và cho rằng nguyên nhân của sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam là do họ chào giá quá thấp.
Trong khi đó, Luật Đấu thầu lại không cho phép chủ đầu tư đưa ra sự khống chế về xuất xứ thiết bị, công nghệ khi xét thầu, mà chỉ có thể đưa ra các điều kiện về hiệu quả, chất lượng công trình. Ngoài ra, nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay thương mại và ODA của Trung Quốc, nên chỉ nhà thầu của nước này mới được tham gia.
Tuy nhiên việc lý giải rằng các công ty Trung Quốc thắng thầu vì họ chào giá thấp là không thuyết phục. Với những dự án lớn về năng lượng, luyện kim... giá cả không thể xếp trên những yếu tố về chất lượng, tính ổn định trong vận hành và mức độ lệ thuộc vào một nhà cung cấp. Việc quyết định thực hiện một dự án không thể chỉ dựa vào mỗi một tiêu chí là chi phí đầu tư ban đầu mà hiệu quả vận hành mới là yếu tố quan trọng nhất.
Ngoài ra, giá cả của công ty Trung Quốc chào chưa hẳn đã rẻ, mà các dự án nhiệt điện than là ví dụ. Tập đoàn Khí Đông Phương được trúng thầu dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 công suất 1.245 MW, do tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, với giá 1,4 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhận thầu dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ với giá 1,17 tỉ đô la Mỹ. Gần đây, PVN lại giao cho Lilama một dự án 1.200 MW nữa với giá 1,2 tỉ đô la Mỹ. Nhà máy này sử dụng toàn bộ thiết bị, công nghệ của Nhật Bản, Mỹ. Còn công ty Trung Quốc thì nhận được dự án Duyên Hải 3, cũng với công suất 1.200 MW nhưng giá thầu là 1,3 tỉ đô la Mỹ và lắp đặt thiết bị của Trung Quốc.
Luật Đấu thầu của Việt Nam tuy còn khiếm khuyết, nhưng đó cũng không thể là nguyên nhân giải thích cho sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc.

Nếu nói là tại luật, thì vì sao trong ba doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư lớn vào nhiệt điện, gồm PVN, EVN và tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), chỉ những dự án do EVN và TKV làm chủ đầu tư, nhà thầu Trung Quốc mới thắng thế, còn các dự án của PVN thì nhà thầu trong nước chi phối hết? Riêng với TKV, hầu hết các dự án lớn của tập đoàn này, gồm sáu nhà máy nhiệt điện và các dự án luyện kim như đồng Sin Quyền, bauxite ở Tây Nguyên đều do các công ty của Trung Quốc đảm nhận.
Liên quan đến nguồn vốn, lẽ đương nhiên nước nào cấp vốn cho Việt Nam thì doanh nghiệp nước đó được độc quyền đấu thầu. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp... chủ yếu cung cấp ODA cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Việt Nam. Còn Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào các dự án công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng và những ngành khai thác tài nguyên trong nước.

Rủi ro khó lường
Vấn đề các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết các gói thầu xây lắp lớn đã được mổ xẻ nhiều trong ba năm qua. Điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là khả năng bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư, thiết bị thay thế của nước này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà máy nhiệt điện dùng thiết bị của Trung Quốc bị hư hỏng, nhưng không được cung cấp phụ tùng kịp thời để thay thế, nhất là trong thời điểm căng thẳng về cung - cầu điện?
Hơn nữa, chuyện hư hỏng đối với thiết bị Trung Quốc lại xảy ra khá thường xuyên. Mùa khô năm ngoái, Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than bị hư hỏng và tiến độ xây dựng chậm.
Liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư với những thiết bị và công nghệ rẻ tiền nhập từ Trung Quốc hay không?
Ngoài ra, tình trạng các gói thầu xây lắp lớn rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc còn góp phần làm cho tình trạng nhập siêu thêm trầm trọng. Các nhà thầu cho biết, ở các công trình xây lắp do các công ty Nhật Bản, châu Âu... làm tổng thầu, các doanh nghiệp trong nước thường được giao đảm nhận những công việc phụ, với giá trị có thể lên đến 30% tổng giá trị hợp đồng.
Nhưng với tổng thầu Trung Quốc thì khác hẳn. Họ mang sang Việt Nam từ những thiết bị lớn cho đến những con bù lon, ốc vít. Thậm chí, ở dự án phân đạm Cà Mau, đến thiết bị làm vệ sinh và công nhân dọn dẹp vệ sinh họ cũng mang từ Trung Quốc sang.
Tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải rà soát và siết lại công tác quản lý đối với hoạt động đấu thầu. Theo đó, các gói thầu mà doanh nghiệp trong nước đảm nhận được trên 50% thì không đấu thầu quốc tế nữa, mà chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước. Trong trường hợp thiết bị công nghệ trong nước không sản xuất được, thì chủ đầu tư có thể tách riêng để tổ chức đấu thầu quốc tế.
Đây là một quyết định kịp thời và nếu thực hiện nghiêm túc, nó sẽ mang lại nhiều hy vọng cho các nhà thầu trong nước và được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nhập siêu với Trung Quốc.
Theo TBKTSG

---------------------------------------



BBC
Cập nhật: 05:51 GMT - thứ hai, 2 tháng 8, 2010
Thống kê trên báo Việt Nam cho hay tuy đầu tư trực tiếp không cao nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc lại chiếm lĩnh thị trường tổng thầu EPC trong các công trình thượng nguồn.
Thông tin trên chuyên trang diễn đàn doanh nghiệp VNR500 của báo điện tử VietnamNet nói tuy lượng đầu tư trực tiếp FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tương đương 1,5% tổng vốn FDI, nhưng "tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất…của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm" với tư cách tổng thầu EPC.
Hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng trong đó nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật tới cung ứng vật tư, thiết bị, thi công công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Bản tin trên trang VNR500 nói thực tế chưa có thống kê chính thức, nhưng 90% là tỷ lệ ước tính của "các quan chức ngành công thương".
Thông tin nói trên tuy không hẳn mới, nhưng nó một lần nữa cho thấy đang có quan ngại trước sự hiện diện ồ ạt của các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng, năng lượng... thuộc loại tối quan trọng của quốc gia.

Dự án kinh tế trọng điểm
Bộ Công Thương được dẫn nguồn đưa ra con số vào tháng 7/2009 cho thấy, có 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam.
"41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng."
Trong số này có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ.
Về khai thác bauxite, các công ty Trung Quốc áp đảo thị trường.
Lĩnh vực năng lượng điện được cho là có dự tham gia mạnh mẽ nhất của các nhà thầu Trung Quốc.
Hai tập đoàn Điện khí Thượng Hải và Tập đoàn Đông Phương của Trung Quốc có mặt trong các dự án quan trọng xây dựng các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1...
Các công ty Trung Quốc khác cũng tham gia dự án Vũng Áng, Kiên Lương. Gói thầu dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương được nói trị giá tới 2 tỷ đôla, ký với nhà thầu Trung Quốc hồi tháng 7/2010.
Điều đáng chú ý là đa số các dự án đang bị chậm tiến độ.
Lý do các doanh nghiệp Trung Quốc hay thắng thầu được cho trước hết là vì giá thấp, trong khi theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, "cơ chế đấu thầu ở Việt Nam thực chất là đấu thầu về giá".
Tuy nhiên, các nhà thầu Trung Quốc luôn mang vào Việt Nam không những công nhân lao động, mà cả nguyên vật liệu và trang thiết bị.
Hiệp hội Cơ khí đánh giá như vậy "vô hình chung, chúng ta đã tạo công ăn việc làm và GDP cho nước bạn và làm gia tăng nhập siêu".
.
.
.

No comments: